Bạn sẽ sốc khi biết những que kem ngon lành được làm từ nguyên liệu gì
Thực tế thì những que kem này không thể ăn được và chúng được làm từ nguyên liệu không ai có thể ngờ đến.
Thoạt nhìn, chúng trông như những que kem nhiều hương vị mà chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng. Nhưng nếu quan sát kĩ, bạn sẽ phát hiện một sự thật hoàn toàn khác. Không chỉ không ăn được, những que kem nhiều màu sắc trông có vẻ rất ngon mắt này còn gióng lên hồi chuông báo động về môi trường đang ô nhiễm nặng nề xung quanh ta.
Bộ sưu tập kem que khổng lồ này được thực hiện cho dự án nước bị ô nhiễm nhằm nâng cao nhận thức về ô nhiễm nước đang gia tăng do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và đô thị hóa.
Nước làm kem được lấy từ 100 nguồn nước ô nhiễm khác nhau và đổ vào các khuôn nhựa trong suốt. Những mảnh rác tải trôi nổi trong nước bẩn như túi nilon, nhựa, chai lọ vẫn được giữ nguyên bên trong tạo nên hình ảnh những que kem vô cùng độc đáo.
Nhựa, nắp chai, túi nilon, giấy bọc đũa… tất cả đều được tìm thấy trong các nguồn nước ô nhiễm.
Tác giả của ý tưởng độc đáo này là ba sinh viên Hung I-chen, Guo Yi-hui, và Cheng Yu-ti đến từ Đại học Nghệ thuật Đài Loan. Với mong muốn tập trung vào các thay đổi môi trường chứ không phải là hương vị, ba sinh viên đã tạo ra một dòng kem que với tên gọi “kem que từ nước ô nhiễm”.
Không chỉ có kem que, nhóm sinh viên còn làm cả giấy bọc kem nhiều màu sắc trông y như thật.
Tác phẩm của họ đã được đề cử cho Giải Thiết kế Pin Young và tham gia Triển lãm Thiết kế Mới của thế giới vào tháng 5 năm nay. Dự án nhằm mở rộng nhận thức về ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng sâu sắc của ô nhiễm nước đến con người. Đã đến lúc con người cần thận trọng và quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống xung quanh nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Linh Phương / Theo Trí Thức Trẻ
Ngôi làng như khu ổ chuột bỗng hóa thành "cầu vồng chốn trần gian" vì ý tưởng vô cùng độc đáo
Từ một khu ổ chuột rách nát không ai muốn tới, ngôi làng này bỗng như "vịt hóa thiên nga" nhờ ý tưởng độc đáo của một thầy hiệu trưởng.
Những sắc vàng, sắc đỏ, sắc tím, rồi xanh lục, xanh lam như rực rỡ hơn dưới cái nắng của vùng đất nhiệt đới bốn mùa Central Java. Du khách từ khắp nơi đổ về nườm nượp như trẩy hội. Họ đến, phần vì tò mò, phần vì để tận mắt trông thấy cái mà người ta gọi là "cầu vồng chốn trần gian".
Từ một khu ổ chuột rách nát, sập xệ không ai muốn tới, ngôi làng này bỗng như "vịt hóa thiên nga".
Nằm ở một quận phía Nam của thành phố Semarang, ngôi làng Kampung Pelangi trầm mặc vốn được coi là một khu ổ chuột với những mái nhà lụp xụp, cuộc sống của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn trở lại đây, ngôi làng như được "thay da đổi thịt" nhờ một dự án mang tính chiến lược của Slamet Widodo, một người đàn ông 54 tuổi, hiện đang là hiệu trưởng của một trường học địa phương và thị trưởng của thành phố Semarang, ông Hendrar Prihadi.
Dự án của hai người được lấy cảm hứng từ ý tưởng làm đẹp không gian sống bằng những tác phẩm sơn nghệ thuật của 3 thị trấn khác tại Indonesia, trong đó có ngôi làng du lịch nổi tiếng Jodipan.
Với tổng chi phí vào khoảng 22.000 USD (khoảng 500 triệu đồng). Tuy không phải là nhỏ đối với một vùng đất còn nhiều khó khăn, thế nhưng những gì mà nó mang lại còn nhiều hơn gấp bội. Từ một khu ổ chuột với cuộc sống đầy tối tăm, hơn 232 nóc nhà của làng Kampung Pelangi đã biến thành một "tác phẩm nghệ thuật" độc đáo, một màn trình diễn tuyệt đẹp của màu sắc.
Tiếng lành đồn xa, câu chuyện về một ngôi làng với những bức tường, những mái nhà và lối đi tuyệt đẹp đã truyền đến mọi nơi, khách du lịch từ khắp thế giới đổ về vùng đất đầy nắng gió này để tận mắt chứng kiến cái mà người ta gọi là "cầu vồng chốn trần gian". Du lịch phát triển, cuộc sống của người dân cũng vì thế mà được cải thiện, kinh tế của ngôi làng có những bước phát triển tích cực.
Cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh đẹp về ngôi làng nhiều màu sắc này để thấy được sự khéo léo của trí óc và bàn tay con người.
Từ một vùng đất "ổ chuột" nằm gọn trong lòng Central Java, ngôi làng Kampung Pelangi giờ đã "hóa thiên nga".
232 nóc nhà với màu nâu cũ, lụp xụp giờ đã được "khoác" những chiếc áo mới đầy màu sắc
Với tổng kinh phí khoảng 22.000 USD cùng với sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội xây dựng Indonesia (Indonesian Buiders Association), những nỗ lực của chính quyền địa phương và những tác giả của dự án đã được đền đáp xứng đáng.
Dự án sơn màu nghệ thuật cho ngôi làng được khởi xướng bởi ông Slamet Widodo.
Mục đích của dự án nhằm khuyến khích toàn thể cư dân trong ngôi làng nhận thức và cùng chung tay thay đổi môi trường sống của chính mình.
Bên cạnh việc biến ngôi làng thành những tác phẩm nghệ thuật sơn màu, người dân địa phương ở đây đang lên kế hoạch làm sạch dòng sông chảy qua ngôi làng.
Sự thay đổi nhanh chóng của Kampung Pelangi được lấy cảm hứng từ ngôi làng du lịch nổi tiếng Jodipan.
Từ khi được "thay da đổi thịt", ngôi làng Kampung Pelangi đã bất ngờ "nổi tiếng" trên bản đồ du lịch quốc tế.
Chính vì thế mà những hình ảnh về một ngôi làng với những bức tường, những mái nhà, những lối đi đầy màu sắc cùng với hashtag #kampungpelangi hiện nay đang "nổi như cồn" trên Instagram.
Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng khách du lịch, kinh tế của ngôi làng vốn xưa nay chìm trong đói nghèo này đã phát triển tích cực, người dân địa phương cũng vì thế mà thay đổi.
Minh Hân / Theo Trí Thức Trẻ
Vụ cá chết trên sông Âm: Nước sông có màu đen đục Liên quan đến hiện tượng cá tự nhiên chết rải rác trên sông Âm, đoạn qua địa bàn xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, chính quyền và người dân xã đã tổ chức vớt gần nửa tấn cá tự nhiên các loại bị chết để đưa đi tiêu hủy. Cũng theo ghi nhận của chính quyền và ngành chức năng...