Ban Kinh tế Trung ương và Bộ GTVT phối hợp xây dựng kết cấu hạ tầng
Chiều 25/12, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: Nghị quyết đã được triển khai kịp thời, có chiều sâu bằng những chương trình, nhiệm vụ cụ thể nên nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Giao thông Vận tải đã được nâng cao, tạo được không khí khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Công tác tổ chức triển khai, theo dõi thi hành pháp luật có nhiều tiến bộ, hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đã có những chuyển biến rõ rệt.
Trong quản lý đầu tư, đã khắc phục một số tồn tại như phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý… Công tác kiểm soát chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư đã có chuyển biến mạnh mẽ, nhiều dự án, công trình được đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Công tác huy động vốn ngoài ngân sách được chú trọng, lượng vốn đầu tư theo hình thức BOT, PPP… lớn nhất từ trước tới nay (178.165 tỷ đồng), góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đã được tăng cường và đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản duy trì được hệ thống hạ tầng giao thông hiện có. Công tác thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cũng như công tác hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế của ngành Giao thông Vận tải đã được đẩy mạnh, đặc biệt là công tác xúc tiến kinh tế đối ngoại; đạt được nhiều cam kết, thỏa thuận trong hỗ trợ vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Xây dựng và phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, một trong 3 khâu đột phá chiến lược, được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả giải ngân vốn đầu tư hàng năm đều vượt kế hoạch được gia. Số lượng các công trình khởi công, hoàn thành cao nhất từ trước đến nay và tăng nhanh theo hàng năm. Nhiều công trình trọng điểm được triển khai và hoàn thành trước tiến độ tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và quốc tế. Các công trình kết cấu hạ tầng giao thôngtại các đô thị lớn được đầu tư, tạo sự chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị lớn. Dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đề ra trong Nghị quyết.
Việc tập trung triển khai đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần không nhỏ cải thiện an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông so với cùng kỳ giai đoạn 2005 – 2010 đã giảm sâu ở cả ba tiêu chí và vượt so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Lần đầu tiên từ sau năm 2001 đến nay, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm dưới 10.000 người. Công tác khắc phục ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bước đầu thu được kết quả khả quan, hạn chế ùn tắc giao thông đô thị, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Công tác tái cơ cấu đầu tư để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông được gắn liền với công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã được triển khai thực hiện quyết liệt và đã thu được một số kết quả quan trọng: kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nâng cao một bước về năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Tại buổi làm việc, các đại biểu Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải thảo luận, trao đổi về các nội dung: chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, mối quan hệ giữa chiến lược giao thông với các chiến lược phát triển các lĩnh vực khác; mô hình huy động vốn; chính sách tín dụng cho hoạt động đầu tư; chính sách thuế,giá, phí, lệ phí liên quan đến giao thông vận tải; thu hút các nguồn lực đầu tư; công tác quản lý đầu tư…
Trước đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa hai Cơ quan. Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải tăng cường phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các cơ chế, chính sách trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các chủ trương, chính sách lớn về phát triển ngành giao thông vận tải, về kinh tế giao thông, về tái cơ cấu ngành giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông; thị trường dịch vụ vận tải; phát huy các mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chủ trương, chính sách phát triển, các quy phạm pháp luật ngành giao thông vận tải; các chính sách của Nhà nước về huy động, phân bổ và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngành giao thông vận tải. Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải; các ngành đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa; quản lý và phát triển thị trường dịch vụ vận tải, dịch vụ logistic; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Hai bên thẩm định các đề án phát triển kinh tế – xã hội, các dự án lớn thuộc ngành giao thông vận tải trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, về phát triển cơ sở hạ tầng, về an toàn giao thông; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế – xã hội, về các lĩnh vực chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải.
Video đang HOT
Hai bên trao đổi thông tin và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; trao đổi thông tin về hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý; phối hợp trong công tác nghiên cứu, lý luận phát triển kinh tế – xã hội.
Thanh Liêm – Thủy Hương
Theo Dantri
Không nản lòng khi bị đe "ghế đã gãy một chân"
Một năm đối diện với những cáo buộc "rát mặt" về chuyện tiêu cực tràn lan trong ngành đăng kiểm, một năm nhận ghế Cục trưởng Cục Đăng kiểm với nhiều lời đe "ghế đã gãy một chân", ông Trần Kỳ Hình cho rằng áp lực là cơ hội để tạo sức bật.
Trong năm qua, ngành đăng kiểm được đánh giá là đang ở giai đoạn "thay máu" đầy khó khăn, thử thách nhưng nhiều cửa sáng tích cực đã rộng mở. Gần kết thúc năm 2014 với cương vị người đứng đầu đã được "đẩy lên lưng cọp" nhìn lại một năm thử thách đã qua, ông đánh giá thế nào về bước chuyển mình mạnh mẽ của Cục Đăng kiểm?
Ngành Đăng kiểm đã có bước thay đổi thực sự mạnh mẽ về chất. Đây cũng là xu thế tất yếu với không chỉ lĩnh vực Đăng kiểm mà ở nhiều đơn vị khác trong ngành GTVT. Điều quan trọng nhất, tôi cho rằng, đó là sự thay đổi về nhận thức. Đây là chìa khoá mấu chốt để thực hiện các mục tiêu cụ thể. Không dễ gì thay đổi được nhận thức và những thói quen chưa đúng sẵn có.
Năm qua, từ ban lãnh đạo Cục cho đến cán bộ quản lý các phòng tham mưu, đội ngũ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đều đã có thay đổi cơ bản về nhận thức trong điều hành công việc, thực thi công vụ.
"Cuộc cách mạng" này được thực hiện với sự đồng thuận lớn trong ngành. Chủ trương của cấp trên và ban lãnh đạo chúng tôi đưa ra là nhất quyết phải lập lại trật tự trong hoạt động đăng kiểm, không thể để tình trạng mất kiểm soát như trước đây. Hai mục tiêu cụ thể chúng tôi đề ra cho năm 2014 là tiêu cực không còn tràn lan và đưa tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ xuống dưới 50 (ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU) đều đã đạt được.
Một năm nỗ lực, dù còn chỗ này chỗ khác người dân vẫn chưa hài lòng, vẫn còn phản ánh về những chuyện "làm bậy" nhưng chắc chắn ngành chúng tôi không chấp nhận việc đó.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình: "Có áp lực mới có sức bật, bình bình không phải tính cách của tôi".
Trở lại bối cảnh đầu năm 2014, áp lực liên tiếp dồn lên lãnh đạo Cục khi hàng loạt vấn đề được mổ xẻ như chuyện tiêu cực của ngành, đăng kiểm viên năng lực kém, đạo đức nghề nghiệp giảm sút, gây phiền hà, sách nhiễu... Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi đó đã nêu rõ hiện tượng "đăng kiểm viên chỉ cầm một vài trăm nghìn để không khám xe, không kiểm tra kỹ thuật khiến hàng trăm nghìn xe trở thành những hung thần trên đường phố". Ông có gì để "thanh minh" cho vấn đề này?
Không có gì để thanh minh cả. Hiện tượng Bộ trưởng nêu có thể có ở đâu đó trong các đơn vị đăng kiểm nhưng phát hiện chính xác tiêu cực để xử lý cán bộ, đăng kiểm viên vi phạm là rất khó, ngay cả khi chúng tôi đã và đang vào cuộc quyết liệt.
Do đặc thù của hoạt động đăng kiểm, cũng giống như ở nhiều nước, đăng kiểm thường thực hiện kiểm tra độc lập ở những hạng mục khác nhau nên dễ phát sinh tiêu cực nếu cán bộ không có đạo đức nghề nghiệp. Và những tiêu cực này rất khó phát hiện. Một số đăng kiểm viên vì những mối lợi vật chất nhỏ đã gây phiền hà, sách nhiễu khách hàng, khi đã tiêu cực thì thiếu tinh thần trách nhiệm, kiểm tra không đúng quy trình, quy định an toàn kỹ thuật.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là ngay chủ phương tiện, nhiều người có quan niệm chưa đúng về an toàn kỹ thuật, phương tiện không đảm bảo nhưng vẫn muốn "đút lót" để qua đăng kiểm, tiếp tay cho hành vi tiêu cực. Tôi cho rằng, muốn chống tiêu cực tốt, ngoài cơ quan đăng kiểm, cần có sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ từ phía chủ phương tiện.
Đến nay, bài toán đặt ra với lãnh đạo ngành đã được giải thế nào, thưa ông?
Theo đánh giá của chúng tôi cũng như nhìn nhận của xã hội, công tác đăng kiểm trong cả lĩnh vực đường bộ, đường thuỷ năm qua đã có những chuyển biến tích cực.
Chúng tôi đã cố gắng hoàn thiện thể chế, phát huy sức mạnh tập thể để huy động toàn lực lượng vào cuộc chống tiêu cực, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, ký cam kết không vi phạm. Sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của ban lãnh đạo Cục cũng đóng vai trò rất lớn. Lãnh đạo Cục không liên tục quyết liệt, buông xuôi thì cấp dưới không chuyển chứ chưa nói đến đăng kiểm viên.
Chúng tôi tăng cường, liên tục thanh kiểm tra, hậu kiểm từ đó phát hiện được nhiều sai phạm, tiêu cực tại các đơn vị. Trên cơ sở đó, Cục đã xử lý nghiêm minh các đơn vị, cá nhân sai phạm, có đơn vị phải cho ngừng hoạt động, nhiều cán bộ quản lý bị kỷ luật. Riêng các đơn vị trực thuộc Đăng kiểm, có 47 trường hợp cán bộ, đăng kiểm viên bị kỷ luật, nặng nhất là buộc thôi việc và 26 trường hợp khác bị phê bình nghiêm khắc. Ngoài ra, nhiều cán bộ, đăng kiểm viên các trung tâm đăng kiểm do các Sở GTVT quản lý cũng bị đơn vị xử lý kỷ luật.
Để xảy ra tình trạng nhộn nhạo trong hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng Thăng khi đó đã "cáo buộc" trách nhiệm thuộc những người lãnh đạo của đơn vị. Bộ trưởng cũng đe đến cuối năm nay vẫn còn tiêu cực tràn lan thì dứt khoác các lãnh đạo Cục phải chuyển việc khác. Áp lực đặt ra với ông vào thời điểm đó có thể hiểu là rất lớn. Ông có "ấm ức" vì có thể hiểu, những tồn tại đó không chỉ nhiệm kỳ này, năm 2014 này mới bộc lộ mà là phép cộng dồn của rất nhiều vấn đề trong cả quãng thời gian dài trước đó?
Trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo. Thời điểm đó đúng là có áp lực nhưng tôi thấy đó là điều bình thường, lẽ đương nhiên làm lãnh đạo phải chịu trách nhiệm lớn. Tiêu cực không chỉ có ở ngành đăng kiểm mà tồn tại ở nhiều ngành, nhiều nơi khác trong thời gian dài, khó dẹp hết trong một sớm một chiều. Có lẽ vào thời điểm tôi làm Cục trưởng cũng là lúc thích hợp để nhiều đơn vị trong ngành GTVT, trong đó có cả đăng kiểm phải nhìn nhận rõ những tồn tại thực tế để đưa ra những biện pháp tạo sự thay đổi đột biến, tích cực.
Được biết, kết quả mới nhất, ngành đăng kiểm hoàn thành nhiệm vụ đào tạo để có thêm 300 đăng kiểm viên chất lượng, giải được áp lực bộ chủ quản đề ra là cho nghỉ tất cả những cán bộ không đảm bảo năng lực dẫu có phải dừng hoạt động cả Cục Đăng kiểm để tổ chức, đào tạo lại. Bao nhiêu % nỗ lực ông và đội ngũ lãnh đạo đơn vị đã phải dồn sức để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất vừa qua?
Thực tế thời gian vừa qua đúng là có lúc thiếu đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới do số lượng đăng kiểm viên bị kỷ luật nhiều, một số đơn vị không đủ số lượng nhân sự theo quy định cho dây chuyển kiểm định. Cục chúng tôi đã xử lý linh hoạt, có đơn vị cho tạm thời đình chỉ một dây chuyền, các dây chuyền khác vẫn hoạt động hoặc điều động đăng kiểm viên từ đơn vị khác đến. Nhưng số lượng thiếu cũng không phải quá lớn và Cục có hẳn một Trung tâm Đào tạo để cung cấp nhân lực cho ngành nên giải quyết vấn đề này không quá khó.
Sau một thời gian triển khai thực hiện các giải phấp nâng cao chất lượng và phòng chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm, lãnh đạo Bộ GTVT đã ghi nhận Cục đăng kiểm thực sự quyết liệt, kết quả bước đầu thu được rất tích cực. Để đạt được kết quả bước đầu như vậy, lãnh đạo Bộ đánh giá, vai trò rất quan trọng của lãnh đạo Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên... và trước hết là vai trò lãnh đạo của Cục trưởng. Chắc chắn có không ít va chạm, đau xót trong cuộc "đại phẫu" cơ thể mình?
Tôi có thuận lợi là tập thể ngành đăng kiểm có truyền thống đoàn kết. Lúc đầu triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng và phòng chống tiêu cực không thành công vì chỉ tiêu lãnh đạo Bộ đưa ra rất cao, khó đạt nhưng với quyết tâm của ban lãnh đạo Cục xác định phải biết khơi gợi anh em đúng lúc, đúng thời điểm nên từng bước, từng bước, chất lượng đăng kiểm đã nâng lên rõ rệt, được xã hội ghi nhận. Lúc đó, chúng tôi xác định là cố sẽ được nhưng phải vất vả và quả thực là vất vả thật (cười).
Đúng là không có sự thành công nào dễ dàng cả, thậm chí có không ít mất mát. Rất buồn là nhiều cán bộ quản lý, đăng kiểm viên bị kỷ luật nhưng qua đó mọi người cũng tự nhìn lại được mình và rút ra những bài học. Không ai muốn kỷ luật đồng nghiệp cả nhưng không quyết liệt thì không tạo ra chuyển biến đột phá được khi tiêu cực đã tạo ra con đường mòn.
Nhận chức từ 1/1/2014 và chiếc ghế của Cục trưởng Cục đăng kiểm đã "nóng" đủ một năm qua, chắc chắn sẽ còn giữ nhiệt trong thời gian dài nữa khi đây là điểm chốt, nút gác cho vấn đề kiểm soát phương tiện, tải trọng... Ông có nản lòng nếu một lần nữa bị đe "ghế ông đã lung lay", "đã gãy một chân rồi đấy"?
Những chuyển biến tích cực như nhà báo nhận xét mới chỉ là kết quả bước đầu. Chúng tôi xác định phải liên tục cố gắng, quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ đạo mới duy trì tốt và nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm. Đây là công việc phức tạp, mang tính xã hội cao. Bởi vậy tôi cũng lường trước được khó khăn và luôn nghĩ rằng mình không được nản lòng.
Đúng là một năm qua, chưa lúc nào hết áp lực nhưng bản thân tôi cũng nghĩ làm việc là phải có áp lực bởi vì rõ ràng đòi hỏi của cuộc sống ngày càng cao lên, muốn chất lượng phục vụ tốt lên, đáp ứng yêu cầu thì mình càng phải cố gắng nhiều lên và như thế rõ ràng phải có áp lực. Nhiều lúc phải tạo ra áp lực thì mới có sức bật, hiệu quả tăng lên chứ cứ làm bình bình, việc cũng sẽ... dậm chân. Mà có lẽ bình bình cũng không phải là tính cách của tôi. Làm việc có áp lực, theo đó, tôi cho là cũng dễ làm hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
P. Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
Bộ Giao thông vận tải thi tuyển nhiều vị trí quan trọng Thông tin từ Bộ GTVT ngày 23.12, trong năm 2015 Bộ sẽ thi tuyển hàng loạt chức danh cấp trưởng quan trọng. Cụ thể, chức danh Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin thi tuyển tháng 3.2015; chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT thi tuyển trong tháng 5.2015. Trụ sở Bộ Giao thông Vận tải Các vị trí...