‘Bàn tay vàng ASEAN’ giờ ra sao?
Nguyễn Hải Đính – người đạt Chứng chỉ nghề xuất sắc 2008 tại Malaysia – hiện là giám đốc công ty chuyên hoạt động về cơ khí. Anh cho rằng để vào đời, có chứng chỉ thôi chưa đủ.
Nguyễn Hải Đính tốt nghiệp ĐH công nghiệp Hà Nội năm 2010. Anh được mời ở lại trường làm giảng viên nhưng đã từ chối vì cuộc sống bên ngoài nhiều thách thức có sức hấp dẫn với anh hơn.
Trải nghiệm và tích lũy
Bước chân khỏi trường đại học, Đính nhanh chóng nhận ra rằng cuộc sống đòi hỏi người muốn thành công vô vàn những kiến thức, kỹ năng khác chưa từng được học trước đây.
Trước khi khởi nghiệp, Đính đã dồn ba năm đi làm thuê với mục tiêu học những gì cần thiết. Ba năm với Đính thực sự là cuộc chạy đua không nghỉ với thời gian.
Nguyễn Hải Đính thường xuyên trao đổi với nhân viên của mình.
Ngoài làm toàn thời gian cho một công ty nước ngoài, anh còn làm bán thời gian cho 5 công ty khác. Anh gọi đây là thời kỳ trải nghiệm, dấn thân trong tất cả những tình huống, công việc cả tay trái lẫn tay phải như thiết kế, chế tạo máy đến bán hàng, làm marketing…
Trong thời gian làm cho công ty nước ngoài, Đính mô tả mình như một cái ăng-ten, luôn vươn lên để đón nhận mọi thông tin, sự kiện xảy ra trong công ty, quan sát cách quản lý, làm việc, giao tiếp, xây dựng mối quan hệ với đối tác của những người đi trước.
Với những công ty khác, anh dồn toàn bộ thời gian rảnh rỗi để hoàn thành thiết kế đúng hạn đặt hàng. Cũng bởi có đam mê nên Đính làm việc không ngại mệt mỏi.
Nếu gặp sếp hợp gu, anh sẵn sàng thức trắng đêm để cũng họ hoàn thành công việc. Khoảng thời gian đó, một ngày anh chỉ ngủ 4-5 tiếng.
Lý giải cho ba năm say việc của mình, Đính cho biết anh muốn tận dụng tối đa thời gian để học hỏi và va chạm càng nhiều càng tốt để rút ngắn quá trình mà anh cho rằng bất kỳ ai cũng phải trải qua nếu muốn có nền tảng xây dựng sự nghiệp về sau.
Khởi nghiệp
Năm 2013, Nguyễn Hải Đính cảm thấy mình đã có nền tảng khá tốt, cộng với sự nhạy bén thị trường cơ khí, anh đã nghỉ việc làm thuê và mở công ty riêng.
Nguyễn Hải Đính không phải là con nhà đại gia nên cách anh bắt đầu khởi nghiệp không phải là vung tiền đầu tư mà là phát huy “vốn tự có”. Đó chính là tay nghề thiết kế máy móc đã được cấp chứng chỉ xuất sắc, được rèn luyện trong thực tế và vốn kiến thức của kỹ sư.
Không tiết lộ vốn khởi nghiệp ban đầu, nhưng Nguyễn Hải Đính nói: “Nó không nhiều!”. Bởi vậy, thời gian đầu công ty của Đính tập trung vào tư vấn, thiết kế, bán hàng và hướng đến tạo lập uy tín thông qua sản phẩm.
Video đang HOT
Anh chia sẻ: “Trong chuyên môn thiết kế, quá trình được đào tạo để đi thi chứng chỉ tay nghề ASEAN đã tạo cho mình một nền tảng kiến thức và thực hành rất tốt.
Những đối tác trước đây thường nhìn nhận rằng sản phẩm mình thiết kế có sự khác biệt với những kỹ sư khác. Đó chính là giá trị mà chứng chỉ tay nghề mang lại cho mình, một nền tảng ban đầu để tiếp tục phát triển”.
Thời gian đầu, công ty của Đính thường xuyên phải thuê các công ty bên ngoài gia công. Để tạo lập uy tín với khách hàng, anh thường chọn công ty gia công chất lượng tốt và chi trả một mức giá cao hơn.
Chuyên nghiệp ngay từ đầu, anh chú trọng chất lượng, tiến độ trả hàng và sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm. Một điều quan trọng khiến công ty của Đính có thể từng bước tự chủ từ khâu thiết kế đến chế tạo sản phẩm là anh đã chuyên nghiệp đến mức ngặt nghèo ngay cả trong khâu… trả nợ.
Nguyễn Hải Đính cho biết vốn mở công ty ít nên có bao nhiêu lãi từ việc bán sản phẩm, anh đều quay trở lại tái đầu tư nhà xưởng máy móc để tiến đến tự sản xuất. Nhờ có những mối quan hệ tốt từ những ngày còn lăn lộn làm thuê, anh được đối tác cung ứng máy móc cho nhận hàng trước, trả tiền sau.
Có sự tín nhiệm, anh luôn thực hiện việc trả nợ đúng hẹn. Nhờ cách này, cho đến nay công xưởng của anh đã có đủ máy móc để sản xuất.
Đính cho biết anh cũng lựa chọn đối tác rất kỹ. Công ty của anh thường không làm việc với những đối tác chây ỳ trong việc thanh toán. Khách hàng chủ yếu là các công ty của Nhật và một số ở các nước Châu Âu.
Chứng chỉ xuất sắc là kỷ niệm đẹp
Năm 2016, Đính có thêm một người bạn đồng hành có cùng đam mê nghề nghiệp, cũng là người sở hữu danh hiệu Bàn tay vàng tại Hội thi tay nghề ASEAN.
Anh chia sẻ khi các sinh viên trường nghề đạt danh hiệu ở các hội thi được nhà nước, nhà trường trọng vọng, vinh danh, khen thưởng là có thực.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp không biết đến các bàn tay vàng hoặc nhà trường không có sự kết nối với doanh nghiệp thì khi ánh hào quang lắng xuống, cuộc sống lại trở về như cũ.
Sau 6 năm làm thuê và lập nghiệp, Đính cho hay danh hiệu đối với anh như một kỷ niệm đẹp, đánh dấu một khoảnh khắc thành công của thời sinh viên.
Trong quá trình lập nghiệp, nó vẫn được nhắc đến khi các sản phẩm của anh đạt đến sự khác biệt khiến khách hàng phải đặt câu hỏi về điều đó. Anh lý giải thành công ấy có phần đóng góp từ chương trình học tập mà mỗi sinh viên được đào tạo khi đến với hội thi tay nghề quốc tế.
Nhưng, Đính đúc kết, theo nghề và phát triển được hay không rất cần niềm đam mê và sẵn sàng học hỏi. Đó cũng là tiêu chí anh cần nhất mỗi khi tuyển nhân viên.
Với quá trình khởi nghiệp của mình, anh chia sẻ vẫn còn danh sách dài những thách thức liên tục đặt ra trên mỗi chặng đường phát triển.
Anh nói vui khi tôi hỏi về tài sản sau 3 năm trên vị trí giám đốc công ty: “Đừng nhìn vào tài khoản ngân hàng, vì ngoài chiếc xe tôi đi, căn hộ chung cư tôi sống, mọi tài sản của tôi đều nhìn thấy được ở công xưởng”.
Theo Nhã Uyên/Vietnamnet
Người trẻ mất cả gia tài vì thiếu kỹ năng làm việc nhóm
Không có kỹ năng làm việc nhóm là một trong những điểm yếu mà các bạn trẻ thường gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, gây nên những thất bại.
Chia sẻ về thất bại của mình tại hội thảo quốc tế Khởi nghiệp trong thế giới phẳng diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) chiều 25/8, Khương Văn Sâm (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, anh tốt nghiệp Y học cổ truyền ở Trung Quốc. Trở về nước, Sâm cùng 4 người bạn mở phòng khám Đông y với hy vọng nhanh chóng phát triển tại nhiều tỉnh trên cả nước.
Theo anh Sâm, 5 năm đầu tiên, công việc tuy gặp nhiều khó khăn, mọi người vẫn vượt qua. Nhưng khi có đủ điều kiện để mở phòng khám thứ hai, những mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết khiến phòng khám phải đóng cửa.
Mất công ty vì bất đồng nội bộ
"Tôi khởi nghiệp thất bại vì mâu thuẫn nội bộ không đáng có, chủ yếu do kỹ năng làm việc nhóm. Nhóm có 5 người, tất cả đều làm chuyên môn y học. Các công việc về tài chính, nhân sự do các thành viên tự gánh vác chứ không thuê người chuyên nghiệp. Một người cáng đáng quá nhiều việc, gây tranh chấp nội bộ", anh Sâm chia sẻ.
Người này cho biết, sắp tới, anh mở lại phòng khám nhưng sẽ thuê người có chuyên môn về làm nhân sự và quản lý tài chính. "Tôi sẽ chỉ tập trung chuyên môn, đồng thời điều phối công việc, như vậy mới không theo vết xe đổ trước đây".
Cũng từng thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên, chị Lê Hoàng Dung, giám đốc một công ty cổ phần về giáo dục, chia sẻ: "Tôi khởi nghiệp với công ty chuyên về dịch vụ cung cấp quản gia cho các gia đình. Đây là dịch vụ mới ở Việt Nam lúc bấy giờ nên rất hút khách hàng. Tôi nhanh chóng thành công khi mới ngoài 20 tuổi".
Tuy nhiên, chị Dung cho hay, do còn trẻ nên không có kinh nghiệm quản trị con người hay biết cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Điều này khiến nhân sự trong công ty lộn xộn, mọi người không đoàn kết. Mỗi thành viên đều có dự định riêng, làm ảnh hưởng công việc. "Tôi phải mất thời gian rất lâu để có thể vực dậy sau thất bại đầu tiên đó", chị Dung nhớ lại.
Đỗ Việt Dũng (áo xanh) chia sẻ về kế hoạch khởi nghiệp của mình. Ảnh: Hoàng Như.
Cũng theo nữ giám đốc, các bạn trẻ khi khởi nghiệp thường có xu hướng cá nhân cao, không chịu chia sẻ công việc với đồng nghiệp, luôn muốn làm một mình, tự chịu trách nhiệm và hưởng hết quyền lợi. Họ cố gắng 100% sức lực nhưng quá ôm đồm dẫn tới kiệt sức, không thành công.
Nhiều bạn trẻ khi làm việc nhóm hay thoái thác, đổ lỗi, chê bai và tâm lý sợ thiệt nên không hết mình. Vì vậy, trước khi khởi nghiệp, ngoài các kỹ năng kinh doanh và kinh nghiệm tích lũy, các bạn trẻ cần rèn luyện khả năng làm việc nhóm tốt để có thể phát huy tối đa nguồn lực.
Bên cạnh chia sẻ của những người từng vấp ngã, nhiều bạn trẻ đang triển khai các dự án khởi nghiệp cũng tỏ ra lo lắng trước việc xây dựng và làm việc theo đội, nhóm.
Đỗ Việt Dũng, 30 tuổi, làm nghề tự do chia sẻ: "Mình dự định phát triển dòng sản phẩm quà lưu niệm bằng gỗ thương hiệu Việt dựa trên các công nghệ hiện đại như mạng xã hội, quảng cáo trên Google... Tuy nhiên, mình còn ngại vì chưa biết làm cách nào để xây dựng một nhóm tốt. Việc tìm được người hợp tác phù hợp quả thực rất khó khăn".
Thiếu kỹ năng làm việc nhóm, kinh nghiệm quản trị nhân lực, cũng như khả năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp là những rào cản mà các bạn trẻ gặp phải trên con đường khởi nghiệp.
Ngoài ra, việc thiếu vốn đầu tư, không nắm bắt được xu hướng, thị hiếu của khách hàng hay phương pháp tạo nên sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý cũng là những lý do khiến khởi nghiệp thất bại.
Giỏi "buôn dưa lê" nhưng ngại chia sẻ công việc
Trước thực trạng nhiều người trẻ thiếu kỹ năng làm việc nhóm dẫn đến thất bại khi khởi nghiệp, nhiều khách mời là các chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên trong hội thảo Khởi nghiệp trong thế giới phẳng.
Khách mời của chương trình là luật sư Oliver Massmans - trọng tài quốc tế về TPP - cho biết, ông có hơn 20 năm kinh nghiệm sống và làm việc tại Việt Nam. Ông nhận thấy nhiều bạn trẻ có những vấn đề tiêu cực khi làm việc nhóm. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới các công ty phá sản, việc khởi nghiệp của bạn trẻ không thành công.
"Nhiều người trẻ làm việc nhóm rất kém. Các bạn không có sự tin tưởng lẫn nhau, luôn muốn kiểm soát mọi việc. Không ít bạn giỏi 'buôn dưa lê, bán dưa chuột', nhưng lại không chịu chia sẻ với nhau về công việc. Hãy cố gắng nói chuyện cùng nhau, tin tưởng và dừng việc giấu mọi chuyện cho riêng mình để công ty trở nên vững mạnh", ông thẳng thắn nói.
Ông Oliver Massmann đánh giá, khả năng làm việc nhóm của nhiều bạn trẻ không tốt. Ảnh: Hoàng Như .
Đồng tình với ý kiến của ông Oliver Massmann, TS Hoàng Trung Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho hay: "Thế giới phẳng từ lâu rồi nhưng chúng ta không chịu thay đổi để hội nhập. Làm việc nhóm đáng ra phải là kỹ năng được rèn luyện và khắc phục từ lâu, chứ để đến bây giờ lại trở thành rào cản khi chúng ta khởi nghiệp, phát triển".
"Chúng ta phải làm thế nào để không chỉ làm việc nhóm với các thành viên trong công ty, mà còn với đối tác, với quốc gia này, quốc gia khác để tạo ra những giá trị lớn hơn", ông Dũng chia sẻ.
Để có thể khởi nghiệp thành công, ngoài vấn đề xây dựng và làm việc nhóm, vốn ban đầu cũng là vấn đề nan giải với nhiều bạn trẻ.
Nguyễn Việt Anh, 24 tuổi, nhân viên của Công ty One Office, có dự định xây dựng chuỗi cửa hàng bán đồ ăn sáng với sản phẩm do chính cậu nghĩ ra. Tuy nhiên, chàng trai chưa có vốn để thực hiện giấc mơ khởi nghiệp.
Thạc sĩ Phạm Tuấn Hải - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) nói: Theo nghiên cứu, những người mới khởi nghiệp thường nghĩ đến nguồn vốn tự có hoặc vay mượn gia đình. Tuy nhiên, mọi người nên xem xét, mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để khởi nghiệp.
"Chúng tôi ưu tiên tiếp cận phương án kinh doanh đối với những bạn trẻ mới khởi nghiệp. Những doanh nghiệp nhỏ nhưng có phương án kinh doanh với đối tác lớn, uy tín, chúng tôi nhìn vào phương án kinh doanh đã được doanh nghiệp lớn phê duyệt để đầu tư", ông Hải thông tin.
Chiều 25/8, Hội thảo quốc tế Khởi nghiệp trong thế giới phẳng diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với sự tham dự của gần 500 bạn trẻ.
Các vị khách mời gồm: Trọng tài quốc tế về TPP - Oliver Massmann; ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TASCO; thạc sĩ Phạm Tuấn Hải - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB); PGS.TS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia; ông Đinh Minh, tiến sĩ kinh tế tại Nga... cùng nhiều khách mời là chuyên gia kinh tế.
Nội dung chính của hội thảo xoay quanh vấn đề khởi nghiệp của các bạn trẻ trong thế giới phẳng. Từ các câu hỏi của khán giả, các vị khách mời đã đưa ra những lời khuyên, giải pháp về những điểm yếu kém ở các bạn trẻ Việt Nam.
Theo Zing
TP HCM chi thêm 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp Ngoài các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ các doanh nghiệp, UBND TP HCM tiếp tục bố trí thêm 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ. Sáng 17/6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM dự hội thảo "Khởi nghiệp tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức thời kỳ hội nhập"...