Bạn đọc viết: Học thêm đối với con tôi là chuyện “không có trong từ điển”
Sau gần một tháng con nhập học lớp 1, ngày tôi được mời dự họp phụ huynh học sinh chính là lúc tôi và con có thêm “ tự tin” với lựa chọn không học trước, không học thêm… Bây giờ con tôi đã hết bậc tiểu học, việc học thêm đối với con tôi là chuyện (mà tôi hay nói vui với bạn bè) “không có trong từ điển”.
Câu chuyện học trước chương trình lớp 1, cùng với chuyện học thêm của con luôn là “ tâm điểm” của những bàn cãi của các bậc phụ huynh. Có thể thấy phần nhiều các phụ huynh khi cho con học… trước đều có chung tâm lý là để mình an tâm hơn, để con thấy tự tin hơn, không mặc cảm so với bạn bè (nếu không học trước lớp 1 chẳng hạn, thì con sẽ thấy lạc lõng vì các bạn đã biết “đọc thông viết thạo”). Câu chuyện của bạn Đỗ Quyên trên báo Dân trí ngày 27/5/2018 có phần giống với câu chuyện của tôi khi con vào lớp 1 của 5 năm về trước.
Gia đình tôi thuộc vùng nông thôn, con học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở một trường dạy 2 buổi/ngày. Buổi sáng con học đến 10g30′ gia đình đón về, buổi chiều 2g lại vào. Biết năm cuối bậc mầm non có ý nghĩa “bản lề”, tôi thường hay hỏi cháu về những điều được học ở trường, qua đó được biết cháu cũng đã được làm quen với chữ cái (theo quy định về chương trình của Bộ Giáo dục-Đào tạo).
Ngày con hết bậc mầm non, sổ sách tôi nhận về có sổ theo dõi sức khỏe, sổ bé khỏe bé ngoan và một quyển tập tô số, tô chữ – quyển tập tô rất đơn giản. Với sổ theo dõi bé khỏe bé ngoan, tôi thấy được những nhận xét cụ thể của cô giáo về kỹ năng phát triển thể chất, kỹ năng thẩm mỹ, kỹ năng ngôn ngữ… Đặc biệt, ở “kỹ năng ngôn ngữ”, vài tháng cuối của năm học, tôi thấy cô giáo nhận xét về cháu là “Tô viết tốt”.
Tiếp nối cách học này, những ngày hè của con tôi chỉ là tập tô chữ, tô số theo mẫu (tôi mua sách của nhà xuất bản Giáo dục), mà tôi cũng không ép con, chỉ giao nhiệm vụ con phải tô xong mấy dòng một ngày rồi mang sản phẩm cho mẹ kiểm tra. Việc đọc những chữ cái, chữ số đã tô ấy, tôi đề nghị con nhớ lại phần cô giáo ở mẫu giáo đã đọc và đọc lại để không bị quên mà thôi.
Tôi còn nhớ, vào lớp 1, con có 1 tuần để làm quen cô mới, bạn mới và nề nếp, quen với việc “đánh dấu” môn học bằng màu sắc của bìa bao tập (mà tôi nhớ lúc đó tập Toán được quy ước có bìa màu vàng, tiếng Việt có bìa xanh). Tên của mình, con chưa thể ghi lại được thì cô giáo quy ước bằng số thứ tự, cháu có số thứ tự 25, chỉ cần ghi số 25 lên góc nhãn dán tập là con nhớ tên mình. Một tuần lễ dõi theo con vào bậc học mới, tôi hiểu rất rõ vất vả của giáo viên lớp 1 trong việc rèn cho các bé tư thế, tính kỷ luật, quy ước đi vệ sinh (cô thống nhất giơ tay phải là xin phát biểu, giơ tay trái là xin đi vệ sinh)…
Học sinh lớp 1 (ảnh minh họa)
Video đang HOT
Sau gần một tháng con nhập học, ngày tôi được mời dự họp phụ huynh học sinh chính là lúc tôi và con có thêm “tự tin” với giải pháp của mình: không học trước, không học thêm. Cô giáo chủ nhiệm của cháu gửi cho mỗi phụ huynh 1 phiếu nhận xét về các bé trong đó có mặt mạnh, mặt yếu và đề xuất hướng khắc phục.
Con tôi được nhận xét là đọc còn chậm, còn rụt rè, đề nghị của cô giáo là phụ huynh cho cháu đọc lại bài trong sách giáo khoa, đọc to, rõ ở nhà; việc viết của cháu thì phụ huynh tập cho cháu nghe-viết (chứ không nhìn-viết) bằng cách mỗi ngày đọc cho cháu viết khoảng 10-13 từ, theo thời gian có thể tăng dần. Từ khi cầm bút chì để viết đến lúc viết bằng bút mực, cả hai mẹ con đều cứ kiên trì, cứ sau khi xem phim hoạt hình khoảng 20-30 phút mỗi tối là cháu lại ngồi vào bàn học.
Bây giờ con tôi đã hết bậc tiểu học, chỉ 2 tháng nữa cháu sẽ vào lớp 6, việc học thêm đối với con tôi là chuyện (mà tôi hay nói vui với bạn bè) “không có trong từ điển”. Từ lớp 2, việc học của cháu được “lập trình”: Ban ngày ở lớp, ban đêm tự học, gặp khó khăn thì nhờ mẹ hỗ trợ.
Khó nhất với cháu chính là viết văn. Vì là con trai nên cháu cũng nghèo tưởng tượng, chính tờ báo Nhi Đồng cháu đọc từ khoảng gần cuối năm lớp 1 đã giúp cháu có thêm vốn từ, tôi hướng cháu hình dung thêm (đại loại cháu nghĩ ra mắt chú mèo tròn như hai hạt đậu, thay vì văn mẫu cứ ghi “như hai hòn bi ve”, cánh của hoa giấy thì cháu cho nó “mỏng như giấy”, buồng chuối có nhiều nải như những bậc thang leo…). Từ viết đoạn văn với 3 câu (ở lớp 2) đến 5-7 câu (ở lớp 3) rồi 10-15 câu (ở lớp 4) và cả bài văn khi học lớp 5, hai mẹ con cứ “tuần tự nhi tiến”. Có lần cháu kể: Bạn con đều ghi giống nhau là “Ba em làm công an”, tôi hỏi lại là con có ghi giống bạn không, con trả lời là “Con phải ghi đúng nghề của ba chứ!”.
Tôi chưa bao giờ đòi hỏi con phải đạt điểm “gần như tuyệt đối”. Tôi chưa bao giờ đem điểm số của con đi khoe, vì tôi cũng hiểu tính tương đối của điểm số. Trong các bài thi, con tôi hiếm khi có điểm tuyệt đối ở các môn học, cháu thường dừng ở điểm 9. Tôi cũng hiểu rằng điểm 9 với một bài làm văn đã là “thực sự xuất sắc”, con mình chưa đến độ được gọi như thế, nhưng có lẽ (tôi nghĩ), xét trong tổng thể chung, cô giáo thấy cháu đáng được nhận điểm ấy. Và có lẽ một phần cô cũng cần duy trì tỷ lệ học sinh “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện” mà trong quá trình quản lý lớp, cô giáo đã biết rõ học sinh của mình.
Và do vậy, cho đến giờ, nếu theo cách xếp loại quy định, thì cháu cứ đều đều “Hoàn thành xuất sắc…” và được tặng phần thưởng, giấy khen. Thực trong tâm mình, tôi xem đó là một động viên của nhà trường với những gì cháu bỏ ra chứ không phải là thành quả đáng tự hào nhất thời tiểu học của con để có thể mang khoe.
Những ngày hè này, con chỉ có đi bơi, rủ mẹ cùng đánh cầu lông và tự ôn tập kiến thức lớp 5 mỗi buổi sáng và chiều khoảng 30 đến 45 phút. Con chuẩn bị vào lớp 6 chỉ như vậy. Còn lại thời gian là cháu chơi với em, giúp mẹ rửa rau, tự giặt quần áo mỗi khi tắm xong. Có lần con kể bạn con hỏi con có đi học thêm ở đâu không, con trả lời là “Có” rồi sau đó mới nói tiếp là học với mẹ, học miễn phí (con cười toe toét như đó là cách mình gây bất ngờ cho bạn vậy). Tôi xem đó chính là “thành quả” của mình.
Việt Phương
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Không học trước lớp 1, con tôi vẫn tự tin học tốt
Sau một năm học kiên trì với phương châm "không học trước", "không học thêm", tôi cũng đã có được được câu trả lời cho câu hỏi: Có nên cho con học trước lớp 1 không?
Ảnh minh họa
Mùa hè đến cũng là thời điểm nhiều phụ huynh băn khoăn với vấn đề tuyển sinh đầu cấp, nhất là bố mẹ có con sắp vào lớp 1. Câu chuyện học trước lớp 1, tìm lớp luyện chữ để các bé làm quen với cách học lớp 1 cũng đang nóng dần.
Bé nhà tôi sinh cuối tháng 12 nên khi đi học khá "non" so với các bạn cùng độ tuổi. Cho đến khi học xong mẫu giáo, con cũng chưa thuộc lòng được bảng chữ cái. Bố mẹ thấy con bé bỏng, ngây thơ nên cũng không đành lòng ép con học chữ trong khi nhiều bạn đã được bố mẹ cho đi học chữ từ lúc còn học mẫu giáo.
Nhớ lại mùa hè năm trước khi vào lớp 1, lúc ấy con tôi chưa thuộc các chữ cái, các con số nhớ lộn xộn, nét chữ thì quá xấu, hơn thế con còn rất lười học, cứ nói đến học lại kêu mệt, đau bụng... Ông bà, các cô, bác thấy thế sốt ruột giục giã: Mẹ nó tìm lớp ôn luyện ngay cho con chứ chẳng biết chữ nào thế này đến lúc đi học làm sao theo được các bạn.
Bố cháu vốn không ép con học hành cũng thay đổi suy nghĩ: Còn mấy tháng nữa là khai giảng năm học mới rồi, em cho con đi luyện chữ, học dần cho quen chứ "đuối" quá thì "đội sổ" à? Bản thân tôi cũng không khỏi lo lắng bởi rất nhiều bạn trong lớp mẫu giáo của con đều thuộc lòng bảng chữ cái và số đếm từ 1 đến 10, có bạn còn cộng trừ rất "siêu".
Song tôi nghĩ cho con đi học trước, luyện chữ không phải giải pháp tối ưu vì bố mẹ phải căn ke thời gian đưa đón rất vất vả còn con thì phải chịu áp lực sớm. Thay vì tìm lớp học thêm, hàng ngày tôi dành thời gian trò chuyện, khơi gợi cho con niềm đam mê học tập, yêu thích môi trường học ở tiểu học. Tôi hiểu rõ con vốn không có sự tập trung, cũng không thích học chữ nên việc dạy con phải rất từ từ theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", bắt đầu từ những việc nhỏ như cách ngồi bàn học, cách cầm bút. Khi bé cảm thấy việc đi học lớp 1 rất thú vị, có thể đọc sách báo, đọc chữ trên ti vi,... việc học chữ trở nên dễ dàng hơn, con có ý thức chăm học và nhớ bài tốt.
Trong khoảng 2 tháng trước thềm khai giảng, về cơ bản con cũng nhớ hết mặt chữ và những vần đơn giản, biết tính toán. Cũng phải thừa nhận trong quá trình đó không phải lúc nào việc học của hai mẹ con cũng êm đềm. Có lúc con mãi không nhớ được một vần mới học, hay học được vần này thì quên vần trước, nhìn chữ này lại đọc thành chữ khác... khiến mẹ bị "stress", không kiềm chế được nên con bị mắng tơi bời.
Khi con chính thức vào lớp 1, bé rất hào hứng, thích học vì thấy cái gì cũng mới mẻ, từ cách ngồi học, các loại sách vở, đến cách giảng bài của cô giáo, sinh hoạt bán trú... Qua vài buổi học, cô giáo đánh giá con vẫn chậm hơn các bạn trong lớp nhưng được cái thích học, chăm chú nghe giảng.
Tôi được biết nhiều bạn trong lớp con cũng ở tình trạng tương tự và nhiều mẹ tha thiết nhờ cô giáo kèm cặp thêm vì không đủ kiên nhẫn để dạy con học. Tôi cũng nghĩ nhờ cô giáo kèm con sẽ hiệu quả hơn vì cô có kinh nghiệm, nghiệp vụ sư phạm, hiểu tâm lý học sinh lớp 1 hơn. Song cô chủ nhiệm lại khuyên tôi tiếp tục kèm con học ở nhà, vì học một mẹ một con sẽ hiệu quả hơn là cô dạy một nhóm. Cô chỉ nhận kèm thêm cho những bạn chậm tiến bộ mà bố mẹ lại quá bận rộn, không có thời gian dạy con ở nhà.
Cứ như vậy, trong suốt một học kỳ đầu, tôi thường xuyên gặp gỡ cô giáo chủ nhiệm để biết con đã có tiến bộ gì và còn yếu ở đâu để kèm sâu hơn. Từ một cậu bé nhút nhát, chữ viết nguệch ngoạc, học vần chậm, đọc ngọng, con dần tiến bộ rõ rệt, đọc thông, viết thạo. Cuối học kỳ 1, cô giáo chủ nhiệm cho biết con dạo này tiến bộ hẳn, học tốt hơn và đã vươn lên tốp khá của lớp rồi. Cô cũng dành cho phụ huynh một lời khen: Mẹ kèm con tốt đấy!
Tổng kết năm học lớp 1 vừa rồi, điểm thi môn Toán và Tiếng Việt của con đều được 9. Mặc dù vẫn còn thấp hơn so với đa số các bạn trong lớp nhưng tôi cảm thấy vui vì đằng sau số điểm đó con đã trải qua một năm học thực sự vất vả với rất nhiều cố gắng của cả cô giáo, bố mẹ và chính con. Đáng kể hơn là con đã có một năm học khởi đầu thành công dù không vất vả ôn luyện, học trước lớp 1.
Như vậy, nếu các bố mẹ muốn con không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1, chỉ cần dành một ít thời gian mỗi ngày để cùng con làm quen với chữ cái, con số, giới thiệu để con làm quen với môi trường tiểu học thì các con sẽ dễ dàng bắt kịp chương trình. Việc tự kèm con học cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhất là con sẽ giữ được sự háo hức, tò mò đón chờ năm học mới và những cách học hoàn toàn mới khi vào lớp 1. Thế nên, các phụ huynh không cần thiết phải sốt ruột cho con học trước chương trình.
Đỗ Quyên
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Áp lực học tập: Người lớn đặt ra yêu cầu quá cao cho con trẻ Chúng ta không xa lạ gì với hình ảnh những đứa trẻ tiểu học gò lưng mỗi đêm bên bàn học để giải quyết bài tập về nhà sau một ngày miệt mài ở lớp. Chúng ta không ít lần giật mình với những "con gà công nghiệp" đeo kính cận dày cộp có bảng thành tích học tập đáng nể nhưng thiếu...