Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam
(GDVN) – Buổi làm việc diễn ra ngày 20/5, tại Hà Nội và bàn bạc cụ thể 7 vấn đề quan trọng.
Tham dự, phía Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Hoàng Nam Nhất, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề chủ trì.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam do Chủ tịch, Giáo sư Trần Hồng Quân và các Phó chủ tịch, các thành viên Thường trực Hiệp hội tiếp.
Theo ông Hoàng Nam Nhất, tiếp nối thành công các kết hợp công việc trong quá khứ, cũng như đánh giá cao vai trò của Hiệp hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nên Ban tuyên giáo hôm nay đưa ra 7 vấn đề cần trao đổi, cụ thể:
1. Sau khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hiệp hội có ý kiến gì đối với thể chế nhà nước để thúc đẩy giáo dục đại học, nhất là giáo dục đại học ngoài công lập?.
2. Kể từ khi Đại hội thành lập đến nay, Hiệp hội đã gặp những khó khăn gì và giải pháp cần tháo gỡ?.
3. Theo Hiệp hội, sẽ xuất hiện những vấn đề gì khi thực hiện phương thức tuyển sinh mới và giải pháp như thế nào để khắc phục những khó khăn đó?
4. Những khó khăn trong việc thực hiện quyền tự chủ trong các trường đại học, cao đẳng?
5. Ý kiến của Hiệp hội về phân tầng và xếp hạng đại học, cao đẳng?.
6. Những khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, nhất là trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập?
7. Những vấn đề gì đang cản trở Hội đồng trường trong các trường đại học, cao đẳng?
Video đang HOT
Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra 7 câu hỏi trong buổi làm việc ngày 20/5/2015 với Hiệp hội. Ảnh
Dưới sự điều hành của Giáo sư Trần Hồng Quân, các thành viên Thường trực Hiệp hội, các Trưởng, Phó ban thành viên đã lần lượt giải đáp các câu hỏi của Ban Tuyên giáo trung ương.
Kết luận, Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng, các vấn đề mà Ban tuyên giáo Trung ương đặt ra, cũng chính là các vấn đề mà Hiệp hội quan tâm.
Rất nhiều ý kiến, đóng góp của Hiệp hội về các vấn đề giáo dục hệ trọng của đất nước đều đã được gửi đến các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm.
Tuy nhiên, hàng loạt các công việc mà Hiệp hội đã triển khai trong thời gian ngắn ngủi sau Đại hội thành lập đến nay không thể liệt kê ngay được.
Nhiều vấn đề mà Ban Tuyên giáo yêu cầu, tại buổi làm việc này, thông tin mới chỉ được cung cấp một phần, và còn nhiều nội dung khác chưa được chuẩn bị.
Ông Hoàng Nam Nhất sau khi nghe đầy đủ các ý kiến, đã đề nghị có các buổi làm việc tiếp theo. Nội dung các buổi làm việc sau này sẽ theo từng chuyên đề cụ thể. Hai bên sẽ thống nhất nội dung, hình thức và thời gian làm việc trước khi triển khai.
Theo giaoduc.net
Thủ tướng giao trách nhiệm về kiến nghị khẩn của Hiệp hội ĐH,CĐ Việt Nam
(GDVN) - Công văn số 3334, ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ gửi các Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng về kiến nghị của AVUC về Luật GDNN.
Phát triển năng lực người học, xem xét từ quản trị của nhà trườngCo hẹp Giáo dục đại học là đi ngược với thế giớiTừ giáo dục nghề nghiệp tại Úc, nhìn về giáo dục nghề nghiệp Việt Nam
Trước đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2014 (với tỉ lệ phiếu ủng hộ trên 53%). Theo quy định Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
Tuy nhiên, cũng từ những nội dung tại luật này, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều điều cần gấp phải điều chỉnh trước khi luật chính thức có hiệu lực.
Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng nhận thấy việc ra đời của Luật này là một bước thay đổi rất lớn trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phẩn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết TƯ 8.
Tuy nhiên, luật này sẽ phù hợp hơn với tinh thần của Nghị quyết Trung ương nếu đối tượng áp dụng chỉ dừng lại ở lĩnh vực giáo dục nghề hay dạy nghề.
Ảnh minh họa. TTXVN
Những nội dung không hợp lí trong Luật này như "không kế thừa thực tiễn, không đảm bảo hội nhập với khu vực và thế giới, làm biến dạng hệ thống giáo dục, sẽ hạn chế chất lượng nguồn nhân lực.
Cụ thể, giáo dục nghề nghiệp là một lĩnh vực đào tạo nhân lực có thể thuộc nhiều bậc học, cấp học hay trình độ học khác nhau chứ không thể dừng lại ở trình độ cao đẳng.
Hiệp hội cho rằng, sự không chính xác ở Luật Giáo dục nghề nghiệp đã dẫn tới việc loại bỏ trình độ cao đẳng ra khỏi bậc học đại học, điều này thể hiện ở các Điều 76 và 77. Không kế thừa đồng thời làm biến dạng hệ thống giáo dục quốc dân và không phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay.
Luật cũng chưa xác định đúng về mục tiêu đào tạo của Giáo dục nghề hay dạy nghề và Giáo dục chuyên nghiệp. Theo thông lệ chung, Giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ (đào tạo thợ và nhân vien, trong khi Giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia).
Việc xác định không đúng mục tiêu đào tạo dẫn tới định hướng hợp nhất giữa Giáo dục nghề với Giáo dục chuyên nghiệp, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do xác định không rõ mục tiêu Giáo dục nghề, Giáo dục chuyên nghiệp dẫn tới sự méo mó trong thiết kế cấu trúc của bộ máy quản lí hệ thống giáo dục cả ở tầm quốc gia và địa phương.
Luật cũng nhầm lẫn giữa trình độ cao đẳng với trình độ dạy nghề. Các quy định về điều kiện tuyển sinh (Điều 32), về thời gian đào tạo (Điều 33) ở Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ phù hợp với Giáo dục nghề, không phù hợp và nói chung là thấp so với quy định tại ISCED 2011.
Điều này gây khó khăn khi xác lập mối quan hệ tương đương giữa hệ thống văn bằng giáo dục và đào tạo của Việt Nam và thế giới (sẽ không được thế giới công nhận rộng rãi).
Cũng theo đó, việc quy định người tốt nghiệp cao đẳng được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kĩ sư thực hành tại Khoản 1, Điều 38 là một quyết định chưa từng có trên thế giới và sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường.
Mặc khác, quy định quốc tế cũng như hiện hành ở Việt Nam, danh hiệu kĩ sư chỉ được trao cho những ai có trình độ cử nhân kĩ thuật (đào tạo 4 năm), sau đó phải học thêm ít nhất 1 năm chuyên sâu, hoặc phải qua hoạt động đúng nghề nghiệp được đào tạo một số năm để được Hiệp hội kĩ sư công nhận.
Như vậy, nếu quy định tại Khoảng 1, Điều 38 thì dẫn tới tình trạng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam đồng thời có cả "kĩ sư 5 năm" lẫn "kĩ sư 2 năm". Điều này sẽ làm cho nguồn nhân lực không thể hội nhập khu vực và thế giới; người sử dụng lao động cũng bị nhầm lẫn, gây hệ lụy không tốt cho đất nước.
Hiệp hội cũng cho rằng, những khiếm khuyết của Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ dẫn tới công tác đào tạo nguồn nhân lực không đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không hội nhập thế giới. Đồng thời, làm cho lao động nước ta khó tìm kiếm việc làm ở các nước ASEAN và các nước khác, làm hạn chế một số mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới.
Từ những bất cập trên, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam kiến nghị, trước mắt Chính phủ giữ nguyên việc quản lí nhà nước về giáo dục như hiện nay, nhằm đảm bảo ổn định chính trị xã hội bên thềm Đại hội Đảng lần thứ XII.
Chỉ đạo Hội đồng Quốc gia Giáo dục chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội tiến hành hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Hiệp hội cũng kiến nghị trên cơ sở tổng hợp các ý kiến từ hội thảo và ý kiến xã hội, Chính phủ đề nghị với Quốc hội đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội xem xét và điều chỉnh lại một số nội dung của Luật Giáo dục nghề nghiệp trước thời điểm Luật bắt đầu có hiệu lực (1/7/2015).
Nếu trong trường hợp Quốc hội chưa kịp điều chỉnh nội dung của Luật thì đề nghị Quốc hội ra quyết nghị giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật, trước mắt chỉ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chưa áp dụng cho lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt đối với loại hình cao đẳng chuyên nghiệp.
Ngày 20/5, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng nhấn mạnh thêm: "Mặc dù từ trước tới nay Bộ Lao động TB&XH quản lí giáo dục nghề nghiệp và cũng có nhiều thành tựu, đây là điều rất tích cực.
Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, đặc biệt chúng ta đang trong thời kì hội nhập thì thống nhất về quản lí phải đưa giáo dục nghề về Bộ GD&ĐT.
Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam hy vọng rằng sự thống nhất quản lý sẽ phát huy được các mặt tích cực đã làm được, đồng thời khắc phục các hạn chế".
Theo giaoduc.net