Bạn đọc viết: “Lễ khai giảng không bóng bay” và những tấm lòng đáng quý
Bức thư của cô bé 12 tuổi Nguyễn Nguyệt Linh gửi đến 40 thầy cô hiệu trưởng ở Hà Nội đề xuất không thả bóng bay dịp khai giảng đến với chúng ta đầy bất ngờ. Và niềm vui nhanh chóng chiếm ngự tâm hồn bởi lá thư đã thật sự chạm đến trái tim chúng ta.
Ảnh minh họa
Cô bé đã viết trong lá thư một thông điệp cực kỳ ý nghĩa: “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh – Giết chết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”. Và ý tưởng của con được truyền cảm hứng từ người thầy dạy nhiếp ảnh cũng là người đã đi dọc bờ biển Việt Nam để chụp ảnh và lên tiếng cảnh báo về rác thải – Nguyễn Việt Hùng.
Từ thông điệp và những lý giải của con về mảnh vỡ của bóng bay có thể giết hại các loài chim trời và rùa biển, Nguyệt Linh mạnh dạn kiến nghị với nhiều thầy cô hiệu trưởng: “Con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay hôm khai giảng hoặc là hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?”.
Một ý tưởng hay đã được cô bé tuổi 12 khởi xưởng và hiện thực hóa bằng trái tim nhạy cảm với muôn loài, tình yêu môi trường vô bờ bến cùng quyết tâm, dũng khí truyền đi thông điệp ý nghĩa đó đến với các vị lãnh đạo các trường học ở Hà Nội. Chúng ta ngưỡng mộ vô cùng và tự hào quá đỗi với ý thức, hành động của lớp mang non đất nước!
Và câu chuyện đẹp được tiếp nối bằng lá thư hồi âm của thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie nơi cô bé đang theo học: “…Chắc chắn thầy và tất cả các thầy cô trường Marie Curie ủng hộ triệt để đề nghị của con. Lễ khai giảng sắp đến, sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều.”
Người thầy đáng kính ấy đã quyết định đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019-2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” và kết lại lá thư hồi âm bằng dòng cảm xúc “Thầy hạnh phúc vì con!”. Lòng người nơi nơi cũng đang ngập tràn hạnh phúc bởi những đổi thay nhỏ bé khởi đầu cho những biến chuyển tích cực trong tương lai vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mỗi năm, vào ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, không khí nô nức rộn ràng ấy ngập tràn sắc màu của vô số quả bóng bay. Vào thời khắc hàng triệu quả bóng bay lên, chúng ta vui với niềm mơ ước bay cao giữa bầu trời lộng gió.
Nhưng ít người, rất ít người nghĩ về hàng triệu mảnh vỡ bóng bay đó sẽ neo đậu nơi bụng dạ của chim trời, rùa biển, dần dần giết chết các con vật tội nghiệp không may bị nuốt phải. Rồi các băng rôn và dây ruy băng đi kèm bóng bay cũng vô tình biến thành vũ khí giết chết nhiều loài vật. Đáng lo biết bao nhiêu!
Vậy thì tại sao chúng ta cứ duy trì mãi một niềm vui trong thoáng chốc để rồi gieo rắc nỗi đau khổ, chết chóc cho nhiều loài động vật? Thay đổi để niềm vui ngày khai trường trọn vẹn hơn! Thay đổi vì sự sống còn của muôn loài! Hãy thay đổi vì tương lai cuộc sống của chúng ta! Bằng lá thư ngắn gọn và đầy sức thuyết phục, Nguyệt Linh đã đánh thức mỗi người về ý thức bảo vệ môi trường bằng hành động thiết thực, ý nghĩa, nhỏ bé nhất.
Video đang HOT
Tiếng lòng của cô bé hôm nay may mắn được nhiều người lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm. Thầy Nguyễn Xuân Khang và nhiều thầy cô hiệu trưởng các trường đã phúc đáp lời kiến nghị của cô bé bằng hành động cam kết không thả bóng bay trong lễ khai giảng hoặc là giảm thiểu số lượng bóng bay.
Chúng ta vui mừng khi Nguyệt Linh dũng cảm, mạnh mẽ truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường bao nhiêu thì lại càng rạng rỡ mừng vui bấy nhiêu khi nhiều người thầy đã lắng nghe tiếng nói của con trẻ, chia sẻ nỗi lòng của các em và đồng hành cùng ý tưởng do các em khởi xướng.
Tôn trọng tiếng nói của con trẻ, tạo môi trường thuận lợi để các con nêu chính kiến, sáng tạo, phản biện… là điều cực kỳ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Hy vọng rằng “Lễ khai giảng không bóng bay” không chỉ dừng chân ở một vài ngôi trường mà có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp này mỗi mùa khai trường…
Thùy Mai
Theo Dân trí
Học sinh lớp 6 gửi 40 bức thư mong không thả bóng bay: Thêm nhiều trường hưởng ứng
Sau khi em Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh sắp lên lớp 6 của Trường Marie Curie (Hà Nội) gửi 40 bức thư đến các trường, mong ước không thả bóng bay trong ngày khai giảng, thêm nhiều trường ở thủ đô hưởng ứng ý tưởng đẹp này của em Linh.
"Thầy xin lỗi vì đã thả nhiều bóng bay"
Chia sẻ với PV Dân trí về bức thư của Nguyệt Linh, bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS - THPT Newton cho biết, nhà trường đã đọc được ý tưởng của bé Nguyệt Linh. Thông qua công luận, nhà trường muốn gửi gắm đến cô học trò nhỏ thông điệp: "Trường Newton sẽ không thả bóng bay trong bất kì hoạt động nào trong thời gian tới".
Trường Bill Gates cũng sẽ không thả bóng bay trong dịp khai giảng.
Trên trang cá nhân, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cảm ơn ý tưởng của bé Nguyệt Linh. Thầy cũng đưa ra thông điệp, sẽ cùng nhau thực hiện ý tưởng này.
"Nguyệt Linh ơi, con thật tuyệt vời! Thầy xin lỗi đã thiếu hiểu biết khi khai giảng nào cũng thả thật nhiều bóng bay để gửi gắm những điều ước tốt đẹp mà vô tình lại đem đến những ảnh hưởng xấu đến môi trường và đôi khi còn nguy hại đến tính mạng của nhiều sinh vật. Cảm ơn con - một cô bé có những suy nghĩ và hành động đẹp. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện nào", thầy Nhâm viết.
Nguyệt Linh trong một hoạt động công tác xã hội
Đại diện Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết, đơn vị này cũng chưa bao giờ thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng vì tốn kém không cần thiết. Đồng thời, như bé Nguyệt Linh chia sẻ, một phần gây ảnh hưởng tới môi trường.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn chia sẻ với PV Dân trí, ông không nhận được bức thư của Nguyệt Linh nhưng hoàn toàn ủng hộ ý tưởng tốt đẹp trên và sẽ có một "lễ khai giảng không bóng bay".
"Con đã nói thay người lớn"
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Nguyệt Linh quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường. Trước đó, em tham gia nhiều sự kiện của CLB Ô xinh, học cùng nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (Nguyễn Việt Hùng), làm phim, dựng clip về bảo vệ môi trường.
Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã có hành trình "Cứu biển", "săn" rác thải nhựa, điều này ảnh hưởng trực tiếp và truyền cảm hứng đến nữ sinh.
Cũng theo nhiếp ảnh gia Lekima Hùng, trước khi viết thư cho các thầy cô hiệu trưởng, Nguyệt Linh có viết thư xin phép anh, mong muốn được chia sẻ thông điệp mà anh từng nói trong chương trình Cất cánh của Đài truyền hình Việt Nam VTV1 lên sóng tối ngày 21/7: "Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển".
Ngay sau khi bức thư của Nguyệt Linh được đăng tải, một làn sóng "khai giảng không bóng bay" đã được nhiều thầy cô và độc giả lan toả.
Những hình ảnh về thả bóng bay ảnh hưởng tới môi trường được Nguyệt Linh chia sẻ trên trang cá nhân
Đánh giá về ý tưởng này, cô Chính cho hay, đây là ý tưởng nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn lao. "Cảm ơn con vì ý nghĩ tuyệt vời này và không có lý do gì để Trường Newton không đồng ý thực hiện".
Cũng theo cô Chính, mọi năm các học sinh sẽ viết những ước mơ và thả theo bóng bay. Tuy nhiên, năm nay nhà trường sẽ thay thả bóng bay bằng cách khác, có thể sẽ viết mong ước vào những tờ giấy nhỏ xinh, dán lên những cây xanh nhỏ trong vườn để lưu lại.
Đại diện Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết, những năm trước, nhà trường cũng thường để học sinh viết ước mơ và dán lên cây, không thả bóng bay vì ảnh hưởng tới môi trường.
"Phát triển bền vững - Hạn chế sử dụng rác thải nhựa là mục tiêu, nhiệm vụ mà Trường Olympia theo đuổi từ rất lâu với nhiều hoạt động thiết thực.
Ước mơ của học sinh đâu phải bay cao và bay xa hơn được là nhờ có bóng bay, vì vậy, thay vì thả hàng ngàn quả bóng bay lên trời, các bạn học sinh Olympia đã viết ra ước mơ của mình vào những mảnh giấy xinh xinh với đủ hình dáng, kích thước được tận dụng từ những mẩu giấy bỏ đi sau đó được nhà trường treo lên ở những nơi có nhiều học sinh qua lại để các bạn được hàng ngày nhìn thấy như một lời nhắc nhở các bạn hãy cố gắng thực hiện giấc mơ đó.
Trong năm học này, Olympia sẽ tiếp tục hành trình giáo dục xanh cho toàn bộ nhân viên, giáo viên và học sinh để mỗi con người Olympia sẽ lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường đến cộng đồng xã hội", đại diện nhà trường cho biết.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, thầy Nguyễn Quốc Bình cho hay, ông không ngờ đây là ý tưởng của một cô bé chỉ mới tốt nghiệp tiểu học.
"Thông thường chúng ta thường thay thả bóng bay vào những dịp trọng đại hoặc ngày vui nhưng không ai nghĩ được như Nguyệt Linh.
Hành động mà Linh đề xuất tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Cảm ơn con vì đã mạnh dạn bày tỏ ý tưởng của mình - điều đáng ra người lớn phải đề xuất chứ không phải một đứa trẻ".
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Cô học trò đề nghị không thả bóng bay: 'Con muốn làm nghề giải cứu động vật' Cô học trò nhỏ Trường Marie Curie (Hà Nội) gửi thư cho hiệu trưởng các trường đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ môi trường sống đang gây 'sốt' dư luận, cho biết ước mong trở thành thành viên các tổ chức giải cứu động vật hiếm. Nguyễn Nguyệt Linh mong muốn các trường hãy dừng việc...