Bạn đọc viết: Khi giáo viên không còn “đua” theo danh hiệu
Đăng ký vừa đủ chỉ tiêu được giao, không ai bị đánh rớt danh hiệu, hội đồng thi đua lại được lòng của giáo viên. Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi. Và vô số người đã không còn muốn “đua” theo danh hiệu để gánh cực vào thân.
Ảnh minh họa
Tâm sự của cô giáo Loát Trần và Thanh Thanh trong hai bài viết “Giáo viên buồn vì rớt đề tài chiến sĩ thi đua”, “Giáo viên trẻ thất vọng vì phải nhường danh hiệu Chiến sĩ thi đua” đã nhận được nhiều đồng cảm của bạn đọc. Khá nhiều người đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự với muôn nỗi niềm chán chường, buồn rầu, thất vọng.
Bởi ai đã từng là một nhà giáo mới thấu hiểu nỗi khát khao năng lực bản thân được công nhận thông qua những danh hiệu thi đua cao quý. Và cũng chính ai là nhà giáo mới thấm thía nỗi thất vọng khi bao cố gắng của mình “đổ sông đổ biển” bởi danh hiệu trượt khỏi tay với muôn vàn lý do.
Danh hiệu Chiến sĩ thi đua hay Lao động tiên tiến vốn là những mỹ từ thay lời khen tặng của ngành Giáo dục đối với sự đóng góp, cống hiến của mỗi giáo viên suốt một năm học. Hầu như giáo viên nào cũng dễ dàng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến nếu không có những vi phạm nặng nề về chuyên môn trong quá trình công tác.
Riêng Chiến sĩ thi đua lại khó khăn hơn nhiều bởi quy định chặt chẽ về chỉ tiêu, số lượng người đạt danh hiệu này không vượt quá 15% tổng số giáo viên và nhân viên trường học. Chính vì vậy, nó mãi mãi là giấc mơ của vô số người.
Giá trị của nó ư? Phần thưởng vài trăm nghìn hay hơn một triệu đồng tuy lớn nhưng không thể so sánh với bao công sức người giáo viên đã bỏ ra suốt một năm học. Điều quan trọng là nỗ lực, năng lực của họ được công nhận, đánh giá trung thực, khách quan. Và đó sẽ là động lực để người thầy tiếp tục miệt mài đi “gieo chữ”.
Tuy nhiên, chính trong hình thức đăng ký, bình xét thi đua nảy sinh nhiều bất cập khiến những danh hiệu đó đang dần mai một ý nghĩa tích cực ban đầu. Hội đồng thi đua nhà trường cuối năm học thường “đau đầu” về việc nâng lên, hạ xuống người này, người kia trong bình xét.
Dẫu được tiếng là “công khai”, “minh bạch”, “dân chủ”, “khách quan”, “công bằng” nhưng nhiều hội đồng thi đua vẫn tồn tại tình trạng thiên vị. Vậy nên, nhiều người xứng đáng lại không đạt Chiến sĩ thi đua, còn “cây đa”, “cây đề” trong trường nghiễm nhiên giành được danh hiệu cao quý.
Video đang HOT
Một vài năm trở lại đây, trường tôi không còn những tình huống tréo ngoe như thế nữa. Bởi dường như ai cũng quá hiểu nỗi vất vả khi đăng ký danh hiệu Chiến sĩ thi đua đi kèm với thành tích, nỗ lực, tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào. Để rồi cuối năm khi bình xét danh hiệu, chỉ cần vướng một vài tiêu chí hoặc có chút tiêu cực nào trong hội đồng thi đua là lập tức rớt danh hiệu.
Công sức một năm đóng góp cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều người dần dà biến thành gánh nặng. Nhiều giáo viên đầy tâm huyết cũng trở nên mệt mỏi và buông xuôi. Không hiếm gặp những người thầy mang trong mình tư tưởng hoàn thành công việc, làm tròn nhiệm vụ, cuối tháng lãnh lương là ổn.
Không thi đua, không bon chen, không giành giật, an nhiên tự tại mà sống. Tư tưởng nhận thức ấy cộng hưởng với quá trình công tác “làm vừa đủ”, “không muốn được khen, chẳng muốn bị chê” vô hình trung triệt tiêu tính phấn đấu, sáng tạo trong dạy và học.
Trong hội đồng trường có nhiều người dư thừa năng lực lại không muốn đăng ký để rồi áp lực công việc dồn nén. Họ sẵn sàng nhường danh hiệu lại cho người khác sắp đến kỳ nâng lương, nâng ngạch. Tính phần trăm chỉ tiêu danh hiệu Chiến sĩ thi đua được bao nhiêu người, cứ thể mà đưa chỉ tiêu về các tổ chuyên môn, mỗi tổ có mấy người đăng ký.
Và đăng ký vừa đủ chỉ tiêu được giao, không ai bị đánh rớt danh hiệu, hội đồng thi đua lại được lòng của giáo viên. Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi. Và vô số người đã không còn muốn “đua” theo danh hiệu để gánh cực vào thân.
Trong lúc ngành Giáo dục đang đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt học tốt thì việc triệt tiêu nỗ lực phấn đấu trong chính nội tại mỗi người thầy chẳng khác gì những mầm bệnh nguy hiểm. Và muốn trị tận gốc căn bệnh “chây ì” này, cần trả lại bản chất của thi đua và trả lại ý nghĩa tích cực cho danh hiệu cao quý – Chiến sĩ thi đua.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Giáo viên trẻ thất vọng vì phải "nhường" danh hiệu Chiến sĩ thi đua
Khi nghe công bố danh sách thi đua cấp cơ sở không có tên mình, nữ giáo viên trẻ vô cùng ngạc nhiên và thất vọng. Hội đồng thi đua họp xét đưa một lí do hết sức đơn giản là vì "cô ấy còn quá trẻ, còn nhiều cơ hội để phấn đấu, năm nay phải nhường cho những người lớn tuổi".
Ảnh minh họa
Nhân đọc bài "Giáo viên buồn vì rớt đề tài Chiến sĩ thi đua" của tác giả Loát Trần trên báo Dân trí ngày 19/8/2018, tôi hoàn toàn đồng cảm với nỗi lòng của cô giáo đó.
Trong trường học luôn có phong trào thi đua, thi đua giữa các tổ của giáo viên, thi đua giữa các giáo viên, thi đua giữa các khối lớp, thi đua giữa các học sinh...
Nếu ở học sinh có thứ tự xếp loại về học lực và hạnh kiểm sau mỗi học kì và tổng kết cả năm học thì ở giáo viên, sự thi đua được đánh giá qua danh hiệu đăng kí vào đầu năm học. Danh hiệu cao nhất sẽ là Chiến sĩ thi đua cấp quốc gia, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Lao động tiên tiến, Hoàn thành nhiệm vụ.
Tỉ lệ thi đua về mặt danh hiệu của giáo viên cũng như tỉ lệ thi đua của học sinh sẽ được cấp trên chỉ đạo xuống. Tùy thuộc vào số lượng giáo viên nhiều hay ít, Phòng Giáo dục sẽ giao chỉ tiêu danh hiệu thi đua về các trường. Cũng từ đây, nhiều chuyện "dở khóc dở cười" từ việc đăng kí danh hiệu này. Nhưng thường chỉ tiêu về các danh hiệu lớn như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở chỉ "đếm trên đầu ngón tay", còn lại Lao động tiên tiến sẽ chiếm đa số.
Bước vào phiên họp đầu năm, giáo viên nào cũng muốn đăng kí một chân vào danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở vì nhiệt huyết đang căng tràn. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên là niềm mơ ước mà giáo viên nào cũng muốn hướng đến nhưng không phải cái gì muốn cũng được vì còn phải căn cứ vào những thành tích, kết quả, những cống hiến mà bản thân người đăng kí gặt hái được trong năm học vừa qua.
Sau khi căn cứ vào điều kiện thực tế như số lượng giáo viên đăng kí, những người đăng kí là những người trong Ban giám hiệu, các Tổ trưởng chuyên môn, những người lớn tuổi với kinh nghiệm đầy mình..., nhẩm sơ sơ thôi cũng đã vượt chỉ tiêu của Phòng đề ra nên một số giáo viên trẻ chùn bước, mà cũng chùn bước thật vì có nhiều vấn đề mà chỉ "người trong chăn mới biết chăn có rận".
Câu chuyện thi đua của một đồng nghiệp của tôi đến nay vẫn còn làm tôi trăn trở.
Cô ấy thuộc lớp giáo viên trẻ, nhiệt huyết đầy mình và rất yêu nghề. Tốt nghiệp loại Giỏi, về trường, bạn tôi ao ước được cống hiến. Sau ba năm trong nghề, bạn tôi quyết định đột phá để khẳng đinh bản thân đặc biệt là về chuyên môn. Cô ấy mạnh dạn đăng kí danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Để đạt danh hiệu này là quá trình phấn đấu không mệt mỏi trong một năm. Dạy tốt thôi chưa đủ, cần phải có các thành tích bề nổi khác như phải đạt giỏi viên giỏi cấp trường, cấp huyện, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện có giải, giải cao lại càng tốt, và tất nhiên là hoàn thành chỉ tiêu đang kí đầu năm, thậm chí vượt mức chỉ tiêu đề ra, đề tài sáng kiến kinh nghiệm đạt loại Tốt và chưa kể bao đóng góp của cô ấy khi tuổi trẻ tràn trề...
Giao viên trẻ này cứ nghĩ sau bao thành quả lao động mình đạt được hy vọng sẽ bản thân sẽ có một suất trong danh hiệu thi đua cấp cơ sở.
Nhưng khi nghe công bố danh sách thi đua cấp cơ sở không có tên mình, cô ấy vô cùng ngạc nhiên và thất vọng. Thế là bao nhiêu nhiệt huyết, bao nhiêu cống hiến của cô giáo trẻ suốt một năm qua đều thành công cốc chỉ vì một lí do hết sức đơn giản của Hội đồng thi đua họp xét là vì "cô ấy còn quá trẻ, còn nhiều cơ hội để phấn đấu, năm nay phải nhường cho những người lớn tuổi".
Sau này tôi biết được cô giáo trẻ ấy đã không còn động lực để phấn đấu và đến bây giờ danh hiệu cao nhất mà bạn tôi có được là Lao động tiên tiến sau 12 năm đi dạy.
Thiết nghĩ danh hiệu thi đua luôn luôn dành cho những người xứng đáng, và trong môi trường giáo dục điều đó càng trở nên quan trọng hơn. Người giỏi, người tài không nhất thiết phải là người lớn tuổi hay người giàu kinh nghiệm, trong khi đó, xã hội ta bây giờ không thiếu gì người "tuổi trẻ tài cao". Mà người giỏi thì cần phải tôn trọng và cần tạo động lực để họ cống hiến.
Sau năm đó, cô bạn tôi thật sự buồn và không thiết phấn đấu nhiều. Bạn tâm sự rằng: "Thật đáng buồn khi những đóng góp của mình không được nhà trường ghi nhận và điều quan trọng nhiệt huyết của mình không còn vì hy vọng hóa ra thất vọng."
Chúng ta biết rằng đôi khi một lời khen, một lời động viên đặt đúng lúc, đúng người sẽ là động lực giúp họ phấn đấu, vươn lên hơn, cống hiến nhiều hơn.
Sau mười mấy năm làm nghề "gõ đầu trẻ", danh hiệu thi đua cấp cơ sở là điều gì đó xa xỉ mà cô ấy vẫn chưa đạt được. Nhưng trong lòng bao thế học trò đi qua "chuyến đò tri thức" của bạn tôi đều khen cô ấy dạy học trò có tâm.
Hôm rồi gặp tôi, cô giáo trẻ ấy bảo rằng sẽ tiếp tục đăng kí danh hiệu thi đua cấp cơ sở một lần nữa và quyết tâm chạm vào danh hiệu đó. Tôi thầm chúc cho mơ ước của bạn sẽ trở thành sự thật.
Thanh Thanh
Theo Dân trí
NĂM HỌC 2018 - 2019: Cà Mau: Hàng nghìn học sinh không vào lớp 6, lớp 10 thì đi đâu? "Số học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình năm học 2017 - 2018 là 20.730 em, còn số học sinh vào lớp 6 năm học 2018 - 2019 chỉ có 20.107 em, tính ra còn thiếu 623 em. Vậy hàng trăm em học sinh này đi đâu?", Chủ tịch tỉnh Cà Mau truy vấn ngành Giáo dục và các địa phương tỉnh...