Bán đồng nát để xây trường vùng cao
Làm công tác tình nguyện từ năm 17 tuổi, đến nay Hoàng Hoa Trung (sinh năm 1990) và các đồng đội của mình đã xây được tám ngôi trường có thời hạn sử dụng trên 20 năm cho trẻ em vùng cao. Anh cũng là người sáng lập ra dự án “Nuôi em” giúp cho hơn bảy ngàn trẻ em nghèo ở Điện Biên được ăn cơm trưa có thịt mỗi ngày.
Nhặt phân bò, xin gốm lỗi, bán quần áo cũ… gây quỹ
Bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội từ 2008, Trung được mời vào nhóm Niềm Tin (một nhóm tình nguyện tự phát), và sinh hoạt cho đến giờ. Sau một số dự án tình nguyện ở thành phố, Niềm Tin tìm đường lên núi. Yên Bái là điểm khảo sát đầu tiên của đội.
“Ba năm đầu chúng tôi cũng mới chỉ mới giúp người dân có thêm nhu yếu phẩm. Đến năm thứ tư thì bắt đầu làm những thứ thiết thực hơn, như xây nhà tắm, nhà vệ sinh. Sau đó nữa thấy mọi việc có thể gắng được, chúng tôi đặt mục tiêu xây trường”, Trung kể.
Điểm trường đầu tiên mà Trung và bạn bè xây tặng trẻ em là ở Lai Châu, vào năm 2012. Được một Trường mầm non quốc tế ủng hộ 100 triệu, bộ đội biên phòng giúp đỡ về nhân lực nên dự toán xây dựng chỉ mất 160 triệu. Trung và “đồng bọn” quay ra nghĩ cách gây quỹ để bù 60 triệu còn thiếu.
Bắt chước người ta “góp gạch xây nhà”, Trung kêu gọi “góp gạch xây trường” quy ra mỗi viên gạch trị giá 20 ngàn đồng, mỗi người đóng góp tùy tâm.
Số tiền 60 triệu còn thiếu đó sau nhiều trầy trật cũng gom đủ, nhưng lại thức tỉnh Trung một điều: mọi người dễ phản cảm với việc quyên tiền, phải làm một cách gì đó khác đi!
Trong một lần đi chơi Bát Tràng thấy gốm hỏng gốm lỗi bị bỏ đi nhiều, Trung nảy ra ý xin về bán gây quỹ. Thế là dẫn cả đội đến từng xưởng trình bày chúng cháu sẽ đem những đồ này đi bán để lấy tiền xây trường cho miền núi. Cả làng Bát Tràng không ai từ chối, có nhà còn ủng hộ cả đồ mới. Suốt hai ba năm, Trung và các bạn đi xin gốm bán, những khi khan hàng còn chui hẳn ra bãi rác đào gốm lỗi, cứ 10 ngàn một sản phẩm, có lần cao điểm bán ở trường FPT được 6 triệu tiền gốm.
Hoàng Hoa Trung
Trước đó, khi đi làm từ thiện ở làng chài Sông Hồng, thấy đất phù sa nhiều, Trung vận động bạn bè cùng đi đào đất bán. 80kg đất bán được 100 ngàn. Có lần khách gọi 200kg, đất gặp mưa nặng gấp đôi, Trung kẹp hai bao đằng trước hai bao đằng sau vè vè xe máy ship hàng.
Lại có lần đi qua chân cầu Vĩnh Tuy, thấy cả đàn bò hàng trăm con thả ở đó, Trung nghĩ ra cách đi nhặt phân bò bán cho người trồng trọt.
Mỗi một công việc lam lũ ấy bạn bè, người quen của Trung đều biết. Thế là ai có gì cho nấy, nhà Trung như một cái kho, chứa đủ thứ trên đời, từ sách vở, quần áo, đồ gốm, máy tính… Thứ gì cũng được đem đi bán với giá chỉ vài nghìn đồng cho người nghèo.
Có lần Trung được “cho” cả xe tải quần áo cũ. Khi này đã xác định không đem quần áo cũ lên miền núi, một là người dân tộc không mặc, hai là dễ làm mất bản sắc của họ, chưa kể phí tiền vận chuyển. Thế là chờ đến 3h sáng cả đội thuê xe tải chở sang chân cầu Long Biên bán cho người lao động nghèo. “Thành công ngoài mong đợi. Giá một cái áo là 1.000 đồng mà chúng tôi bán được hai triệu bảy. Thông thường đến 7h sáng là chợ dẹp, người dân xui mang vào chợ mà bán, có người còn tình nguyện gánh giúp hàng. Tôi nhớ có một em bé chỉ khoảng 10 tuổi, nó vừa đi nhặt ve chai về, được 21 nghìn. Nó kiểm tra kỹ lưỡng từng cái áo, mua cho mình, mua cho bố, cho mẹ, cho em, cho chú. Hai bàn tay nó đen nhẻm, chằng chịt nếp nhăn như tay một người già”. Trung nhớ lại.
Còn có lần, bắt chước một cao thủ gây quỹ trong Sài Gòn, nhóm của Trung cũng đi nhặt giấy vụn. Nhưng không đành lòng tranh việc với người nghèo ở công viên, vào trường học lại ngại làm khó các cô lao công, Trung nảy ra sáng kiến vào ký túc xá xin đồng nát. Các sinh viên ủng hộ, cho từ giấy vụn đến nồi niêu xoong chảo cũ. Trung bình cứ một ký túc xá, Niềm Tin thu được 1 triệu đồng tiền đồng nát.
Trung (hàng cuối, thứ hai từ phải sang) trong ngày khánh thành điểm trường thứ 8.
Video đang HOT
Quyết định “Nuôi em” sau gần một tháng “ba cùng”
Từ năm 2012, trung bình mỗi năm nhóm Niềm Tin xây được một ngôi trường, khoảng cách với Hà Nội ngày một xa, từ Lai Châu, giờ đã chuyển lên Điện Biên.
Có dịp, Trung sẽ quay đi trở lại những điểm trường, kể cả sau khi đã xây và bàn giao. Nhờ thế Trung phát hiện, dù có trường mới tiện nghi, sạch sẽ hơn ngôi trường vách nứa mái gianh nhưng học sinh vẫn bỏ học. Để tìm hiểu thực trạng này, Trung bỏ tiền túi lên Mường Nhé, vào bản heo hút nhất cắm chốt gần một tháng.
Trong quãng thời gian cùng ăn cùng ở cùng làm với thầy cô và bà con, Trung mới biết đến 70% dân ở đây thiếu ăn, thậm chí kéo dài. Tình trạng trẻ con phải vào rừng đào măng luộc ăn trừ bữa rất phổ biến. Học sinh cấp một đi học được bố mẹ cho mang theo một cặp lồng cơm và một chai nước. Đến bữa, các em đổ nước vào cơm để ăn.
Từ năm 2012, trung bình mỗi năm nhóm Niềm Tin xây được một ngôi trường, khoảng cách với Hà Nội ngày một xa, từ Lai Châu, giờ đã chuyển lên Điện Biên.
Khi về Hà Nội, Trung kêu gọi cộng đồng góp tiền để nuôi bữa trưa cho 27 học sinh của một điểm trường không điện ở Mường Nhé. Mỗi bữa cơm có thịt của một bé quy ra là 8.500 đồng. Qua một vài tháng, 27 bé đều béo tốt, khỏe mạnh hơn, phụ huynh tự mang con đến gửi mà không cần vận động. Thầy giáo hốt hoảng gọi điện thông báo: “Chú Trung ơi, học sinh giờ lên 34 cháu rồi, làm thế nào?”. Trung trả lời: cứ nuôi thôi chứ, dưới này em sẽ cố!
Đều đặn từ 2015 – 2017, Trung kêu gọi được các Mạnh Thường Quân nhận nuôi 88 cháu. Cộng đồng gọi phương pháp tình nguyện này là “bữa cơm níu trẻ em đến trường”. Bởi vì có cơm ăn miễn phí, không phải về nhà vào giữa buổi, tỷ lệ học sinh bỏ học ở những điểm trường được nuôi cơm giảm hẳn.
Đến năm 2018, Trung thêm một dòng chữ vào hình ảnh những em bé được nuôi cơm: “Theo thống kê mỗi sự chia sẻ hình ảnh này sẽ giúp một bé được nhận nuôi”. Thông điệp này ngay sau đó được lan tỏa mạnh mẽ, số em bé được nhận nuôi vọt lên con số 5.436 cháu. Từ đầu năm đến nay, số học sinh nhận được sự giúp đỡ là hơn 7.000.
Phương pháp vận động nuôi em của Trung cụ thể như sau: Nhóm Niềm Tin sẽ khảo sát và lên danh sách những bé cần nuôi cơm, kèm hình ảnh, thông tin liên lạc cụ thể. Mỗi một tháng, kinh phí để nuôi một bé là 150.000 đồng. Người nhận nuôi sẽ được nhận một mã số của em bé bao gồm đầy đủ thông tin, địa chỉ trường lớp, thầy cô, bố mẹ và cả già làng trưởng bản. Thông thường mỗi xã được lập riêng một group để những người nhận nuôi, bố mẹ học sinh và thầy cô giáo trao đổi với nhau. Ngoài ra, Niềm Tin còn lập ra những kỳ “thăm em” định kỳ cho những người muốn trực tiếp gặp những em bé mình nhận nuôi. Đến nay, có rất nhiều người nhận nuôi hơn một bé một tháng.
Giúp thầy cô “được dạy”
Số tiền các cá nhân đóng góp để Nuôi em thường sẽ dư ra vì có những ngày nghỉ, ngày lễ Tết. Nhóm Niềm Tin đã đề nghị trích số tiền dư này để mua máy lọc nước Unicef và mua đệm, chăn cho các em. Cô giáo Lường Thị Ngọc giáo viên mầm non điểm trường Tà Té B (Điện Biên) cho biết: “Đa số các em thiếu ăn, thiếu mặc. Vào mùa đông, có khi lạnh đến âm độ nhưng các em vẫn chỉ có độc một cái áo mỏng, người tím tái vì lạnh”.
Từ khi “Nuôi em” về bản, các thầy cô bận hơn vì ngoài việc dạy, họ phải kiêm việc làm đầu bếp nấu cơm trưa cho mấy chục học sinh. Mỗi tuần các thầy cô cắm bản chỉ đi ra điểm trường chính vào thứ sáu. Ở đây họ được phát thực phẩm và nhu yếu phẩm cho một tuần. Toàn bộ số thực phẩm này do một đầu mối của Phòng giáo dục cung cấp, đảm bảo vệ sinh an toàn. Có khi già làng trưởng bản cũng ra tận nơi kiểm tra thịt hoặc theo dõi xem có bị cân sai không. Theo đó, đầu tuần học sinh được ăn thịt, giữa tuần ăn trứng, và cuối tuần ăn cá khô vì các trường không có tủ lạnh.
Cũng nhờ thời gian ăn ở cùng các thầy cô, Trung thấu hiểu cuộc sống “buồn và khó” của những giáo viên cắm bản. Về Hà Nội, anh tìm cách vận động và gây quỹ cộng đồng để tặng mỗi điểm trường chưa có điện một máy năng lượng gió mặt trời. Mỗi chiếc máy này có thể phát điện và cắm pin sạc. Từ ngày các điểm trường có máy, dân bản thay vì đi hàng mấy cây số ra thị trấn sạc điện, giờ họ chỉ việc chạy lên trường “cho tao cắm nhờ”!
CHẾT HỤT VÀ TỰ HỌC
Trung từng chết hụt năm 17 tuổi vì bị “vỡ mộng” ở trường. Mất niềm tin vào trường lớp, thầy cô, khi đó anh đã nghĩ đến chuyện tự tử.
Rất may không chết. Anh tìm lối cho mình bằng cách đi học Aptech (Tập đoàn của Ấn Độ đào tạo về Lập trình viên Quốc tế) ngay từ hè lớp 11. Hết lớp 12, bạn bè tốt nghiệp, còn Trung bắt đầu đi làm, lương ba triệu một tháng.
Sau khi được “khều” vào nhóm Tình nguyện Niềm Tin vào năm 2008, anh bắt đầu cuộc hành trình thiện nguyện của mình. Ba năm gần đây, anh đã tiếp quản Niềm Tin, trở thành người phụ trách chính của nhóm này.
Công việc chính hiện nay của Trung ngoài Niềm Tin với rất nhiều dự án đan xen, anh vẫn làm công nghệ, đi tư vấn, dạy học… để kiếm sống. Trung bảo, sống tối giản tự nấu cơm, lại độc thân nên mỗi tháng chỉ ba triệu là tiêu đủ. Số tiền còn lại đa số anh dành cho những chuyến khảo sát vùng sâu, vùng xa mỗi năm mươi lần, mỗi lần mươi ngày.
HẠNH ĐỖ
Theo Tiền phong
"Gánh" chữ vô... Giá
Hai tiếng "vô Giá", được người dân bản địa gọi tắt như vậy, để nói về địa danh bản Giá, xã Thanh Xuân, huyện vùng cao biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa). Bản Giá nằm sâu hun hút, nấp sau những ngọn đồi cao chót vót.
Mỗi lần người dân hay các thầy, cô giáo muốn vào bản phải trải qua cung đường đầy... đau khổ bởi bùn đất đôi khi ngập nửa bánh xe.
Đường vào bản Giá (xã Thanh Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: T.G
Bản Giá xa xôi!
Ghé thăm thầy, trò Trường Tiểu học Thanh Xuân, chúng tôi được thầy giáo Đỗ Xuân Viên - Hiệu trưởng nhà trường kể về những khó khăn, vất vả của điểm trường lẻ ở bản Giá.
Buổi chiều hôm trước, vùng trời Thanh Xuân bỗng dưng đổ mưa sầm sập, thầy giáo Viên có ý ngần ngại vì lo cho mọi người vất vả khi vào bản Giá, nhưng rồi cũng không ngăn được sự quyết tâm của chúng tôi. "Nếu anh em quyết tâm vô Giá, thì phải bỏ bớt hành lý ở ngoài này, sắm mỗi người một khúc gậy và đi dép. Cứ hai người một xe máy, để hỗ trợ nhau trên đường. Mọi người vào tới nơi, không nên ở lại muộn, cố gắng trở ra trước khi có cơn mưa buổi chiều đổ xuống", thầy Viên dặn dò.
Cung đường từ Quốc lộ 15A vào điểm trường, chỉ chừng hơn 8km. Thế nhưng, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy gần 2 giờ đồng hồ mới tiếp cận được. Trong suốt quãng đường, hầu như những chiếc xe máy không thể cài số 3 để chạy (dù là khoảng trăm mét). Nói đúng hơn, người ngồi sau xe cơ bản là đi bộ.
Bản Giá - có thể nói là địa danh heo hút, khó khăn nhất so với 5 bản còn lại ở xã Thanh Xuân. Ở đây, có một điểm lẻ của Trường Tiểu học và Trường Mầm non Thanh Xuân. Khác với khu lẻ tiểu học đã có phòng học kiên cố và khu nhà công vụ cho giáo viên ở, thì điểm lẻ của Trường Mầm non Thanh Xuân, cô và trò vẫn phải học ở phòng tranh tre tạm bợ.
Trong khu lẻ này, có 3 cô giáo mầm non và 4 thầy giáo tiểu học. Các thầy phải nhường một phòng cho cô giáo mầm non làm nơi ở. Bữa cơm hàng ngày, các thầy và cô giáo "góp gạo thổi cơm chung". Khi màn đêm buông xuống, ở lại khu nhà công vụ này có các thầy và một cô giáo mầm non, vì hai cô còn lại là người ở bản.
Thầy giáo Bùi Đình Sơn nắn nót từng nét chữ cho học trò. Ảnh: T.G
Cô giáo Hà Thị Trang, quê ở xã Điền Trung (Bá Thước, Thanh Hóa), một mình vào đây nhận nhiệm vụ cùng hai cô giáo ở bản Giá, để "gieo vần" cho 50 đứa trẻ. Để có thời gian dành cho học trò thân yêu của mình và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, cô giáo Hà Thị Trang phải gửi hai đứa con nhỏ ở quê cho ông bà chăm sóc. Đứa lớn 9 tuổi còn đứa nhỏ mới lên 3. Chồng cô Trang cũng ở quê, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, nên anh ra Hà Nội kiếm việc làm, thi thoảng mới về quê thăm vợ con và gia đình.
"Điều kiện khó khăn, đường đi lối lại vô cùng gian nan nên em phải gửi con ở nhà cho ông bà chăm sóc. Khổ nhất là mỗi lần từ ngoài trung tâm xã vô Giá, gặp trời mưa, chân yếu, tay mềm nên không thể tự đi xe máy một mình được, đành phải nhờ các thầy giáo đưa vào. Cũng có lần em phải đi bộ vào, vì không nhờ được ai cả"- cô Trang tâm sự.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Giá Hà Văn Toán, tâm sự: "Người dân bản Giá chúng tôi đã bao đời này ao ước có một con đường cho đúng nghĩa là đường giao thông. Thế nhưng, ước mơ vẫn chỉ là niềm mơ ước mà thôi. Nếu tính chiều dài quãng đường từ đầu cầu Thủy điện Hồi Xuân (xã Thanh Xuân) vào đến trung tâm bản Giá, chỉ ngót nghét chục cây số, nhưng bà con ở trong cảm thấy nó dài vô tận.
Thương nhất là các cháu nhỏ đang độ tuổi học mầm non. Các cháu thiệt thòi lắm. Lớp học kiên cố chưa có, các cháu phải học ở trong phòng tranh tre tạm bợ. Mà cái phòng học tranh tre ấy, đều do bà con trong bản gom góp vật liệu và công sức để dựng lên. Cứ vài ba năm, mái tranh, vách nứa, kèo cột bị hư hỏng, bà con lại phải tập trung sửa sang cho các cháu có chỗ ngồi học. Cô giáo từ ngoài trường chính được phân công vào đây dạy chữ cho con em trong bản, cũng chưa có một nơi ở gọi là riêng tư, mà phải nhờ phòng ở của các thầy giáo khu tiểu học.
Trông chờ vào ngày mai
Cô giáo và học sinh mầm non bản Giá. Ảnh: T.G
Đáng thương nhất là các cô giáo mầm non vào đây dạy học. Mỗi lần đem con chữ vào cho bọn trẻ là những lần ngã xe, chí ít là lấm lem bùn đất, nặng hơn là bị thương ở tay, chân....
Thầy giáo Bùi Ngọc Sơn - phụ trách khu tiểu học ở bản Giá chỉ cười khi nghe chúng tôi hỏi chuyện cắm bản. Nhìn ánh mắt, nụ cười của thầy Sơn, chúng tôi cảm nhận, dường như thầy và những đồng nghiệp của mình đã quen cảnh "sống chung với lũ". Quê ở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, thầy Sơn công tác ở Thanh Xuân đã 15 năm và cắm bản 7 năm, nên quen vất vả, gian nan rồi. Vợ, con thầy Sơn sống ở quê, mỗi tháng, thầy tranh thủ về thăm nhà một, hai hôm rồi lại phải lên trường để vô Giá với học trò của mình.
"Thú thật với anh, tôi đi trên cung đường này đã 7 năm. Vất vả như thế nào, thì anh cũng thấy cả. Mặc dù mỗi lần vào điểm trường là một lần "đánh vật" với cung đường. Nhưng chúng tôi không thể bỏ công việc của mình, càng không thể bỏ mặc các em học sinh được. Thôi thì vất vả thế nào cũng phải cố gắng vượt qua, để đưa chữ vào cho học trò của mình anh ạ", thầy Sơn bộc bạch.
Khu mầm non bản Giá còn tranh tre, nứa lá. Ảnh: T.G
Thầy giáo Đỗ Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, phàn nàn: "Bản thân tôi là hiệu trưởng, đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên về con đường này, để giúp bà con và giáo viên đi lại thuận tiện. Một thực tế, nếu cứ tính theo cách đầu tư xây dựng con đường vào bản Giá như hiện nay, thì không biết bao nhiêu năm nữa mới hoàn thành. Bởi, chúng tôi thấy, có lẽ là huyện không có vốn, nên mỗi năm cũng chỉ đầu tư làm được một đoạn mà thôi".
Các thầy, cô giáo vào đây cắm bản, có thể phải ở lại cả tháng trời vì mưa, đường trơn, lầy lội không thể ra được. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên các thầy, cô giáo cố gắng vượt qua những khó khăn hàng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Ngô Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa
Ông Phạm Bá Diệm - Bí thư Huyện ủy Quan Hóa, cho hay: "Tuyến đường vào bản Giá, xã Thanh Xuân đang là trở ngại nhất cho sự phát triển kinh tế địa phương. Gần 900 nhân khẩu (183 hộ dân) ở đây luôn bị động trong việc giao thương với bên ngoài. Huyện cũng đã đề nghị cấp trên hỗ trợ, đầu tư xây dựng con đường, tuy nhiên tỉnh cũng chưa có vốn, nên huyện cũng chỉ đầu tư từng giai đoạn một theo vốn Chương trình 30a; Nông thôn mới và tranh thủ nguồn hỗ trợ khắc phục lũ lụt thôi. Năm nay, huyện có chương trình đầu tư xây dựng được vài km và sẽ làm từ phía trong bản ra ngoài. Ban quản lý dự án huyện đang hoàn thiện thủ tục để thi công".
Nghe Bí thư Diệm thông tin, chúng tôi cảm thấy mừng. Bởi, dẫu sao huyện cũng đã quyết tâm dành vốn để làm con đường "vô Giá", cho người dân nơi đây thoát cảnh cơ cực, giáo viên không còn phải chịu cảnh "gánh" chữ vào bản như từ trước tới nay.
Thế Lượng
Theo GDTĐ
Quảng Bình: Xây nhà nội trú cho giáo viên vùng cao LĐLĐ tỉnh Quảng Bình vừa phối hợp với UBND thị xã Ba Đồn tổ chức lễ bàn giao nhà nội trú cho tập thể giáo viên đang công tác tại Trường THCS xã Quảng Minh. Đây là công trình thứ 6 mà LĐLĐ tỉnh đầu tư xây dựng cho các trường học gặp khó khăn nhằm san sẻ với các giáo viên ở...