Bản giàu nhất xã, 4 GV chen nhau trong 10m2
Ở điểm trường lẻ bản Suối On, thiếu lớp, học sinh phải học phòng tạm. Không có nhà công vụ, 4 giáo viên phải chen chúc trong gian phòng 10 mét vuông…
4/5 phòng học đã được kiên cố nhưng đang xuống cấp, dột nát trầm trọng. Học sinh khối 5 không có lớp phải học tạm, học nhờ ở nhà văn hóa bản. Điều kiện học tập, ăn ở của giáo viên, học sinh hết sức khó khăn, thiếu thốn.
Đó là hiện trạng của điểm trường lẻ bản Suối On, trường Tiểu học Kim Bon, xã Kim Bon, Phù Yên, Sơn La. Hiện trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay và đến nay vẫn chưa thể khắc phục.
Bản giàu nhất xã, học sinh vẫn phải học… nhà tạm
Học sinh lớp 5 điểm trường lẻ Suối On phải học nhờ ở nhà văn hóa bản vì thiếu lớp
Điểm trường lẻ bản Suối On cách trung tâm xã Kim Bon 12 km. Suối On được xem là bản “giàu có” nhất xã Kim Bon với tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi nhiều nhất. Tuy nhiên, bản Suối On cũng là bản khó khăn nhất về giao thông. Ngày nắng thì bụi bặm. Ngày mưa thì lầy lội.
Hiện tại, điểm trường lẻ Suối On đang có 79 em học sinh theo học với 5 lớp từ khối 1 đến khối 5. Suối On cũng là một trong những bản hiếm hoi tổ chức được cả 5 khối học ở điểm trường lẻ.
Bản Suối On có 5 phòng học nhưng chỉ có 4 phòng được kiên cố hóa. 14 em học sinh của khối 5 không có lớp phải mượn tạm nhà văn hóa bản để làm lớp học.
“Người dân bản Suối On nhiệt tình với việc học hành của con cái hơn so với các bản khác trong xã. Hầu hết các gia đình trong bản có con trong độ tuổi đến trường đều cho con đi học.
Điểm trường lẻ Suối On tổ chức được cả 5 khối học. Tuy nhiên, số phòng học kiên cố mà nhà trường có được mới chỉ có 4 phòng. Chúng tôi đang thiếu 1 phòng học dành cho học sinh khối 5. Không có lớp nên bản phải cho mượn nhà văn hóa làm lớp học tạm cho học sinh khối 5.
Những ngày nào bản có “công to, việc lớn” cần hội họp và sử dụng nhà văn hóa thì học sinh khối 5 phải nghỉ học…”, thầy giáo Lường Văn Thượng, khu trưởng điểm trường lẻ Suối On, trường Tiểu học Kim Bon cho biết.
Video đang HOT
Cũng mang những đặc thù chung của giáo dục miền núi, học sinh bản Suối On, Kim Bon cũng có thói quen nghỉ học mùa vụ, đi học thất thường. Những ngày mưa đường trơn hay những hôm mù sương, học sinh đến lớp đều ít hơn bình thường. Và điều đặc biệt hơn, học sinh ở bản giàu nhất xã cũng chỉ học hết lớp 5 là cùng. Số trẻ học lên cấp 2 rất ít và học cấp 3 hầu như không có.
Nói về sự khắc nghiệt của thời tiết ở Suối On, thầy Thượng chia sẻ: “Khắc nghiệt. Đó là 2 từ dùng để hình dung về thời tiết ở Kim Bon – Sơn La. Gần 3 tháng rồi, Kim Bon chìm trong sương mù dày đặc, mưa phùn. Mù nhiều nên độ ẩm rất lớn. Quần áo giặt phơi cả tuần vẫn ẩm xịt. Nền nhà luôn ướt át. Bàn ghế phồng rộp, mục… phải sửa chữa liên tục. Và kinh khủng nhất là những con đường lầy lội, nhầy nhụa bùn đất.
Trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, chúng tôi đã phải vứt bỏ toàn bộ chiếu, chăn màn vì mưa, độ ẩm cao khiến đồ đạc bị ẩm, mục và mốc. Sách vở của học sinh, giáo án, hồ sơ học sinh đều bị ướt, ẩm phải mua mới và làm lại…”
“Dù Suối On là bản giàu có nhất nhì xã Kim Bon nhưng đời sống của bà con vẫn còn vô vàn những khó khăn. Học sinh mùa đông vẫn không có quần áo ấm để mặc. Nên gần như cả mùa đông chúng tôi phải đốt lửa trong lớp cho học sinh sưởi. Nhìn cảnh học sinh chân trần, áo mỏng, người tím tái, môi thâm xịt vì rét đến lớp mà xót xa…”, thầy Thượng tâm sự
Học sinh bản Suối On phải học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn
Theo quan sát của phóng viên, ở Suối On, phòng học ngoài chức năng làm lớp học còn làm nơi để xe cho giáo viên. Lớp học ngoài mấy bộ bàn ghế, tấm bảng cũ không có bất cứ một phương tiện nào khác phục vụ việc dạy và học.
4 giáo viên chen chúc trong gian phòng hơn 10 mét vuông
Đến thời điểm này, điểm trường lẻ Suối On vẫn chưa có nhà công vụ cho giáo viên. 100% giáo viên đang giảng dạy ở bản Suối On là người từ các xã, huyện lân cận đến. Không có nhà công vụ, giáo viên phải chen chúc trong 1 gian phòng chừng hơn 10 mét vuông. Căn phòng đó vừa làm nơi ở, nơi làm việc… và nơi nấu ăn cho giáo viên.
Căn phòng hơn 10 mét vuông là nơi ở và làm việc của 4 thầy giáo điểm trường lẻ Suối On, Kim Bon
Và làm nơi nấu ăn
“Cuộc sống bất tiện và khó khăn vô cùng! 4 người đàn ông phải chen chúc trong 1 gian phòng rộng hơn 10 mét vuông. Chúng tôi vừa làm việc, vừa ăn ngủ trong gian phòng chật hẹp đó.
Điểm trường lẻ Suối On cũng không có bất cứ một công trình vệ sinh nào. Nguồn nước khan hiếm. Muốn tắm giặt phải lên rừng tìm suối, đi vệ sinh cũng… lên rừng”, một giáo viên ở điểm trường lẻ Suối On tâm sự.
Thầy Lường Văn Thượng tiếp lời: “Giáo viên ở đây, ai cũng bị mắc những bệnh liên quan đến đường hô hấp, viêm khớp vì thời tiết quá khắc nghiệt…”
Theo GDVN
Đại biểu HĐND Hà Nội lo xây nhà "quên" xây trường
Khu đô thị mọc lên nhưng chủ đầu tư "quên" xây trường mầm non khiến tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng. Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp bao giờ được giải quyết là vấn đề đại biểu HĐND chất vấn phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngày 14/7.
Trả lời chất vấn về tình trạng thiếu trường mầm non ở một số khu vực, đặc biệt là các khu đô thị mới, các khu có mật độ dân cư đông tạo nên bức xúc cho nhân dân, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện có 21 khu đô thị có dân cư ở và 4 phường mới thành lập còn chưa đủ trường học. Một số trường thuộc khu vực đông dân cư thì bình quân trẻ/lớp quá cao.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời chất vấn.
Riêng bậc học mầm non ở các khu đô thị hiện có 13 trường, trong đó: công lập có 4 trường, hiệp quản có 2 trường mầm non (quân đội quản lý), tư thục có 7 trường. Theo quy định mỗi xã phường, thị trấn, khu đô thị có ít nhất 1 trường mầm non công lập.
Hiện TP Hà Nội có 837 trường mầm non, trong đó có 683 trường mầm non công lập, chiếm 81,6%; ngoài công lập là 154 trường, chiếm 18,4%. So với năm học trước, năm nay số trường mầm non công lập tăng 16 trường.
Theo bà Ngọc, một số trường thuộc khu vực quá đông dân cư bình quân trẻ/lớp quá cao: Quận Ba Đình có bình quân hơn 50 cháu/lớp công lập; Quận Đống Đa có bình quân hơn 46 cháu/lớp công lập; Quận Hai Bà Trưng có bình quân 46,47 cháu/nhóm lớp công lập...
"Tại một số quận, đô thị mới dân cư tăng quá nhanh. Trong vòng thời gian ngắn nhiều nơi tăng gấp đôi dẫn đến tình trạng quá tải ở một số trường mầm mon", bà Ngọc lý giải.
Việc khu đô thị mới mọc lên nhiều nhưng không thiếu trường, thiếu lớp khiến các đại biểu lo lắng. "Trong số 21 khu đô thị đã có dân sinh sống nhưng chỉ mới có 13 trường, số còn lại bao giờ mới giải quyết", đại biểu Bùi Đức Hiếu băn khoăn.
Bà Ngọc cho biết, nhiều trường mầm non đang được xây dựng, trong thời gian tới các khu đô thị sẽ có đủ trường, đủ lớp cho học sinh.
Ông Nguyễn Văn Khôi - phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng chủ đầu tư các khu đô thị mới thường tập trung huy động vốn để đầu tư xây dựng các công trình thu hồi vốn nhanh như nhà ở kinh doanh, công trình hỗn hợp, thương mại dịch vụ... còn các công trình hạ tầng xã hội chưa được quan tâm thoả đáng.
"Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới thường có sức hút kém, chậm thu hồi vốn đầu tư, vì vậy công tác xã hội hóa cũng gặp nhiều khó khăn", ông Khôi nói.
"Thành phố đã đầu tư cho các trường công lập đạt 85%, còn 15% là các trường tư thục. Liệu con số 15% này, thành phố có đảm nhận được không để tránh tình trạng mức thu phí mà dân thu nhập thấp không có điều kiện trả", đại biểu Đỗ Trung Hai đặt câu hỏi.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, theo quy định, việc khuyến khích xã hội hóa để người dân có điều kiện lựa chọn theo yêu cầu về kinh phí và phù hợp với công việc. "Theo Nghị định của Chính phủ, phấn đấu 80% trẻ mầm non phải học ở trường công lập và tư thục. Thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển, kinh phí đảm bảo nên đã có tới 85% học sinh học công lập. Con số 15% còn lại phải đa dạng hoá các loại hình đào tạo", bà Ngọc nói.
Đại biểu Bùi Đức Hiếu quan tâm đến việc bao giờ khu đô thị có đủ trường, lớp.
Về thu học phí, theo quy định thì trường công lập mọi hoạt động chi phí theo HĐND thành phố quyết định. Các trường dân lập có quyền thỏa thuận mức học phí với phụ huynh và sự lựa chọn của phụ huynh. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý nhà nước, thành phố sẽ kiểm tra về diện tích, nội dung và nâng cao chất lượng để phụ huynh có sự lựa chọn tốt nhất.
"Hiện nay, các cấp học ở Hà Nội đang có mức thu thấp nhất ở khung cho phép. UBND thành phố đã trình HĐND nâng mức học phí ở các cấp học, nhưng do điều kiện kinh tế chung, để tránh lạm phát tăng cao nên TP chưa đặt ra việc nâng mức học phí", phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm.
Theo Dân Trí