Băn khoăn “hậu” phê duyệt sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố danh mục 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020 – 2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đang từng bước đi vào thực tiễn với nhiều cơ hội và cả thách thức. Đã có nhiều băn khoăn được đặt ra xoay quanh những lo ngại về tính độc quyền, lợi ích nhóm khi giao cho địa phương lựa chọn sách, giá thành sách giáo khoa mới, việc kiểm tra thi cử liệu có ảnh hưởng khi có nhiều bộ sách…
Quy trình thẩm định chặt chẽ
Ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT) cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Luật số 43/2019/QH14 về Luật Giáo dục (Luật Giáo dục năm 2019), Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định các sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được giới thiệu ngày 8/11/2019.
Theo đó, tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Hội đồng). Hội đồng gồm: Nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Hết thời hạn thông báo, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định là: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số có 49 bản mẫu sách giáo khoa đối với 9 môn học ở lớp 1. Cụ thể: Môn Tiếng Việt có 6 bản mẫu, môn Toán có 6 bản mẫu, môn Đạo Đức có 6 bản mẫu, môn Tự nhiên – Xã hội có 5 bản mẫu, môn Giáo dục thể chất có 4 bản mẫu, môn Nghệ thuật (Âm nhạc) có 5 bản mẫu, môn Nghệ thuật (Mĩ thuật) có 5 bản mẫu, môn Tiếng Anh có 6 bản mẫu và Hoạt động trải nghiệm có 6 bản mẫu.
Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu sách giáo khoa theo quy định, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu sách giáo khoa và kết luận theo ba mức: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”. Kết quả, sau 2 vòng thẩm định có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,7%) được đánh giá mức “Đạt”, 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức “Không đạt”.
Sau khi tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định đánh giá mức “Đạt”, Bộ GD&ĐT tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lí đối với sách giáo khoa để trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo ông Thái Văn Tài, đợt này, Bộ GD&ĐT chỉ công bố bản mẫu sách giáo khoa cho 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Môn Tiếng Anh là môn học tự chọn, bản mẫu sách giáo khoa môn học này sẽ được công bố cùng với việc công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa bổ sung (dự kiến trong tháng 12/2019). Còn 11 bản mẫu sách giáo khoa xếp loại “Không đạt”, hầu hết các tác giả đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua Nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD&ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Được biết, theo Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phê duyệt “Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông”, có 32 bản sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020 – 2021. Trong số này có 24 bản sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy thị phần của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn chiếm rất lớn, trong khi mục tiêu đặt ra là đa dạng sách, chống độc quyền. Giải đáp những thắc mắc này, ông Thái Văn Tài cho biết: “Tính độc quyền chỉ khi có một bộ, nhưng hiện tại có nhiều bộ từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Trong quá trình lựa chọn tại địa phương phải dựa trên tính phù hợp của từng địa phương. Do vậy không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới”.
Giáo viên là lực lượng nòng cốt chọn sách giáo khoa
Video đang HOT
Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cũng làm dấy lên ý kiến về vấn đề lựa chọn bộ sách nào? Việc học sinh khi chuyển nơi ở, tới địa phương mới không sử dụng cùng bộ sách giáo khoa thì các em có khó khăn để theo kịp chương trình hay không?… Đây là những thắc mắc, lo ngại của nhiều bậc phụ huynh khi có con học theo chương trình phổ thông mới.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT) cho biết: Điểm khác biệt của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với trước là việc dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc kiểm tra, đánh giá quá trình cũng như trong các kỳ thi cuối cấp sau này sẽ căn cứ vào chương trình. Đề thi cũng sẽ được xây dựng theo hướng đổi mới này và không lệ thuộc vào một ngữ liệu nào để học sinh học sách giáo khoa nào cũng vẫn đáp ứng được yêu cầu của đề.
Học sinh sẽ phát triển toàn diện hơn khi sách giáo khoa lớp 1 mới được sử dụng trong các nhà trường.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục 2019. Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Về nguyên tắc, các sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường. Vấn đề chọn sách của đơn vị/tác giả nào làm tài liệu dạy học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế.
Hiện, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục. Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn 1 bộ sách giáo khoa cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.
Về những băn khoăn liên quan đến giá sách giáo khoa, ông Ngô Văn Thịnh (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT) khẳng định: Hiện nay, sách giáo khoa ảnh hưởng ở phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ có cơ chế về giá sách giáo khoa cho phù hợp, đảm bảo công bằng, tránh sự tăng giá đột biến và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Trong Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của Hội đồng lựa chọn bộ sách giáo khoa để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần lựa chọn sách giáo khoa sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt là chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học. Dự thảo Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.
Hiện nay, dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020 – 2021 và các năm học tiếp theo.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Từ việc góp ý chương trình VNEN băn khoăn cho việc chọn sách giáo khoa sắp tới
Sẽ vô cùng khó nêu quan điểm của mình khi lãnh đạo đã có ý chọn bộ sách này mà giáo viên lại thấy bộ sách kia mới thật sự phù hợp.
Sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 đã được công bố, tất thảy có 5 bộ của 3 Nhà xuất bản để các địa phương chọn lựa. Đây là điểm mới khác biệt lớn nhất so với nhiều lần thay sách trước đây chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất.
Làm thế nào để chọn được bộ sách giáo khoa chất lượng? (Ảnh minh họa VTV)
Nhiều bộ sách giáo khoa, các địa phương sẽ có nhiều cơ hội để chọn cho học sinh mình bộ sách giáo khoa tốt nhất.
Điều đang làm nhiều người băn khoăn nhất hiện nay là làm sao chọn được một bộ sách phù hợp nhất với địa phương của mình? Và liệu có xảy ra tình trạng lợi ích nhóm khi chọn sách?
Giáo viên có dám công khai bày tỏ chính kiến của mình?
Theo quy định, trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của địa phương, chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các phó chủ tịch là lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo, thư ký hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo. Mỗi môn học/hoạt động giáo dục ở một cấp học có một tiểu ban.
Sẽ có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là nhà giáo hoạt động giáo dục, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các vùng miền trên địa bàn.
Tuy số lượng người trong ban thẩm định sách có tới 2/3 là nhà giáo nhưng họ chỉ là những thành viên và bên trên họ chính là những vị lãnh đạo mà thường ngày họ đang phải thực thi những mệnh lệnh, những chỉ đạo.
Sẽ vô cùng khó nêu quan điểm của mình khi lãnh đạo đã có ý chọn bộ sách này mà những giáo viên lại thấy bộ sách kia mới thật sự phù hợp.
Nói về chuyện giáo viên nêu chính kiến, chúng tôi chợt nhớ đến những lần lấy ý kiến giáo viên về chương trình VNEN hay về phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột" ở nhiều trường học trong cả nước.
Nói thật mà chết à?
Sau thời gian áp dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" vào giảng dạy, nhiều trường học trong tỉnh tổ chức lấy ý kiến của giáo viên về mặt ưu, khuyết điểm của phương pháp dạy học này.
Giáo viên liệt kê ra biết bao nhiêu điều bất cập. Biên bản được chuyển lên, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên phải ngồi chắt lọc để tổng hợp lại những ý kiến hay (chủ yếu là khen nhiều) để gửi về cấp phòng để từ phòng lại chắt lọc và chuyển về cấp sở.
Đã có những tổ chuyên môn bị nhà trường trả lại bản góp ý vì chê dữ quá. Tôi cũng đã từng có ý kiến: "Thấy sao nói vậy, đây chính là những nhận xét thật, trung thực. Vậy cô không thấy thế à?"
Phó hiệu trưởng buột miệng nói: "Nhìn chung thì phương pháp này chưa thật sự phù hợp với giáo dục của chúng ta nhưng nói thật có mà chết à? Trường nào cũng khen, trường mình chê họ lại cho rằng mình không biết dạy".
Góp ý cho chương trình VNEN cũng vậy, có trường sau khi nộp góp ý lên, phòng giáo dục đã trả về bắt góp ý lại. Thế là lần sau, chẳng ai dại gì mà chỉ ra những khuyết điểm tồn tại mà chỉ toàn những lời khen có cánh.
Để nghe lời nói thật cần cho toàn thể giáo viên góp ý bằng phiếu kín
Giáo viên chỉ dám có ý kiến thật khi không bị ai biết mình đã nói gì vì thầy cô có nhiều điều phải sợ.
Sợ mất lòng cấp trên sẽ bị gây khó trong công tác giảng dạy, luân chuyển thậm chí bổ nhiệm (với những người đang có chí phấn đấu).
Thế nên thường thì khi góp ý, không ít thầy cô chẳng dám nêu chính kiến đặc biệt là những chính kiến đi ngược với quan điểm của cấp trên.
Họ thường đón ý cấp trên để rồi "gió chiều nào xoay chiều ấy".
Tổ chức lấy ý kiến về việc thẩm định sách bằng cách bỏ phiếu kín, chắn chắn giáo viên sẽ có cơ hội nêu nhận xét của mình. Đây sẽ là những nhận xét thật lòng và chính xác nhất.
Căn cứ vào những nhận xét của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy sẽ giúp cho Hội đồng thẩm định chọn được bộ sách chất lượng và cũng hạn chế đến mức thấp nhất việc chọn sách theo lợi ích nhóm.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đối thoại nếu các tác giả sách giáo khoa có nhu cầu Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại với các tác giả sách giáo khoa nếu có đề nghị. Đồng thời, trước lo lắng về vấn đề lợi ích nhóm đang khiến dư luận băn khoăn, Bộ GD&ĐT khẳng định các địa phương sẽ phải đảm bảo sự minh bạch trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Ảnh minh họa...