Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt nâng cao hiệu quả công tác khuyến học trong bối cảnh mới
Chiều 9/4, Ban Tuyên giáo Trung ương có cuộc họp với Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhằm thống nhất những vấn đề khuyến học, khuyến tài cần đặt ra sau Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW. Đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi làm việc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng làm việc với Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chiều ngày 9/4.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Doan (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) cho biết: “Trong 10 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và 6 năm triển khai Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.
Ban Tuyên giáo Trung ương cùng cấp ủy và chính quyền của nhiều địa phương đã có sự chỉ đạo cụ thể đến việc triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được những thành tích quan trọng. Việc xây dựng xã hội học tập trước bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và trên thế giới cần đến sự chỉ đạo của Đảng trong giai đoạn tới”.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu.
Những vấn đề đặt ra sau tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW
Tiếp đó, đồng chí Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam) đã báo cáo với Ban Tuyên giáo Trung ương sự phát triển của nhanh, mạnh và bền vững trên nhiều phương diện hoạt động của Hội Khuyến học trong giai đoạn triển khai Chỉ thị 11-CT/TW hơn 10 năm qua.
Tổ chức Hội phát triển rộng khắp trên các địa bàn dân cư, các cơ quan doanh nghiệm, tổ chức đoàn thể. Năm 2017, Hội có 158.479 Chi hội khuyến học và 114.291 Ban Khuyến học hoạt động tại cơ sở; số hội viên hiện nay đã lên tới 16.700.000 người, chiếm 18,44 % dân số trong nước.
Quỹ Khuyến học Việt Nam đã phát huy tác dụng ngày một mạnh hơn trong việc giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ bỏ học vì nghèo đói, động viên được hàng chục nghìn học sinh, sinh viên học giỏi. Cuối năm 2017, số tiền trong hệ thống Quỹ Khuyến học trên địa bàn cả nước lên tới 3.357 tỷ đồng.
Hệ thống Trung tâm Học tập cộng đồng dành cho việc học tập thường xuyên của người lớn đã phủ kín hầu khắp các địa bàn xã/phường/thị trấn; mỗi năm có trên 20 triệu lượt người lớn học tập tại các trung tâm này…
Đồng chí Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam) trình bày sự phát triển của phong trào khuyến học trong giai đoạn triển khai Chỉ thị 11-CT/TW hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt, Hội vẫn gặp những khó khăn, khúc mắc cần tháo gỡ: Sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng từ trung ương đến một số địa phương chưa thật sự thống nhất; nhận thức của không ít đồng chí cấp ủy các cấp về xã hội học tập, về giáo dục người lớn, về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời còn chưa thật đầy đủ, thiếu sắc sắc, thậm chí thiếu chính xác.
Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động nhưng thiếu sự quản lý thống nhất, từ đó thiếu đi kế hoạch triển khai đồng bộ việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn cả nước; một số địa phương không chấp hành việc cung cấp ngân sách cho Trung tâm như Nhà nước quy định; tuy Hội Khuyến học Việt Nam đã được Nhà nước xếp vào loại tổ chức xã hội đặc thù nhưng chế độ cho Hội đặc thù này tùy vào thái độ ứng xử của địa phương, thiếu sự thống nhất trong toàn quốc…
Đại diện Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, sự tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế tri thức, xây dựng quốc gia khởi nghiệp… đang đặt ra cho việc học tập suốt đời của người lớn những nội dung cũng như phương pháp hiện đại để việc học tập suốt đời tiếp cận nhanh, hiệu quả với tri thức/công nghệ/kỹ năng mới mà xã hội hiện đại đòi hỏi.
“Đáng chú ý, những năm gần đây giáo dục học đường lẫn giáo dục xã hội ở nước ta đã bộc lộ sự yếu kém trong việc hình thành và phát triển những phẩm chất nhân cách, những giá trị đạo đức và lối sống có văn hóa. Sự xói mòn văn hóa trong đời sống xã hội là một nguy cơ trầm trọng, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Sự sa sút về văn hóa có nguyên nhân cơ bản là thiếu coi trọng việc học và tu dưỡng. Lười học và buông thả là hiện tượng tụt hậu về văn hóa trong thế giới hiện đại”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan lưu ý.
Video đang HOT
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trình bày kiến nghị.
Do đó, Chủ tịch Hội Khuyến học kiến nghị với đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề ra một số vấn đề căn cơ, gồm: Cần có văn bản của Đảng về vấn đề mới của xây dựng xã hội học tập sau tổng kết Chỉ thị 11-CT/TW nhằm đảm bảo phát triển liên tục và bền vững của sự nghiệp xã hội học tập trong giai đoạn mới.
Trung ương Đảng thông qua Ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản cho Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, ngành có chức năng giáo dục cùng Hội Khuyến học Việt Nam về những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời cho người lớn.
Xây dựng xã hội học tập về thực chất là một sự đổi mới căn bản mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân có nhận thức đúng đắn và thực hiện một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Hội kiến nghị lập lại Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp Quốc gia dưới hình thức tổ chức hợp lý.
Vấn đề xây dựng xã hội học tập của người lớn phải được thực hiện từ trong cơ quan của Đảng tới nhân dân. Hội đề nghị đánh giá Đảng bộ, Chi bộ vững mạnh thì nên đưa “tiêu chí điều kiện” là phải trở thành đơn vị học tập.
Tiếp tục cuộc vận động học tập và noi gương Bác Hồ vĩ đại, trong đó, có việc noi gương học tập suốt đời và xây dựng những gia đình học hiệu mà Người đã nêu từ lâu.
Vấn đề sửa Luật Giáo dục sắp tới cần phải đưa việc học tập của người lớn thành một điều luật, bắt buộc người lớn phải học tập.
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW đáp ứng yêu cầu đổi mới
Sau khi lắng nghe báo cáo và kiến nghị của Hội Khuyến học Việt Nam, đồng chí Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng hệ thống giáo dục người lớn, đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong nhân dân. Xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp xu thế phát triển giáo dục của thế giới hiện đại là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng thời khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục theo sát, đồng hành cùng Hội Khuyến học Việt Nam triển khai Chỉ thị 11-CT/TW theo hướng tối đa theo dõi, hướng dẫn tổ chức thực hiện chỉ thị, nâng cao chất lượng hiệu quả của Chỉ thị 11-CT/TW trong tình hình mới.
“Ban Tuyên giáo Trung ương cũng sẽ xem xét kiến nghị của Hội, sớm ban hành hướng dẫn chi tiết việc triển khai các nội dung về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở các cấp ủy Đảng từ trung ương đến địa phương” – đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh mới gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Bên cạnh đó, phải phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập, đào tạo từ xa; đẩy mạnh các phong trào khuyến học, khuyến tài; Tiếp tục xóa mù chữ cho người lớn, thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng xã hội học tập.
Lệ Thu
Ảnh: Tuấn Anh
Theo Dân trí
Phối kết hợp gắn tiêu chí Khuyến học là điều kiện công nhận "Gia đình tiêu biểu"
Chiều ngày 5/4, tại Trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã có cuộc làm việc với Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sự chủ trì của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan chủ trì buổi làm việc.
Thay mặt Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đã giới thiệu với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) về những thành quả hoạt động quan trọng của Hội trong 10 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11 - CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và 6 năm triển khai Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.
Theo đó, Hội Khuyến học Việt Nam với tư cách là một thành viên của MTTQVN đã có sự phát triển nhanh mạnh và bền vững về các phương diện hoạt động.
Cụ thể, năm 2017, Hội có 158.479 Chi hội khuyến học và 114.291 Ban Khuyến học hoạt động tại cơ sở; số hội viên hiện nay đã lên tới 16.700.000 người, chiếm 18,44 % dân số trong nước.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam giới thiệu về thành quả hoạt động của Hội trong 10 năm qua.
Phong trào khuyến học, khuyến tài đã góp phần tích cực vào việc xây dựng diện mạo nông thông mới, khu đô thị văn minh và khu dân cư văn hóa.
Quỹ Khuyến học Việt Nam đã phát huy tác dụng ngày một mạnh hơn trong việc giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ bỏ học vì nghèo đói, động viên được hàng chục nghìn học sinh, sinh viên học giỏi. Cuối năm 2017, số tiền trong hệ thống Quỹ Khuyến học trên địa bàn cả nước lên tới 3.357 tỷ đồng.
Báo Khuyến học và Dân trí, báo Dân trí điện tử, báo Dân trí tiếng Anh và báo Dân trí dành cho miền núi cùng 63 tập san của các tỉnh thành, Hội là một mạng lưới tuyên truyền đường lối giáo dục và khuyến học trong cả nước, tuyên truyền và vận động đông đảo người dân tham gia cuộc vận động học tập và xây dựng đời sống văn hóa mà hàng năm MTTQVN chỉ đạo thực hiện.
Hệ thống Trung tâm Học tập cộng đồng dành cho việc học tập thường xuyên của người lớn đã phủ kiến hầu khắp các địa bàn xã/ phường/ thị trấn; mỗi năm có trên 20 triệu lượt người lớn học tập tại các trung tâm này...
GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị với Ban Thường trực UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số vấn đề căn bản xoay quanh việc xây dựng xã hội học tập với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa hai bên.
Tiếp đó, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, những thành tích trên sẽ có thể cao hơn nhiều nếu có ý kiến chỉ đạo thống nhất và tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ của MTTQVN trên các diễn đàn của Quốc hội, các hội nghị lớn về giáo dục do Chính phủ tổ chức.
Chủ tịch Nguyễn Thị Doan đã kiến nghị với Ban Thường trực UBTW MTTQVN một số vấn đề cụ thể.
Chủ tịch Nguyễn Thị Doan cho hay, một vấn đề cơ bản nhất hiện nay là Hội Khuyến học Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể để phát triển chủ trương "giáo dục người lớn". Đồng thời, một thực trạng đáng nguy hiểm hiện nay là đội ngũ cán bộ công chức, tri thức đương nhiệm lại không chú ý đến việc học tập suốt đời.
Do đó, GS.TS Nguyễn Thị Doan kiến nghị, UBTW MTTQVN có văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Mặt trận các cấp phối hợp với Hội Khuyến học cùng cấp tiến hành giám sát và phản biện việc thực hiện Nghị quyết 290NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó có lĩnh vực giáo dục người lớn ở trung ương và từng địa phương.
Thứ hai, các cấp lãnh đạo của Mặt trận phối hợp với các cấp của Hội Khuyến học thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đến năm 2020", lấy tiêu chí học tập như một điều kiện cơ bản trong việc triển khai các cuộc vận động về văn hóa: gia đình học tập là điều kiện cần để công nhân gia đình văn hóa; Cộng đồng học tập cấp phường, xã là điều kiện để công nhận nông thôn mới, khu đô thị văn minh, khu dân cư văn hóa; Lao động tiên tiến phải bảo đảm kết quả học tập theo quy định mà Quyết định 89/QĐ-TTg đề ra...
Thứ ba, hiện nay, Bộ GD&ĐT cùng Hội Khuyến học đang thử nghiệm Bộ tiêu chí đánh giá Thành phố học tập và Công dân học tập (trên cơ sở tham khảo các Bộ tiêu chí của một số quốc gia). Hội Khuyến học Việt Nam trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch MTTQVN ủng hộ đặc biệt với tiêu chí "Công dân học tập", có thể coi như một nội dung thi đua cho Mặt trận phát động để mọi người dân Việt Nam ai cũng tham gia học tập suốt đời tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Thị Doan kiến nghị lãnh đạo MTTQVN có tiếng nói trên diễn đàn Quốc hội về giáo dục người lớn và hệ thống giáo dục thường xuyên để giáo dục người lớn được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi và bổ sung trong thời gian tới: Xã hội học tập là thế nào? Người lớn học tập gồm những ai? Phải học tập thế nào? Họ cụ thể ra sao?...
"Trên 660 triệu người lớn (bao gồm cả người về hưu và già cả) cần được phát huy những năng lực sáng tạo còn tiềm ẩn trong họ, tạo hành lang pháp lý để hệ thống giáo dục người lớn phát triển, đón đầu những vấn đề xã hội phức tạp khi đất nước qua giai đoạn dân số vàng vào những thập kỷ sắp tới", Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh.
Buổi làm việc diễn ra gần 2 tiếng đồng hồ với tinh thần nghiêm túc, cởi mở.
Các cơ quan liên quan góp ý, nêu quan điểm về các kiến nghị của Hội Khuyến học Việt Nam với MTTQVN.
Lắng nghe kiến nghị của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN bày tỏ niềm phấn khởi vì Hội khuyến học đã đến thăm và có buổi làm việc với nhiều nội dung hết sức ý nghĩa, tâm đắc.
"Chúng tôi đánh giá cao hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam trong thời gian qua, tác động đã thấm sâu vào trong nhân dân, chính quyền đoàn thể khắp các địa bàn cả nước. Nhắc đến Hội Khuyến học là nghĩ ngay đến công tác khuyến học, khuyến tài phát triển đất nước. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển đất nước. Hội Khuyến học Việt Nam là cơ quan chính trị xã hội vận động toàn dân học tập, hiệu quả các các trung tâm cộng đồng rất tốt. Hội không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng với đội ngũ cán bộ tâm huyết, có chuyên môn. Quỹ khuyến học phát triển mạnh, việc nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt là đáng khích lệ...", đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ông cho biết, trong chỉ đạo giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQVN tới đây sẽ gắn với công tác của Hội khuyến học.
Cụ thể, phối hợp thống nhất gắn tiêu chí khuyến học vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn minh. Việc công nhận gia đình tiêu biểu ở xã, tiêu chí về khuyến học khuyến tài phải đạt.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ tin tưởng Hội Khuyến học Việt Nam sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình với tư cách là một thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Với kiến nghị về xây dựng tiêu chí thành phố học tập/công dân học tập, MTTQVN sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng Bộ tiêu chí, có nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến các Bộ ngành có liên quan. Sắp tới, Luật giáo dục sửa đổi sẽ lấy ý kiến phối hợp các ban, đơn vị, hội đồng đóng góp - có mời Hội Khuyến học tham dự. MTTQVN cũng sẽ lưu tâm đến công văn đôn đốc việc học tập đối với toàn bộ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương...
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN khẳng định sẽ luôn sát cánh, ủng hộ với Hội Khuyến học Việt Nam trong việc phối kết hợp triển khai chủ trương xây dựng xã hội học tập suốt đời, vì sự phát triển bền vững xã hội; đồng thời bày tỏ tin tưởng Hội Khuyến học Việt Nam sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình với tư cách là một thành viên tin cậy của MTTQVN.
Lệ Thu
Ảnh: Kỳ Anh
Theo Dân trí
Thúc đẩy khuyến học, khuyến tài và học tập suốt đời Ngày 28/12/2017, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 3. Hội nghị nhằm tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ của Hội Khuyến học năm 2018, và Sơ kết việc thực hiện Quyết định...