Băng cướp khét tiếng đất Cảng: Xả súng giết 5 công an
Hắn đã sử dụng nhuần nhuyễn những kỹ năng của lính đặc công để ăn cắp vũ khí, vượt ngục và sát hại lực lượng công an
Kỳ 3: Cướp mạng 5 công an
Nhắc đến giang hồ, người dân cả nước nghĩ ngay đến đất Hải Phòng, nơi sản sinh ra những tướng cướp, băng cướp khét tiếng. Nhưng nhắc đến giang hồ Hải Phòng, thì những cán bộ chiến sĩ từng tham gia bắt cướp, triệt phá các ổ nhóm giang hồ đất Cảng đều lắc đầu ngán ngẩm băng cướp của Phạm Văn Động.
Ngày Thượng tá Dương Tự Trọng còn đương chức Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hải Phòng, tôi có hỏi về giang hồ đất Cảng, anh cũng khẳng định rằng, trong lịch sử tội ác ở Hải Phòng, băng cướp Phạm Văn Động gây ra nhiều mất mát đau thương nhất cho ngành công an. Ngoài việc chúng cướp bóc, giết người không ghê tay, thì chúng đã cướp đi mạng sống cùng lúc 5 chiến sĩ công an.
Thượng tá Nguyễn Trọng Lộ, nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự, Đội trưởng H88 huyền thoại, người từng chỉ đạo và tham gia phá hàng chục ổ nhóm tội phạm, giang hồ khét tiếng như Tuyến “lợn”, Phương “tế”, Cẩm “thi”, Nhật “xoăn”, Cu Nên, Dung “hà”, Lâm “già”… cũng phải rùng mình khi kể về hành trình tiêu diệt băng nhóm của Phạm Văn Động.
Thượng tá Nguyễn Trọng Lộ, nguyên Đội trưởng Đội H88, Công an TP. Hải Phòng, kể về băng cướp “ngũ hổ rặng ổi”
Theo Thượng tá Lộ, băng nhóm Phạm Văn Động như những ác thú sông nước, tha hồ tự tung tự tác. Chúng nhiều vũ khí nóng trong tay, lại sẵn bản tính hung ác, nên coi trời bằng vung.
Phạm Văn Động được đào tạo trong quân ngũ, thành lính đặc công và sử dụng kỹ năng đó vào việc trấn cướp, giết người, thì bản thân những kỹ năng đó đã là một thứ vũ khí vô cùng lợi hại. Hắn đã sử dụng nhuần nhuyễn những kỹ năng đó để… ăn cắp vũ khí của Nhà nước, vượt ngục và sát hại lực lượng công an.
Ngày đó, chiến tranh mới kết thúc, vũ khí, khí tài được tập kết ở nhiều điểm dọc bờ biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Những kho vũ khí này luôn sẵn sàng chi viện cho miền Nam và phía Bắc khi hữu sự. Các kho vũ khí luôn được đảm bảo bí mật, canh giác cẩn thận.
Phạm Văn Động đã cùng các “chiến hữu” đột nhập một kho quân khí ở một hòn đảo ngoài Quảng Ninh và ăn cắp được vô số súng ống, lựu đạn, mìn sát thương.
Ngày đó, thông tin này rất nhạy cảm, không được công khai rộng rãi, nên chẳng ai biết băng cướp của Phạm Văn Động thó được bao nhiêu vũ khí, chỉ biết rằng, tên nào tên nấy súng ống kè kè bên mình, lựu đạn đeo bên lưng lủng liểng, và sẵn sàng nhả đạn cả băng không tiếc.
Tàu bè qua lại sông Cấm, sông Bạch Đằng mà không dừng lại theo hiệu lệnh, chúng nhả đạn thủng lỗ chỗ mạn tàu, và không tiếc tay “tặng” cho vài quả lựu đạn.
Một tên giang hồ đất Cảng.
Sau này, khi băng cướp “ngũ hổ rặng ổi” bị tiêu diệt, người dân đào bới, cuốc đất còn moi được cả ổ súng ống đạn dược chôn dưới lòng đất. Bọn chúng chôn vũ khí nóng khắp làng, cất giấu nhiều nơi ở “đại bản doanh” ngoài xã Lập Lễ, khi nào cần đến thì bới lên dùng.
Video đang HOT
Ông Đỗ Văn Nhật, nguyên Chủ tịch UBND xã Thủy Triều cho biết: “Ngày đó lẽ ra đã có mấy chục cán bộ, công an, dân quân thiệt mạng trước họng súng của băng cướp Phạm Văn Động, nếu như mọi người… tóm được hắn”.
Chẳng là, hồi đó, Phạm Văn Đông, em trai của Động, còn chưa tham gia băng cướp và đã có mấy lần anh em bắt nhầm. Sở dĩ bắt nhầm là vì Đông giống hệt Động.
Tối đó, nhận được tin báo băng cướp Phạm Văn Động về làng, nên các lực lượng được huy động tổng lực vây bắt chúng. Vòng vây khép chặt ngoài cánh đồng thì tóm được Đông.
Mọi người tưởng đã tóm được Động, nên kéo nhau lộ mặt hết. Tuy nhiên, lúc này mới phát hiện ra đó là Đông, em ruột của Động, kém Động có 1 tuổi và giống nhau y đúc.
Khi đó, Đông chưa tham gia băng cướp, nên phải thả Đông ra, rồi kéo nhau ra chiếc xe ô tô giấu ở rặng tre rậm rạp đầu làng, trở về thành phố.
Sau này, khi tiêu diệt được nhóm “ngũ hổ rặng ổi”, một tên đàn em của chúng khai rằng, khi lực lượng công an, dân quân tập kích, bao vây làng, bọn chúng đã nắm được tin, và bố trí lực lượng đối phó.
Nếu lực lượng này vây ráp và tóm được đại ca, thì bọn chúng sẽ xả đạn tiêu diệt toàn bộ lực lượng công an, dân quân để giải cứu. Khi lực lượng này vào làng, bọn chúng đã ém quân ở nhiều địa điểm. Mấy tay súng cừ khôi, cùng với cả đống lựu đạn đã được bố trí sẵn bên chiếc ô tô giấu ở bụi tre, sẵn sàng nhả đạn, quăng mìn nếu đại ca bị bắt.
Làng Kinh Triều, quê hương của băng cướp “ngũ hổ rặng ổi”
Mặc dù hành tung của chúng như những bóng ma, song trong một lần tổ chức cướp bên Quảng Ninh, chúng đã bị rơi vào ổ phục kích của công an Quảng Ninh và bị tóm gọn.
Ngày đó, cơ sở vật chất tạm bợ, các trại giam không chắc chắn như bây giờ, nên với kỹ năng lính đặc công, Phạm Văn Động đã tổ chức vượt ngục, đào tẩu một cách dễ dàng.
Trước khi thoát khỏi trại giam, bọn chúng còn liều lĩnh đột nhập phòng làm việc của giám thị ăn cắp mấy khẩu súng, cướp một con thuyền rồi tẩu thoát bằng đường biển, vòng vào sông Bạch Đằng, về đại bản doanh.
Khi chúng về đến bãi sú vẹt cửa sông Bạch Đằng, thì lực lượng công an Quảng Ninh trên chiếc thuyền máy đuổi kịp. Tiếng loa gọi hàng chưa kịp dứt, thì chúng nhả đạn tung tóe mặt sông. Lực lượng công an buộc phải nổ súng tiêu diệt chúng.
Tiếng súng chiu chíu, tiếng thuyền máy nổ vang trời khuấy động cả một vùng sông nước. Trận đấu súng trên sông diễn ra khá lâu. Hai bên đều rú ga chạy thuyền thật nhanh, nhưng vẫn giữ khoảng cách để tránh tầm đạn.
Công an Hải Phòng bàn phương án tác chiến
Biết rằng nếu đấu súng lâu ở mặt sông, lực lượng hỗ trợ đến kịp, khó giữ được tính mạng, nên Phạm Văn Động sử dụng kỹ năng của lính đặc công, trốn vào rừng sú vẹt.
Lực lượng công an đánh thuyền vào rừng sú, quần thảo trong đó một lát, thì lại thấy chúng đánh thuyền ra phía ngoài sông. Chúng cố tình chạy thuyền chậm lại, rồi nhảy ra khỏi thuyền, kéo thuyền lật úp.
Lực lượng công an thấy thuyền lật úp, nghĩ rằng chúng đã bị trúng đạn, chết chìm cả, nên tiến lại gần. Thận trọng trước mưu mẹo của chúng, nên mấy đồng chí công an đã giữ khoảng cách nhất định, rồi nhả đạn liên tục vào thuyền, khiến chiếc thuyền nát bươm, chìm lập lờ trong dòng nước đục ngầu.
Tin rằng chúng đã chết, nên anh em cho thuyền tiến lại gần. Tuy nhiên, không thấy có máu me, cũng không thấy cái xác nào. Khi anh em còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, thì một loạt tiếng súng vang lên từ bụi sú gần đó. Cả 5 đồng chí công an đã dũng cảm ngã xuống.
Tên Phạm Văn Động đã nghĩ ra kế hiểm, đó tự làm thuyền lật úp, rồi cả bọn lặn vào bụi sú vẹt gần đó, trát bùi đất lên mặt để ngụy trang dưới lớp rễ cây, bùn lầy. Khi lực lượng công an rơi vào tầm ngắm, thì chúng nhả đạn giết hại.
Còn tiếp…
Dương Thụy Bình
Theo VTC
Lời khai "sốc" của ông trùm xưởng sản xuất vũ khí đất cảng
Nhất khai, năm 2012 đã mua các máy móc trên để sử dụng làm cơ khí. Đến khoảng tháng 5/2012 Nhất nảy sinh ý định chế tạo súng để bán và đã tự mình chế ra. Được biết, Nhất là đối tượng nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Tại cơ quan công an, bước đầu Dương Minh Nhất (38 tuổi) khai, sau 2 lần đi tù, năm 2008 Nhất được tạm hoãn thi hành án vì nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Ra trại, Nhất thấy giới giang hồ đất Cảng đang chuộng súng bút do vừa nhỏ gọn, dễ cất giấu lại có khả năng bắn gần và giá cả phải chăng.
Sẵn khéo tay, Nhất nhận thấy đây là cơ hội làm ăn lớn. Hắn bàn với vợ là Trần Thị Hồng Vân (42 tuổi) cùng lên kế hoạch mở lò chế tạo súng đem bán cho các đối tượng giang hồ. Vợ chồng Nhất đầu tư khá nhiều tiền mua máy móc, thiết bị chuyên dụng như máy hàn, cắt, cưa, bào, phay, khoan... để chế tạo súng. Bao nhiều tiền kiếm được, vợ chồng Nhất ném hết vào ma tuý "đá". Khi bị công an bắt giữ, vợ chồng Nhất vừa phê "đá" vừa chế tạo súng.
Vợ chồng Nhất tại cơ quan điều tra. ảnh Tiền Phong
Các thiết bị đắt tiền để chế tạo chính xác từng bộ phận khẩu súng. ảnh TP
Nhất rất khéo tay nên dù sản xuất thủ công nhưng súng của Nhất bán rất chạy. Súng bút của Nhất chế tạo còn đẹp, tinh xảo, chính xác hơn nhiều súng cùng loại được sản xuất ở nước ngoài. Hai loại súng chủ yếu mà vợ chồng Nhất sản xuất là súng bút và súng colt. Nhất khai, sau khi có nguyên liệu, chỉ trong vòng 2 ngày vợ chồng Nhất sẽ hoàn thiện xong một khẩu súng bút.
Theo lời khai Trần Thị Hồng Vân - người vợ hờ hơn Nhất hai tuổi, xưởng của Nhất đã sản xuất, chế tạo được loại súng dạng bút và súng ngắn dạng colt Mỹ ổ đạn xoay 5 viên. Các loại súng trên đều bắn bằng loại đạn súng thể thao do Vân mua về.
Từ lời khai của Vân, Cơ quan CSĐT đã khám xét khẩn cấp "kho chứa hàng" của Nhất là nhà ở của Vũ Thị Loan (SN 1960, ở số 146 Quang Trung, Hồng Bàng). Tại đây, công an phát hiện và thu giữ thêm 22 khẩu súng các loại (đang phân loại); 241 viên đạn các loại; 51 vỏ đạn các loại; 21 báng súng bằng sắt; 17 báng súng hơi bằng gỗ; 16 phụ tùng phụ kiện các loại; 24 nòng súng; 181 chiếc lò xo; 1 ê tô kẹp; 1 máy khoan điện, 1 máy mài điện; 3 hộp linh phụ kiện để sửa súng, 1 sổ ghi chép việc mua bán súng và nhiều tang vật liên quan.
Số vũ khí thu được tại nhà Nhất. ảnh TP
Trước đó, tối 18/6, hơn 40 CBCS thuộc Phòng CSHS, Công an quận Lê Chân và huyện An Dương chia làm 4 mũi dưới sự chỉ huy của thượng tá Lê Hồng Thắng, Phó trưởng phòng CSHS, bất ngờ tập kích ngôi nhà nhỏ rộng chừng 12 m2 nằm sát bờ sông ở tổ 29 phường Nghĩa Xá (quận Lê Chân, Hải Phòng), bắt gọn vợ chồng chủ lò chế tạo súng cùng toàn bộ máy móc, thiết bị chuyên dụng để chế tạo súng.
Khám xét tại chỗ, công an thu 5 khẩu súng bút, 2 khẩu súng tự chế, 1 quả lựu đạn và rất nhiều phôi, chi tiết, súng đang được hoàn thiện cùng nhiều viên đạn. Đến sáng 19/6, việc khám xét lò chế tạo súng của vợ chồng Nhất mới hoàn tất.
Thượng tá Thắng cho biết, đây là chuyên án 613S được Công an Hải Phòng xác lập từ ngày 12/6 nhằm đấu tranh, triệt phá ổ nhóm chuyên sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Khi cảnh sát đột kích, vợ chồng Nhất vẫn đang miệt mài bên máy chế tạo các chi tiết súng.
Theo kết quả giám định ban đầu, loại súng bút mà vợ chồng Nhất chế tạo có tính năng sát thương không khác súng quân dụng.
CQĐT đang tiếp tục làm rõ đường dây tiêu thụ súng do lò của Nhất chế tạo.
"Đây là lò chế tạo súng qui mô, tinh vi lớn nhất đất Cảng từ trước đến nay. Súng bút thành phẩm rất đẹp, chi tiết tinh xảo hơn cùng loại sản xuất ở nước ngoài. Súng bút được đối tượng bán với giá 2 đến 3 triệu đồng/khẩu và súng Colt giá từ 8 đến 10 triệu đồng/khẩu", thượng tá Lê Hồng Thắng nói.
Theo vietbao
Vụ truy sát kinh hoàng của đàn em Dũng "mặt sắt" Vụ truy sát của đàn em Dũng "mặt sắt" vào một ngày giữa trưa cách đây hơn một năm vẫn khiến nhiều người dân Ka Long bị ám ảnh kinh hoàng. 11h30 ngày 9/3/2012, 5 thanh niên đang đứng ở khu vực gần bến xe Ka Long (phường Ka Long, TP Móng Cái) chở hàng hóa là đồ khô từ khu vực sông...