‘Bạn Trinh giành mất hạng xuất sắc, con sẽ bị ăn đòn’
Vì thành tích, không ít bà mẹ dặn con phải “quan tâm đặc biệt” đến những bạn sẽ là đối thủ cạnh tranh vị trí với con mình.
Buổi họp phụ huynh kết thúc, dù đã nói kỹ việc học sinh được khen thưởng năm nay có những điểm thay đổi, nhưng tôi vẫn liên tục phải giải thích hết người này đến người khác những câu hỏi tựa như: Con tôi có được giấy khen không? Năm nay, cháu học kém lắm hả cô? Tại sao con tôi hơn điểm bạn mà vẫn không đạt học sinh nổi trội?…
Theo quy định tại Thông tư 30, việc khen thưởng năm nay không chỉ căn cứ vào điểm số của lần kiểm tra cuối kỳ mà phải xét trên cả ba mặt gồm: Hoạt động giáo dục (là các môn học), sự phát triển về năng lực, sự phát triển về phẩm chất trong suốt một năm học của các em. Giáo viên không còn “độc quyền” quyết định việc học sinh được khen thưởng như trước đây mà phải thông qua sự bình chọn của tất cả học sinh trong lớp…
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Làng Sen, Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh:VietNamNet.
Đón nhận kết quả học kỳ 1 của con, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc và không vừa lòng với việc con mình “bỗng nhiên” không được khen thưởng như những năm trước đây.
Vừa bước ra khỏi cuộc họp, chị Hoa đã lôi xềnh xệch em Thúy (nãy giờ vẫn đứng ngoài cửa lớp nhìn vào) ra một góc. Tôi nghe rõ tiếng nói rít qua kẽ răng, chị đay nghiến, chửi rủa con mình với những lời lẽ thậm tệ: “Sao ngu thế không biết, cũng học như con người ta mà không được giấy khen. Nghe nói con Mai (vì Mai ở gần nhà Thúy) được lớp bình chọn là học sinh đạt thành tích phát triển về phẩm chất, sao mày không kể cho cô và các bạn nghe con Mai ở nhà không phụ ba mẹ làm việc gì, ăn còn để mẹ đút, có lần còn cãi lời ba mẹ nữa…”.
Bị mẹ la, cô bé khóc thút thít và trả lời dấm dẳng: “Ở trên lớp, bạn ấy học giỏi và rất gương mẫu, ai cũng bầu cho bạn ý. Nhưng tại sao phải mắng chuyện đó hả mẹ?”. Nghe con hỏi, người mẹ càng giận hơn và quát lớn: “Ăn gì mà ngu thế không biết. Đi về…”.
Nói rồi chị tức giận cầm tay bé lôi đi trước nhiều ánh mắt nhìn ái ngại của mọi người.
Chuyện người mẹ dặn con phải “quan tâm” đặc biệt đến những bạn sẽ là “đối thủ’ cạnh tranh vị thứ với con mình không phải là hiếm.
Video đang HOT
Trước đây, còn chấm điểm, cứ mỗi lần phát vở xuống là y như rằng hai cô bé Trinh và Liên cầm bài nhau so đo từng chút một rồi đem lên “kiện” cô: Vì sao con cũng làm thế mà điểm lại ít hơn, vì sao bạn viết dơ cô lại không trừ điểm…
Các em còn ghi lại tất cả con điểm của nhau “để về cho mẹ xem, mẹ dễ theo dõi” – một trong các em đã nói thế khi được tôi hỏi. Nếu lần này, Trinh bị thua điểm Liên thì y như rằng lần khác, em phải thật cố gắng để vượt lên. Có lần, Liên đã tranh thủ lúc nộp bài cho tổ để lấy bút sửa vài chỗ trong bài làm của Trinh để bạn bị điểm thấp hơn mình.
Phải rất lâu sự thật mới được phát hiện vì Trinh liên tục nói mình làm đúng, dấu sửa đó không phải của mình. Khi bị phát hiện, Liên thành thật trả lời: “Mẹ nói nếu để Trinh giành mất hạng xuất sắc sẽ bị ăn đòn…”.
Người lớn phải học trẻ con
Để có danh sách học sinh được khen thưởng, giáo viên phải tổ chức một buổi bình chọn học sinh trước lớp.
Sau khi các tổ đề xuất những thành viên nổi trội tổ mình, giáo viên tập hợp lại một danh sách gần chục em để bầu chọn trước lớp một lần nữa chọn ra 5 bạn xuất sắc nhất.
Thầy cô gợi ý về cách thức bình chọn: “Các em sẽ tự do nhận xét về bạn như về học lực, sự hợp tác nhóm, chia sẻ, tinh thần tham gia các hoạt động giáo dục, quan hệ với bạn bè, thầy cô…; đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại để bạn khắc phục…
Dù mới học lớp 2, nhưng khi nhận xét về mình và bạn, các em thật vô tư và thẳng thắn.
Em Hoài đã xung phong nhận xét về mình như con học tốt các môn, hay giúp đỡ bạn trong học tập, tham gia tốt các hoạt động của lớp nhưng còn vài lần nói chuyện riêng trong lớp, chưa làm vệ sinh khi được phân công.
Nhiều em đã thừa nhận điều tốt của các bạn nhưng cũng rất thẳng thắn khi chỉ ra những điều chưa tốt, như bạn Thông hay giảng bài cho con, nhiều lần cho con mượn bút nhưng trong giờ học âm nhạc, bạn Thông thường ít nghiêm túc nên bị cô nhắc nhở hoài…
Sau phần tự nhận xét đến phần bầu chọn: “Mỗi em có quyền lựa chọn 5 trong số 10 bạn có tên trên bảng xứng đáng được khen lần này”.
Tôi để ý đến cô bé Nương cứ loay hoay hết viết rồi lại gạch xóa. Em là người cuối cùng cầm lá phiếu lên nộp nên tôi đã đọc được 5 bạn mà em bầu không có tên em. Tôi gọi em lại gần hỏi nhỏ: “Sao con không chọn mình? Con có quyền làm điều đó”.
Không chút lưỡng lự, em trả lời ngay làm tôi vô cùng bất ngờ và sửng sốt: “Dạ con thấy mình chưa xứng đáng vì môn Tập làm văn con học còn yếu”.
Nghe em nói, tôi thật sự cảm phục một cô bé mới 7 tuổi đầu đã làm được cả những điều nhiều người lớn không làm được.
Tôi vừa phục vừa thầm cám ơn em đã gỡ cho tôi một câu trả lời khó. Bởi lẽ cả tuần nay, tôi đang phải đắn đo suy nghĩ giữa em và một học sinh trong lớp nếu phải chọn một em để khen tôi chưa biết sẽ chọn em nào. Tôi do dự bởi phân môn Tập làm văn em học chưa được tốt bằng một số bạn, bù lại em là cô bé chăm học, ngoan ngoãn và rất tốt bụng…
Việc khen thưởng học sinh thông qua sự bình chọn của chính các em cùng với sự tham khảo ý kiến phụ huynh là nét mới mang tính tích cực của Thông tư 30. Thông qua việc bình chọn này, giúp các em ngày càng tự tin, biết thể hiện mình trước tập thể về những điều mình làm được, những mặt còn tồn tại cũng như biết nhận xét về bạn một cách khách quan, trung thực, biết ghi nhận những mặt mạnh bạn có được…
Nhưng để thực thi tốt theo tinh thần này, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng. Đó là sự đồng thuận, công tâm, không quyền lợi cá nhân để &’hà hơi, tiếp sức, nhồi nhét và thổi ” vào con trẻ những tâm hồn còn non nớt ngây thơ lòng đố kị, sự ganh đua không lành mạnh.
Biến con trẻ đang hồn nhiên trong sáng thành những “gián điệp’ có nghề luôn rình mò, để ý và soi mói người khác như cách làm của một số phụ huynh.
Theo cô giáo Phan Tuyết/Vietnamnet
Xấu hổ vì con... 9 điểm
"Lần sau mẹ đi họp phụ huynh cho con nha, ba không đi nữa!". Vừa trở về nhà từ cuộc họp sơ kết học kỳ 1 cho con trai năm nay học lớp 3, chồng tôi đã bực dọc thốt ra câu nói trên.
Nghe vậy, tôi thoáng giật mình, nghĩ ngay đến những tình huống nghịch ngợm, bày trò láu lỉnh của cậu con trai vốn không thích làm theo những gì khuôn mẫu. Thấy tôi có vẻ lo lắng, chồng tôi giải thích tiếp: "Con người ta toàn được 10, con mình toàn 9. Xấu hổ quá!".
Thì ra nỗi buồn, sự xấu hổ của chồng tôi bắt nguồn từ những con điểm 9 của con trai!
Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ.
Trước khi con vào lớp 1, vợ chồng tôi đã thỏa thuận với nhau là không cho con đi học thêm, ít nhất là ở bậc tiểu học, không đặt nặng vấn đề thành tích, miễn là con nắm được những kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết phù hợp với từng lớp học.
Vậy mà giờ đây, khi con trai đạt toàn điểm 9 - mức điểm giỏi, chồng lại xấu hổ. Một sự xấu hổ bất bình thường, vì quan niệm: học sinh đi học thì chỉ có điểm 10 mới mang lại hạnh phúc cho cha mẹ, thầy cô! Một sự bất bình thường không chỉ trong gia đình tôi, gia đình nào mà cho cả nền giáo dục Việt Nam!
Ngày tôi học tiểu học, chỉ những học sinh thật sự vượt trội và xuất sắc mới có thể đạt điểm 10. Và để đạt được điểm 10 ấy, ngoài năng lực, rất cần đến sự nỗ lực, phấn đấu của các học sinh.
Vậy mà bây giờ, khi toàn xã hội đang hướng đến chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, nói "không" với bệnh thành tích, thì điểm 10 lại trở thành phổ biến như một điều hiển nhiên, không cần bàn cãi của những học sinh không có vấn đề gì bất thường về trí tuệ!
Cả lớp 50 học sinh thì đến hơn 2/3 lớp có điểm thi toàn 10. Học sinh nhận điểm 10, thầy cô vui, cha mẹ vui hớn hở vì "tất yếu là thế, đương nhiên là thế và phải thế chứ!". Điểm 10 và học sinh giỏi trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi, hào hứng của các bậc phụ huynh mỗi khi gặp nhau, khoe trên Facebook... Cả xã hội đều vui khi con đạt điểm 10!
Hóa ra điểm 9 của con trai tôi lại trở thành điều đáng xấu hổ sao?
Theo Long Lan/Tuổi Trẻ
Trường cấp 3 đập bục giảng, tính kê bàn theo mâm, xuống cấp 2 học kinh nghiệm Triển khai mô hình trường học mới, tại Hà Tĩnh, bậc THPT đập bục giảng, cấp tốc họp phụ huynh huy động thu tiền, bậc THCS tập huấn, dự giờ "cưỡi ngựa xem hoa". Học VNEN, người ta làm sẵn mọi thứ, chỉ điền vài số là xong...Thầy Văn Như Cương: VNEN là gì nếu chúng ta làm chỉ để tiêu hàng chục...