Băn khoăn ‘cơn mưa” học sinh giỏi: Không đáng tin vì…
Khi một kết quả đi ngược với quy luật sẽ khiến dư luận hoài nghi, vì thế, phụ huynh băn khoăn vì “cơn mưa” học sinh giỏi cũng là dễ hiểu
Khi thước đo lộn ngược
Mới đây, một phụ huynh lên tiếng chia sẻ băn khoăn khi biết kết quả chung của cả lớp con mình có tổng số 50 học sinh thì có tới hơn 40 học sinh giỏi. Nhận được kết quả trên, lúc đầu vị phụ huynh còn tưởng mình nghe nhầm, sau xem lại bảng điểm photo cô giáo phát mới dám tin là thật.
Về phần con mình, ban đầu chị chỉ kỳ vọng con đạt điểm 8 là vui rồi nhưng khi thấy bảng điểm tổng kết tất cả các môn con gần đạt 9.0, thì vượt ngoài niềm vui, vị phụ huynh này lại thấy băn khoăn, thắc mắc, không thật sự dám tin con mình lại giỏi thế.
Không thể đánh giá năng lực học sinh chỉ dựa trên bảng điểm. Ảnh minh họa
Nhìn nhận về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ sự đồng cảm với vị phụ huynh trên đồng thời cho rằng đây là tâm tư chung của hầu hết các phụ huynh hiện nay.
Nhìn theo góc nhìn toán học, GS Phạm Tất Dong cho biết, khi thống kê số đông, số lớn thì luôn cho chúng ta một kết quả của hình chuông.
Số kém nhất rồi đến khá, khá trung bình rồi đến giỏi nhất. Tức là tỉ lệ giỏi nhất và kém nhất sẽ luôn là hai đáy của chuông.
“Tuy nhiên, theo kết quả vị phụ huynh vừa nêu rõ ràng tỉ lệ học sinh giỏi lại đang đứng trên đỉnh của chuông là bất hợp lý. Một ví dụ khác cho dễ hình dung là khi may đồng phục quần áo cho số đông, bao giờ tỉ lệ quần áo cho người thấp nhất và cao nhất cũng là ít nhất, số người trung bình sẽ có tỉ lệ nhiều nhất. Như vậy mới đúng quy luật của số đông.
Đứng ở góc độ toán học thì kết quả tỉ lệ học sinh giỏi mà phụ huynh nêu là không đáng tin. Khi tất cả học sinh đều giỏi hết, không ai yếu, kém thì tin làm sao được”, PGS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.
Video đang HOT
Còn bệnh thành tích sẽ còn “giỏi chung”
Theo vị GS, khi một kết quả đi ngược với quy luật sẽ khiến dư luận hoài nghi, thiếu lòng tin và như vậy, khi nhìn vào kết quả đó phụ huynh thay vì vui lại băn khoăn, lo lắng là điều dễ hiểu.
Ông cho biết, ngày trước, dù áp lực học tập không nặng nề như bây giờ nhưng học sinh rất có ý thức và đã là học sinh giỏi thì đó đều là những học sinh có trình độ, nhận thức giỏi thật sự.
Một lớp học, khó khăn lắm mới có được vài ba học sinh đạt được danh hiệu học sinh giỏi, còn lại đa số là học sinh tiên tiến, khá và trung bình, yếu.
Tuy nhiên, bây giờ ông cũng thấy ngạc nhiên khi học sinh giỏi bỗng nhiên trở thành quá phổ biến, trong khi học sinh yếu, kém rất hiếm còn học sinh tiên tiến lại trở thành cá biệt. Ông cũng băn khoăn chẳng nhẽ nền giáo dục của chúng ta lại tốt thế hay học sinh của chúng ta đều quá xuất sắc?
Theo vị GS, trong một môi trường giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như Việt Nam mà tự nhiên lại có một kết quả hoàn hảo như thế thì khó mà vui cho được.
“Khi tất cả đều giỏi chung, thì con mình có giỏi cũng là bình thường, không có gì là vinh dự nữa. Vì thế, phụ huynh mới lo”, GS Phạm Tất Dong nói.
Lý giải thêm về hiện tượng trên, vị GS cho rằng, đó chính là kết quả của căn bệnh thành tích. Để có thành tích trong đánh giá, thu đua, khen thưởng, có không ít trường quy định giáo viên chủ nhiệm phải đăng ký tỉ lệ học sinh giỏi trong lớp. Và để đạt được tỉ lệ đó, không cách nào khác, các giáo viên phải giúp nhau nâng điểm để đạt cho đủ, thậm chí vượt cả chỉ tiêu học sinh giỏi đăng ký để lấy thành tích.
“Vì thế, nhiều phụ huynh mới lo lắng không biết con mình đạt học sinh giỏi nhưng có giỏi thật sự không? Bởi, tỉ lệ học sinh giỏi mà lớp, trường đạt được không phải do ý chí khách quan mà lại được tạo nên từ ý chí chủ quan, từ mong muốn của giáo viên, của nhà trường.
Học sinh giỏi cũng vậy, khi còn lấy tỉ lệ học sinh giỏi làm tiêu chí đánh giá thi đua thì sẽ còn hiện tượng cả nhà cùng giỏi và không có người kém”, vị GS quan ngại.
Theo vị GS, nếu muốn đo học sinh giỏi thì có rất nhiều cách để đánh giá. Nhưng, đánh giá của thầy, cô giáo đứng lớp dạy trực tiếp, những người dạy học sinh của mình hàng ngày chính là đánh giá chính xác nhất.
Ông nói thẳng, không thể chấp nhận một học sinh giỏi mà trên lớp thầy cô giảng bài học sinh lại không hiểu biết gì được. Vì thế, không thể đánh giá chất lượng ngành giáo dục, đánh giá chất lượng học sinh giỏi nếu chỉ dựa vào kết quả bảng điểm được.
Thái Bình
Theo baodatviet
Phụ huynh băn khoăn về "cơn mưa" học sinh giỏi
Khi biết kết quả chung của cả lớp con, tôi trở nên sửng sốt: hơn 40 học sinh giỏi trên tổng số 50 em. Lúc đầu, tôi cứ tưởng mình nghe nhầm, sau xem lại bảng điểm photo cô giáo phát mới dám tin là thật. Thật sự, sau niềm vui ban đầu, tôi thấy vô cùng hoang mang...
Ảnh minh họa
Chờ đợi mãi, cuối cùng cũng đến buổi họp phụ huynh tổng kết học kì 1 của lớp con. Chẳng là năm nay con tôi lên lớp 6, việc học hành trường lớp có nhiều biến đổi so bậc tiểu học nên người làm mẹ như tôi thấy lo lắng hơn những cuộc họp phụ huynh các năm trước.
Nếu như hồi cấp 1, việc học của con chỉ xoay quanh hai môn chính là Toán và Tiếng Việt thì vào trung học, con phải "đánh vật" với cả chục môn 1 tuần. Nếu như hồi cấp 1, cả năm chỉ có 2 kì thi chính thức, lấy điểm vào sổ thì nay chỉ riêng một môn học cho một học kì đã có ít nhất 4 bài kiểm tra bắt buộc: miệng, 15 phút, 1 tiết, cuối kì. Nhìn chung lên cấp 2, các con xác định là phải đối mặt với việc kiểm tra hàng ngày. Lúc đầu chưa quen thì tương đối mệt mỏi, áp lực.
Trường con học lại là trường điểm, một môi trường toàn những bạn chăm chỉ, giỏi giang. Mỗi khi làm việc nhóm, các bạn thường bảo con ngồi im không cần làm gì cả. Thỉnh thoảng, nghe con kể chuyện về tài học và chơi của các bạn, mẹ cứ trầm trồ, tròn xoe mắt. Trong khi đó, thỉnh thoảng lại nghe con than thở, có cô giáo biết tên cả lớp mà không nhớ tên con, hầu như các cô rất ít gọi con trả lời câu hỏi. Nhìn chung, so với 5 năm tiểu học thì con bị "chìm" đi rất nhiều.
Thêm nữa là, năm nay con đã lớn nên ngay từ đầu, tôi xác định chủ động tách mình ra khỏi việc dạy con học, để tự con bơi lấy trong biển kiến thức của mình, mẹ không thể chạy theo mãi được. Lần đầu, tôi cho con đi học thêm, ở trường tổ chức như thế nào thì học như thế, về nhà có bài gì thì làm bài đó, không ép con tìm hiểu những kiến thức nâng cao để thi vào các đội tuyển. Bản thân mẹ cố gắng ở mức tối đa để không can thiệp vào việc học của con, chỉ ngồi đọc sách mỗi khi con làm bài.
Chính vì những lẽ đó mà tôi thấy sốt ruột, ngóng chờ buổi họp phụ huynh cuối kì, để sớm biết kết quả học tập của con ra sao. Tuy thỉnh thoảng vẫn nghe con thông báo điểm môn này, môn kia nhưng thực lòng tôi không thấy yên tâm lắm vì nhiều môn học thế cơ mà.
Không ngờ kết quả của con lại mĩ mãn hơn tôi tưởng rất nhiều. Những năm tiểu học thì cứ phải 9, 10 mới được mẹ khen, nay thì chỉ cần 8 điểm là mẹ đã thấy ổn rồi. Vậy mà tổng kết tất cả các môn con gần đạt 9.0, đương nhiên là tôi vui như mở cờ trong bụng. Có điều tôi cũng thấy hơi băn khoăn, thắc mắc, chẳng lẽ con mình lại giỏi thế.
Đến khi biết kết quả chung của cả lớp thì tôi chuyển sang trạng thái tâm lý sửng sốt: hơn bốn chục học sinh giỏi trên tổng số 50 em. Lúc đầu, tôi cứ tưởng mình nghe nhầm, sau xem lại bảng điểm photo cô giáo phát mới dám tin là thật. Những bạn có điểm tổng kết như con thì nhiều vô kể, hóa ra thành tích học tập của con vẫn chỉ là bình thường so với các bạn.
Thật sự, sau niềm vui ban đầu, tôi thấy vô cùng hoang mang. Thời chúng tôi đi học, từ cấp 2 trở lên để đạt được danh hiệu học sinh giỏi cực kì khó khăn. Bản thân tôi vốn rất chăm chỉ, học lớp chuyên, lớp chọn suốt những năm phổ thông mà có mấy khi với tới "đỉnh cao" ấy đâu. Thế mà nay, các con lại làm được dễ dàng như vậy.
Sợ mình lạc hậu với thời cuộc giáo dục mới, tôi nhắn tin hỏi mấy người bạn có con học các lớp khác xem tình hình chung thế nào. Mọi người đều nói với tôi số lượng học sinh giỏi cũng tương tự. Tôi còn đem nỗi băn khoăn này hỏi một người bạn làm giáo viên ở trường khác, bạn bảo trường bạn cũng thế, lớp thường còn có hơn hai chục học sinh giỏi, huống hồ là lớp chọn. Chưa yên tâm, tôi hỏi thêm: Bây giờ nhiều học sinh giỏi như thế là do thực lực các con học giỏi hơn ngày xưa hay do giáo viên ngày càng giảm nhẹ yêu cầu để lấy thành tích? Bạn trả lời cả hai lý do đều đúng. Vậy là đã rõ.
Qua thực tế "cơn mưa học sinh giỏi" vừa chứng kiến thì tôi có một vài suy nghĩ như sau (tất nhiên có thể là chưa chuẩn xác).
Thứ nhất, để đạt được danh hiệu này đâu có gì quá khó mà cha mẹ cứ ép các con đi học thêm nhiều cho khổ.
Thứ hai, chương trình học cũng không hẳn là đã quá tải như mọi người vẫn thường kêu cứu, có chăng chỉ là do thời gian học ở trường quá nhiều nên buộc các giáo viên phải nhồi nhét thêm nhiều kiến thức ngoài sách giáo khoa cho học sinh học, dù biết rằng lúc thi cử trên lớp cũng không mấy khi dùng đến.
Thiết nghĩ các bậc cha mẹ chỉ cần nhắc con học thật kĩ nội dung bài đã có trong sách, nếu còn thừa thời gian thì tìm hiểu sâu thêm những kiến thức đó qua internet là đủ, chẳng cần nháo nhào lo lắng chạy đi học khắp nơi để đạt được danh hiệu học sinh giỏi nhiều như nấm sau mưa.
Hà Đông
Theo Dân trí
Những thách thức khi triển khai chương trình mới theo thầy Tùng Lâm Nếu kéo dài bệnh thành tích, các cuộc đua ảo không chỉ ảnh hưởng chất lượng giáo dục mà "năng lực, phẩm chất" của cả thầy và trò sẽ mòn mỏi. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới là: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; Năm học 2021-2022 đối với lớp...