Bạn đọc viết: Luân chuyển công chức giáo viên: “Khó như lên trời”
Sáng nay đọc bài báo “Rào rào tuyển dụng, TPHCM vẫn thiếu giáo viên” của tác giả Hoài Nam mà tôi thấy thật ngậm ngùi cho bản thân mình. Suốt hai năm chạy tới chạy lui hỏi cách thức luân chuyển mà cuối cùng kết quả với tôi vẫn là con số không tròn trĩnh.
Ảnh minh họa
Tôi là một giáo viên dạy môn Ngữ văn, công tác trong ngành cũng đã gần 20 năm. Hiện nay tôi đang là giáo viên THCS hạng II, mã số V.07.04.11. Bao nhiêu năm qua tôi chỉ biết chuyên tâm tất cả vào chuyên môn. Tôi luôn cố gắng, phấn đấu hết mình trong giảng dạy. Với tôi, được đứng trên bục giảng truyền kiến thức cho học trò là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời. Tôi cứ bình yên như thế nếu như chồng tôi không chuyển công tác về TPHCM.
Mấy năm nay, chồng tôi phải đi đi về về giữa Tây Ninh và TPHCM. Chồng tôi luôn mong muốn hợp lý hóa gia đình để yên tâm công tác. Việc hai vợ chồng mỗi người một nơi rất vất vả. Nhiều lần chồng tôi ra Phòng Giáo dục hỏi thủ tục luân chuyển. Thế nhưng lần nào cũng nhận được cái lắc đầu rằng chưa có chỉ tiêu. Rồi họ bảo chưa có hộ khẩu thì không xin được đâu…
Năm nay, ngay từ đầu hè, nghe tin TPHCM có chủ trương bỏ hộ khẩu khi tuyển dụng khiến tôi mừng vô cùng. Tôi luôn nghĩ vậy là mình có cơ hội rồi. Thế nhưng mọi thứ cũng chẳng đơn giản chút nào. Khi chờ đợi chỉ tiêu để nộp hồ sơ cũng lắm nhiêu khê. Phần lớn chúng tôi ở xa nên khó nắm bắt thông tin… Đến lúc biết thì làm hồ sơ không kịp. Họ nói rằng hồ sơ tôi thiếu chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học.
Trước đây khi chuyển ngạch từ Cao đẳng lên Đại học, chúng tôi không cần có các chứng chỉ này. Vì vậy tôi cũng quên luôn việc hoàn thiện chúng. Bây giờ khi luân chuyển tôi mới thấy thiếu sót. Giả dụ tôi có sắp xếp đi học xong có khi họ lại chê tôi quá tuổi luân chuyển. Mặc dù không có chứng chỉ nhưng bản thân tôi khá thành thạo khi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Video đang HOT
Sau nhiều lần chạy tới, chạy lui hỏi thủ tục, chồng tôi ngao ngán động viên vợ bỏ nghề. Thế nhưng tôi không đồng ý. Bao nhiêu năm qua tôi chỉ biết việc giảng dạy. Tôi đã dành cả tuổi thanh xuân để phấn đấu cho chuyên môn. Với lại tôi cũng khó lòng bỏ được công việc mà mình đã gắn bó bao nhiêu năm qua.
Nhiều khi tôi cũng giằng xé tâm trạng hay là bỏ nghề. Thế nhưng sau tất cả, tôi lại không làm được. Tôi luôn ao ước khi tuyển dụng, ngành Giáo dục cần nhìn vào chuyên môn và đạo đức của giáo viên chứ đừng quá chuyện hình thức.
Cuối cùng thì tôi đành ngậm ngùi từ bỏ ý định luân chuyển vì “quá khó”.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Rào rào tuyển dụng, TPHCM vẫn thiếu giáo viên
Từ trước thềm năm học mới, TPHCM đã tích cực tuyển dụng giáo viên, đây cũng là năm đầu tiên thành phố tuyển giáo viên không cần hộ khẩu một cách chính thống nhưng đến nay vẫn thiếu.
Đầu năm học, hàng loạt các quận huyện ở TPHCM thông báo tuyển dụng giáo viên (GV). Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện vẫn còn 5 quận huyện chưa có kế hoạch tuyển dụng và 4 quận huyện đang thực hiện tuyển dụng.
Các quận huyện còn lại, tính đến thời điểm này, đã tuyển dụng được gần 1.700 GV, trong đó có 460 GV mầm non, 684 GV Tiểu học, 545 GV THCS trong đợt 1. Tuy nhiên, đến nay lại tiếp tục tuyển dụng lần 2 để bổ sung thêm gần 900 GV.
TPHCM đang tiếp tục tuyển dụng giáo viên cho năm học 2018-2019 (ảnh minh họa)
Tính toàn thành phố, năm học 2018-2019 có nhu cầu tuyển trên 5.000 GV cho các cấp từ mầm non đến THPT. Trong đó, bậc mầm non trên 1.520 GV, bậc tiểu học trên 1.750 GV, bậc THCS là 1.425 GV và bậc THPT 363 GV... Số lượng GV cần tuyển còn "mênh mông bát ngát" dù đây là năm đầu tiên TPHCM chính thức bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng, thu hút rất đông ứng viên.
Về việc tuyển dụng, Sở GD-ĐT TPHCM cũng lưu ý các địa bàn rút kinh nghiệm về công tác tổ chức năm học 2017 - 2018, có những đơn vị thực hiện chưa chặt chẽ trong quy trình tuyển dụng nên còn hiện tượng tiếp nhận hồ sơ ứng viên dự tuyển chưa đáp ứng đủ các điều kiện.
Cụ thể có hồ sơ của ứng viên có trình độ chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm, thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm... Đồng thời, có trường học vẫn chưa sử dụng hết số người được giao nhưng lại thực hiện chế độ hợp đồng lao động đối với các vị trí chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc TPHCM đã "phá rào", bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng là cơ hội để thành phố rộng cửa thu hút nhiều ứng viên, tiếp nhận nhân tài trong khắp cả nước. Thế nhưng, theo nhiều quản lý, đây chỉ là phần khởi đầu theo kiểu "chăm chút" phần ngọn, chưa mang tính bền vững.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận đang có nhu cầu tuyển dụng GV đợt 2 cho hay, việc tuyển được người đã khó nhưng việc ứng viên có gắn bó với công việc hay không mới là vấn đề quan trọng hơn. Bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng, ứng viên đông hơn nhưng GV ở tỉnh sẽ phải cân nhắc đồng lương với rất nhiều chi tiêu sinh hoạt ở thành phố như tiền trọ, ăn uống, đi lại...
Không chỉ chờ chính sách chính thức và cách đây nhiều năm, TPHCM cũng đã du di trong việc tuyển dụng GV chỉ cần có KT3. Từ năm 2017, các quận huyện đã chính thức đã chính thức được phép tuyển dụng GV mầm non không có hộ khẩu trên địa bàn thành phố, nguồn tuyển dồi dào hơn nhưng "rụng" cũng không ít.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân cho hay, quận từng tuyển được nhiều GV ngoại tỉnh nhưng số này nghỉ việc cũng khá nhiều vì xa nhà, lương thấp... Mức lương của GV mới ra trường cao nhất chỉ 3 triệu đồng trong khi rất nhiều khoản chi phí như tiền trọ, tiền ăn uống và các chi phí đắt đỏ không thể nào bám trụ nổi ở thành phố.
Thế nên có thực trạng, nhiều người chỉ xin việc tạm thời khi chưa có việc, đến khi có cơ hội thì họ rút dẫn đến đội ngũ biến động, thiếu ổn định.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Chuyển hàng trăm giáo viên THCS xuống Tiểu học: Giám đốc Sở G&ĐT Nghệ An nói gì? Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, việc điều động, luân chuyển giáo viên là bình thường, đúng luật và các GV cần chia sẻ khó khăn với ngành. Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi cung cấp thông tin cho báo chí vào chiều 31.8. Ảnh: QĐ Như Lao Động đã thông tin, thời gian qua, dư luận...