Bạn đọc viết: Nhẹ nhàng cùng con bước qua lớp 1, tại sao không?
Đọc bài viết “Mất ăn, mất ngủ vì con chưa biết chữ trước khi vào lớp 1″ của tác giả Loát Trần, tôi nghĩ đó cũng là nỗi lòng chung của đa số phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1.
Nhồi chữ trước cho con khiến bố mẹ và con cùng ám ảnh nhưng không cho con học chữ trước lại lo ngay ngáy. Có cách nào cũng con nhẹ nhàng bước qua lớp 1 không?
Ảnh minh họa
Nhiều đứa trẻ xung quanh tôi rơi vào mớ bòng bong của áp lực học tập từ rất sớm. Có những bé cùng lớp mẫu giáo lớn sau một ngày học ở trường mầm non lại phải đến lớp rèn chữ vào chiều tối. Có bé mới học khoảng một học kỳ lại nghỉ hẳn để chuyển sang học chữ hoàn toàn cho “kịp chương trình”. Nhiều lần phụ huynh phàn nàn sao các cô giáo mầm non ít dạy chữ cho cháu và kiến nghị cắt giờ chơi buổi chiều để chuyển hẳn sang viết chữ, làm toán.
Giáo viên lẫn ban giám hiệu trường mầm non đã giải thích về chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt của các cháu nhưng dường như không làm phụ huynh yên tâm. Nhiều người vội vàng cho con cầm bút sớm, gò lưng bên bàn học suốt nhiều giờ để cố gò sao cho nét chữ tròn trịa trong khi nhiều nghiên cứu của chuyên gia đã chỉ ra rằng điều đó sẽ gây hại cho sự phát triển thể chất tự nhiên của trẻ.
Tăng giờ học thì siết giờ chơi, thử hỏi bọn trẻ mới lên 4, lên 5 tuổi ấy làm sao tìm được niềm yêu thích trong việc học? Đó là còn chưa kể đến việc con trẻ biết chữ trước, rành rọt các phép tính trước vô hình trung tạo ra khoảng cách khá lớn giữa các bé trong lớp khiến giáo viên cực kỳ khó khăn khi ổn định nề nếp học tập của tập thể.
Một điều cực kỳ nguy hại nữa chính là tình trạng học trước chương trình. Tôi bắt gặp khá nhiều phụ huynh luôn lo lắng con viết sai chính tả, điền sai từ cần tìm hoặc là không biết cách làm phép tính mới nên bao giờ cũng ép con phải viết chính tả trước, duyệt qua luyện từ và câu sẵn cũng như làm trước bài toán hôm sau sẽ học ở lớp.
Và chính việc dạy trước cho bọn trẻ ở nhà hoặc ở lớp học thêm dần dà làm nảy sinh tư tưởng chủ quan, ỷ lại, xem thường việc học trên lớp cũng như làm triệt tiêu sự tập trung chú ý, thái độ hứng thú tìm tòi và tư duy sáng tạo trong mỗi đứa trẻ. Cùng một bài chính tả, con phải viết đến mấy lần; cùng một bài toán, con phải cộng trừ đến mấy dạo, đừng bao giờ lặp lại sự chán ngắt trong cách học chỉ cốt không viết sai, làm sai ấy!
Lớp 1 là ngưỡng cửa đầu tiên chuyển giao giữa bậc mầm non vui chơi là chính sang bậc tiểu học lấy việc học làm trọng tâm. Những khác biệt lớn lao giữa hai cấp học cần được lấp đầy không chỉ bằng việc trang bị kiến thức cho trẻ mà cần hơn hết là chuẩn bị cho con một tâm thế tốt và rèn giũa những kỹ năng cần thiết.
Video đang HOT
Nhiều lần tôi chứng kiến mấy bạn nhỏ lớp 1 sáng sớm khóc um lên trước cổng trường không chịu vào lớp. Nhiều bạn nhỏ được bố mẹ cưng chiều quen thói nên không hề biết cách cầm muỗng tự xúc cơm, hở tí xíu là mè nheo đòi mẹ. Có trẻ còn bê nguyên thói quen làm nũng đến tận lớp học và thường xuyên đánh bạn, xem thường lời nói của cô giáo.
Bởi vậy nhiều trường tiểu học ở các thành phố lớn đều có lớp “tiền lớp 1″ hoặc là các chương trình “chào bé đến trường” vui nhộn và lý thú nhằm tạo niềm vui đi học cho trẻ. Còn lại đa phần ở các địa phương khác thì chính bố mẹ phải là người chuẩn bị tâm thế, kỹ năng vào lớp 1 cho con.
Những cuộc đối thoại bên lề cuộc vui, bên mâm cơm về lớp 1 sẽ dần dà gieo vào lòng trẻ dòng cảm xúc tích cực về ngày đầu tiên đi học. Cùng con tẩn mẩn lựa chọn xặp sách, may đo áo quần, bao bọc sách vở… để con thấy rằng việc học quan trọng thế nào, vào lớp 1 thay đổi ra sao. Nỗ lực của bố mẹ cùng sự đồng hành trên mỗi bước chân con đi sẽ tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho một khởi đầu mới mẻ, đầy niềm vui.
Và quan trọng là xây dựng cho con ý thức học tập bằng một lịch học nhẹ nhàng trong hè. Hãy tạo cho trẻ tư thế ngồi học đúng, nhắn nhở con giữ gìn kỷ luật lớp, tập tành nề nếp ăn ngủ bán trú…
Cùng con nhẹ nhàng bước qua lớp 1, tưởng khó mà dễ lắm các mẹ à. Bằng sự kiên trì và nỗ lực đồng hành việc học của con, chúng ta sẽ khiến “vịt lạc đàn” nhanh chóng được “nhập đàn”…
Thùy Mai
Theo Dân trí
Học trước vào lớp 1: Vẫn chạy đua
Đến hẹn lại lên, thời điểm sau Tết là lúc các lớp học tiền Tiểu học nở rộ với đa dạng hình thức tổ chức: từ học chữ, làm toán, làm quen tiếng Anh, học phát triển kỹ năng học sinh tiền tiểu học...
Trong cuộc đua ấy, có bao nhiêu bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh ở khu vực thành thị, can đảm "phớt lờ" không cho con đi học trước như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT "cần chấm dứt dạy chữ trước khi vào lớp 1"?
Nhiều trường tổ chức khóa học tiền tiểu học thu hút đông học sinh chuẩn bị vào lớp 1. (Ảnh minh họa: https://brightschool.edu.vn).
Chi tiền triệu để làm quen
Khai giảng vào ngày 23/2/2019, chương trình Tiền Tiểu học do trường Tiểu học & THCS Tây Hà Nội (WHS) (phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức có tên gọi Con sẵn sàng 2019. Với thời lượng 12 buổi, bắt đầu từ 8h sáng đến 15h30' chiều thứ 7 hàng tuần, chi phí khóa học là 4 triệu VNĐ. Nếu học sinh nào có nhu cầu xe đưa đón tại nhà thì nộp thêm 600.000 VNĐ. Học sinh sẽ được học các môn logic và trí tuệ tư duy, ngôn ngữ và trí tuệ tình cảm, tiếng Anh và hội nhập, nghệ thuật (cảm thụ âm nhạc và hội họa), thể thao... Trong quá trình học, giáo viên sẽ lồng ghép các bài học nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện kỹ năng chuẩn bị, làm việc và quản lý đồ dùng học tập, đồ đạc cá nhân, các kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng chấp hành nội quy và quy định...
Theo phòng tuyển sinh của WHS, học sinh tham gia khóa học này nếu có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt, khả năng giao tiếp phù hợp với lứa tuổi và nhận được đánh giá tích cực từ giáo viên dạy trong lớp sẽ được miễn kiểm tra đầu vào và được nhận thẳng vào trường.
Là trường có lượng thí sinh đăng ký đông hơn nhiều lần chỉ tiêu cần tuyển, trường liên cấp THCS, Tiểu học Ngôi sao Hà Nội (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tổ chức Câu lạc bộ (CLB) "The Little Hanser" 2019 dành cho các bé sinh năm 2013. Chi phí 3,8 triệu VNĐ /khóa học gồm 8 buổi. Theo cán bộ tư vấn tuyển sinh của nhà trường, chi phí này bao gồm học phí, tiền ăn, đồng phục, học liệu, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Nhà trường không có xe đưa đón. Dự kiến, trường tuyển sinh 15 lớp (32 học sinh/lớp). Hiện tại, lớp học ngày thứ 7 khai giảng từ ngày 16/2 đã nhận đủ học sinh. Chỉ còn một số suất học vào ngày chủ nhật còn trống (các lớp này cũng đã khai giảng từ 17/2 và sẽ học đến 7/4). Được biết, năm học 2019-2020 khối 1 trường Ngôi sao Hà Nội tuyển 210 chỉ tiêu.
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội khai giảng khóa học tiền tiểu học khá sớm, từ 5/1/2019. Khóa học 16 ngày với chủ đề Sẵn sàng cho hành trình mới có chi phí 6,2 tr VNĐ. Thời điểm này nếu phụ huynh đăng ký cho con học thì còn 11 buổi và học phí là 4.720.000 VNĐ. Ban tuyển sinh lưu ý, chương trình học các buổi độc lập với nhau nên con có thể tham gia vào bất kỳ thời điểm nào. Nhà trường khẳng định học sinh tham gia lớp học này sẽ không có thêm ưu đãi khi xét tuyển nguyện vọng vào trường so với những bạn không tham gia khóa học.
Trường Tiểu học và THCS Everest Hà Nội tuyển sinh CLB Tiền Tiểu học với học phí từ 4,8 tr nếu học vào thứ 7 hàng tuần từ 5/1 đến 25/5. Khóa học từ thứ 2 đến thứ 6 từ 3/6 tới 28/6 có học phí là 5,5 tr (bao gồm học liệu, sự kiện và dã ngoại).
Những lớp học Tiền Tiểu học tương tự cũng được nhiều trường tổ chức dành cho các đối tượng học sinh có nhu cầu học tập tại trường sau này. Với tâm lý tham gia khóa học, học sinh sẽ được trải nghiệm môi trường học tập tại trường cũng là một hình thức xem con có thích nghi được với trường học này hay không, nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại đăng ký cho con khóa học lên đến vài triệu đồng chỉ cho khoảng trên dưới 10 ngày học. Mặc dù có những trường ngay từ khi tư vấn khóa học đã khẳng định sẽ không có bất kỳ ưu đãi gì khi xét tuyển dù con có đăng ký học khóa học trải nghiệm này không, nhưng đa số phụ huynh vẫn có chung tâm lý ôn luyện tại lò thì sẽ có nhiều ưu thế "trúng tủ" hơn so với các bạn khác, nên nhìn chung, các lớp học trải nghiệm của các trường "hot" những năm qua vẫn luôn tuyển sinh rất tốt.
Sôi động lớp học chữ
Ám ảnh nhất với nhiều bậc phụ huynh hiện nay là việc rèn con học chữ, bởi mỗi chương trình, thậm chí mỗi giáo viên lại có phương pháp dạy chữ khác nhau. Vì vậy, dù con đọc thông, viết thạo nhưng rất nhiều phụ huynh tìm đến các lớp luyện chữ trước khi vào lớp 1 để đăng ký.
Chị Quỳnh Liên (P411, ct16, KĐT Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) có con năm nay chuẩn bị vào lớp 1 cho biết: "Từ trước tết, các bậc phụ huynh trong khu chung cư đã lập hội bàn luận về việc học chữ, làm toán cho con trước khi vào lớp 1. Nhiều quan điểm nhưng tựu trung lại, các mẹ đã mời một cô giáo dạy ở trường tiểu học sau này các con sẽ theo học đến dạy tại khu chung cư để các con đỡ phải đi lại xa. Học phí là 80.000 đồng/cháu cho 1 buổi học 1,5 h, một lớp 10 cháu. Riêng con nhà tôi, vì bé chưa biết hết mặt chữ cái nên tôi dự định dạy cháu nắm rõ mặt chữ rồi mới đăng ký cho con học luyện viết".
Chung quan điểm là học thầy cô nào thì đăng ký học thêm nhà cô giáo đó luôn, chị Ngọc Mai (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết xung quanh khu vực mình ở có rất nhiều trung tâm luyện chữ đẹp nổi tiếng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các bậc phụ huynh có con đang học trường tiểu học gần nhà, nếu cho con học ở trung tâm mà sau này cách viết chữ không giống với ở trường cô dạy thì sẽ rất khó để sửa cho trẻ. Vì vậy, chị cũng đang nghe ngóng thông tin cô giáo nào dạy tốt ở trường con sẽ theo học năm nay để đến nhà cô xin học thêm, sau đó nhờ cô nhận con vào lớp dạy luôn khi vào năm học.
Tìm hiểu các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở Hà Nội thời điểm này cũng liên tục chiêu sinh các lớp luyện chữ, làm quen với toán học, tiếng Anh trước khi vào lớp 1. Học sinh được học thử, được chọn thầy cô để theo học với số tiền dao động từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng. Tuy nhiên, các lớp học này thường khá đông, trên 10 học sinh nên nếu phụ huynh nào có nhu cầu, trung tâm sẽ giới thiệu các thầy cô đến tận nhà để kèm riêng. Mức học phí sẽ khoảng 350.000 đồng/1 buổi 1,5 h với thầy cô đã có kinh nghiệm hoặc 200.000 đồng với sinh viên. Thậm chí, trung tâm Thomas (Hà Nội) còn cam kết sau khi hết khóa học, các bé sẽ có kỹ năng giao tiếp tốt, tự tin biểu diễn trên sân khấu, đọc được truyện tranh, viết đẹp có nét thanh nét đậm, tư duy toán tốt, tự tin vào lớp 1...
Lưu ý rèn kỹ năng
Theo cô giáo Trần Thu Phượng (trường tiểu học Tân Mai, Hà Nội) các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ việc rèn chữ cho con trước khi vào lớp 1. Bởi việc dạy cho một học sinh chưa biết gì, "trắng phau" như tờ giấy trắng với một học sinh biết nhưng lại biết sai thì sẽ mất nhiều công sức hơn cho cả thầy vào trò. Chưa kể, trong một lớp có rất nhiều trình độ, vẫn có những em chưa từng học trước ở đâu nên cô giáo sẽ dạy từ những bài học đầu tiên có thể khiến những học sinh biết rồi nảy sinh tâm lý chán học, không tập trung vào bài giảng...
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên đã nghỉ hưu của trường tiểu học Minh Khai (Phủ Lý, Hà Nam) có kinh nghiệm dạy tiểu học hơn 30 năm cho biết: theo kinh nghiệm của cô, quan trọng nhất với học sinh trước khi vào lớp 1 không phải là việc các con có biết chữ, làm toán hay không mà là việc rèn luyện ý thức tự lập, vì lên tiểu học, các con phải tự mình làm tất cả mọi việc, không giống như ở cấp học mầm non. Vì vậy, phụ huynh đừng mải mê cho con chạy sô hết lớp học này đến lớp học khác mà bỏ quên các kỹ năng cơ bản như tự mặc quần áo, tự buộc tóc (với con gái), tự ăn cơm và dọn dẹp sau khi ăn, sử dụng đồ dùng học tập...
Thực tế cô Thủy đã từng gặp những học sinh mà đến giờ ăn trưa, các em hầu như không ăn gì. Khi hỏi phụ huynh mới biết, vì ở mầm non các em khó ăn nên vẫn được cô giáo "ưu tiên" bón hộ. Về nhà lại được ông bà, bố mẹ xúc cho nên đến giờ ăn trưa ở trường tiểu học, các em rất "thờ ơ" với đồ ăn. Giải pháp cho những bạn này hoặc là bố mẹ đón về buổi trưa hoặc là cô sẽ động viên, nhắc nhở con trong những ngày đầu, nhưng kiên quyết không xúc hộ, để con làm quen với việc tự phục vụ bản thân vì không ai có thể làm hộ mãi...
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 bậc tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương chấm dứt ngay tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1.
Hiện tại, Bộ GDĐT có văn bản chỉ đạo, theo đó chỉ được dạy, chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, làm quen với môi trường học lớp 1. Phòng giáo dục cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy chữ trước lớp 1 cho trẻ mầm non.
Thu Hương
Theo Đại Đoàn Kết
Bạn đọc viết: Con học lớp 1, có gì mà lo? Trẻ con học lớp 1 trở thành chủ đề tranh luận sôi sục trên nhiều diễn đàn mạng. Phụ huynh đăng "tút" trên Facebook tìm thầy cô, mọi người mách nhau chỗ này, chỗ kia thầy cô luyện chữ đẹp, là giáo viên giỏi cấp huyện, có kinh nghiệm mười mấy năm đứng lớp 1, học sinh vào tay thầy cô đều viết...