Bán hàng thuê lấy tiền học đại học
Trong khi hầu hết bạn bè ngồi nhà hồi hộp chờ kết quả thi đại học thì em Bế Thị Hường – người dân tộc Tày, ở xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên ( Cao Bằng) lại tất tả khăn gói lên cửa khẩu bán hàng thuê. Với 3 triệu đồng tiền công nhận được, Hường tự tin về Hà Nội nhập học.
Vào THPT với 1 triệu đồng
Bế Thị Hường là con út trong gia đình có 3 chị em gái. Bố mẹ đều là nông dân, quanh năm đầu tắt mặt tối với mấy sào ruộng nương nên mấy chị em Hường đều phải tự bảo ban nhau học hành. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn nhưng Hường rất ham học. Suốt từ lớp 1 đến lớp 9, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhiều năm liền được tặng học bổng Vừ A Dính và từng đạt giải Nhì học sinh giỏi môn sinh cấp tỉnh.
Bế Thị Hường (trái) trao đổi bài vở với bạn tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: T.H
Những thành tích này chính là động lực giúp em quyết tâm theo học hết THCS, trong khi hầu hết các bạn trong xóm lần lượt nghỉ học để ở nhà… lấy chồng. Hết năm lớp 9, gia đình quá khó khăn nên bố mẹ không cho Hường ôn luyện để thi vào lớp 10. Hường tâm sự: “Lên lớp 10 sẽ phải học nội trú, không giúp bố mẹ được công việc gì mà còn phải lo tiền sinh hoạt trên trường… Số tiền đó đối với gia đình em là quá lớn” – Hường cho biết.
Video đang HOT
Rất may sau đó, Hường đã nhận được 1 triệu đồng học bổng Vừ A Dính vì những nỗ lực học tập của em. “Em liền xin bố mẹ dành số tiền đó để trang trải việc ôn thi và học phí nếu đỗ. Em hứa sẽ thật tiết kiệm để bố mẹ bớt gánh nặng. Sau đó em đã được vào học tại trường nội trú” – Hường nói.
Vào THPT, không chỉ phát huy thế mạnh học giỏi môn sinh vốn có mà Hường còn học giỏi đều các môn, đặc biệt là say mê môn lịch sử. Hường cho hay: “Hồi đi ôn thi học sinh giỏi, một ngày em chỉ dám ngủ mấy tiếng, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện học thôi”.
Gập ghềnh đường đến giảng đường
“Em sẽ cố gắng học thật tốt, trở thành một luật sư giỏi để sau này bênh vực những người yếu thế và có điều kiện chăm lo cho gia đình nhiều hơn, đặc biệt là lo cho mẹ – người đã hy sinh rất nhiều để em có thể vững bước đến trường như ngày hôm nay”. Bế Thị Hường
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2015, Hường được 28 điểm. Với số điểm này, Hường đã đăng ký xét tuyển vào Đại học Luật Hà Nội. Không được ở nhà nghỉ “xả hơi” như các bạn bè cùng trang lứa, cô bé Hường khăn gói lên cửa khẩu Tà Lùng (Phục Hòa,Cao Bằng) phụ bán hàng cho người quen. Hàng ngày bắt đầu công việc vào lúc 6 giờ sáng và kết thúc lúc nửa đêm, nhiều lần Hường mệt nhoài, muốn bỏ cuộc. “Những lúc ấy, em lại nghĩ đến mẹ. Nuôi được em ăn học hết THPT là bố mẹ cũng cố gắng lắm rồi. Vất vả mấy em cũng tự nhủ bản thân phải cố gắng vượt qua” – Hường mắt hoe đỏ chia sẻ với phóng viên NTNN.
Sau 40 ngày làm thuê, Hường được trả công 3 triệu đồng, số tiền với nhiều người không nhiều nhưng với em thì hết sức ý nghĩa. Hường kể:”Vì nhà nghèo nên khi em đỗ vào đại học, bố mẹ em mừng và tự hào lắm, nhưng cũng nhiều đêm lo đến mất ngủ vì không biết lấy gì để nuôi em học đại học. Sau đó, bố em quyết định vào miền Nam làm thuê, đồng thời động viên em yên tâm học tập thật tốt”.
Cô tân sinh viên Bế Thị Hường cho biết, sau khi ổn định học tập sẽ tìm ngay việc làm thêm ban đêm, được đồng nào hay đồng đó để có thể chi trả việc ăn học của mình.
Theo_Dân việt
Sạt lở đất nghi do công trình thủy điện Nà Tẩư, Cao Bằng
Từ cuối năm 2014, hiện tượng sạt lở và ngập úng đất nông nghiệp tại xã Độc Lập (Quảng Uyên, Cao Bằng) diễn ra ngày một nghiêm trọng. Người dân và chính quyền xã cho rằng, tình trạng này do ảnh hưởng từ công trình Nhà máy thủy điện Nà Tẩư, thuộc xóm Pác Đa.
Đất nông nghiệp sạt lở tại xã Độc Lập, Quảng Uyên, Cao Bằng.
Dọc theo dòng sông, đoạn từ xóm Pác Đa, Đoỏng Pán đến hai xóm Nà Vường 1 và Nà Vường 2, xã Độc Lập có rất nhiều điểm đất ven sông bị sạt lở. Theo phản ánh của người dân, những khu vực đất này chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, do kết cấu đất ruộng, không có kè chắn và mực nước lên xuống liên tục, nhất là khi mưa lũ, nước mưa ngấm dần khiến đất bị bở và sạt lở.
Anh Phùng Văn Bắc, ở xóm Pác Đa nói, từ khi Nhà máy thủy điện Nà Tẩư, xóm Pác Đa, được đưa vào sử dụng năm 2004, đã xảy ra tình trạng sạt lở đất và ngập úng một số diện tích đất nông nghiệp. Thế nhưng, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng khi nhà máy nâng công suất vào cuối năm 2014. Đất trồng sụt lở cả dãy hàng chục mét, khiến hộ dân sống quanh khu vực lo lắng vì mùa lũ đã đến gần.
Bí thư Đảng ủy xã Độc Lập, Bế Ích Đình cho biết, trước đây, việc xả lũ không kịp thời đã gây ra tình trạng ngập úng khoảng 80 ha đất nông nghiệp. Sau khi có kiến nghị, các ngành chức năng vào cuộc, nhà máy cam kết thực hiện xả lũ kịp thời, đúng thời điểm nên tình trạng ngập úng các diện tích đất canh tác được hạn chế. Tuy nhiên, nguy cơ mất đất nông nghiệp vẫn còn khi một số diện tích đất bị ngập úng trầm trọng, nhất là trong mùa mưa lũ. Trong khi đó, quá trình sạt lở diễn ra phức tạp khi mỗi ngày, nhà máy thủy điện xả một lượng nước lớn liên tục trong hai tiếng, mỗi ngày ba lần có khi cuốn luôn cả một dãy dài ruộng ngô đang trồng.
Trước tình trạng trên, nhân dân và chính quyền xã đã kiến nghị lên huyện từ nhiều năm. Đến đầu năm 2015, một số sở, ngành liên quan đến kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết luận và phương án khắc phục cụ thể. Xã Độc Lập kiến nghị mong các cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng trên và hỗ trợ kinh phí xây kè chắn đất, tránh tình trạng mất dần đất nông nghiệp, cũng như bảo vệ an toàn cuộc sống người dân.
PHONG CHƯƠNG
Theo_Báo Nhân Dân
Tranh nhau chỗ bán hàng, người đàn ông bị đánh tử vong Cho rằng người đàn ông tranh chấp chỗ bán hàng của con gái mình, Cường đã đến "giải quyết" và xảy ra xô xát khiến nạn nhân tử vong. Công an quận Hà Đông đang tạm giữ hình sự đối tượng Lê Văn Cường (SN 1969, ở Kiến Hưng, Hà Đông) để làm rõ vụ án mạng xảy ra tại phường Kiến Hưng...