Bàn về đổi mới giáo dục phổ thông
Theo một số giáo viên, để đào tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu trong tương lai, học sinh cần tăng cường học tập Ngoại ngữ, Tin học để đón đầu những tiến bộ công nghệ thông tin và khả năng giao tiếp.
Ngày 27/10, hội thảo “Đổi mới giáo dục phổ thông trước yêu cầu đào tạo thế hệ công dân toàn cầu” đã được tổ chức tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Các chuyên gia đều chỉ ra rằng, trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng trong mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, ngành giáo dục và đào tạo của mỗi quốc gia đứng trước yêu cầu cấp bách đối với những thay đổi căn bản nhằm hình thành nguồn nhân lực ưu tú, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Sự ra đời của thế hệ “công dân toàn cầu” là nền tảng vững chắc giúp quốc gia tiến nhanh và tiến xa trên lộ trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa.
Theo TS Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội), công dân toàn cầu là khái niệm tương đối đa dạng và có nhiều cách diễn giải khác nhau.
Nhìn chung, thế hệ công dân này là những người sẽ sống và làm việc trong một cộng đồng rộng lớn hơn, thường là vượt qua khuôn khổ biên giới một quốc gia; chú trọng tính nhân văn và sự giao thoa văn hóa, kết nối giữa con người với nhau, các quốc gia này với quốc gia khác…
Vì vậy, trong thế kỉ 21, giáo dục không chỉ đơn thuần là đào tạo cho người học để “biết đọc, biết viết, biết đếm” nữa. Thay vào đó là sẽ hướng tới năng lực toàn diện và trách nhiệm hơn, giúp cho người học có thể đối mặt với những thách thức phức tạp của hiện tại và tương lai.
Các khách mời tại buổi hội thảo. (Ảnh: Thiên An)
“Thệ công dân toàn cầu cần phải xác định rất sớm định hướng nghề nghiệp, từ đó có sự lựa chọn ngành học đúng đắn và phát huy hết tiềm năng của người học. Do vậy, việc đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác mang tính “cộng sinh” giữa trường phổ thông với trường đại học là thực sự cần thiết.
Từ đó, các em học sinh được các chuyên gia của trường đại học với các chuyên ngành khác nhau tới trao đổi để hình thành định hướng nghề nghiệp; giúp các đại học giới thiệu được hình ảnh của mình để phục vụ tuyển sinh”, ông Đảm cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nêu quan điểm, việc chủ động cập nhật các chương trình giáo dục tiên tiến hướng tới phát triển năng lực học sinh là rất quan trọng. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tin học là giải pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất, giúp người lao động tự chiếm lĩnh tri thức tiến bộ của nhân loại.
“Năm học 2015 – 2016, trường chúng tôi đã đưa chương trình Tin học quốc tế MOS vào giảng dạy chính khóa cho học sinh khối THPT. Tới năm học 2017 – 2018, khoảng 99,5% học sinh khối 11 của trường thi đỗ chứng chỉ Tin học quốc tế MOS. Do vậy, từ năm học 2018 – 2019, trường tiếp tục triển khai chương trình Tin học quốc tế IC3 cho học sinh khối THCS.
Nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh trong hội nhập quốc tế, từ năm học 2014 – 2015 trường tổ chức cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ do tổ chức IIG Việt Nam cung cấp. Học sinh đã chủ động và tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.
Năm học 2018 – 2019, chương trình Tiếng Anh học thuật được triển khai cho khối THCS nhằm tạo cơ hội để học sinh học Tiếng Anh gắn liền với các môn khoa học, được làm thí nghiệm và thuyết trình bằng Tiếng Anh…”, bà Thu Anh nói thêm.
Bà Lê Mai Anh – Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An – ngôi trường có thâm niên 110 năm tuổi của Hà Nội, cũng cho rằng, nhà trường sẽ nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, độc lập, khả năng kết nối học tập.
Trường Chu Văn An sẽ tăng cường khả năng ngoại ngữ, đáp ứng mục tiêu hội nhập, phát triển và đào tạo công dân toàn cầu.
Được biết từ năm học 2017 – 2018, Trường THPT Chu Văn An chính thức đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (chứng chỉ A – Level). Đây là chứng chỉ được công nhận và đánh giá cao bởi rất nhiều trường đại học trên thế giới như ĐH Harvard, ĐH Cambridge…
Qua đây đã định hướng bước đầu cho học sinh nâng cao kiến thức, kĩ năng hoạt động và tương lai các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu với kĩ năng và trí tuệ đạt chuẩn quốc tế.
Thiên An
Theo Dân trí
Trường THPT dạy piano, violin cho học sinh
Một phòng học nhạc được trường THPT chuyên Ngoại ngữ xây dựng nhằm đáp ứng đổi mới sắp tới trong chương trình giáo dục phổ thông.
Tối 10/10, trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức đêm nhạc "Tiếng thu" để ra mắt phòng học nhạc và chương trình đào tạo âm nhạc tại trường. Học sinh có thể đăng ký các lớp học nhạc cụ như trống, guitar, piano, violin, trumpet hay học thanh nhạc ở hai mức cơ bản và nâng cao ngay trong trường.
Phòng học âm nhạc mới của trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Ảnh: Dương Tâm
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông ban hành hồi tháng 1/2018, Âm nhạc sẽ là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. Việc xây dựng chương trình đào tạo âm nhạc trong trường THPT chuyên Ngoại ngữ nhằm hướng đến đáp ứng việc đổi mới này, đồng thời thực hiện cam kết đào tạo theo khung phẩm chất, năng lực học sinh của nhà trường.
PGS Nguyễn Thành Văn, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ, chia sẻ từ lâu đã ấp ủ về một chương trình giáo dục âm nhạc dành cho học sinh toàn trường và tỏ ra vui mừng khi đã thực hiện được.
"Nhà trường đã quyết định xây dựng một phòng âm nhạc với sự đóng góp một phần từ phụ huynh, biến ước mơ về một chương trình giáo dục âm nhạc học đường hiện đại thành hiện thực. Đây là công trình gửi gắm tất cả tình cảm yêu thương, sự quan tâm của nhà trường và phụ huynh, là món quà dành cho tất cả học sinh trường chuyên Ngoại ngữ", ông Văn nói.
Nhóm học sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ biểu diễn trong đêm nhạc giới thiệu chương trình đào tạo âm nhạc.
Bùi Việt Linh, học sinh lớp 11D, chia sẻ cảm thấy phấn khích khi trường có phòng âm nhạc với nhiều nhạc cụ mới, hiện đại, cùng chương trình học được giảng dạy bởi cả giáo viên trong và ngoài nước, trong khi học sinh các trường cấp 3 khác không có cơ hội học nhạc.
"Sau những giờ Toán hay Văn khá nặng và mệt mỏi, chúng em có thể tham gia lớp học nhạc cụ để xả stress và cân bằng cảm xúc. Học nhạc cũng là cách giúp chúng em hình thành và phát triển khả năng cảm thụ cái đẹp", Linh bày tỏ.
Năm 2017, trường chuyên Ngoại ngữ ban hành khung phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, một học sinh phải có đủ 10 năng lực gồm: thấu hiểu bản thân, tự chủ và tự học; giao tiếp, hợp tác và lãnh đạo; giải quyết vấn đề, năng động và sáng tạo; ngôn ngữ; tính toán; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; tin học; thẩm mỹ; thể chất. Bảy phẩm chất gồm: yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, tự trọng, chăm chỉ và kỷ luật.
Dương Tâm
Theo Vnexpress
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Kỳ thi nào cũng có vi phạm" Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội (QH) chiều 26/10, giải trình một loạt vấn đề "nóng", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, "cá nhân tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực". Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TN "Giáo dục và đào tạo...