Bạn đọc viết: “Nhiều bài quá, con học không nổi”
Tôi mới nhận lời làm gia sư ôn tập cho một cô bé lớp 9. Theo lịch trình thì một tuần cháu chỉ học vào hai buổi tối cuối tuần. Gia đình cháu nhờ tôi củng cố kiến thức môn Ngữ văn để sắp tới cháu thi tuyển sinh lớp 10. Mới học được hơn hai tuần, nhưng tôi cảm thấy thật sự chán nản…
Ảnh minh họa
Cô bé này là “con gái cưng” một gia đình khá giả. Ba mẹ em đều bận bịu với việc buôn bán. Tuy nhiên, họ rất mực kì vọng vào con. Họ không tiếc tiền của để đầu tư cho con. Mọi việc trong nhà đều có người giúp việc lo. Các con chỉ việc tập trung vào chuyện học hành.
Ngay từ nhỏ, cô bé này đã được gửi gắm vào một trường điểm có tiếng. Suốt những năm đi học, em đều có gia sư kèm cặp. Cha mẹ luôn đặt mục tiêu trước để em cố gắng phấn đấu. Những tấm giấy khen mang về sẽ là bằng chứng quan trọng cho việc học hành của em.
Suốt những năm đi học, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ba mẹ quản lí em rất chặt. Em không được đi đâu ngoài việc học. Ngay cả đi sinh nhật bạn bè, em cũng bị cấm đoán. Tất cả đều phải ưu tiên cho việc học.
Năm nay là cuối cấp 2. Chính vì vậy ba mẹ em càng quan trọng vấn đề. Cả nhà đều muốn em thi vào lớp chuyên Hóa của ngôi trường uy tín nhất của tỉnh. Để vào được đó không phải là chuyện dễ dàng. Thí sinh đăng kí thường rất đông. Tỉ lệ chọi luôn ở mức cao. Em đang rất sợ sẽ làm ba mẹ thất vọng.
Video đang HOT
Ngay khi nghỉ Tết xong, em phải “quay cuồng” với đống bài tập. Từ học thêm ở trường đến học thêm ở nhà. Ngày nào em cũng phải thức đến khuya tới 11h mới làm xong các bài tập cô giao. Chưa kể các môn kiểm tra một tiết liên tục. Chỉ cần điểm báo về thấp một chút là ba mẹ em chì chiết không tiếc lời. Em sợ và áp lực vô cùng với việc học hành của mình.
Thực ra em là một cô bé rất thông minh. Em tiếp thu bài khá tốt. Chỉ có điều em áp lực quá về điểm số. Em thường mượn tôi dò giúp văn mẫu. Tức là học thuộc văn mẫu để đạt điểm cao. Mỗi khi học em thường nhờ tôi dò giúp xem mình đã thuộc bài văn đó chưa. Rồi em đọc như thế đã được chưa. Tôi thật sự ngạc nhiên với cách học Văn của em hiện nay.
Khi tôi khuyên bảo em không nên học thuộc Văn, đặc thù môn Văn là cảm nhận và sáng tạo. Các ý tưởng phải do mình viết ra mới hay thì em nhất định không chịu. Em cứ sợ mình viết không hay bằng Văn mẫu. Rồi khi điểm số thấp, em sẽ bị trách mắng. Cái em cần nhất bây giờ phải là điểm số thật cao.
Càng nghe cô bé nói, tôi càng sợ cách học của em. Lúc nào em cũng sợ mình làm bài điểm số không cao. Rồi cha mẹ sẽ thất vọng vì em. Em bảo thèm được là chính mình, em thèm được vui chơi thoải mái như mấy bạn cùng khu phố. Em ao ước ba mẹ hiểu mình hơn. Giá như em được quyền thất bại. Mỗi lần kiểm tra em lại lo lắng đến mất ngủ vì điểm số. Chẳng biết kì thi tuyển 10 tới em có đạt được mong ước của ba mẹ không?
Hiện nay có không ít nhiều phụ huynh có tư tưởng như ba mẹ em. Họ không tiếc tiền của để đầu tư cho con học hành. Lúc nào họ cũng bắt và ép con phải học. Nhất định phải là học giỏi. Rằng chỉ học giỏi thì sau này mới có tương lai. Rồi họ lấy bao tấm gương học giỏi đã thành tài để con phấn đấu. Thành thử bọn trẻ mất hết cả tuổi thơ vì chuyện học hành.
Cuối cùng, dù không muốn tôi vẫn phải gặp ba mẹ em để trao đổi lại chuyện học hành của cô bé. Tôi mong họ đừng áp lực con quá mức về chuyện học hành. Hãy để con có thời gian nghỉ ngơi, thoải mái. Và tôi nói rõ rằng mình cũng chỉ nhận dạy lại khi con thật sự đã sẵn sàng.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Gia sư - cơ hội việc làm cho sinh viên
Ra tết, nhu cầu gia sư khá cao khi học sinh bắt đầu vô học kỳ hai, chuẩn bị cho các kỳ thi lớn vào cuối năm. Trước đây, công việc gia sư thường chủ yếu dành cho sinh viên sư phạm, bách khoa, khoa học - xã hội - nhân văn... nhưng với nhu cầu gia sư tăng lên như hiện nay, nghề gia sư đã trở thành cơ hội việc làm cho sinh viên nhiều trường cao đẳng, đại học.
Sinh viên từ chương trình "Gia sư áo xanh" dạy học trẻ em là con em công nhân Khu Công nghiệp Tân Bình
Làm gia sư là công việc không chiếm nhiều thời gian của sinh viên, ít trùng với lịch học ở trường và giúp tạo một nguồn thu nhập hỗ trợ thêm. Hoàng Long (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính), sau một năm làm gia sư, đã không cần sự hỗ trợ của gia đình. Hiện tại Long đang có 2 lớp gia sư kèm học sinh hai buổi/tuần, thu nhập 1,2 triệu đồng/lớp và làm trợ giảng tại một lớp dạy thêm, thu nhập 150.000 đồng/buổi.
Long chia sẻ thêm: "Lúc đầu tôi nghĩ mình không thích hợp với công việc gia sư vì không học chuyên ngành sư phạm và cũng chưa từng có kinh nghiệm hướng dẫn người khác học. Nhưng sau khi thử sức, tôi thấy khá ổn, mỗi buổi học, tôi chỉ cần giúp các em hiểu thêm và mở rộng kiến thức đã học trên lớp, dò bài và ôn tập, giáo án thì nhà trường đã có riêng nên cũng không cần phải chuẩn bị nhiều".
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM, cho biết: "Hiện nay yêu cầu của phụ huynh đối với việc tuyển gia sư cũng thoáng hơn trước, đa số phụ huynh quan tâm đến chất lượng và ứng xử chứ không yêu cầu phải là sinh viên trường sư phạm hay những trường nổi tiếng. Với công việc làm gia sư, trung tâm hỗ trợ khảo sát về gia đình có nhu cầu tuyển gia sư để đảm bảo an toàn cho các bạn sinh viên, cũng như theo dõi và nhận phản hồi để trao đổi với sinh viên nâng cao chất lượng dạy học". Ngoài ra, trung tâm đang thực hiện chương trình "Gia sư áo xanh" dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là con em công nhân làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp. Chương trình gồm sinh viên các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn TPHCM, đến dạy và ôn tập cho các em miễn phí trong kỳ nghỉ hè.
Quỳnh Hương (sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm TPHCM), làm gia sư cho học sinh tiểu học thông qua sự giới thiệu của trung tâm. Hương chia sẻ, nhờ công việc này mà đã cảm thấy có động lực hơn trong ngành học của mình: "Tôi quyết định thử làm gia sư xem mình có phù hợp với nghề sư phạm không. Tuy cũng có những lúc buồn bực vì trẻ con thường hiếu động không nghe lời nhưng chỉ cần kiên nhẫn là sẽ quen dần. Lâu dần cô trò cũng mến nhau, hiểu nhau hơn nên phụ huynh đề nghị tôi tiếp tục làm gia sư khi em lên cấp hai".
Ngoài Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM, các trung tâm gia sư cũng đang được nhiều phụ huynh và sinh viên tìm đến với chi phí trung gian khoảng từ 30% - 40% học phí. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu gia sư tại các trung tâm cao hơn nên thị trường tuyển gia sư cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn, tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho sinh viên. Với bảng giá hiện nay tại các trung tâm, việc thuê gia sư là sinh viên sẽ chỉ mất phân nửa chi phí so với giáo viên nên rất được phụ huynh ưu tiên lựa chọn. Một cách khác để làm và tuyển gia sư là đăng thông tin lên các trang, hội nhóm gia sư trên mạng xã hội, nhưng cách này không hiệu quả vì thông tin tìm việc của sinh viên thường ít được phụ huynh quan tâm.
Các bậc phụ huynh đang ngày càng đầu tư vào việc học của con mình và nhiều gia đình tìm đến các gia sư là sinh viên. Đây là công việc có thời gian làm linh động, thu nhập ổn định. Ngoài ra, sinh viên còn có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp, hiểu biết thêm những kiến thức mới và có những trải nghiệm quý giá khi đang ngồi trên ghế giảng đường.
LÊ DUY
Theo sggp
Hà Nội: Nhiều trung tâm mời chào luyện thi nhanh vào lớp 6 Để tránh tình trạng hàng trăm hồ sơ "đẹp như tranh vẽ" khi xét tuyển vào lớp 6, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định một số trường THCS được phép đánh giá năng lực trong tuyển sinh lớp 6. Việc thi tuyển là đúng đắn nhưng nhiều phụ huynh do quá lo lắng đã chạy đôn chạy đáo tìm lớp ôn...