Bàn giải pháp “cứu” môn Toán ở các trường… đại học
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, khâu yếu nhất của Toán học Việt Nam là việc ứng dụng toán học vào các lĩnh vực kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế; nhìn chung công tác nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy của các nhà toán học Việt Nam vẫn còn mang nặng tính lý thuyết.
“Có lẽ đây cũng là một lý do khiến việc giảng dạy toán học tại các trường đại học chưa được quan tâm thích đáng, dẫn đến xu hướng cắt giảm hoặc bỏ hẳn việc giảng dạy Toán học ở nhiều các trường đại học. Đây là một xu hướng đáng báo động, chính vì thế tôi đề nghị cộng đồng toán học Việt Nam có những suy nghĩ và thảo luận nghiêm túc để cùng nhau giải quyết những bất cập này”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tại Lễ khai mạc Đại hội Toán học Việt Nam lần thứ IX diễn ra vào sáng ngày 14/8.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Toán học là môn học hết sức cơ bản và cốt lõi trong giáo dục phổ thông
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, sau sự kiện GS Ngô Bảo Châu trở thành người đầu tiên của các nước đang phát triển đoạt giải thưởng Fields danh giá năm 2010, sự ra đời của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Chương trình Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 đã trở thành động lực thúc đẩy nền Toán học Việt Nam lên một bước phát triển mới.
Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã trở thành cái nôi học thuật để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong nước cùng với các chuyên gia quốc tế cộng tác nghiên cứu khoa học, kết hợp với Chương trình Quốc gia phát triển Toán học có các chính sách đào tạo các đội ngũ kế cận thông qua các khóa bồi dưỡng đã có ý nghĩa to lớn trong việc bổ sung đội ngũ kế cận của Toán học ở Việt Nam.
Những thành tựu đạt được của nền Toán học Việt Nam trong những năm qua đã chứng minh sự hiệu quả của định hướng phát triển chiến lược này. Mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển Toán học là trong một thời gian ngắn, nền toán học Việt Nam hội nhập với các nước phát triển về toán đang trở thành hiện thực.
Cùng với các kết quả nghiên cứu, các nhà Toán học cũng chính là những người góp phần quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy, bồi dưỡng nền tảng tư duy toán học cho các thế hệ trẻ trong các nhà trường. Nền tảng tư duy đó đã góp phần tạo nên rất nhiều thế hệ các chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lí của nhiều lĩnh vực – những người đã và đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Độ cũng cho biết, hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang trong những bước hoàn thiện cuối cùng. Trong chương trình đó, Toán học là một trong số rất ít những môn học được giảng dạy xuyên suốt từ lớp 1 tới lớp 12. Như vậy, có thể thấy, Toán học là môn học hết sức cốt lõi và hết sức cơ bản trong giáo dục phổ thông. Trong những năm gần đây đã có nhiều học sinh giỏi, trong số đó gần như tất cả các học sinh tham dự thi Toán quốc tế và nhiều học sinh đạt giải quốc gia tiếp tục theo đuổi ngành toán ở bậc đại học tại các trường đại học lớn trên thế giới cũng như trong nước là một tín hiệu đáng mừng cho nền toán học Việt Nam.
“Trong tương lai, nếu có chính sách đãi ngộ đúng đắn, hy vọng nhiều em trong số đó sẽ trở về làm việc trong nước kế thừa đội ngũ chuyên gia Toán học. Tôi rất mong các nhà Toán học Việt Nam dành thêm nhiều quan tâm hơn nữa tới việc đổi mới toàn diện nội dung, cách dạy, cách học của môn Toán trong nhà trường, không chỉ trong các trường phổ thông, mà, quan trọng hơn, đó là trong cả hệ thống các trường đại học và cao đẳng – nơi có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Số bài báo khoa học quốc tế về Toán học tăng 2,7 lần so với 5 năm trước
Đại hội Toán học Việt Nam kỳ này được diễn ra trong bối cảnh Chương trình phát triển Toán học Việt Nam giai đoạn 2010 đến 2020 và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã vận hành được 7 năm. Trong những năm qua nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế do các chuyên gia Toán học đầu ngành của Việt Nam chủ trì đã hoạt động và thu được nhiều kết quả nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng đặc sắc.
Video đang HOT
Quang cảnh Đại hội Toán học Việt Nam lần thứ IX.
Thêm vào đó, nhiều nhà toán học trẻ sau khi tu nghiệp một thời gian ở nước ngoài đã trở về nước, bổ sung vào lực lượng nghiên cứu và giảng dạy Toán học ở trong nước. Nhiều trường đại học và cao đẳng đã quan tâm và bắt đầu chú trọng đến thành tích nghiên cứu khoa học của các giảng viên. Chính nhờ các yếu tố này mà mặc dù nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng thì nền Toán học Việt Nam trong những năm qua vẫn đạt được những thành tựu to lớn đáng tự hào.
Theo thống kê sơ bộ, số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế đã tăng gấp 2,7 lần so với 5 năm trước đó. Hơn nữa, các bài báo phần lớn nằm trong danh mục ISI, có nhiều bài báo nằm trong các tạp chí chuyên ngành hàng đầu của thế giới. Trong 5 năm qua, nghiên cứu Toán học của Việt Nam đã giành được 5 giải thưởng Tạ Quang Bửu trên 14 giải của Bộ Khoa học Công nghệ.
Theo đánh giá chung, mục tiêu đưa nền Toán học Việt Nam lên tầm cao ngang hàng với các nước phát triển về Toán được đề ra trong Chương trình phát triển Toán học đang trở thành hiện thực. Các thành tích đạt được trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học hứa hẹn một kỳ Đại hội với chất lượng các báo cáo chuyên môn rất cao.
Đại hội lần này sẽ là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, ứng dụng, và giảng dạy toán cả nước trình bày những kết quả khoa học của mình trong vòng 5 năm gần đây. Đây cũng là dịp để cộng đồng Toán học trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự cấp thiết trong phát triển Toán học của đất nước. Tham dự Đại hội có gần 800 đại biểu đến từ các trường, viện nghiên cứu trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt có 2 đại biểu là nhà khoa học nước ngoài và 26 nhà Toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Đại hội còn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, và GS. Ngô Bảo Châu – Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, Chương trình Toán và cộng đồng những người làm Toán cần có giải pháp để các trường thấy sự quan trọng của Toán đặc biệt và Toán ứng dụng, Toán trong các ngành khác.
Đại hội Toán học Việt Nam 2018 bao gồm hai phần: Hội nghị khoa học và Đại hội Đại biểu Hội Toán học Việt Nam. Hội nghị khoa học của Đại hội diễn ra với các phiên toàn thể và 8 tiểu ban: Đại số – Lý thuyết số – Hình học – Tôpô, Giải tích, Phương trình vi phân và Hệ động lực, Toán rời rạc và Cơ sở Toán học của Tin học, Tối ưu và Tính toán Khoa học, Xác suất – Thống kê, Ứng dụng Toán học và Giảng dạy và Lịch sử Toán học. Trong đó, có 7 báo cáo mời tại phiên toàn thể; 5-7 báo cáo mời tại mỗi tiểu ban cùng với gần 350 báo cáo khoa học về các chủ đề toán học khác nhau. Các báo cáo khoa học sẽ giới thiệu những thành tựu nghiên cứu của các cá nhân và các nhóm nghiên cứu của các nhà Toán học Việt Nam về lý thuyết và ứng dụng toán học đang được các đồng nghiệp trong và ngoài nước quan tâm.
Phần Đại hội đại biểu Hội Toán học Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 15/08/2018. Đại hội sẽ báo cáo tổng kết hoạt động của Hội trong 5 năm từ 2013-2018, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động và bầu Ban chấp hành cho nhiệm kỳ 2018-2023.
Nguyễn Hùng
Theo Dân trí
Tự chủ đại học về nhân sự: Vẫn còn nhiều cán bộ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về"
Cán bộ quản trị nhân sự cũng như cán bộ làm ở các vị trí khác, không có sự phân biệt về tính đặc thù của công việc. Ở nhiều trường đại học hiện nay, "cán bộ hành chính" vẫn còn những người "làm công ăn lương", "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".
Đó là ý kiến của ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN TN&NĐ Quốc hội khi phân tích sự phát triển của chính sách tự chủ về nhân sự ở các trường đại học Việt Nam theo xu hướng tự chủ đại học của thế giới.
Ông Trịnh Ngọc Thạch (Ảnh: XH)
Quản lý con người là khó nhất, phức tạp nhất
Từ những phân tích về chính sách tự chủ nhân sự trong các cơ sở GDĐH ở Việt Nam, ông Thạch đã rút ra 3 nhận xét:
Thứ nhất, xét về mặt cơ chế, chính sách, quyền tự chủ về nhân sự của các cơ sở GDĐH ở Việt Nam được đổi mới và nâng cao từng bước phù hợp xu hướng phát triển của GDĐH thế giới.
Thứ hai, trong khoảng hơn 10 năm, với chặng đường đổi mới chưa dài nhưng có thể nói chính sách tự chủ về nhân sự của các cơ sở GDĐH công lập ở nước ta đã có bước chuyển biến đáng kể, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn để các cơ sở GDĐH chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và các hoạt động khác của nhà trường.
Nhờ chính sách đổi mới, các cơ sở GDĐH đã phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo trong công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực, có điều kiện để chủ động xây dựng đội ngũ GV, nhà khoa học đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thứ ba, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn tồn tại những vướng mắc, những bất cập trong chính sách tự chủ về nhân sự ở các cơ sở GDĐH. Nhiều văn bản pháp luật liên quan có quy định khác, hoặc "trói buộc" bằng những quy định mới, như: Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động... đã làm cho việc thực hiện chính sách tự chủ về nhân sự của các cơ sở GDĐH, kể cả các cơ sở GDĐH được trao quyền tự chủ cao nhất như ĐHQG, còn gặp nhiều khó khăn, chưa có được những bước đột phá trong chính sách tuyển dụng, thu hút, sử dụng và đãi ngộ GV và cán bộ khoa học có trình độ cao.
Do đó, khả năng hội nhập quốc tế của các cơ sở GDĐH nước ta vẫn còn hạn chế, chưa thể so sánh được với quyền tự chủ của các trường đại học của Úc và một số nước phát triển khác.
Ông Thạch cho rằng, trong các loại quản lý, quản lý con người là loại quản lý khó khăn và phức tạp nhất. Nhưng suy cho cùng, mọi công việc về quản lý đều quy về quản lý con người. Bởi vậy, ở bất cứ một tổ chức nào, quản trị nhân sự cũng được coi là công tác trọng tâm, then chốt.
Ở các nước phát triển, bộ phận nhân sự (Human Resources Office) trong các trường đại học là một trong những bộ phận quan trọng nhất và hầu hết đều có một Phó Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách bộ phận này. Nhưng ở nước ta, như đã nêu ở trên, quản trị nhân sự trong các trường đại học (công lập) chủ yếu vẫn được coi là công việc hành chính.
Cán bộ quản trị nhân sự cũng như cán bộ làm ở các vị trí khác, không có sự phân biệt về tính đặc thù của công việc. Ở nhiều trường đại học hiện nay, "cán bộ hành chính" vẫn còn những người "làm công ăn lương", "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".
Trong môi trường tự đại học, quản trị nhân sự phải có sự thay đổi chuyển từ "quản trị hành chính nhân viên" sang "quản lý và phát triển nguồn nhân lực" trong môi trường thường xuyên biến đổi. Như vậy, năng lực quản trị nhân sự của hầu hết các trường đại học hiện nay chưa thể đáp ứng yêu cầu này.
Đại học phải chấp nhận rủi ro
Để giải quyết các tồn tại trên, ông Trịnh Ngọc Thạch đã đưa ra một số khuyến nghị về quản trị nhân sự trong trường đại học ở Việt Nam hướng tới tự chủ đại học. Cụ thể theo 2 nguyên tắc:
Nhà nước sớm đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao tối đa quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH, nhà nước chỉ nắm giữ quyền ban hành chính sách vĩ mô, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và đầu tư hợp lý các nguồn lực để các cơ sở GDĐH thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Các cơ sở GDĐH cần thật sự sẵn sàng và dám chấp nhận rủi ro, đổi mới và nâng cao trình độ và năng lực quản trị để có thể tự chủ thực hiện nhiệm vụ trong môi trường cạnh tranh.
Từ hai nguyên tắc trên, có thể nêu một số đề xuất về giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quyền tự chủ trong công tác nhân sự của các trường đại học ở nước ta:
Thứ nhất, đổi mới căn bản cách tiếp cận quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH theo hướng: tập trung sửa đổi và xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến tự chủ đại học, trong đó có tự chủ về quản trị nhân sự trong các cơ sở GDĐH; tạo hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng để các cơ sở GDĐH thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ về cơ chế, chính sách về nguồn lực tài chính và giám sát các hoạt động của cơ sở GDĐH, trong đó cần tập trung vào khâu kiểm soát chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH làm cơ sở để trao quyền tự chủ theo mức độ kiểm định chất lượng và kết quả xếp hạng cơ sở GDĐH.
Thứ hai, sau khi làm tốt công tác kiểm định chất lượng và xếp hạng cơ sở GDĐH, cần phân biệt mức độ tự chủ về quản trị nhân sự trong trường đại học theo hướng tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GDĐH có kết quả kiểm định cao và được xã hội thừa nhận thông qua các bảng xếp hạng đại học được tự chủ hoàn toàn về công tác nhân sự.
Theo đó, có thể trao quyền cho Hội đồng đại học và Hiệu trưởng quyết định việc xác định biên chế, tuyển sinh, sử dụng, quản lý cán bộ; bổ nhiệm, bầu cử các chức vụ quản lý (kể cả chức vụ chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng); xét và công nhận đủ điều kiện và bổ nhiệm các chức danh khoa học (GS, PGS) dựa trên các tiêu chí đã được Hội đồng đại học thông qua; quyết định mức lương và thu nhập của GV, nhà khoa học, nhà quản lý theo sự thỏa thuận giữa nhà trường với cán bộ trên cơ sở chất lượng và hiệu quả công việc .
Tất cả các công việc trên đây nhà trường được tự chủ thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, trong quá trình thực hiện không cần phải xin phép cơ quan nhà nước ở cấp nào.
Thứ ba, thực hiện đổi mới cơ chế tài chính theo tinh thần của Nghị định 16/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác của lĩnh vực GDĐH. Theo đó, phân loại mức độ tự chủ cần bổ sung căn cứ vào kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và kết quả xếp hạng để trao quyền tự chủ tài chính; đổi mới phương thức cấp kinh phí cho cơ sở GDĐH theo sản phẩm đầu ra.
Trên cơ sở tự chủ tài chính, nhà trường được quyết định mức thu nhập của cán bộ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đóng góp xuất sắc của cán bộ, không bị lệ thuộc vào quy định của cấp quản lý khác, trừ việc đóng thuế thu nhập theo pháp luật.
Thứ tư, các cơ sở GDĐH cần đổi mới cơ chế quản trị nhằm nâng cao năng lực tự chủ nói chung và tự chủ trong lĩnh vực quản trị nhân sự nói riêng, đáp ứng các yêu cầu của chính sách tự chủ đại học mà Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã và sẽ ban hành. Các trường đại học được trao quyền tự chủ cao cần ưu tiên đầu tư cho bộ phận quản trị tài chính và quản trị nhân sự theo kịp yêu cầu chuyển đổi từ "mô hình sự nghiệp" sang "mô hình doanh nghiệp", từ mô hình "quản trị hành chính nhân viên" sang "mô hình quản trị nguồn nhân lực".
Hồng Hạnh ( ghi)
Theo Dân trí
Nhiều sinh viên Úc phải bớt ăn vì thiếu tiền Dù thu nhập của sinh viên Úc có cải thiện trong nửa thập niên qua, nhưng nhiều người vẫn 'đói', Times Higher Education trích khảo sát mới do Universities Australia thực hiện cho hay. Ảnh: Shutterstock Cụ thể, hơn một trong số bảy người được hỏi cho biết họ thường xuyên phải kiêng ăn hoặc bỏ qua việc sắm sửa nhu yếu phẩm...