Băn khoăn về vụ bắt khẩn cấp một học sinh lớp 12
Ngày 28-29/3/2011, trường THPT Vĩnh Lộc thu giữ 43 điện thoại di động của nhiều học sinh. Ngày 31/3, số điện thoại trên bị mất trộm và đến ngày 1/4 thì được trả lại. Liên quan đến vụ việc này, một học sinh của trường đã bị bắt khẩn cấp.
Theo phản ánh của phụ huynh và học sinh trường THPT Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), trong hai ngày 28 và 29/3/2011, Ban giám hiệu Trường THPT Vĩnh Lộc đã thu giữ 43 máy điện thoại di động (ĐTDĐ) của học sinh trong trường. Có danh sách thu giữ kèm theo do chính Phó Hiệu trưởng nhà trường là bà Nguyễn Thị Hà lập.
Danh sách các học sinh bị thu giữ điện thoại
Ngày 31/3/2011, bảo vệ trường THPT Vĩnh Lộc thông báo có kẻ gian đột nhập vào khu Hiệu bộ lấy cắp điện thoại mà Nhà trường đã thu giữ của học sinh. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Ban giám hiệu trường THPT Vĩnh Lộc đã có báo cáo gửi cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Lộc.
Đến sáng ngày 1/4/2011, phòng bảo vệ nhà trường có nhận một hộp vuông của một người mang đến với lời nhắn gửi đích danh cho ông Nguyễn Văn Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc.
Ông Tân mở hộp ra kiểm tra thì thấy bên trong có đựng 33 máy điện thoại di động bị mất cắp ngày hôm trước. Ban giám hiệu nhà trường đã lập biên bản hiện trường cùng tang vật gửi cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Lộc. Sau quá trình khoanh vùng, xác định dấu vân tay tại hiện trường vụ việc, cơ quan điều tra đã xác định được nghi can là Ngô Ngọc Linh, học sinh lớp 12A3 trường THPT Vĩnh Lộc.
Video đang HOT
Quyết định phê chuẩn của VKSND huyện Vĩnh Lộc
Ngay trong ngày 1/4, cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Lộc đã ra quyết định số 01/CAVL về “Lệnh bắt khẩn cấp” đối với Ngô Ngọc Linh, sinh năm 1993, ở Khu 2, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 2/4, VKSND huyện Vĩnh Lộc phê chuẩn “Lệnh bắt khẩn cấp” số 01/CAVL ngày 1/4/2011 của Công an huyện Vĩnh Lộc đối với Ngô Ngọc Linh. Được biết, sau khi sự việc xảy ra, học sinh Ngô Ngọc Linh vẫn đi học bình thường tại trường.
Ngay sau khi có lệnh bắt khẩn cấp, cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Lộc đã đến trường THPT Vĩnh Lộc đọc lệnh và tiến hành bắt khẩn cấp đối với học sinh Ngô Ngọc Linh trước sự ngỡ ngàng của tất cả các học sinh trong trường.
Liên quan đến sự việc này, nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng trong điều lệ trường học mà Bộ GD&ĐT đưa ra không điểm nào nói đến việc cấm học sinh mang ĐTDĐ đến trường hay nhà trường được phép thu giữ ĐTDĐ của học sinh. Vậy mà trường THPT Vĩnh Lộc đã tiến hành thu giữ hàng loạt ĐTDĐ của học sinh suốt từ năm 2010 đến nay. Điển hình nhất là việc thu 43 điện thoại di động của học sinh mới đây. Cách làm này của trường khiến nhiều học sinh và cả các phụ huynh bất bình.
Quyết định khởi tố bị can của Công an huyện Vĩnh Lộc
Dư luận từ phía phụ huynh và các học sinh cho rằng, có thể do nhận thức chưa đúng nên em Ngô Ngọc Linh mới nghĩ cách lấy lại điện thoại bị nhà trường thu giữ. Sau đó, khi nhận thấy việc làm của mình là vi phạm pháp luật, Linh đã cố gắng hoàn trả lại toàn bộ số điện thoại đã lấy lại cho Ban giám hiệu. Việc cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Lộc lại ra lệnh bắt khẩn cấp và VKSND huyện Vĩnh Lộc phê chuẩn lệnh bắt đối với Ngô Ngọc Linh liệu có quá “mạnh tay”, thấu tình đạt lý? Nhất là đối với một học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trao đổi với ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa ngày 15/4, ông Đồng cho biết, trường THPT Vĩnh Lộc chưa hề báo cáo vụ việc nên Sở chưa nắm được cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Tân, Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Lộc thừa nhận: “Bộ GD&ĐT cũng chưa có quy định nào về việc thu giữ điện thoại của học sinh. Đây là chủ trương của Nhà trường từ năm 2010 đến nay. Sự việc này xảy ra là do phía gia đình giáo dục con cái chưa đến nơi. Ngày công an đến bắt chỉ đọc thông báo trước toàn trường chứ chúng tôi không ký nhận biên bản nào. Hơn nữa sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi cũng chưa báo cáo lên Sở”.
Ông Nguyễn Văn Tân thừa nhận là chưa có quy định nào cho việc thu giữ điện thoại học sinh
Khi được hỏi về quan điểm nhà trường trước sự việc xảy ra đối với học sinh Ngô Ngọc Linh, ông Tân cho biết: “Chúng tôi cũng không băn khoăn về việc này”.
Hiện tại học sinh Ngô Ngọc Linh vẫn đang trong thời gian bị giam giữ tại trại giam Cầu Cao, thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa.
Theo Dân Trí
Đúng người đúng tội
Làm việc tại công ty nên biết rõ những sơ hở, Ngô Văn Thắng đã về quê lôi kéo các đối tượng khác "đánh" hẳn ô tô đến tận công trường lấy cắp dây cáp điện.
Trần Văn Thanh và Đinh Văn Thưởng tại phiên xử phúc thẩm
Bị hại trong vụ án này là Công ty CP Đầu tư xây lắp và Thương mại An Thịnh, trụ sở ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Khoảng 8h ngày 30-4-2010, Ngô Văn Thắng (SN 1979); Trần Văn Thanh (SN 1978); Trần Văn Nhất (SN 1975) và Trần Văn Phong (SN 1977), cùng trú tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội rủ nhau đến Quốc lộ 32, thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm lấy cắp cuộn dây cáp điện 24KV đang để tại nơi thi công.
Sau khi bàn bạc, Nhất và Phong đến khu vực cầu vượt Mai Dịch thuê xe ô tô cẩu tự hành chở cuộn dây cáp điện đến đường Láng - Hòa Lạc. Tại đây, Thắng và Thanh thuê xe ô tô cẩu tự hành khác tiếp tục chở đi tìm nơi tiêu thụ. Trong khi vận chuyển, Thắng gọi điện cho Lưu Minh Ngọc (SN 1981), trú ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội tìm mối. Ngọc đồng ý, rồi liên lạc với Đinh Văn Thưởng (SN 1985), trú ở xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang để bán cuộn dây cáp điện đó.
Thấy "món hời" nhưng không đủ tiền "ôm hàng" nên Thưởng đã môi giới cho người khác để hưởng chênh lệch. Cả bọn sau đó chở cuốn dây cáp điện đến bán cho một người thu mua phế liệu ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh với giá 190 triệu đồng. Số tiền này được Thắng chia cho các đối tượng và trả công vận chuyển hàng.
Theo định giá tài sản, cuộn dây cáp điện trên trị giá 430 triệu đồng. Tại CQĐT, cả 6 đối tượng đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội; đồng thời khai rõ Thắng và Phong vốn là công nhân làm việc thời vụ tại Công ty CP Đầu tư xây lắp và Thương mại An Thịnh. Quá trình thi công, Thắng biết công ty này thường để các cuộn dây cáp điện tại công trường nhưng không có người trông coi cẩn thận nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. Ngày 29-4-2010, lấy lý do về quê có việc, Thắng đã rủ Nhất và Thanh cùng tham gia phi vụ với diễn biến như trên.
Ngày 28-12-2010, sau khi mở phiên tòa xét xử các bị cáo, TAND huyện Từ Liêm đã tuyên phạt Ngô Văn Thắng 6 năm 6 tháng tù, Trần Văn Phong 5 năm 6 tháng tù, Trần Văn Nhất 4 năm 6 tháng tù và Trần Văn Thanh 4 năm tù về tội trộm cắp tài sản; Lưu Minh Ngọc cùng Đinh Văn Thưởng 3 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cho rằng bản án sơ thẩm quá nặng, Trần Văn Thanh, Đinh Văn Thưởng đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.
Xét đơn kháng án hợp lệ nên ngày 4-3 vừa qua, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm. Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và sau khi có bản án sơ thẩm, bị cáo Thanh tiếp tục tích cực khắc phục hậu quả nên được coi là tình tiết mới. Từ đó, HĐXX quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm để tuyên phạt Trần Văn Thanh 45 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Với đề nghị của Đinh Văn Thưởng xin được hưởng án treo nhưng không có căn cứ nên HĐXX vẫn giữ nguyên hình phạt tại bản án sơ thẩm.
Theo ANTD
Mất hàng cứu trợ, nhà trường và bảo vệ 'đấu' nhau Chỉ sau 10 tiếng trường nhận được hàng cứu trợ, kẻ gian đã đột nhập lấy cắp. Nhà trường đổ lỗi cho bảo vệ thiếu trách nhiệm, phía bảo vệ "bật lại": "Không phải lỗi của chúng tôi". Trong đợt lũ vừa qua, Trường Tiểu học Long Giang, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chịu ảnh hưởng nặng nề. Toàn bộ...