Bạn đọc viết: “Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy”
Mở trang báo Dân trí, tôi bắt gặp một bài viết với tiêu đề ấn tượng “ Bóng đá Việt Nam và chuyện về… người thầy”. Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết này nhiều lần và thấm thía vô cùng từng câu chữ của tác giả Hoài Nam – “Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy!”.
Ảnh minh họa
Park Hang Seo – cái tên đang làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam khi lần thứ hai đưa đội tuyển bóng đá Việt chạm vào “ kỳ tích”. Ông không chỉ là một huấn luyện viên giỏi mà còn là một người thầy đức độ, một nhà giáo dục tâm huyết, như chính lời ngợi khen của tác giả bài viết.
Một huấn luyện viên không chỉ đánh giá đúng thực lực của từng cầu thủ, ông còn trao niềm tin vào tay mỗi người. Có niềm tin, có tất cả! Chân lý hiển nhiên ấy đã được vị huấn luyện viên đến từ đất nước kim chi khẳng định một cách mạnh mẽ nhất thông qua quá trình dẫn dắt bóng đá Việt suốt thời gian qua. Bởi vậy, mỗi khi nhắc đến ông, người ta trân trọng và yêu mến gọi “Thầy Park”!
Thầy Park của đội tuyển bóng đá Việt còn ghi điểm bằng tấm gương vượt khó, nhiệt thành vượt qua rào cản ngôn ngữ và chấp nhận thất bại, không đổ lỗi, không trốn tránh trách nhiệm sau khi chúng ta để lỡ cơ hội đứng trên bục vinh quang cao nhất ở Olympic Thường Châu.
Từ tấm gương của thầy Park, tác giả Hoài Nam liên hệ với hình ảnh người thầy trong giáo dục Việt Nam. Và chúng ta đã vỡ òa nhiều điều thú vị. Cảm ơn những câu từ chí lý và chí tình của tác giả…
“Giáo viên giỏi là người nắm rõ tố chất, khả năng, cá tính của từng học sinh để giúp các em phát huy năng lực cá nhân”.Đây cũng chính là mục tiêu của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay: Phát huy năng lực người học. Tuy nhiên, nền giáo dục của chúng ta vẫn đang chú trọng về kiến thức, thi cử, thành tích, bằng cấp.
Chính vì vậy, học sinh đang bị ép vào cái khuôn chung những yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng. Chúng ta đang buộc trò phải làm bài văn bao nhiêu dòng, phải giải bài toán theo đúng cách thầy dạy, phải ngồi học nghiêm túc và đúng chuẩn mực…
Chúng ta đôi lúc quên mất rằng mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt có sở trường, sở đoản, sở thích riêng. Giáo dục theo kiểu “cào bằng” đang dần triệt tiêu khả năng sáng tạo và hứng thú của người học một cách âm thầm đáng lo ngại.
Video đang HOT
Trao niềm tin cho trò – đó là cách thức hữu hiệu nhất giáo dục một con người. Điều này đã được minh chứng bằng thực tiễn.
Có những cô cậu học sinh suốt ngày đối diện với những lời chê bai của giáo viên đến mức ám ảnh và trở nên tự ti vào năng lực của bản thân. Vậy nhưng, chỉ cần một lời khen đúng lúc về một biểu hiện tích cực nhỏ nhoi nào đó, mọi thứ bỗng sáng bừng. Niềm tin nhen nhóm thành động lực phấn đấu, họ đã thành công. Và người thầy với lời khen nhỏ bé ngày xưa mãi mãi là mốc son làm thay đổi cuộc đời.
Có những cô cậu học trò bị xem là “cá biệt”, không thể giáo dục, không thể dạy dỗ và cần cách ly khỏi môi trường học đường. Vậy nhưng, trong vô số những người thầy đang đánh giá đầy tiêu cực về em ấy, chỉ cần một người thầy còn niềm tin vào sự hướng thiện cùng lòng kiên trì, nhẫn nại cảm hóa, kỳ tích đã xảy ra.
Những người thầy tin trò và sẵn sàng trao niềm tin cho trò không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống. Chỉ tiếc là người thầy ấy không nhiều, không phổ biến để có thể tạo ra nhiều điều khác biệt trong giáo dục.
Tôi rất đồng tình với nhận định thẳng thắn của tác giả: “Hoàn cảnh, khó khăn luôn là cản trở, giáo dục phải cải thiện nhiều mặt để thầy cô phát huy được năng lực. Nhưng tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh, né tránh trách nhiệm của mình mới là cản trở lớn nhất cho mọi sự phát triển”.
Có những người thầy vẫn ngày ngày lên lớp theo trách nhiệm, vào giảng hết bài rồi ra về… Có những người thầy vẫn còn “chung thủy” với phương pháp dạy học truyền thống thầy đọc – trò chép dù ngoài kia rầm rộ đổi mới… Có những người thầy vẫn còn mặc định quyền uy cho rằng mình luôn luôn đúng và trò phải nhất nhất nghe theo…
Liệu tôi có quá lời và nhận định có phần bi quan, tiêu cực không?
Thùy Mai
Theo Dân trí
Bóng đá Việt Nam và chuyện về... người thầy
Đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam lại làm nên lịch sử sau giải U23 Châu Á khi lần đầu tiên có mặt tại bán kết Asiad 2018 với sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo. Không chỉ là sự kiện làm con tim người hâm mộ vỡ òa, với những người làm giáo dục, đây còn là câu chuyện về vai trò của người thầy.
Bóng đá Việt Nam có thể nói từng không thể "ngóc đầu" nổi ở khu vực Đông Nam Á nhưng điều đó đã thay đổi với sự dẫn dắt của người thầy - HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo. Đó không chỉ huy chương bạc đầu tên tại giải U23 Châu Á, không chỉ làm nên lịch sử khi vào bán kết Asiad mà quan trọng hơn cả là các cầu thủ phát huy được nội lực của mình, có niềm tin vào khả năng của mình.
Sự thành công của đội tuyển Việt Nam khắc ghi vai trò của người thầy (Ảnh: Quốc Huy)
Mọi so sánh là khấp khiễng nhưng có thể nói, ông Park Hang Seo là một HLV, là một người thầy và cũng là một nhà giáo dục. Ông có những phẩm chất và cách thức giúp học trò phát huy hết sức mạnh mà tất cả mọi người, nhất là mỗi người thần cần suy ngẫm.
Mỗi cầu thủ có một thế mạnh, khả năng riêng, không ai giống ai. Và họ được người thầy "chọn mặt gửi vàng" vào những thời điểm hợp lý nhất, cần thiết nhất trong từng trận đấu chứ không nhất nhất "nương" theo cầu thủ tên tuổi. Chỉ khi như vậy, học trò mới khẳng định được mình... Giáo viên giỏi là người nắm rõ tố chất, khả năng, cá tính của từng học sinh để giúp các em phát huy năng lực cá nhân.
Thế nhưng giáo dục chúng ta đang quy học trò về một mối, một chuẩn. Một học sinh có suy nghĩ, tư duy, làm khác đi có thể xem là "cá biệt"; giáo viên cũng thường xuyên so em này không bằng em kia, em kia giỏi hơn em nọ... trở thành nỗi ám ảnh học đường.
Sự "lột xác" của đội tuyển Việt Nam phải nói đến từ sức mạnh niềm tin. Các cầu thủ được HLV trao niềm tin, trước hết là tin vào chính bản thân mình, tin rằng mình làm được. Tiếp đó là có niềm tin vào đồng đội. Chính điều này, tiếp sức lớn nhất để các cầu thủ thể hiên được hết khả năng của mình, có sức mạnh để đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn nhất...
Còn trên bục giảng, chúng ta có không ít người thầy sẵn sàng phủ nhận, vùi dập ngay khả năng của học trò. Chúng ta sa vào giáo dục trẻ bằng sự dọa dẫm. Có những thầy cô vừa đón các em học sinh lớp 1 đã vội vàng "chê" học sinh viết chữ xấu, chưa biết đọc, rồi hù dọa không theo kịp bạn bè, ở lại lớp.
Một nữ sinh Việt đi du học Úc về kể, điều em vỡ òa sau chỉ hơn một năm đi du học không phải là kiến thức, không phải là ngoại ngữ... mà là niềm tin vào bản thân. Thay vì những trách phạt, chê bai thì trước mỗi thử thách, giáo viên, giáo sư người Úc luôn gật đầu nói rằng các em sẽ làm được tốt hơn nữa, tốt nhất có thể. Sau 12 năm học ở phổ thông, 2 năm học ĐH ở trong nước, giờ cô học trò mới nhận ra... mình giỏi hơn mình tưởng.
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương bộc bạch: "Cầu thủ muốn giỏi cần gặp đúng huấn luyện viên. Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy. Hãy tìm những người thầy dạy con cách hiểu mình và tin vào chính mình, chứ không phải tin vào những chiêu trò, xảo thuật".
Học trò rất cần được đánh giá đúng khả năng và trao niềm tin vào bản thân
Sự thành công của HLV Park Hang Seo ở đội tuyển Việt Nam không phải nhờ may mắn. Đó là nỗ lực và sự chăm chỉ của một người thầy. Khi mới đến Việt Nam, những ngày đầu, nhiều đêm liền ông Park đã nghiên cứu băng ghi hình các trận đấu trước, các giải các năm trước. Từ đó, ông đưa ra những đánh giá và lựa chọn cho đội hình.
Khi đến Việt Nam, hạn chế lớn nhất của ông Park chính là ngôn ngữ. Hiển nhiên ông phải có phiên dịch nhưng được biết ông Park còn rất chịu khó học tiếng Anh để hiểu học trò mình, để tương tác với các em. Nói không được, ông phải nghĩ cách, liền tận dụng tối đa... ngôn ngữ của cơ thể.
Tôi đã từng dự Hội thảo mà chủ đề chính là xoay quanh vấn đề vì sao giáo viên chúng ta "lười học". Có ti tỉ lý do được đưa ra như thu nhập thấp, không có thời gian, hồ sơ sổ sách, áp lực... Chẳng ai đề cập lý do không ít người thầy chọn nghề với sự an nhàn, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, thiếu chăm chút đầu tư cho chính công việc mình lựa chọn và nuôi dưỡng mình.
Hoàn cảnh, khó khăn là luôn là cản trở, giáo dục cần phải cải thiện nhiều mặt để thầy cô phát huy được năng lực. Nhưng tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh, né tránh trách nhiệm của mình mới là cản trở lớn nhất cho mọi sự phát triển.
Sau khi thua ở phút chót tại chung kết U23 Châu Á, khi trả lời báo giới, Park Hang Seo nói rằng, ông không thể đỗ lỗi họ bị đánh bại bởi tuyết. Với ông, đó không phải là lý do để giải thích cho thất bại của đội tuyển mà tất cả là do ông. Ông có trách nhiệm cần phải giúp các học trò tập trung hơn trong trận đấu, kể cả khi chỉ còn 1 phút thôi.
Ông nói: "Do tôi, chúng ta thua!".
Hoài Nam
Theo Dân trí
Bình Định: Cảm phục nghị lực nữ sinh nghèo 5 lần phẫu thuật xương sống Trong buổi lễ trao học bổng cho những học sinh, sinh viên nghèo tỉnh Bình Định, không ai không xúc động và cảm phục tấm gương vượt khó trong học tập của em Lê Thị Thanh Dung - cô tân sinh viên nghèo đã trải qua 5 lần phẫu thuật xương sống. Bình Định: Cảm phục nghị lực nữ sinh nghèo 5 lần...