Băn khoăn thi THPT quốc gia trên máy tính
Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sau năm 2020 có nhiều thay đổi, các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều xáo trộn với phương án thi bằng máy tính
“Nhìn lại mùa thi và tuyển sinh 2019″ là chủ đề buổi trao đổi bàn tròn do Báo Người Lao Động tổ chức trong khuôn khổ chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2019″. Các chuyên gia khách mời cùng đánh giá, nhận định về mùa thi 2019, về xu hướng chọn nguyện vọng của thí sinh cũng như dự báo những thay đổi trong thi và tuyển sinh sau năm 2020.
Nở rộ xét học bạ và thi năng lực
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam – cho biết kỳ thi THTP quốc gia 2019 thay đổi thuận lợi hơn cho thí sinh, vai trò coi thi của các trường tăng lên, các thí sinh tự do thi chung các thí sinh THPT. Đề thi ổn định, điểm thi, điểm chuẩn năm 2019 ổn định hơn năm 2018, mức khó của đề thi phù hợp hơn với 1 kỳ thi 2 mục đích. Đây cũng là năm có sự thay đổi trong các phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển theo thi đánh giá năng lực của các trường ĐH.
Các chuyên gia khách mời trao đổi tại trường quay của Báo Người Lao Động Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng như một vài năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng sau đó các trường lại ra sức chống ảo. Đây là mâu thuẫn giữa các trường ĐH với thí sinh. Bản thân các trường cũng có nhiều phương thức xét tuyển, có trường đến 6 phương thức, trường ít nhất thì 2 phương thức, như vậy các thí sinh tham gia các phương thức xét tuyển đó nhưng chỉ được trúng tuyển theo học 1 trường duy nhất. Điều này bắt buộc các trường phải ngồi lại với nhau để xem xét, lọc ảo. Ở nhiều phương thức xét tuyển, có những trường tỉ lệ thí sinh nhập học rất thấp, chỉ 20%-30%.
Về việc đa dạng phương thức xét tuyển, TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho rằng phù hợp với tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH. Ưu tiên xét tuyển dựa trên kết quả học bạ, dùng kết quả học bạ trải qua nhiều học kỳ để đánh giá, còn dựa trên kết quả thi THPT quốc gia thì được đánh giá trong một khoản thời gian ngắn nhất định. Phương thức xét tuyển học bạ càng được các trường ĐH sử dụng nhiều, chứng tỏ các trường ĐH đã bắt đầu tin tưởng vào chất lượng đào tạo của các trường THPT. Nhưng nâng tỉ lệ ưu tiên xét tuyển học bạ ở mức độ nào là trách nhiệm của các trường ĐH. Tuy nhiên, phương thức này tỉ lệ ảo rất lớn vì một học sinh có thể đậu nhiều trường, rất khó để lọc ảo.
Nhìn tổng thể bức tranh tuyển sinh năm 2019, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng việc một trường có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau mục đích cũng để bảo đảm đủ chỉ tiêu. Đặc biệt, năm 2019 bùng nổ phương thức các kỳ thi đánh giá năng lực ở các trường ĐH. Việc tổ chức thêm những phương thức xét tuyển khác cũng là cách để các trường ĐH chuẩn bị trước nếu như kỳ thi THPT quốc gia không còn đông thí sinh tham gia nữa từ năm 2021, song điều quan trọng là chất lượng của kỳ thi đánh giá năng lực. Bộ GD-ĐT cần có quy định, quy chuẩn cho việc đánh giá năng lực.
Dự báo nhiều xáo trộn
2020 sẽ là năm thi THPT quốc gia cuối cùng như kỳ thi bắt đầu từ năm 2015, bởi từ năm 2021 đến 2025 sẽ có lộ trình thi mới. Theo đề xuất của Bộ GD- ĐT, học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
TS Nguyễn Đức Nghĩa dự báo số lượng học sinh không tham gia kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2021 có thể từ 35% trở lên. Việc tổ chức thi trên giấy như lâu nay hay thi trên máy sẽ tác động đến cách học cách thi của thí sinh, dự kiến đề thi từ năm 2021 sẽ không còn các môn riêng biệt như hiện nay, như lý – hóa – sinh thành bài thi khoa học tự nhiên, sử – địa – giáo dục công dân thành bài thi khoa học xã hội, chỉ còn các bài thi đúng nghĩa thực sự, các câu bị xáo trộn. Các trường ĐH sẽ thay đổi phương thức xét tuyển, phải tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực.
TS Đặng Thị Ngọc Lan băn khoăn việc triển khai thi trên máy. Bà cho rằng nếu triển khai từ năm 2021 thì ngay từ lúc này, Bộ GD-ĐT phải có sự chuẩn bị tốt về hệ thống hạ tầng bao gồm máy móc, phần mềm. Vấn đề bảo mật an toàn đề thi cũng như việc chống tấn công, thâm nhập từ xa cũng phải được quan tâm, nếu không sẽ rủi ro lớn. Ngoài ra còn vấn đề cấp chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 12 có nên hay không? Với chứng nhận này, các trường ĐH rõ ràng không dùng mà chỉ có thể học trung cấp. Do vậy, nên làm tốt công tác phân luồng từ sau THCS để các em đi học nghề. Tốn 3 năm học THPT chỉ để lấy chứng nhận quả là lãng phí.
Dè dặt chọn ngành
Theo TS Lê Thị Thanh Mai – Trưởng Ban Công tác Sinh viên, ĐHQG TP HCM – trong kỳ thi và tuyển sinh 2019, khâu thông tin đến thí sinh được đầu tư kỹ lưỡng nên thí sinh cũng cân nhắc nhiều hơn. Năm nay, 3 nhóm ngành có tỉ lệ thí sinh đăng ký nhiều nhất, gồm: xã hội nhân văn; kinh doanh, quản lý; khoa học sức khỏe. Tuy nhiên, nhóm ngành nhiều thí sinh lựa chọn cũng là những khối ngành thay đổi nguyện vọng nhiều nhất sau khi có kết quả thi và các trường công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Điều này cho thấy việc chọn ngành của các em chưa đúng với nguyện vọng và năng lực. Thí sinh vẫn còn dè dặt, cần đón đầu được những ngành hấp dẫn trong tương lai như công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm chế biến, du lịch, nhà hàng khách sạn…
Theo nld.com.vn
Tuyển sinh đại học 2019: Đa dạng xét tuyển, siết chặt chất lượng
Đa dạng các hình thức xét tuyển, từ lấy kết quả Kỳ thi THPT quốc gia cho đến lấy kết quả thi đánh giá năng lực, xét học bạ và điểm ngoại ngữ đạt chuẩn theo đánh giá của các trung tâm uy tín.... các phương thức xét tuyển đều nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho người học nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nguồn tuyển.
Kỳ thi đánh giá năng lực được ĐHQG Hà Nội tổ chức trước đây Ảnh: T.G
Cùng với đó là các quy định khắt khe xác định "điểm sàn" khối Sư phạm, Y Dược đã và đang hướng đến kiểm soát đầu vào các trường đại học chất lượng hơn.
Đa dạng hình thức xét tuyển
Những năm trước, ĐHQG Hà Nội đi đầu trong việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Từ khi Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức bảo đảm các yếu tố đánh giá chất lượng người học, ĐHQG Hà Nội cũng dừng phương thức thi này và chuyển sang lấy kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm để xét tuyển sinh. Tại khu vực phía Bắc, các phương án được lựa chọn đó là lấy kết quả thi THPT quốc gia, xét học bạ THPT và xét tuyển kết hợp với các chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. Trong đó lấy kết quả học bạ cộng với chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn quốc tế được các đại học top đầu thực hiện trong năm nay đang được dư luận đánh giá cao về tính chính xác và công bằng.
Còn ở các tỉnh phía Nam, năm 2019 nhiều trường lấy kết quả xét tuyển từ thi THPT quốc gia. Một số trường thể hiện quyền chủ động của mình trong xét tuyển bằng cách lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Đến thời điểm này, đã có 5 trường đại học tự đứng ra tổ chức thi là ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TPHCM, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học FPT và Đại học Quốc tế.
Cũng có hơn 20 trường khác cho biết sẽ sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh để xét tuyển vào trường mình. Năm nay cũng là năm thứ ba Đại học Luật TPHCM tiếp tục tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức với 30% tổng chỉ tiêu xét tuyển, bên cạnh 10% học bạ và 60% điểm THPT quốc gia. Đại học Quốc tế Hồng Bàng lần đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực, dự kiến dành 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức này.
Ảnh minh họa
Siết chặt yêu cầu chất lượng
Mùa tuyển sinh ĐH 2019 này, Bộ GD&ĐT quyết tâm siết chặt chất lượng nguồn tuyển. Ngày 29/2/2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT, theo đó, quy định đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp; các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng đào tạo trình độ ĐH.
Nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT, hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT, thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế.
Cụ thể, yêu cầu điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên. Các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (GDTC), Huấn luyện thể thao, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên.
Các ngành GDTC và Huấn luyện thể thao, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT đối với các đối tượng là vận động viên cấp I, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế, tối thiểu là 5,0 trở lên. Điểm trung bình cộng xét tuvển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ CĐ, TC các ngành đào tạo giáo viên tối thiếu là 6,5 trở lên. Các ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, GDTC, Huấn luyện thể thao, Sư phạm TDTT tối thiểu là 5,0 trở lên.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, các quy định này là cần thiết vì đây là đầu vào của những ngành đặc thù. Quy định này của Bộ GD&ĐT đã và đang khẳng định quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học, nhất là những ngành học có ảnh hưởng lớn đến các mặt đời sống xã hội.
Đa dạng hóa các phương thức xét tuyển là điều cần thiết để các trường tăng thêm nguồn tuyển, song song với đó việc đặt ra các hình thức bổ sung bên cạnh cũng là giám sát chất lượng nguồn tuyển. Mùa tuyển sinh đại học 2019, tôi cho rằng, các trường đã tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm hơn trong việc xây dựng các phương án xét tuyển riêng, bằng hình thức nào cũng đều hướng đến mục tiêu chung là chất lượng nguồn tuyển. Bộ GD&ĐT cũng đã sớm ban hành các Thông tư bổ sung giám sát chất lượng nguồn tuyển. Điều này thể hiện tính chủ động và quyết tâm hướng đến đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT. - PGS.TS Lê Văn Thanh, Trường Đại học Mở Hà Nội
Dĩ Hạ
Theo giaoducthoidai
Thi THPT xong rồi, làm gì tiếp theo đây? 3 ngày thi căng thẳng cuối cùng cũng kết thúc, sĩ tử cả nước 'vỡ òa' với khoảng thời gian nghỉ ngơi trước mặt, thậm chí với nhiều sĩ tử thì mùa hè giờ đây mới chính thức bắt đầu. Nhưng, với thí sinh dùng điểm thi THPT để xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm, các bạn chắc chắn vẫn còn...