Băn khoăn tính khả thi của đề án giá hơn tỷ đô
1,7 tỷ USD là số tiền để đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) bậc phổ thông được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 14/4. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của đề án này.
Một số ý kiến cho rằng SGK phổ thông còn nhiều bất cập, cần lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, nhà giáo. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dự kiến thực hiện đại trà vào năm 2023
Video đang HOT
Lần thứ hai báo cáo về Dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn chưa thuyết phục được UBTVQH tính khả thi của đề án. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, theo đề án của Bộ GDĐT, đến hết năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc soạn thảo SGK theo chương trình mới, thực hiện từ thí điểm đến đại trà vào năm 2023, ở tất cả các cấp học.
Nhất trí cần sớm đổi mới chương trình và SGK, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, một số ĐB cho rằng nội dung Tờ trình còn sơ sài, phần đánh giá tác động của đề án chỉ có 2,5 trang, chưa nói được gì. “Đề án chưa nêu cụ thể những mục tiêu cần đạt được là gì, cần phải nêu rõ định tính, định lượng về nội dung đổi mới chương trình, SGK, thậm chí phải định lượng đầu ra của đề án là gì” – bà Mai phát biểu.
Cũng theo ĐB Mai, Bộ GD&ĐT cần báo cáo, đánh giá cụ thể việc đổi mới chương trình, SGK trong những năm qua ra sao. Năm nào cũng phân bổ hàng trăm tỷ để đổi mới chương trình, nội dung, đổi mới thiết bị dạy và học nhưng nhiều nơi trường lớp vẫn tạm bợ, chương trình kiên cố hóa trường lớp còn nhiều việc phải làm, cần báo cáo cụ thể về những nội dung đó.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, để đề án khả thi, cần làm rõ yêu cầu cụ thể, nội dung đổi mới chương trình, đổi mới SGK là gì. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung dự thảo nghị quyết chưa có nội dung cụ thể, ai tổ chức thực hiện. Cần tránh việc sao chép lại những nội dung, quan điểm của những nghị quyết trước đó.
Trả lời Chủ nhiệm Trương Thị Mai về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và kinh phí thực hiện đề án, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Hiện nay cơ bản đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đã đủ”. Nhưng thực hiện đề án đổi mới này, đội ngũ giáo viên phải đào tạo lại để thích ứng.
Công tác đào tạo lại sẽ tập trung ở các trường sư phạm, không phân cấp cho địa phương đào tạo về tỉnh, tỉnh đào tạo về huyện, về trường như trước nữa. Ngoài ra, áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa. Về tiêu chuẩn, điều kiện tối thiểu thì chỉ có một số ít nhà trường chưa đạt, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư trong một hai năm là xong.
Về kinh phí, Thứ trưởng Hiển cho biết, để đổi mới chương trình và SGK dạy thử nghiệm và đại trà… sẽ cần 34.275 tỷ đồng (1,7 tỷ USD). Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện như nói trên. “Nếu Nhà nước đầu tư như kiến nghị của Bộ, đề án này sẽ khả thi, còn nếu cứ để yên như tình hình hiện nay thì không khả thi” – ông Hiển nói.
Loay hoay đổi mới
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng tập trung dạy cách học và tự học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức của người học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quá trình dạy, học và công tác quản lý. “Cần đổi mới công tác thi cử theo hướng đánh giá thực chất, hiệu quả và khách quan, trung thực. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chống tiêu cực và bệnh thành tích trong học tập và thi cử” – Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Đồng thời, cần xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, bao gồm phần bắt buộc đối với học sinh toàn quốc và phần bổ sung do địa phương và cơ sở giáo dục lựa chọn.
“Để thực hiện thành công Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 cần bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp. Nhà nước cần ban hành chuẩn về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất – kỹ thuật nhà trường để các địa phương, các cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện” – ông Đào Trọng Thi lưu ý.
Một số ý kiến cho rằng, quy trình biên soạn chương trình, SGK phổ thông còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm; chưa tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là các giáo viên trực tiếp giảng dạy các cấp học.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng “từ năm 2000 đến giờ ta cứ loay hoay đổi mới mãi”. Theo ông, đề án cần đưa vào những tư duy mới trong Hiến pháp, tham khảo kinh nghiệm làm chương trình, SGK của thế giới để tương xứng với số tiền mà Bộ đề xuất.
Theo Tienphong