Bạn đọc viết: Khi cha mẹ luôn ước ao “con được điểm càng cao càng tốt”
Có lẽ chưa bao giờ, điểm số của con trẻ trở thành nỗi khát khao của nhiều ông bố, bà mẹ như hiện nay. Quan niệm “ Con học giỏi qua điểm số” dường như đã ngấm vào xương tủy của bao thế hệ phụ huynh.
Ảnh minh họa
Chính quan điểm đó trở thành gánh nặng trên những đôi vai, trong những suy nghĩ của lứa tuổi mà vốn được hưởng sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, vui chơi thay vào đó là sự lo lắng, u sầu khi không đạt điểm cao như bố mẹ mong muốn.
Có phải người lớn đang cướp mất tuổi thơ của các em? Hai câu chuyện sau là minh chứng cho điều đó.
Sáng nay, khi vào một quán quen dùng điểm tâm sáng, đang loay hoay tìm chỗ ngồi thì tôi bỗng nhận ra một cậu học trò nhỏ cách đây hai năm tôi từng dạy. Bây giờ em đang là học sinh lớp 8 của một trường thành phố. Vốn thân thiện giữa cô trò, em tiến lại gần chào tôi.
Em nhanh chóng khoe điểm Văn cho tôi biết: “Cô ơi, em làm bài thi Văn được 8,5 điểm.” Đôi mắt em ánh lên niềm vui. Rồi em nói tiếp: ” Năm nay, em đạt học sinh giỏi như năm trước cô à, nhưng tổng phẩy em chỉ đạt 8,6 thôi.” Đôi mắt em cụp xuống, khuôn mặt xị ra.
Tôi nhanh chóng chúc mùng em vì thành tích trên nhưng em lại miễn cưỡng: “Chúc mừng gì cô ơi, ba mẹ em bảo rằng phải đạt 9 phẩy mới có thưởng.” Tôi ngạc nhiên đến nghẹn lời.
Em cúi mặt xuống món điểm tâm với vẻ mặt buồn rười rượi và nói lí nhí: “Có phải siêu nhân đâu mà đạt đến 9 phẩy”. Tôi lại có dịp quan sát em – cậu học trò ngây thơ của tôi năm nào với bao suy nghĩ miên man.
Video đang HOT
Em xuất thân trong một gia đình danh giá với truyền thống hiếu học, hai năm trước dạy em, tôi có đôi lần tiếp xúc với cha mẹ em. Đó là trí thức, họ không tiếc tiền bạc, đầu tư công sức, thời gian để cho con học. Từ học chính khóa, ngoại khóa, học thêm tại nhà cô, học kèm tại nhà mình… miễn sao con mình đạt học sinh giỏi. Tôi nhớ chắc rằng, hè vào đầu năm lớp 6, cậu học trò nhỏ này đã học thêm như ca sĩ “chạy xô” rồi chứ chưa kể đến năm học lớp 8 này, em càng học bất chấp ngày đêm.
Gặp lại em, khác vẻ mập mạp, to con, phốp pháp thời xưa, em bây giờ ốm hẳn và dong dỏng cao. Em cúi đầu bên tô bún còn bốc khói: “Em buồn quá cô ơi, em rất cố gắng nhưng không tài nào đạt đến 9 phẩy”. Thế là năm nay, em không có phần thưởng gì từ bố mẹ rồi.
Nghe em nói và hiểu được nỗi lòng của cậu học trò cũ, tự nhiên món điểm tâm sáng trong miệng tôi trở nên đắng chát.
Cùng cảnh ngộ, cạnh nhà tôi có cô bé đang học lớp 9, là con của một gia đình lao động bình thường. Bố em làm nghề điện nước, mẹ buôn bán lặt vặt kiếm sống. Ước mơ của họ gửi gắm qua đứa con gái này vô cùng lớn lao. Mục tiêu cuối cùng là con phải đậu vào một trường cấp ba danh giá. Còn mục tiêu trước mắt là cô bé phải đạt điểm cao trong tất cả các môn học.
Cô bé học giỏi đều các môn, em có chân trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Ở sát cạnh nhà nhưng tôi rất hiếm khi thấy em vì em đi học thêm suốt ngày. Có những lúc ở nhà thì cô bé lại đóng cửa. Hỏi sao con không ra ngoài chơi, tôi luôn nhận được câu trả lời: “Con bận học bài cô ạ.”
Với con bé, lúc nào cũng học vì tôi nghe con bé bảo: “Nếu con đạt điểm 10 thì bố hoặc mẹ sẽ thưởng cho con một món quà.”
Khi biết con bé có nhiều quà là chắc rằng, tuần vừa rồi nó được nhiều điểm 10.
Hôm rồi, vừa dừng xe trước cửa nhà, tôi thấy con bé hớn hở chạy sang bảo: “Cô chúc mừng con đi, con thi Văn được 9,8 điểm, nhất khối 9 của trường con.” Con bé nhảy cẫng lên vui sướng vô cùng và la lớn: “Tới đây, con được thưởng nhiều lắm cô ơi.”
Con bé tiếp tục huyên thuyên với vẻ mặt sung sướng khó tả: “Con được 9,8 điểm mà lúc đầu con nhìn ngược điểm, tưởng mình được 6,8 điểm mà hết hồn hết vía. Con mà bị điểm thấp chắc con nhừ xương với bố con quá.”
Tôi đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, vừa mừng, lại vừa lo lắng cho cô bé: “Chẳng may nó bị điểm thấp thì sao?”.
Thời điểm này, cô bé tiếp tục vùi đầu vào ôn thi để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp lớp 9 và thi vào lớp 10 sắp tới, gặp được cô bé lại còn khó hơn.
Chúng ta vốn không xa lạ gì với câu hỏi cửa miệng nghe rất quen thuộc trong những lần gặp gỡ của các ông bố bà mẹ: “Con anh/chị học trường nào? Con bé/thằng bé đạt học sinh gì…?”. Những câu hỏi này vô hình trung làm cho phụ huynh càng đặt áp lực học tập, áp lực thành tích lên vai con.
Cả cậu bé và cô bé kể trên giờ như những con rô bốt, chẳng biết làm gì ngoài ăn và học, ngay giờ chơi cũng trở nên xa xỉ với các em.
Thế đó, tuổi thơ của con ai đánh cắp? Đến bao giờ tuổi thơ của các con mới trở về đúng nghĩa?
Thanh Thanh
Theo Dân trí
Học trò yêu nhau say đắm, bố mẹ vẫn nghĩ con 'tồ'!
Trong thời điểm hiện tại, khá nhiều người đang xào xáo lên về tình yêu tuổi học trò với những nỗi lo, sự trăn trở và cả sự cầu viện chuyên gia để ứng xử với tình yêu của con trẻ.
Nhiều cung bậc tình cảm diễn ra ở tuổi mới lớn. Ảnh: Internet
Tôi đánh tiếng hỏi một chị bạn về cô con gái đang học lớp 11 của chị thì nhận được lời phán: "Nó tồ lắm, chẳng biết yêu đương gì đâu!". Trong mắt của bố mẹ, con trẻ lúc nào cũng bé bỏng, non nớt, ngây thơ và chưa bao giờ biết để ý ai cả, chứ đừng nói là yêu. Và rất nhiều bố mẹ đã lầm tưởng về con cái của mình.
Quả đúng là tuổi dậy thì của học sinh sớm hơn trước rất nhiều. Tuổi yêu của các em cũng đến sớm hơn. Tâm sinh lí biến đổi phức tạp thế nào thì chuyện tình yêu của các em cũng diễn biến phức tạp thế ấy.
Tôi đã từng rất ngỡ ngàng phát hiện học sinh lớp 8 của mình biết yêu, yêu sâu đậm. Nhưng rồi càng ngày càng phát hiện nhiều mối tình tuổi học trò hơn và bắt đầu chấp nhận thực tế đó. Chẳng thể nói theo kiểu mệnh lệnh: "Cấm yêu!", "Không được yêu!". Chỉ có thể ngầm quan sát, lắng nghe các em thổ lộ và đưa ra lời khuyên thiết thực.
Tình yêu ấy của các em có đủ mọi cung bậc cảm xúc. Từ "thầm thương trộm nhớ" đến mạnh dạn ngỏ lời ngỏ ý. Từ những học sinh hiền ngoan, giỏi giang đến cả các em học yếu, cá biệt. Từ những mối tình cùng lớp đến khác lớp, khác trường và cả tình chị em.
Có em nam sinh nọ để ý cô bé lớp phó học tập và cố gắng học tập với tấm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở loại khá. Có cặp đôi yêu nhau rất siêng viết thư tình cho nhau trong cùng một cuốn sổ và lời lẽ thì ngọt ngào hơn cả mật. Có cặp đôi chung lớp rất thích thể hiện tình cảm trước mặt bạn bè, nắm tay, vuốt tóc, đổi chỗ ngồi rủ rỉ chuyện trò và khi đến tiết của cô giáo chủ nhiệm lại tạm xa nhau hai đứa hai góc lớp. Có cặp đôi bạo dạn ôm nhau tình tứ chụp ảnh rồi tự hào khoe khắp mạng xã hội. Có cặp đôi nọ giận hờn, em nữ cắt tóc ngắn và em nam thì mắt đỏ ngầu, rưng rưng chẳng thiết học hành. Và thỉnh thoảng lại bắt gặp những vụ ẩu đả vì ... ghen!
Đó là những bề nổi của tình yêu trong nhà trường. Bước ra khỏi trường học, muôn kiểu yêu và thể hiện tình yêu mà thầy cô chẳng bao giờ nắm bắt được. Cũng như trong gia đình, các em là một đứa con ngoan ngoãn, nhưng bước ra khỏi nhà, các em đã có thể là một con người khác xa tưởng tượng của bố mẹ.
Khi nắm bắt được tình cảm của các em, rất nhiều giáo viên chọn giải pháp liên hệ với phụ huynh để quản các em nhằm ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực đáng tiếc. Trò chuyện tâm tình với mẹ các em, thông thường chúng tôi nhận được phản ứng ngạc nhiên cao độ của phụ huynh. Họ sững sờ đến mức không nói nên lời và đôi người còn bảo có thể cô nhầm lẫn với lập luận: "Nó tồ lắm...".
Sau khi nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, phụ huynh thường tỏ ra bức xúc và luôn miệng bảo về sẽ "trị cho biết tay". Đó là điều giáo viên lo lắng và băn khoăn. Không thông báo với phụ huynh thì không an tâm mà liên hệ rồi thì lại lo những phản ứng tiêu cực của các bố các mẹ. Mặc dù đã làm công tác tư tưởng với bố mẹ là không nên ra sức cấm đoán, đánh đập, la mắng, sỉ nhục những tình cảm đầu đời của các con và quan trọng là phải âm thầm, nhẹ nhàng, khéo léo định hướng, nhắc nhở, hướng các em đến những tình cảm trong sáng, thuần khiết... nhưng rất nhiều điều đáng tiếc vẫn xảy ra từ chính cách cư xử nông nổi, nóng vội của phụ huynh.
Rất nhiều em đã thu mình lại sau cuộc chiến bảo vệ tình yêu với bố mẹ. Rất nhiều em lại ngang ngạnh chống đối và kiên quyết bảo vệ cuộc tình vừa mới chớm nở của mình. Tất nhiên là các em cũng bắt đầu đề phòng thầy cô, những người trước đây đã được em tin tưởng tâm sự, kể lể mọi điều. Lúc đó, mọi sự can thiệp của người lớn đều vô dụng và con đường đồng hành cùng tình yêu con trẻ sẽ càng xa vời hơn.
Theo Nld
"Phòng the" tuổi 50: Trẻ "lệch pha", già viên mãn Trước đây, khi còn trẻ, hồi mới cưới nhau, ông Hưng đã từng trải qua những cảnh "lệch pha" khủng khiếp đến mức suýt bỏ nhau. Hồi ấy, ông không được "phong độ" bằng bây giờ, chỉ là một "thanh niên hoi" háo hức lấy vợ sớm. Còn bà Huê cũng là một thiếu nữ trẻ trung chưa có kinh nghiệm gì trong...