Bạn đọc viết: Khổ vì vấn nạn “đồng phục”
Là một phụ huynh có con, cháu đang tuổi đến trường, tôi cũng như bao người đều rất quan tâm đến các điều kiện học tập của con trẻ ở trường. Ai cũng muốn con em mình được học tập, sinh hoạt trong môi trường an toàn, lành mạnh, tiện nghi. Vậy nhưng có những yêu cầu, đòi hỏi từ nhà trường khiến chúng tôi bối rối vô cùng.
Ảnh minh họa
Cháu nhà tôi vừa vào lớp 1 ở một trường tiểu học có tiếng ở thành phố. Bố mẹ cháu hớn hở sắm sửa sách vở, bút thước, cặp sách… từ đầu hè. Thỉnh thoảng mẹ con cháu lại lấy đồ dùng học tập ra săm soi, bao bọc và thích thú ngắm nhìn những người bạn đồng hành đến trường mỗi ngày sắp tới.
Rồi kỳ họp phụ huynh đầu năm diễn ra. Mẹ cháu đi họp về mặt mày bí xị, thở ngắn than dài về câu chuyện đồng phục theo yêu cầu của nhà trường. Mấy quyển vở bọc giấy hoa bóng loáng phải gỡ ra, bao lại bằng giấy trắng, dán số theo thứ tự. Mấy quyển vở tập viết đã lỡ ghi nhãn phải mua lại vở mới để cô giáo ghi nhãn cho “đồng phục”.
Tôi sang chơi thấy vậy động viên mọi người làm theo yêu cầu của cô giáo. Bởi các cháu vừa vào lớp 1 còn đang bỡ ngỡ nhiều thứ nên cô giáo yêu cầu dán số vào vở chỉ nhằm giúp các con phân biệt vở này vở kia. Tôi còn đùa với mẹ cháu rằng ngoài kia người ta còn đang than vãn nhà trường vô lý yêu cầu các cháu phải đồng phục từ hộp bút, bảng con, cặp sách đến cả cái… nhãn vở kia kìa.
Mẹ cháu được dịp “kể khổ” về câu chuyện đồng phục trong trường học. Số là trong kỳ họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm đề nghị phụ huynh đóng góp tiền để bắc điều hòa trong các lớp. Mọi người nhìn lên và thấy tường lớp học đã bị đục thủng hai lỗ từ trước.
Cô giáo giải thích hai cái điều hòa trong phòng này đã tháo ra chuyển lên phòng học khác theo các cháu lớp hai. Bây giờ lớp mình nên mua điều hòa để các cháu ở lại bán trú cả ngày mát mẻ hơn, thoải mái hơn. Hai cái điều hòa ấy sẽ theo các cháu suốt năm năm tiểu học và khi kết thúc niên khóa thì sẽ thanh lý để bỏ vào quỹ hội phụ huynh của lớp.
Cô giáo đưa ra con số giá cả cho việc mua sắm và lắp đặt điều hòa là hơn 16 triệu đồng, chia đều ra mỗi phụ huynh sẽ đóng góp gần bốn trăm nghìn. Có phụ huynh dễ dãi lên tiếng “Nhất trí!”, có người lại xuýt xoa “Nhiều thế!”.
Vài trăm nghìn đồng đổi lại là 5 năm tiểu học các con được học tập, nghỉ ngơi tránh cái nắng miền Trung nóng bỏng có lẽ sẽ không có gì đáng bãn cãi về sự hữu ích của nó. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng dư dả về kinh tế để góp thêm vài trăm nghìn, bởi chỉ tính riêng các khoản đóng góp đầu năm đã ngót nghét hơn ba triệu đồng.
Nào là các khoản bảo hiểm, tiền cơ sở vật chất phục vụ bán trú, tiền điện nước và vệ sinh, tiền hoạt động Đội và sao nhi đồng, tiền ăn bán trú, quỹ lớp, quỹ hội… Đó là còn chưa kể các khoản mua sắm sách vở, đồ dùng học tập và đồng phục áo quần. Mỗi thứ một ít góp lại thành gánh nặng rất lớn cho những gia đình kinh tế eo hẹp.
Video đang HOT
Nhận thấy không khí buổi họp chưa hoàn toàn đồng thuận với đề nghị lắp điều hòa, cô giáo khéo léo nhắc nhở về việc các lớp khác đều sẽ lắp điều hòa vào thứ hai tới, lớp mình không theo số đông sẽ thiệt thòi cho các cháu. “Cả trường đồng phục điều hòa lẽ nào lớp mình lại không?” – Lời phát biểu của một vị phụ huynh nhanh chóng nhận được tràng vỗ tay của cả lớp. Vậy là mục lấy ý kiến lắp điều hòa trong lớp học được thông qua!
Tiếp theo, cô giáo thông báo về một số quy định đối với học sinh, phụ huynh trong năm học. Mọi người chăm chú lắng nghe những yêu cầu về giờ giấc, nề nếp, trang phục… của nhà trường. Và một quy định mới xuất hiện trong năm học này là các cháu phải mặc đồng phục thu đông vào tất cả các ngày trong tuần.
Mọi người ngạc nhiên vô cùng. Mới nửa tháng trước, khi đặt mua đồng phục cho các cháu, hầu hết phụ huynh đều mua khoảng 3 bộ váy, 2 bộ thể dục để thay đổi mặc suốt năm ngày trong tuần. Kèm theo đó là một bộ đồng phục gồm áo và quần phao mỏng để mặc vào mùa thu, đông.
Và như nhiều năm trước, các cháu chỉ mặc đồng phục thu đông khoảng 1, 2 ngày trong tuần, khoảng một triệu tiền đồng phục ấy sẽ vừa đủ cho cả năm học. Nhưng theo quy định mới này, phụ huynh có lẽ sẽ phải mua thêm vài ba bộ đồng phục thu đông nữa mới đủ mặc suốt tuần. Mọi người thở ngắn than dài vì giá thành của nó không hề rẻ, thậm chí là chất lượng cũng không được tốt cho lắm.
Đồng phục từ bao giờ đã trở thành một xu hướng tất yếu trong trường học hiện nay. Nếu đồng phục chỉ đơn giản là giảm khoảng cách giàu – nghèo giữa người học, giảm sự khác biệt giữa em này và em kia thì có lẽ nó sẽ không gây ra nhiều phiền muộn trong lòng phụ huynh đến thế. Chỉ tiếc là câu chuyện đồng phục đã đi quá xa so với quy định về một bộ trang phục chung, thống nhất, mang màu sắc riêng của từng trường học…
Thùy Mai
(Thừa Thiên Huế)
Theo Dân trí
Trung thu ấm áp với học sinh vùng lũ Mường Lát
Nhiều ngày sau cơn lũ lịch sử quét qua, trường lớp bị tàn phá vẫn chưa kịp khắc phục, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng các thầy cô giáo vẫn dành hết tình cảm để chuẩn bị cho các em học sinh một mùa trung thu ấm áp.
Trận lũ lịch sử cuối tháng 8 vừa qua đã gây ra hậu quả nặng nề đối với huyện biên giới Mường Lát. Thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện vùng biên này là khoảng 1.000 tỷ đồng.
Gần 1 tháng sau mưa lũ, nhiều điểm trường vẫn còn ngổn ngang trong đống đổ nát
Trong đó, nhiều trường lớp học bị sạt lở vùi lấp. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi, nhấn chìm nhiều sách vở, đồ dùng học tập của các em học sinh. Năm học mới bắt đầu với thầy và trò của nhiều trường học trên địa bàn huyện Mường Lát với bao khó khăn, thiếu thốn.
Không những thế, nhiều gia đình của các em học sinh bị mất nhà cửa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Những ngày sau mưa lũ, các thầy cô giáo vừa dạy học, vừa phải tiến hành dọn dẹp lại trường lớp.
Nhằm chia sẻ, động viên kịp thời các em học sinh nơi vùng lũ, những ngày qua, nhiều đoàn thiện nguyện từ khắp nơi đã mang những món quà ý nghĩa giúp các nhà trường khắc phục hậu quả, sớm ổn định việc dạy và học.
Từ nghĩa cử cao đẹp của những nhà hảo tâm, các thầy cô giáo nơi vùng lũ cũng đã chung tay, góp sức để các em học sinh có một mùa trung thu ấm áp, tràn đầy yêu thương.
Các thầy cô giáo trường Tiểu học Tam Chung chuẩn bị đồ trung thu cho các em học sinh
Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ tấm lòng thiện nguyện của các nhà hảo tâm, thầy cô giáo nơi vùng lũ cố gắng để các em học sinh có một mùa trung thu ấm áp
Sau những giờ lên lớp, các thầy cô giáo tập trung chuẩn bị trung thu cho học sinh
Không khí chuẩn bị trung thu ngay cạnh đống đổ nát sau mưa lũ
Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các em học sinh vẫn được hưởng niềm vui của Tết trung thu
Bà con dân bản đến chung vui trung thu cùng các cháu học sinh
Trung thu sớm với học sinh nơi vùng lũ vừa đi qua
Niềm vui của các em học sinh vùng lũ Mường Lát trong ngày Tết trung thu sớm (Ảnh: Toàn Trung)
Duy Tuyên
Theo Dân trí
Đồng phục cả bìa bọc sách: Đẹp thì có đẹp... Không phải phổ biến nhưng tại nhiều trường, không chỉ quần áo, cặp sách mà đến bao bìa bọc sách, loại mực, bút, tẩy... cũng đồng phục. Đồng phục có thể lợi cho giáo viên nhưng gây khó dễ cho phụ huynh và đặc biệt, có thể triệt tiêu cá tính, sự sáng tạo của học trò. Đẹp mắt, tiện lợi Có hai...