Bạn đọc viết: Kí ức về người thầy dạy Văn
Bao nhiêu bạn nhờ cách thức dạy học mới mẻ, hấp dẫn của thầy mà trở nên yêu thích môn Văn. Bản thân tôi, từ một đứa chả có chút dấu ấn nào trong hai năm lớp 6, 7, khi học thầy bỗng thay đổi hẳn, môn Văn của tôi khá lên trông thấy, mỗi giờ trả bài là sung sướng, hạnh phúc vì được thầy khen…
Ảnh minh họa
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến 20/11 là lớp chuyên Văn thời cấp 2 của tôi lại í ới hẹn nhau tới thăm thầy chủ nhiệm cũ. Hồi ấy cách đây hơn 20 năm rồi. Thầy gần 40 tuổi vừa mới chuyển về trường. Ban đầu chúng tôi chưa biết gì về thầy, chỉ nghe các anh chị khóa trên, mới được thầy dạy tạm vài buổi, kháo nhau là hay lắm. Không ngờ bọn đàn em chúng tôi lại có cơ duyên được thầy làm chủ nhiệm những hai năm liền. Khi nghe cô hiệu trưởng thông báo tên giáo viên chủ nhiệm mới, cả lớp vỡ òa trong niềm hân hoan, sung sướng.
Thầy vẽ đẹp, hát hay, thuộc nhiều thơ văn, giảng bài thì say sưa như nước chảy. Giọng đọc của thầy lên bổng xuống trầm, lúc ồn ào, sôi nổi, khi da diết, dịu êm, tiết tấu nhanh chậm tùy hứng, có những trường đoạn dài dằng dặc thầy đọc một hơi không nghỉ, có những chỗ chỉ một hai câu, thầy lại nhẩn nha, ngâm ngợi. Lúc nào cao hứng, dạy học xong thầy còn hát cho cả lớp nghe. Những bài hát yêu thích của thầy ngày đó là: “Thuyền và biển”, “Mùa xuân nho nhỏ”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”. Lũ học trò chúng tôi đương nhiên luôn háo hức, say mê với từng giờ dạy của thầy, tròn mắt, dỏng tai mà nuốt từng lời thầy nói.
Đặc điểm nổi bật nữa của thầy là vô cùng hài hước. Riêng việc gọi tên trò lên bảng thấy cũng nghĩ ra nhiều cách khác nhau để gây cười. Ví dụ như xướng cả họ lẫn tên, đọc chậm từng tiếng một để những đứa trùng họ hay trùng tên đệm giật mình tanh tách, riêng lớp trưởng là Tuệ Anh thì thầy gọi chị Anh. Ví dụ như dùng từ “Thị” và “Văn” để phân biệt con trai với con gái, mà lớp tôi có mỗi hai bạn nam nhi chứ nhiều nhặn gì, chẳng qua thầy muốn chọc bọn con gái nên mới gọi thế. Chúng tôi vừa buồn cười lại vừa ấm ức trong lòng…
Kể cả lúc đang say sưa giảng bài thầy cũng không quên chêm vào một, hai câu pha trò, cho học sinh cười nghiêng ngả, mà nói xong mặt thầy cứ tỉnh bơ như không có gì, đợi đến lúc bọn tôi cười hết thầy mới quay ra tủm tỉm một mình. Những tiết sinh hoạt là lúc cả lớp được thư giãn nhiều nhất vì mọi văn bản nội quy cứng nhắc của nhà trường vào tay thầy đều thành chuyện vui, học sinh nghe phổ biến xong nhớ lâu, mà không bị áp lực, gò bó. Những lỗi lầm của chúng tôi được lớp trưởng tổng kết lại và báo cáo cho thầy vào cuối tuần nhưng sau đó không hề có trách mắng, trừng phạt như thường thấy mà chỉ đơn thuần biến thành một màn “hỏi cung” vui vẻ giữa thầy và trò. Nếu lớp ồn ào mất trật tự thầy bảo “Ơ, cái lũ chào mào” chứ không khi nào dùng thước đập ầm ầm lên mặt bàn. Kỉ luật đơn giản vậy, mà cả lớp vẫn ngoan, chịu khó học, thế mới lạ ? Có lẽ là vì chẳng ai muốn làm phiền lòng người mình yêu quý, ngưỡng mộ.
Thời ấy, dường như có một sự mặc định ngầm là không bao giờ chấm điểm 9, 10 môn Văn cho học sinh dù viết hay đến đâu. Nhưng thầy thì khác, phá vỡ quy tắc theo lối mòn, thầy đã đem lại sự sửng sốt ngạc nhiên, hưng phấn và động lực học tập cho chúng tôi. Không chỉ thế, các giờ kiểm tra miệng thầy còn ưu tiên gọi những bạn có ngày sinh nhật trùng vào hôm ấy để tặng thêm điểm.
Bao nhiêu bạn nhờ cách thức dạy học mới mẻ, hấp dẫn của thầy mà trở nên yêu thích môn Văn. Bản thân tôi, từ một đứa chả có chút dấu ấn nào trong hai năm lớp 6, 7, khi học thầy bỗng thay đổi hẳn, môn Văn của tôi khá lên trông thấy, mỗi giờ trả bài là sung sướng, hạnh phúc vì được thầy khen. Tình yêu văn thơ và đam mê viết lách của tôi hôm nay có lẽ bắt nguồn từ chính những phát hiện, ghi nhận của thầy từ cái thuở xa xưa ấy.
Quả thật thầy đã mang một luồng sinh khí mới đến cho lớp học, thổi bay những nề nếp tẻ nhạt, đơn điệu vốn có. Lớp tôi dưới thời “lãnh đạo” của thầy như bầy chim non được tháo cũi sổ lồng. Tình thầy trò cởi mở, thân ái khiến chúng tôi thỏa sức bay lượn trên bầu trời cao rộng, tràn ngập các cung bậc cảm xúc. Mỗi ngày đến lớp đúng là một ngày vui, mỗi ngày học thầy đúng là được ăn một món súp cho tâm hồn.
Ngoài ra, chúng tôi còn biết bao kỉ niệm với thầy bên lề lớp học. Nhớ nhất là những lần tới nhà thầy chơi, vui như tết. Dạo đó, vợ thầy làm bánh trôi, bánh chay bán ngoài chợ. Lũ học trò tham ăn suốt ngày hẹn nhau đến đánh chén mà đâu biết nhà thầy nghèo, đồng lương giáo viên ít ỏi cộng với tiền bán bánh phải nuôi hai đứa con nhỏ và bố mẹ già… Nhớ cả lần đội tuyển Văn thi học sinh giỏi. Trò làm bài trong lớp, thầy đứng đợi ngoài cổng, trời thì mưa lâm thâm. Càng nhớ, càng thương và kính trọng hơn một người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu!
Năm tháng qua đi, nhiều điều đã bị quên lãng theo thời gian nhưng hình ảnh thầy vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Còn đó như mới hôm nào bóng dáng gầy gò của thầy, xiêu xiêu dắt chiếc xe đạp mini màu mận chín vào trường, mái tóc có vài sợi hay rơi xuống trán, chốc chốc lại phải đưa tay gạt sang một bên. Còn đó như mới hôm nào, lũ chúng tôi ríu rít bên thầy, rào rào bắt nạt thầy, đòi được nghe hát, đọc thơ, vẽ tranh, kể chuyện đời…
Khi biết tôi muốn viết về thầy, các bạn trong lớp rất hào hứng, nhiệt tình, mỗi người góp một ý. Tự nhiên bao nhiêu kí ức không hẹn cứ rủ nhau ào ạt tràn về như thác đổ, xúc động, thiêng liêng đến không ngờ. Tự nhiên bạn bè thấy gần gũi, thân thiết nhau đến thế, dù từ lâu đã không còn liên lạc. Chính những kỉ niệm quá đỗi thân thương về thầy đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau, xóa nhòa khoảng cách của không gian và thời gian.
Hiện giờ, thầy đang làm hiệu trưởng ngôi trường chúng tôi từng học. Điều đó thật tuyệt vời vì cái tâm và tài của thầy đã được ngành Giáo dục ghi nhận. Chúng tôi tự hào là những hạt giống đầu tiên do thầy ươm mầm, ủ nắng, chăm chút vun trồng. Một điều đặc biệt nữa là trên con đò tri thức chuyên chở cả ngàn học trò đã qua sông, thầy vẫn nhớ rõ tên của từng bạn trong lớp.
Mỗi dịp 20 tháng 11, chúng tôi lại hẹn nhau tụ họp ở nhà thầy. Có bạn đến được, có bạn không nhưng từ đường xa muôn nẻo, ai cũng hướng về thầy với niềm kính yêu nhất mực và cầu chúc thầy mãi mạnh khỏe, an vui.
Phương Liên
Theo Dân trí
Những cảm xúc đặc biệt của thầy cô nước ngoài nhân ngày nhà giáo Việt Nam
"Điều giữ chân chúng tôi gắn bó với mảnh đất này chính là tình yêu của học trò mỗi dịp tới lớp, và ngày 20.11 càng đặc biệt hơn nữa đối với chúng tôi khi nhận được những tình cảm, những lời cảm ơn rất chân thành từ các học trò Việt Nam", cô Faith Hellyer, người Úc, một giáo viên tại trung tâm Anh ngữ GLN chia sẻ.
"20.11 là một ngày vô cùng hạnh phúc"
Mỗi năm tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các trường học đều rộn ràng hơn với nhiều hoạt động kỷ niệm tri ân thầy cô. Đối với một giáo viên, được sống trong không khí ấm áp ấy thực sự là điều hạnh phúc. Và đối với những giáo viên người nước ngoài điều này lại càng bất ngờ và ý nghĩa hơn.
"Tại đất nước tôi không có một ngày lễ riêng nào dành cho các thầy cô giáo, bởi vậy khi đến Việt Nam vào 10 năm trước, lần đầu tiên được biết tới ngày 20/11, tôi cảm thấy đây quả thực là một điều tuyệt vời", cô Sherin Campos người Philippines vừa vui vẻ trò chuyện vừa liên tục mỉm cười đáp lời chào của các bạn học viên đang tan lớp.
Cô Sherin Campos với 10 năm gắn bó giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam
Cùng tâm trạng như cô Sherin Campos, cô giáo Faith Hellyer, không giấu nổi những cảm xúc của mình: "Nhận được những món quà này tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì đây là thứ vô giá, là tình cảm yêu quý mà học viên dành cho tôi. Đây chắc chắn là những điều tôi trân trọng và cố gắng gìn giữ", cô Faith chia sẻ.
Vẫn chưa hết bồi hồi xúc động, thầy Greig Webster người Anh vẫn còn nhớ như in các bất ngờ nho nhỏ từ học viên Việt Nam dành cho mình nhân ngày Nhà giáo cách đây 5 năm khi thầy vừa mới dạy ở Việt Nam.
"Vào ngày 20/11 năm đó, cô bé 8 tuổi nhỏ nhất lớp tặng tôi một gói bánh cookies tự tay làm. Tôi cảm thấy hạnh phúc và có chút bối rối trước tình cảm của các con dành cho mình", thầy bồi hồi nhớ lại. Cuối ngày 20/11 năm đó, balo của thầy đầy ắp những món quà và thiệp chúc mừng từ học trò.
Các thầy cô giáo nước ngoài rạng rỡ trong ngày 20/11
Những cô cậu học trò Việt Nam chính là lí do níu giữ thầy cô ở lại
Mỗi người một lý do khác nhau đến Việt Nam nhưng có một điểm chung giữa các thầy cô giáo là đều rất yêu mến học trò và đất nước này.
Đã có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tiếng Anh ở nhiều nước trên thế giới, "phải lòng" Hà Nội sau chuyến đi du lịch năm 2008, cô Sherin Campos đã quyết định ở lại, sống và làm việc tại Việt Nam.
Xa gia đình, xa bạn bè, cô đã từng cảm thấy lạc lõng, từng cố gắng rất nhiều để hòa nhập. "Nhưng khi đến với GLN, tình yêu của học trò, sự quan tâm của đại gia đình GLN, được nhìn thấy những gương mặt hạnh phúc rạng rỡ hàng ngày, tôi thật sự đã tìm thấy ngôi nhà thứ hai để cuộc sống trong tôi thêm màu sắc", cô Sherin xúc động chia sẻ.
Khác với Sherin, ấn tượng đầu tiên của Greig Webster là: "Ồ. Tôi không thể sống ở đây được rồi. Ý nghĩ này chạy nhanh qua đầu khi tôi đang cố gắng băng qua đường nhiều lần nhưng vẫn thất bại."
Thời gian sống ở Việt Nam được 5 năm, thời tiết, đồ ăn, sự nghịch ngợm đáng yêu của những cô cậu học trò nhỏ... khiến thầy càng thêm yêu nơi này. "Một cảm giác thân thuộc thấm dần vào tâm hồn làm cho tôi cảm thấy mình đã yêu Việt Nam mất rồi".
Thầy Greig (bên trái) đã gắn bó với GLN hơn 5 năm
Để đáp lại những tình cảm chân thành dành cho những cô cậu học trò đáng yêu, những người đồng nghiệp thân thiết và đặc biệt là đối với "ngôi nhà thứ hai" thân thương và đầy ắp tiếng cười hàng ngày, các thầy cô giáo tại hệ thống Trung tâm Anh ngữ GLN/JOLO đã tập hợp lại và cùng nhau thực hiện một clip được quay kiểu selfie cực kỳ đáng yêu không thua kém các bạn trẻ. Bỏ lại sau lưng sự nghiêm túc thường thấy hằng ngày trên lớp, các thầy cô thực sự "quẩy hết mình" và thể hiện rất nhiều tài lẻ chinh phục trái tim của bao học trò.
"Chẳng gì vui hơn khi được làm việc với một đại gia đình. Không có điều gì đẹp bằng việc được nhìn thầy những gương mặt hạnh phúc rạng rỡ hàng ngày. Như ánh cầu vồng, GLN tô màu thêm cuộc sống của chúng ta. Đỏ và cam, những màu sắc sao mà tỏa sáng đến thế! Giống như bài hát lấp đầy trái tim nhỏ bé...." là những tâm sự đầy cảm xúc trong bài hát của các thầy cô.
Music clip "cực chất" của thầy cô đã nhận hàng chục nghìn lượt like và hàng trăm nghìn lượt xem chỉ sau thời gian ngắn đăng tải.
GLN & JOLO IN MY EYES
Theo Dân trí
Niềm vui của cô giáo vùng cao trên những công trình phòng học mang tên Dân trí Tôi hỏi cô giáo, ngày 20/11 có mơ ước gì, cô chỉ nói vẻn vẹn một câu: "Chỉ được nghe tiếng con gọi mẹ qua điện thoại, thấy hình con qua Facebook". Cái ước mơ tưởng như bình dị, đơn giản như vậy, nhưng với cô giáo ở trên đỉnh núi quanh năm mây ngàn này, nhiều khi cũng là điều xa xỉ....