Bạn nên bắt đầu học tiếng Anh như thế nào?
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn học tiếng Anh từ trình độ cơ bản đến nâng cao để tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Khi bắt đầu học tiếng Anh, bạn giống như một tờ giấy trắng. Bạn bắt đầu tiếp cận với thế giới ngôn ngữ một cách chậm rãi và viết lên những nét chữ đầu tiên. “Tôi nên bắt đầu học tiếng Anh như thế nào?” là câu hỏi rất nhiều người đặt ra.
Đầu tiên, hãy luyện tập cách phát âm cho tốt
Phát âm là kĩ năng nền tảng giúp bạn phát triển các kĩ năng khác như nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp hiệu quả. Hãy làm đúng ngay từ lần đầu tiên, bởi khi bạn phát âm sai thì việc sửa sai là rất khó. Bạn nên bắt đầu với một số giáo trình phát âm cơ bản như American accent training (Có kèm tài liệu và Audio), Ship or Sheep,…
Bạn cũng nên thử luyện với series American workshop training. Để phát âm tốt, bạn cần lặp đi lặp lại thật nhuần nhuyễn những gì bạn được nghe, hãy luyện tập trước gương để điều chỉnh miệng và lưỡi, phát âm thật nhiều lần để tìm ra âm chuẩn xác.
Tuy nhiên có một lời khuyên khá nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng đó là bạn nên thường xuyên luyện cách phát âm từ những người bản xứ thông qua băng đĩa, nhạc hoặc phim để có cách nói chuẩn nhất. Hoặc những người Philippines cũng có thể phát âm tiếng Anh đúng chuẩn và bạn hoàn toàn có thể học cách nói từ họ.
Tiếp theo là nghe kết hợp với học ngữ pháp
Video đang HOT
Khi mới bắt đầu học tiếng Anh, bạn nên học theo trình tự: Nghe, nói, đọc, viết và kết hợp học thêm ngữ pháp và từ vựng.
Có hai phương pháp chủ đạo để luyện kĩ năng nghe. Thứ nhất, nghe chủ động. Bạn nên bắt đầu với giáo trình Listen carefully. Đây là một cuốn sách cơ bản giúp bạn có tiền để để học tiếp các cuốn khó hơn. Thứ hai là nghe bị động. Tức là bạn sẽ cố gắng nghe nhiều nhất có thể. Chủ yếu là nghe trong giao tiếp thực tế, Ti vi, Radio,… Bạn có thể nghe trước khi đi ngủ, khi đợi xe bus, làm việc nhà và chấp nhận nhiều chỗ không hiểu. Bạn hãy đắm mình trong ngôn ngữ, để tai bạn hấp thụ ngoại ngữ một cách tự nhiên.
Đối với những người bắt đầu học, vốn từ chưa nhiều, bạn nên học cuốn English Grammar in use third Edition with Answers. Đây là cuốn sách ngữ pháp liền mạch, chứa đựng những vấn đề cơ bản và dễ hiểu nhất. Mỗi bài học đều có ví dụ, hình ảnh, bài tập, được sắp xếp rất khoa học.
Luyện tập kĩ năng nói
Nghe và nói là hai kĩ năng vận dụng nhiều nhất trong giao tiếp. Để nói tốt, bạn hãy nghe thật nhiều và bắt chước nói theo những gì bạn được nghe. Bạn hãy nói theo khi xem phim, nghe nhạc, nghe bản tin trên Radio,… Bạn hãy tiếp xúc với người bản ngữ và cố gắng giao tiếp với họ. Luyện tập thật nhiều, sẽ khiến bạn có niềm tin vào bản thân.
Luyện tập kĩ năng đọc
Đọc là một kĩ năng cần thiết và bạn có thể học hỏi rất nhiều trong quá trình đọc. Khi đọc, bạn sẽ học được các cấu trúc câu mới, cách diễn đạt. Đồng thời, bạn sẽ có vốn từ phong phú. Bạn có thể sử dụng những tài liệu luyện đọc cho kì thi như Ielts, Toeic, Toefl,… những câu chuyện thiếu nhi, mục quảng cáo, bài báo, bài hát,…
Luyện tập kĩ năng viết
Bạn hãy thử viết nhật kí bằng tiếng Anh. Viết theo từng chủ đề như: “What do you like?”, “What did you today ?” và sử dụng thật nhiều từ mới. Bạn nên đọc nhiều sách tiếng Anh để viết đúng cấu trúc và hay hơn.
Bạn sẽ mất khoảng sáu tháng để hoàn thành kiến thức nền tảng. Đây là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp thu kiến thức của bạn sau này. Sau khi đã có kiến thức tiếng Anh nền tảng, bạn hãy cố gắng vận dụng chúng thật nhiều trong cuộc sống. Bạn hãy đọc báo, nghe nhạc, xem phim, nghe các bản tin, xem các chương trình truyền hình,… và giao tiếp với người bản ngữ.
Đây cũng là lúc bạn nên học thêm để thi chứng chỉ quốc tế như: Toeic, Toefl, Ielts,.. Bạn hãy đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng, cụ thể, để có được kết quả tốt nhất.
Theo Trithuctre
Sinh viên ưu tiên làm thêm hơn học tiếng Anh
Dù bộ GD-ĐT mới ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc áp dụng cho chương trình đào tạo tại Việt Nam, tương đồng với khung tham chiếu châu Âu, nhưng trước đó nhiều trường ĐH đã thay đổi chương trình theo hướng này. Tuy nhiên nhiều sinh viên vẫn còn tâm lý học đối phó.
Sinh viên thực hành nghe nói tiếng Anh theo nhóm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều chuẩn lựa chọn
Năm 2012, ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành quy định chứng chỉ tiếng Anh VNU-EPT gồm 14 cấp độ theo các cấp độ Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) áp dụng cho bậc ĐH, sau ĐH.
Chương trình này áp dụng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM được 2 học kỳ. Tiến sĩ Nguyễn Thái Ân, Phó trưởng bộ môn ngoại ngữ cho biết: "Chuẩn đầu ra của sinh viên trong trường tương đương với bậc 3 của khung năng lực 6 bậc mà Bộ đưa ra dự thảo, và là bậc 7 của VNU-EPT".
Từ đầu năm 2011, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ban hành chuẩn đầu ra ngoại ngữ không chuyên - tiếng Anh cho sinh viên (SV) ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, tương đương cấp độ B1 CEFR, tương đương bậc 3 khung năng lực 6 bậc của Bộ. Thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ - Sư phạm, chia sẻ: "Bên cạnh kỳ thi đánh giá đạt chuẩn đầu ra B1 do trường tổ chức, trường cũng khuyến khích SV thi lấy các chứng chỉ quốc tế để được xét đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh. Cụ thể là TOEIC 500, TOEFL ITP 400, IELTS 4.5 và PET 70. Cách làm này nhằm đến việc hướng chuẩn đầu ra của SV gần với chuẩn mực quốc tế hơn".
Đạt chuẩn nhưng vẫn bị đánh giá yếu
Sau một học kỳ áp dụng chuẩn chương trình tiếng Anh của ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Thái Ân, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: "Một số giảng viên và SV chưa quen và chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin thường xuyên nên gặp khó khăn khi tích hợp việc dạy - học trên lớp và dạy - học trên thiết bị (như máy tính). SV chưa quen với việc rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nên chưa có ý thức tự học và luyện tập kỹ năng thường xuyên, bền bỉ".
Tiến sĩ Ân cũng thừa nhận, phần lớn SV chưa nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với công việc sau này, nên học với tư tưởng đối phó, qua loa. Đồng thời, mặc dù tốt nghiệp, đạt chuẩn đầu ra nhưng vẫn bị nhà tuyển dụng đánh giá tiếng Anh yếu. Các chứng chỉ tiếng Anh thường có giá trị trong khoảng 2 năm, nên nếu không có ý thức học tập rèn luyện đều đặn thì các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ sẽ thui chột rất nhanh.
Hiện tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức các kỳ thi đầu ra theo chuẩn B1 định kỳ 2 tháng một lần, tỷ lệ đạt của mỗi kỳ thi chỉ khoảng trên dưới 30%. Thạc sĩ Đào Đức Tuyên cho rằng, vẫn có nhiều SV nhận thức rõ tầm quan trọng của tiếng Anh. "Tuy nhiên, do nền tảng tiếng Anh ở phổ thông yếu, nhiều em có thái độ học tiếng Anh ở bậc ĐH chưa tích cực, học để đối phó với kỳ thi đầu ra là chính. Nhiều SV ưu tiên việc làm thêm ngoài giờ học hơn là học tiếng Anh".
Thạc sĩ Trần Cao Bội Ngọc, Phó phòng Hợp tác quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay: "Nhìn chung, thời gian qua chỉ có khoảng 65% SV đủ điểm tiếng Anh để tốt nghiệp, trong đó dưới 10% đủ giỏi để có thể làm việc tại công ty nước ngoài. 35% còn lại phải học lại". Thạc sĩ Ngọc kể, có nhiều SV lấy lý do này kia để xin miễn học chương trình tiếng Anh tăng cường. Một số em nhận thức nhầm lẫn, cho rằng trường bắt học nhiều để thu tiền, mà không hề biết rằng tiếng Anh có tầm quan trọng như thế nào đối với công việc tương lai. Nhất là khi năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập thì tiếng Anh lại càng cần thiết. Hậu quả là các em học đối phó để lấy điểm chứ không phải học thực sự để áp dụng cho công việc.
Theo TNO
Chương trình tiếng Anh thực tế và hiệu quả "Premier English" tạo môi trường giao tiếp giữa giáo viên với học viên và giữa các học viên với nhau bằng Anh ngữ để phát triển chuyên sâu kỹ năng nghe, nói trong các ngữ cảnh thực tế. Trong thời đại bùng nổ thông tin, tìm được một chương trình học tiếng Anh không khó nhưng để đánh giá chất lượng đào tạo...