Băn khoăn nhiều sách giáo khoa, bất an trong trường học
Chủ trương sửa luật theo hướng có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học; môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh trước hàng loạt vụ bạo hành xảy ra thời gian gần đây… là vấn đề được quan tâm, bàn thảo tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 4.4.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phát biểu tại hội nghị – ẢNH: GIA HÂN
Đề nghị chỉ có một sách giáo khoa các môn khoa học xã hội
Đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng sách giáo khoa (SGK) đối với các môn khoa học tự nhiên, như vật lý chẳng hạn, đều có định lý, định luật thì có thể có 1 hoặc nhiều SGK nhưng còn với môn khoa học xã hội, có tính chất đặc thù của dân tộc, thì khác.
“Tôi đề nghị luật nên xác định theo hướng với môn khoa học tự nhiên có một hoặc nhiều SGK nhưng môn khoa học xã hội thì thống nhất một sách trong cả nước”, ĐB Tô Văn Tám nói.
ĐB Bùi Ngọc Phương (Ninh Bình) ủng hộ việc cần phải có nhiều SGK và cho rằng quy định trong luật là phù hợp vì bản chất SGK chỉ là công cụ, phương tiện để thầy cô, các em tiếp cận chương trình giáo dục và dù sách nào cũng phải biên soạn bám vào chương trình chứ không phải theo cách riêng của người biên soạn.
“Quy định như vậy tận dụng chất xám của nhiều người. Một bộ SGK sẽ chưa có sự cạnh tranh về chất lượng”, ĐB Phương nói.
Không có chuyện mỗi SGK một kiểu
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, chương trình SGK, theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết 88 của Quốc hội đều đã quy định cho phép có một chương trình, một số SGK cho mỗi môn học. Việc đổi mới giáo dục phổ thông lần này khác với 3 lần trước ở chỗ đổi mới căn bản toàn diện. Để đảm bảo tính thống nhất, đổi mới lần này trước hết phải có chương trình tổng thể, sau đó mới đi vào chương trình chi tiết từng môn. Chương trình được xây dựng trên nguyên tắc chuẩn đầu ra của từng cấp học, từng môn. SGK là tài liệu cơ bản, quan trọng trong dạy học nhưng không phải pháp lệnh. Dù SGK được viết như thế nào cũng phải theo khung chương trình nhất quán trong toàn quốc đã được ban hành. Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn viết sách. Sau khi có SGK đúng quy trình mới quy định thành lập hội đồng quốc gia thẩm định sách.
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn một bộ. Bộ cũng chỉ đạo với các bộ được thẩm định dựa trên khung chương trình. Không có chuyện mỗi sách một kiểu.
Lo cha mẹ không đủ hiểu biết để chọn sách cho con
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng qua giải trình cũng thấy việc có nhiều SGK là có lý vì phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Nhưng việc lựa chọn như thế nào, cấp nào, cơ quan nào có quyền lựa chọn để sử dụng ổn định, phù hợp cũng là vấn đề đặt ra. Thực tế, nếu quy định như dự thảo luật thì cơ sở giáo dục, tức là mỗi trường chủ động lựa chọn SGK thì sẽ phức tạp, rối loạn, học sinh (HS) chuyển trường hoặc chuyển vùng cũng sẽ thay SGK.
“Liệu sau này có hiện tượng, xúc tiến thương mại sách của mình vào dạy trong các trường không? Có lẽ cần phải có một quy định hoặc định hướng nào đó để lựa chọn SGK phù hợp với địa phương. Ví dụ như cấp tỉnh phải thành lập hội đồng để chọn SGK trong các vùng miền”, ông Lâm đề xuất.
ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị cân nhắc kỹ quy định mỗi môn học có một và một số SGK và cơ sở giáo dục được lựa chọn sách để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở thông qua ý kiến của giáo viên, phụ huynh. ĐB Trang lo ngại quy định này có thể dẫn đến những hệ lụy do nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng chất lượng giáo dục và rất có thể rơi vào ý kiến chủ quan của lãnh đạo cơ sở giáo dục. “Cha mẹ HS không thể có đầy đủ hiểu biết để đưa ra ý kiến và việc tổ chức lấy ý kiến có thực hiện được không, hay chỉ hình thức. Có thể dẫn đến hệ lụy, mỗi năm học, nhiệm kỳ lại chọn một SGK khác nhau, như vậy có đảm bảo tính ổn định theo quy định của luật hay không? Theo tôi được biết, ở một số diễn đàn, hội nghị, hội thảo, một số ý kiến cho rằng ở một số nước phát triển quy định một môn học nhiều SGK. Tuy nhiên, đối với VN chúng ta thì đã phù hợp chưa?”, ĐB Trang hỏi.
Do vậy ĐB Trang cho rằng cần có SGK do hội đồng cấp quốc gia, Chính phủ biên soạn sử dụng được nhiều lần, áp dụng thống nhất trên cả nước, có phần mở ở một số môn để địa phương biên soạn, giảng dạy về đặc thù của địa phương. Định kỳ 5 – 10 năm, hội đồng này tiến hành rà soát, sửa đổi, phù hợp thực tiễn.
Đề nghị bổ sung vào luật các quy định về môi trường giáo dục lành mạnh
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ ra rằng, GD-ĐT hiện gặp phải thách thức với những vấn đề đặt ra như: thái độ lạnh lùng, ích kỷ, bạo lực HS mà chưa có cách khắc phục.
Theo ĐB Tám, căn nguyên của vấn đề phải chăng có phần thuộc về hành xử thiếu trong sáng của một bộ phận giáo viên qua một loạt hiện tượng như: ép HS học thêm, sàm sỡ, lạm dụng HS, đối xử thiếu công bằng, thiếu nhân ái với HS, dẫn đến hệ quả tổn thương lòng tôn kính của trò với thầy. Thứ hai là trách nhiệm của gia đình, xã hội. Có thể gia đình chưa quản lý chặt chẽ và những hiện tượng xảy ra hằng ngày trong xã hội, sự phân hóa giàu nghèo đã tạo ra hệ quả khó kiểm soát như sự kỳ thị, bạo lực…
ĐB Tám cho rằng có nhiều phương pháp để khắc phục hạn chế trên, nhưng nền giáo dục lành mạnh sẽ làm dịu đi những xung đột, hàn gắn tổn thương bằng việc công bằng, yêu thương, không phân biệt đối xử. ĐB Tám đề nghị cần bổ sung vào dự luật về trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh phải là của nhà nước, ngành GD-ĐT chứ không chỉ là trách nhiệm của mọi tổ chức, xã hội. Về phía người học, cần bổ sung quy định người học được quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử trong học tập và giáo dục.
Cũng trăn trở với môi trường bất an trong học đường, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng việc giáo dục kỹ năng sống lâu nay không được hoặc ít được đề cập trong giáo dục, do vậy cần sửa lại mục tiêu giáo dục trong luật.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Hiện tượng Khá “bảnh” rất nguy hiểm với trẻ em
Xung quanh vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: Cho tới nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành và tham mưu ban hành nghị định, thông tư, trong đó có nội dung phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Về văn bản, quy định đối với người dạy, nhà trường, người học là đã có khá đầy đủ. Tuy nhiên, trong nhận thức và thực hiện là chưa nghiêm. Bộ sẽ tiếp tục nhận diện vấn đề để đưa vào luật này, thống nhất thực hiện.
Trao đổi thêm với báo chí bên lề hội nghị về vấn đề này, ông Nhạ nhấn mạnh đến tầm quan trọng là làm thế nào để những quy định, chính sách trong văn bản đi vào cuộc sống. “Muốn vậy, người thực hiện và các nhà trường, địa phương phải đồng hành. Ngay cả báo chí cũng nên đưa những tấm gương tốt, cùng nhau lên án thói hư tật xấu”, ông Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết thêm, muốn trẻ em phát triển thì cần phải có những tấm gương tốt để có ảnh hưởng tốt. “Nếu để xã hội xấu thì sẽ rất nguy hiểm đối với trẻ em như hiện tượng Khá “bảnh” vừa rồi”, ông Nhạ nói và cho rằng phải tăng cường hướng dẫn cho các cháu cách nhận biết và phòng tránh bạo lực và xâm hại.
Theo Thanh Niên
Khi giới trẻ nhận thức lệch chuẩn
Trong 2 ngày qua, trên facebook tràn ngập hình ảnh một thanh niên tên Dương Minh Tuyền được đông đảo thanh thiếu niên chào đón nhiệt liệt khi đến Hưng Yên "trợ giúp nữ sinh lớp 9 trong vụ bị 5 bạn học bạo hành dã man".
Ảnh minh họa
Chỉ sau 3 giờ livestream, facebook của thanh niên này đã lập tức nhận được 94.000 lượt view và hơn 800 lượt share, hơn 1.400 comment với những lời ca tụng và bày tỏ sự ái mộ nồng nhiệt. Thực tế, Dương Minh Tuyền ở Bắc Ninh nổi tiếng bởi sự liều lĩnh cũng như có các clip chửi bới trên mạng xã hội cùng những thành tích ra tù vào tội của mình.
Trước đó, đầu tháng Ba, mạng xã hội cũng ồn ào về clip đốt xe và hình ảnh đứng dàn hàng ngang cùng bạn bè trên quốc lộ của một thanh niên khác có biệt danh Khá Bảnh, người có tên thật là Ngô Bá Khá (26 tuổi, ở Bắc Ninh). Giới trẻ không những không lên án hành vi vi phạm pháp luật, mà còn tung hô Khá Bảnh như một "người hùng" vì dám nghĩ, dám làm... Đáng lưu ý, YouTube riêng của nhân vật này luôn có hàng triệu lượt view và comment.
Khá Bảnh cũng từng vào tù ra tội, nhưng thanh niên này luôn tự hào mình là người nghĩa hiệp, dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm. Điều đáng nói "hiện tượng Khá Bảnh" lại được giới trẻ tung hô, hâm mộ như một ngôi sao thời thượng khiến dư luận bức xúc, lên án. Nhiều học sinh còn ăn mặc, cắt tóc giống Khá Bảnh, thậm chí nhiều bạn trẻ nhảy những điệu nhảy y hệt thần tượng của mình.
Hiện tượng hâm mộ Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh làm nhiều người gợi nhớ đến những hiện tượng từng "gây bão" mạng một thời như Lệ Rơi, bà Tưng. Những nhân vật này không cần tài năng, chỉ cần một phát ngôn gây sốc, khoe thân "show hàng", một giọng hát lệch tông đã thu hút sự chú ý của hàng triệu bạn trẻ, trở thành hiện tượng nổi tiếng trong giới trẻ.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ cho biết, họ rất "đau đầu" khi rất khó kiểm soát được con xem gì, đọc gì, tung hô trào lưu nào. Chị Nguyễn Thùy Trang (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết, mới đây chị mới biết con mình hâm mộ Khá Bảnh. Khi bị bố mẹ phản đối, con chị còn cho rằng, bố mẹ "lạc hậu", không biết xu hướng thời cuộc là gì.
"Tôi đã tâm sự, chia sẻ với con rất nhiều về điều này, nhưng con đều phản bác, chúng nó chơi với nhau có hội có thuyền, cùng nhau tung hô một thần tượng như Khá Bảnh là điều chúng tôi vô cùng lo lắng" - chị Trang nói.
Theo TS Trần Thành Nam - giảng viên Tâm lý, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, những học sinh tỏ ra hâm mộ và làm theo những hiện tượng xuất hiện trên mạng xã hội chủ yếu là học sinh cấp 2 và cấp 3, là giai đoạn tuổi dậy thì. Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này là tò mò, thích khám phá những điều mới lạ.
Thậm chí những điều bố mẹ cấm, nhà trường cấm thì lại có xu hướng thích làm. Do đó, việc hâm mộ hay bắt chước những thứ trẻ cảm thấy thích thú là cách chúng thể hiện, tìm kiếm giới hạn bản thân. TS Trần Thành Nam khuyến cáo, cha mẹ cần sát sao hơn trong việc dạy dỗ, định hướng con cái. Đặc biệt, cha mẹ nên thường xuyên chia sẻ với con mọi niềm vui, nỗi buồn, cũng như tìm hiểu thị hiếu, sở thích để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Cũng theo TS Trần Thành Nam, ngoài việc dạy dỗ, định hướng của gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách của học sinh. Thầy cô giáo không nên chỉ dạy trẻ kiến thức sách vở để lấy điểm số, thành tích, mà cần quan tâm hơn đến việc dạy kỹ năng sống, giúp trẻ ứng xử với mọi tình huống trong cuộc sống, cùng như ứng xử trên mạng xã hội. Điều này vô cùng quan trọng, sẽ tránh cho trẻ được những nhận thức lệch chuẩn. Bởi sự lệch lạc trên có thể dẫn tới những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Theo kinhtedothi
Mỗi ngày hãy chia sẻ một tin tốt Trước hiện tượng lệch chuẩn đáng lo ngại như hiện nay, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo và đề xuất giải pháp cho vấn đề này. Lê Thanh Bình (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP Hồ Chí Minh: Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đặc...