Bạn đọc viết: “Quý phụ huynh ơi, hãy đồng hành cùng giáo viên nhé!”
Công việc “dạy người” chưa bao giờ là dễ dàng cả, tôi muốn nói đến nghề “đưa đò” của tôi và đồng nghiệp. Câu chuyện giáo dục những học sinh chưa ngoan trong một tập thể lớp của cô em đồng nghiệp làm tôi đau đáu mãi.
Ảnh minh họa
Cô em đồng nghiệp của tôi tốt nghiệp Sư phạm đã được 3 năm nhưng vẫn không có cơ hội đứng lớp vì những năm trở lại đây không tuyển thêm giáo viên nữa. Thế là cô giáo trẻ này đành bươn chải kiếm sống bằng những công việc lặt vặt khác nhưng ước mơ “gõ đầu trẻ” chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong em.
Rồi vận may cũng đến, năm nay một trường cấp 2 gần nhà thiếu giáo viên đúng môn em giảng dạy. Em được mời đi dạy với đúng nghề của em đã chọn. Em vui như hội vì cuối cùng em cũng có cơ hội để cống hiến đúng nghề cho đời.
Đầu năm, em nhận chủ nhiệm một lớp 8 – lứa học sinh này đã qua tuổi thiên thần và các em bắt đầu bước vào giai đoạn “nửa trẻ con, nửa người lớn”, cứ “ương ương dở dở” khiến cô giáo trẻ này thật sự vất vả.
Mới năm đầu tiên nên cô em đồng nghiệp của tôi tràn đầy sinh lực, tràn đầy nhiệt huyết với chuyên môn, nghề nghiệp. Cô giáo trẻ có mặt liên tục ở lớp cô chủ nhiệm, toàn tâm toàn lực là thế, hy vọng lớp tốt, lớp ngoan là thế.
Nhưng rồi mọi công lao của cô giáo trẻ này “đổ sông đổ bể” cả vì trong lớp có một nhóm học sinh nữ vi phạm nội quy nhà trường thường xuyên và có tính hệ thống.
Cô giáo lúc đầu dùng những lời lẽ chân thành tâm tình và khuyên bảo các em học sinh đó một cách thủ thỉ và cho nhiều cơ hội để sửa sai. Thế nhưng, lời nói ngọt và sự hiền từ của cô giáo vẫn không cảm hóa được những học sinh cá biệt này.
Cô giáo trẻ đành dùng cách thứ hai, phối hợp với gia đình để giáo dục các em.
Giấy mời phụ huynh được gửi liên tục, cô giáo tạm gác công việc gia đình, bao nhiêu việc khác nữa để gặp phụ huynh.
Video đang HOT
Thế nhưng, mặc cô giáo chờ và đợi, phụ huynh vẫn không đến.
Lúc đầu, chị em giáo viên chúng tôi cho rằng học sinh đã không về đưa giấy mời cho bố mẹ, có thể các em sợ bố mẹ la mắng rồi giấu giấy mời đi, nhưng mọi chuyện không phải như thế, giấy mời đã đến tay những ông bố bà mẹ này.
Chờ đợi quá lâu làm cô giáo chủ nhiệm trẻ mệt mỏi và bắt đầu tức giận, tiếp tục gọi vào số phụ huynh. Đầu dây bên kia bắt máy và một tràng dài những lời quát tháo, mắng mỏ với nội dung “Con tôi không học được thì tôi cho nghỉ, không nhất thiết cô phải mời họp và gọi cho tôi như vậy”. Rồi điện thoại tắt phụt.
Nước mắt cô giáo chực trào. Em khóc trước những học sinh cá biệt, em khóc trước mặt đồng nghiệp. Tôi thương em vô cùng!
Tôi biết những giọt nước mắt của em rơi là vì uất nghẹn, vì tức giận và có phần nhiều là vì sự vô tâm của một số ít bộ phận phụ huynh như trên.
Chuyện cha mẹ “khoán trắng” con cho nhà trường không thiếu, con không học cũng tại cô tại thầy, con không ngoan cũng tại thầy cô dạy dỗ, con hư cũng “trăm sự nhờ thầy cô”… mà phụ huynh không biết rằng giáo dục gia đình mới là giáo dục nền tảng.
Cô giáo trẻ khóc ngon lành như chính mình là người có lỗi trong việc dạy dỗ học sinh qua những lời trách móc của người mẹ đó.
Bây giờ nhớ về giọt nước mắt của em, lòng tôi se lại. Thương em thì ít nhưng thương chính nghề của mình đã chọn thì nhiều. Qua những người phụ huynh như thế, tôi biết lòng yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ trong em phần nào vơi đi.
Dân gian ta cũng hay nói rằng “Con hư tại mẹ”, trong trường hợp những học sinh có bố mẹ như vậy làm sao nên người nếu thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy bảo từ chính gia đình mình. Giáo dục nhà trường không tách rời giáo dục gia đình mà luôn muốn thống nhất các quan điểm trong cách dạy trẻ nên người.
Thiết nghĩ rằng, quý phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm lớp để giáo dục con em mình một cách tốt nhất.
Rất cần sự đồng hành của quý phụ huynh để những giọt nước mắt của những người tận tụy với nghề thôi rơi.
Thanh Thanh
Theo Dân trí
Dạy tốt, học tốt nhờ đồng thuận
Nhờ làm tốt công tác chuyên môn, Trường THCS Long Phước (xã Long Phước, huyện Long Thành) đã tạo được niềm tin, sự đồng lòng của phụ huynh, học sinh.
Việc phát huy được vai trò chủ động của giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Trường THCS Long Phước (xã Long Phước, huyện Long Thành). Ảnh: H. Yến
Từ chỗ có học sinh "rục rịch" chuyển trường khi áp dụng mô hình Trường học mới (VNEN), đến nay sĩ số học sinh của trường tăng gấp đôi sau 5 năm thực hiện mô hình này.
* Phát huy vai trò chủ động của giáo viên
Năm học 2015-2016, Trường THCS Long Phước bắt đầu thực hiện mô hình VNEN. Thời điểm đó đã có nhiều thông tin trái chiều về mô hình này nên tâm lý e ngại, lo lắng của cả phụ huynh lẫn giáo viên là điều không tránh khỏi. Ban đầu, một số phụ huynh phản đối áp dụng, đòi chuyển trường cho con đi nơi khác... Để đạt được sự đồng thuận của tập thể sư phạm nhà trường và phụ huynh, Trường THCS Long Phước đã tổ chức đối thoại giữa nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương, đồng thời cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Thành nhận xét: "Trường THCS Long Phước là một trong những đơn vị làm rất tốt công tác chuyên môn. Trường cũng phát triển tốt lĩnh vực mũi nhọn là bồi dưỡng học sinh giỏi. Với cách làm việc tích cực, năng động của hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên, trường còn làm rất tốt hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là chăm lo cho học sinh nghèo".
Theo đó, trường yêu cầu giáo viên chủ động biên soạn chương trình dạy học theo chủ đề để phù hợp với thực tế mà không nhất thiết phải theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. Sau giờ học chính khóa, nếu còn có học sinh không hiểu bài thì giáo viên có trách nhiệm phải dạy phụ đạo cho đến khi học sinh hiểu bài mới thôi. Với rất nhiều nỗ lực, chất lượng giáo dục của trường đã được khẳng định ngay trong năm đầu tiên thực hiện mô hình VNEN.
Từ chỗ sĩ số toàn trường chỉ 780 học sinh, những năm học tiếp theo, phụ huynh đăng ký cho con vào trường này ngày càng đông. Đến nay, toàn trường có hơn 1.400 học sinh, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019 là lần đầu tiên "lứa học sinh VNEN" của trường dự thi. Kết quả, 100% học sinh dự thi đều đậu, trong đó có 1 học sinh đạt điểm thủ khoa của huyện. Đó là những minh chứng rõ nét nhất về chất lượng dạy học của nhà trường.
Ông Cao Văn Quế, Hiệu trưởng Trường THCS Long Phước cho biết: "Bằng việc tự soạn giáo án dạy học theo chủ đề, vai trò chủ động của giáo viên ngày càng thể hiện rõ nét. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên tăng cường hoạt động trải nghiệm - sáng tạo cho học sinh. Không gian lớp học được mở rộng, nhiều giờ học đã được tổ chức ở ruộng lúa, vườn cây... thay vì chỉ bó buộc trong 4 bức tường".
* Trường học không rác thải nhựa
Ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, Trường THCS Long Phước còn tổ chức nhiều phong trào, hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là công tác chăm lo cho học sinh nghèo. Riêng trong năm học 2018-2019, trường đã tặng 25 xe đạp, 40 bộ quần áo mới, sách vở và học bổng trị giá hơn 60 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, cá nhân thầy Hiệu trưởng Cao Văn Quế tặng 7 suất quà tết cho học sinh nghèo, mỗi phần quà gồm: 50kg gạo, 1 triệu đồng và các nhu yếu phẩm.
Mới đây, Trường THCS Long Phước đã phát động phong trào Trường học không rác thải nhựa. Đây là hoạt động nhằm chung tay bảo vệ môi trường. Theo đó, giáo viên, học sinh của trường được khuyến khích hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Cả thầy và trò nhà trường cũng được yêu cầu không mang các loại đồ dùng nhựa sử dụng một lần vào khu vực trường học.
Em Nguyễn Vũ Ngọc Minh, học sinh lớp 7/7 Trường THCS Long Phước cho hay: "Ngoài hoạt động dạy học bình thường, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho chúng em tham gia. Trong đó, em thích nhất là những hoạt động bảo vệ môi trường như: làm nhà mô hình từ ống hút, dùng chai nhựa làm chậu trồng cây... Đặc biệt là phong trào Trường học không rác thải nhựa mà nhà trường mới phát động".
Sau 2 tuần triển khai, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của giáo viên, học sinh. Để làm được điều này, nhà trường đã đưa vào tiêu chí thi đua, nhất là trong thi đua hằng tuần của các lớp. Trường cũng thông báo đến phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Vì vậy, chương trình nhận được cả sự ủng hộ, đồng thuận của phụ huynh.
Cô Cao Thị Ngoan, giáo viên Tổng phụ trách Đội cho biết, sau 3 tuần phát động phong trào, đến nay gần như 100% học sinh của trường không vi phạm. Trường THCS Long Phước cũng là trường học duy trì hoạt động lao động của học sinh. Ngoài việc tự trực nhật phòng học, các lớp còn phân công dọn vệ sinh sân trường. Nhờ đó, khu vực Trường THCS Long Phước luôn được giữ gìn sạch sẽ.
Với tinh thần đoàn kết vì học sinh thân yêu, Trường THCS Long Phước không chỉ đảm bảo tốt hoạt động chuyên môn mà còn đạt được nhiều thành tích trong các phong trào thi đua. Tính đến thời điểm hiện tại, trường đã 4 năm liên tục là tập thể Lao động xuất sắc, 3 năm liên tục được tặng Cờ thi đua xuất sắc cấp tỉnh. Đặc biệt, 6 năm liền, Chi bộ nhà trường đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Hải Yến
Theo baodongnai
Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam bật mí 21 điều mà phụ huynh nào cũng muốn giáo viên biết, có những điều tưởng chừng đơn giản nhưng ít ai cũng làm được "Khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường chính là lúc trẻ em cần phải "nhặt" vào tiềm thức của mình những ấn tượng tốt đẹp nhất của đời người. Xin giáo viên hãy đối xử bình đẳng, hãy khuyến khích con tôi được chơi, được nghe nhạc, đọc sách". Giáo viên và phụ huynh là một trong những người có tác động...