Băn khoăn chuẩn trường chất lượng cao
Các trường phổ thông chất lượng cao dự kiến sẽ được thu học phí cao song thế nào là trường chất lượng cao chưa được làm rõ
Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 49 của Chính phủ quy định về học phí và những chính sách liên quan đến miễn, giảm học phí trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến 2014-2015.
Những trường có chất lượng đào tạo cao, được xã hội công nhận như Trường Hà Nội – Amsterdam sẽ được thu học phí cao
Chất lượng cao, học phí cao
Theo đó, các trường mầm non, phổ thông công lập thực hiện chất lượng giáo dục cao được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình UBND cấp tỉnh, TP cho phép, đồng thời phải thực hiện quy chế công khai do Bộ GD-ĐT quy định. Quy định này khiến nhiều hiệu trưởng vui mừng, tuy nhiên, cũng không ít người băn khoăn bởi đến thời điểm này, thế nào là trường “chất lượng cao” vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn rõ ràng.
Bằng chứng là Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân – Hà Nội hồi đầu năm học 2012 từng phải trả lại tiền cho phụ huynh vì đã xây dựng những “lớp VIP trong trường công” cho học sinh (HS) lớp 1. Tiền đầu tư cho những lớp học này với hệ thống bảng tương tác lên tới gần 170 triệu đồng, gần 130 triệu đồng khác dùng để lắp máy điều hòa, thay hết bàn ghế của cô giáo và HS, hệ thống chiếu sáng… Do chi phí quá cao nên đã bị phụ huynh phản ứng gay gắt.
Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại quận Cầu Giấy – Hà Nội cho rằng Bộ GD-ĐT phải có chuẩn khác biệt giữa giáo dục phổ thông và giáo dục chất lượng cao thì mới nói đến chuyện thu học phí cao.
Thực tế, có thể trường lớp được đầu tư tốt hơn nhưng vẫn giáo viên đó, giáo trình đó thì liệu có thể coi là chất lượng cao để được thu học phí cao hay không? “Nếu không xây dựng được một chương trình giáo dục chất lượng cao với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng thì phụ huynh sẽ không gửi con theo học vì học phí quá đắt” – bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Bán công Phan Huy Chú – Hà Nội, phân tích.
Video đang HOT
PGS Văn Như Cương cho rằng trong GD-ĐT, chất lượng cao phải dựa trên hiệu quả thực tế đào tạo của vài thế hệ HS chứ không hẳn chỉ là phòng học tốt, sĩ số ít, có người chăm sóc, đưa đón… Muốn được công nhận trường chất lượng cao cần phải chờ một thời gian nhất định để kiểm chứng, kiểm định, sau đó mới có quyền thu học phí cao.
Bù học phí cho cả trường ngoài công lập
Cũng theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, bộ đã bổ sung đối tượng được miễn học phí là sinh viên (SV) học chuyên ngành các môn học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; HS-SV học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: HS-SV học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại.
Ngoài ra, còn nhiều đối tượng khác được giảm 50% học phí. Điểm quan trọng nữa là Nhà nước sẽ thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập có đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí.
Nhà nước cũng sẽ cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH ngoài công lập (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng đối với giáo dục mầm non, phổ thông; theo mức học phí quy định tại Nghị định số 49 tương ứng với các nhóm ngành nghề đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH).
Việc mở rộng diện miễn, giảm học phí là một tín hiệu mừng cho SV. Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, cho rằng quyết định này không chỉ giúp SV-HS mà giúp cả cho các trường trong việc tìm cách để tồn tại bởi chính mức học phí chênh lệch giữa trường công và trường tư là rào cản khiến nhiều HS-SV nghèo không dám đến với các trường ngoài công lập.
Theo người lao động
Đổi mới thi ĐH: Có thể chỉ trường tốp trên thi tuyển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, sẽ ổn định kỳ thi tuyển sinh như hiện nay đến năm 2015, những thay đổi lớn sẽ diễn ra sau thời gian này.
Phải tính toán lại
- Năm nay các trường ngoài công lập không tuyển được thí sinh dù theo số liệu của Bộ, số lượng thí sinh đủ điều kiện xét tuyển còn rất cao. Theo ông, có những nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
- Năm nào Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ cũng họp, tính toán thống kê tuyển sinh đến từng vùng. Số lượng thí sinh trên điểm sàn luôn được tính toán dư ra nhiều để các trường xét tuyển.
Từ năm 2015 sẽ có những thay đổi lớn về tuyển sinh ĐH, CĐ.
Những trường và ngành không tuyển được thí sinh đã khó khăn từ các năm trước. Đây là các ngành, trường không thu hút được thí sinh hoặc không còn nóng nữa như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng... Thực tế này ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh. Dù chỉ tiêu còn dư các em cũng không nộp đơn xét tuyển mà chờ năm sau. Đa số các trường ngoài công lập chỉ chăm chăm đầu tư vào các ngành này nên người học bị giảm sút.
- Bộ có phương án nào cho các trường này hay không?
- Các trường phải tính toán chiến lược phát triển. Đầu tiên là về ngành nghề, các ngành như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng... phải tính toán lại. Thời điểm 3-4 năm trước có thể tuyển sinh tốt, thí sinh nộp đơn vô rất nhiều nhưng hiện nay chỉ duy trì các ngành này sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, các trường phải tăng cường quảng bá hình ảnh thông qua chất lượng để tạo niềm tin của người học.
- Nhiều ngành nghề ở các trường đã vượt quá nhu cầu thị trường lao động, Bộ sẽ điều tiết chuyện này như thế nào, thưa ông?
- Bộ đã cảnh báo nhiều lần việc cung quá cầu ở các ngành như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng. Theo quy hoạch, các ngành này chỉ được chiếm 20% tổng chỉ tiêu nhưng nay đã vượt đến 38%. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ đang khống chế mở các ngành này tại các trường. Bộ cũng đã cảnh báo và đang hạn chế tối đa việc mở ngành điều dưỡng, y tá ở bậc CĐ và TC. Nếu không hạn chế, các ngành này cũng sẽ rơi vào tình trạng như khối ngành kinh tế.
Thay vì báo cáo chung về ngành nghề như các năm trước, năm nay Bộ yêu cầu các trường báo cáo kỹ về 22 ngành đào tạo (những ngành có nguy cơ cung vượt quá cầu). Qua đó, sẽ nắm bắt được ngành nào đang chệch khỏi quy hoạch để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Khuyến khích các trường tuyển sinh riêng
- Ông có nghĩ rằng từ năm sau trở đi, việc tuyển sinh của các trường sẽ còn khó khăn và có sự cạnh tranh nhiều hơn nữa?
- Đây là xu hướng tốt vì có sự cạnh tranh lành mạnh. Luật Giáo dục ĐH bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2013 cũng khuyến khích các trường cạnh tranh. Trường nào chưa có chiến lược phát triển và đầu tư nâng cao chất lượng thì sẽ khó khăn.
Ngoài ra, khi luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, sẽ có sự phân tầng các trường. Các trường sẽ được xếp hạng (do các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập tiến hành) nên không thể các trường đều ngang nhau. Từ đây, người sử dụng lao động sẽ biết được sinh viên trường nào tốt hơn. thí sinh cũng sẽ có sự chọn lựa trường phù hợp với nhu cầu và năng lực, vào các trường nghiên cứu, ứng dụng hay đào tạo nghề nghiệp.
- ĐH Quốc gia TP.HCM đã bàn bạc sẽ tổ chức thi theo hướng lựa chọn 3 trong 5 môn học. Trước nhu cầu thay đổi của thực tế, Bộ sẽ có những đổi mới nào về tuyển sinh trong các năm tới?
- Về cơ bản, chúng tôi khuyến khích các trường tuyển sinh riêng, nhất là các trường văn hóa nghệ thuật - thể thao... Chúng tôi đang tính toán nhiều phương án. Có thể sẽ chỉ có một số trường tốp trên thi tuyển, các trường còn lại sẽ xét tuyển. Hoặc sẽ có một kỳ thi chung có những môn để thí sinh tự chọn. Việc thay đổi nhằm nâng cao chất lượng và giảm tốn kém cho xã hội. Thời gian sắp tới đây có thể Bộ sẽ tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, nhà giáo dục, các thành phần trong xã hội để chọn lựa phương án nào, hoặc chọn lựa môn thi nào. Đây là sự thay đổi lớn và cần tiến hành kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, chủ trương của Bộ là ổn định tuyển sinh cho đến năm 2015 và chỉ thay đổi về kỹ thuật. Những thay đổi lớn về tuyển sinh sau năm 2015 sẽ được thông báo trước 2-3 năm để thí sinh có thời gian chuẩn bị.
Theo Thanh Niên
Ai có trách nhiệm cứu bong bóng ĐH"? Có nhiều ý kiến xung quanh đề tài "giải cứu bong bóng ĐH" nhưng chưa ai nhắc đến người đã ký quyết định cho mở trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Vì thế trong cuộc khủng hoảng bong bóng giáo dục này, Nhà nước không nên "mặc cho nó chết" - mà có trách nhiệm vực khối trường giáo dục bậc cao tư...