Bằng đại học các nước trên thế giới không phân loại chính quy hay tại chức
Đa số các nước như Mỹ, Anh, Pháp… đều không có hệ đại học tại chức như ở Việt Nam, do đó bằng đại học của họ cũng không có thông tin phân loại đại học tại chức hay chính quy.
Hình thức đào tạo toàn thời gian (full time) hay bán thời gian (part time) ở các quốc gia này hoàn toàn giống nhau về nội dung chương trình giảng dạy, chỉ khác về thời gian kết thúc và nhận bằng.
GS Phạm Quang Hưng, công tác tại Đại học Virginia (Mỹ) cho biết: Ở bên Mỹ, bằng đại học chỉ để tên của trường Đại học và Khoa của sinh viên. Bên Mỹ không có hệ Đại học tại chức. Ở Đại học thường có những chương trình đặc biết để những người đang có việc có thể tiếp tục học và lúc học xong thì sẽ có bằng cũng như những chương trình khác. Văn bằng bên Mỹ là để chứng nhận là đã kết thúc một chương trình học.
“Tôi nghĩ là nếu xong chương trình (đại học) 4 năm thì chỉ có một bằng. Còn nếu học thêm 6 tháng hay 1 năm thì chỉ có thể cấp một giấy chứng nhận chứ không phải một bằng Đại học. Ở Mỹ cũng có cái mà họ gọi là “two-year college” ở các trường Cao đẳng cộng đồng nhưng văn bằng từ những trường này hoàn toàn khác bằng đại học 4 năm. Nhìn chung, ở Mỹ văn bằng đại học rất đơn giản. Khi đi tìm việc bằng đại học chỉ là một yếu tố cần, cuộc phỏng vấn là rất quan trọng”, GS. Hưng chia sẻ quan điểm.
Bằng đại học ở Mỹ không phân biệt hệ tại chức chính quy và cũng không bất buộc ghi xếp loại (tùy từng trường) – Ảnh minh họa.
GS Dương Quang Trung, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Queen’s University Belfast (1 trong 24 trường ĐH hàng đầu của Vương quốc Anh) cho hay: Ở Anh, chắc chắn bằng bằng đại học không phân loại full time (toàn thời gian) hay part time (tại chức). Bên này, người ta học part time hay full time khác nhau là về thời gian nhưng giống nhau là hoàn thành toàn bộ môn học. Ví dụ full time do học toàn thời gian sẽ hoàn thành chương trình trong 1 năm thì part time học gián đoạn nếu sẽ kéo dài đến 2 năm, miễn là hoàn thành toàn bộ môn học.
Video đang HOT
Khi được hỏi quan điểm “Việc phân loại đại học tại chức hay chính quy trên bằng có quan trọng không”, GS Dương Quang Trung đáp: “Ở Anh, đại học theo hình thức part time và full time vẫn y hệt nhau về chương trình, còn ở Việt Nam chính quy và tại chức dường như khác nhau hoàn toàn về môn học, nội dung chương trình. Hai cái khái niệm ở 2 nước khác nhau nên tôi không có ý kiến”.
Thạc sĩ Bùi Hải Đăng – tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Sư phạm Cao cấp Cachan (Pháp) cho biết, ở Pháp bằng đại học sẽ không ghi tại chức/chính quy. Phân loại học lực khá giỏi trung bình thì có trường ghi, có trường không ghi chứ không bắt buộc. Bảng điểm chỉ ghi điểm, những môn nào đã học, đã thi chứ không ghi thời gian học. Vì xếp loại bằng không bắt buộc nên cũng không có việc phân loại màu trên các bằng giỏi, trung bình, khá khác nhau.
Văn bằng của Thạc sĩ Bùi Hải Đăng tốt nghiệp tại Pháp thậm chí không ghi cả xếp loại học lực (Giỏi, Khá, Trung bình).
Theo Thạc sĩ Đăng, không cần thiết ghi chính quy/tại chức trên bằng đại học, xếp loại thì có thể để lại.
Anh Đăng cho rằng, ở nước mình tuỳ vào ngành nghề mà bảng điểm và xếp loại tốt nghiệp loại giỏi vẫn là ưu điểm khi phỏng vấn.
“Bản chất là người học đại học thời nay nhan nhản, công việc sau khi ra trường lại không quá nhiều nên khi tuyển dụng nhà tuyển dụng sẽ có cách sàng lọc. Tất nhiên, thông thường nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên kinh nghiệm, nếu hai ứng viên kinh nghiệm như nhau thì có thể nhà tuyển dụng vẫn sẽ dành thiện cảm hơn cho bằng giỏi so với trung bình (tất nhiên cũng có những trường hợp công việc, bằng trung bình sẽ được ưu tiên hơn bằng giỏi).
Nhưng cũng có nhiều yếu tố khác, ví dụ ở các thành phố lớn thì biết ngoại ngữ mà bằng đại học loại khá vẫn có thể ưu thế hơn bằng giỏi mà mù tịt ngoại ngữ. Nhìn chung, tôi cho rằng nhà tuyển dụng sẽ có nhạy cảm và tùy đặc thù từng ngành nghề/vị trí để tuyển chọn được người phù hợp.
“Vì ở nước ngoài không có hệ đại học tại chức nên bằng cấp của họ không ghi như mình. Cá nhân tôi nghĩ, nếu đã chấp nhận loại hình đào tạo tại chức cũng được coi như đào tạo đầy đủ, bằng đại học tại chức cũng có đủ quyền năng để… thăng tiến như bằng chính quy; thì không cần trên bằng cấp ghi rõ chính quy hay tại chức.
Ai cũng hiểu rằng, có trường đại học phải cạnh tranh khốc liệt, thi cử căng thẳng mới vào được rồi tốt nghiệp được nhưng cũng có trường chỉ nộp hồ sơ là được vào học rồi tốt nghiệp dễ dàng… Có thể, hai ứng viên cùng tốt nghiệp đại học nhưng bản thân bằng cấp của họ đã vô hình trung được phân loại bằng nơi đào tạo (uy tín hay không)”, Thạc sĩ Bùi Hải Đăng nêu góc nhìn cá nhân.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Phải cân nhắc kỹ
Bằng tốt nghiệp trình độ đại học (ĐH) sẽ không ghi loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, không phân biệt chính quy hay tại chức.
Đây là những qui định được đưa vào Dự thảo lần 1 Thông tư về nội dung chính của văn bằng ĐH vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến.
Ảnh minh họa
Như vậy, so với quy định hiện nay sẽ có nhiều thay đổi lớn về cách thức ghi trên văn bằng giáo dục ĐH. Theo Thông tư số 19/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức khác nhau. Đồng thời văn bằng theo quy định hiện hành cũng phân biệt rõ ràng các hình thức đào tạo. Đáng chú ý, là có sự phân biệt tên văn bằng tuỳ theo khối ngành đào tạo như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân...
Nhưng nếu dự thảo này được thông qua thì bằng tốt nghiệp ĐH sẽ không còn các nội dung trên và tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ ĐH chỉ gọi chung là bằng cử nhân. Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo này, đã nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đại diện một số trường ĐH cho rằng, việc bỏ phân loại tốt nghiệp là hợp lý, theo thông lệ quốc tế. Bằng tốt nghiệp chỉ là minh chứng người đó hoàn thành chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo. Do vậy việc ghi hay không ghi phân loại tốt nghiệp, hình thức đào tạo không có nhiều ý nghĩa. Khi tuyển dụng, các đơn vị tuyển dụng sẽ nhìn vào bảng điểm, chứ không phải nhìn vào tấm bằng khá hay giỏi. Còn năng lực của từng người, hiệu quả công việc sẽ chứng minh, chứ không phải chỉ dựa vào kết quả được ghi trên bằng hay bảng điểm.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, lại có nhiều chuyên gia giáo dục phản đối. Họ cho rằng, với tình hình đào tạo ở Việt Nam hiện nay, nếu bỏ ghi văn bằng và hình thức đào tạo thì chất lượng giáo dục sẽ đi xuống. Và đừng so sánh với quốc tế, vì đào tạo ĐH ở Việt Nam còn quá nhiều bất cập, không thể so sánh với chất lượng quốc tế. Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế thì hệ thống đào tạo, các thông lệ, trình độ về văn hóa - văn minh cũng phải đồng bộ như họ. Còn nếu chỉ học hỏi quốc tế mỗi cách ghi nội dung trên tấm bằng ĐH e rằng còn quá nhiều khập khiễng. Đây là hình thức cào bằng, làm mất động cơ phấn đấu của mỗi người học!
Lại có ý kiến đề xuất, nếu muốn bỏ phân loại chính quy, tại chức, tập trung hay không, trước tiên mọi hình thức đào tạo phải có cùng nội dung, thời gian học và đòi hỏi chất lượng đào tạo như nhau. Bởi thực tế hiện nay, chất lượng giữa các hình thức đào tạo có sự cách biệt lớn, nếu ghi như nhau là không công bằng.
Về phía sinh viên, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định trên của Bộ GD&ĐT, bởi việc xếp loại thể hiện trên tấm bằng ĐH là động lực, mục tiêu phấn đấu. Còn những đơn vị tuyển dụng cũng nhìn vào đó đánh giá chất lượng đầu vào nguồn nhân lực. Văn bằng không thể đánh giá được 100% nhưng có thể thể hiện được 60 - 70% năng lực của từng người.
Bởi vậy, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều, để đưa ra qui định phù hợp với điều kiện Việt Nam, và tạo động lực cho từng người học và thể hiện được sự công bằng cũng như chất lượng đào tạo của các trường ĐH trong nước.
Theo kinhtedothi
Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học nhằm loại bỏ tư duy chạy đua bằng cấp Ý tưởng bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp Đại học hướng đến mô hình giáo dục mở; hạn chế tư duy chạy đua bằng cấp nhưng cần thực hiện đúng nếu không sẽ vỡ trận. Ý tưởng hay, khó đến mấy cũng phải làm Thực hiện theo điều 38 của Bộ Luật giáo dục Đại học, trong năm 2019 Bộ Giáo dục...