Bạn đọc viết: Hệ lụy của vấn nạn học thêm
Dạy thêm, học thêm nhuốm màu tiêu cực là đề tài bàn luận chưa bao giờ vơi sức nóng trên khắp các diễn đàn, hội nghị và trong những câu chuyện bên tách trà.
Ảnh minh họa
Có lẽ chẳng có nơi đâu học sinh phải học tập cực khổ như nước ta. Cái cặp của học sinh tiểu học nặng đến oằn vai đã được cân đo đong đếm nhiều lần nhưng đâu lại vào đó. Chương trình giảm tải ư? Áp lực học hành giảm sút ư? Hình như chỉ là một giấc mơ đầy hão huyền khi mà tình trạng học sinh tiểu học hết học cả ngày ở trường lại tiếp tục “cày” ở lớp học thêm, học kèm, học nhóm diễn ra.
Lên cấp hai, những tưởng các con sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng không, chuyển từ hình thức vừa học vừa chơi và đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích sang học thật, thi thật với hàng loạt bài kiểm tra nối tiếp nhau của hơn chục môn học cuốn các con vào vòng xoáy của thành tích, thi cử. Cứ thế, tuổi thơ các con trôi qua từ lúc nào và hành trang mang theo chỉ có mấy chữ “học”, “học” và “học”.
Một trong số những đối tượng cướp mất tuổi thơ của con trẻ chính là nạn học thêm tràn lan. Nó giờ như một cái “mốt” của xã hội hiện đại. Không cắp sách vở học thêm, trẻ như một hiện tượng cá biệt. Không cho con đến các lớp học thêm, bố mẹ như một hiện tượng lạ lẫm. Ngay đến nhiều ông bố bà mẹ có trình độ hẳn hoi, là giáo viên đúng chuyên ngành cũng “gửi” con cho cô giáo với nhiều bao biện, nào là cô dạy đúng phương pháp, nào là “bụt nhà mất thiêng”…
Thử hỏi một bài toán đơn giản đã làm trước ở nhà, liệu lên lớp con có còn hứng thú nghe cô giảng về phương pháp giải toán? Một bài văn đã “nhai” đi “nhai” lại ở lớp học thêm, liệu lên lớp con có còn chút nhiệt tình nào tìm hiểu? Mất hứng thú, hết tư duy, triệt tiêu tính sáng tạo, giáo dục đã thất bại ngay từ nguyên lý có tính nền tảng nhất!
Chúng ta không phủ nhận một thực tế tích cực từ việc dạy thêm, học thêm. Đó chính là cái nôi trui rèn, bổ trợ kiến thức, năng khiếu cho học sinh giỏi và yếu. Không ít phụ huynh nhờ các lớp dạy thêm “trông giữ” con khi bận công việc hoặc nhằm “lôi kéo” con ra khỏi các trò chơi điện tử, mạng xã hội mà gửi con vào lớp học thêm. Nhưng mặt tích cực thì hạn chế còn những tiêu cực nảy sinh lại nhiều vô vàn.
Video đang HOT
Trong số những phụ huynh vẫn một hai “nhờ cô kèm cặp thêm cho cháu” kia có không ít người mang ảo tưởng con mình sẽ giỏi hơn, uyên bác hơn sau khi “chiến đấu” với kiến thức ở lớp học thêm. Thậm chí có người còn tự huyễn hoặc mình rằng không học thêm sẽ bị cô “đì”, thôi đành mỗi tháng trích một khoản không nhỏ dành cho đứa lớn và đứa nhỏ học thêm.
Cả một xã hội lao vào học thêm chẳng khác gì thêm “sóng” đẩy “thuyển”. Dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn đầy nhức nhối. Bao nhiêu công văn nhắc nhở, chấn chỉnh vẫn chỉ như “muối bỏ biển”. Học thêm, dạy thêm vẫn tràn lan. Xã hội có cầu thì ắt có cung. Các lớp học thêm vẫn mở ào ào, công khai có, lén lút cũng có, và vô số lớp dạy thêm núp bóng các trung tâm gia sư.
Nếu dạy thêm đúng với bản chất của tinh thần tự nguyện thì chẳng có gì mà xã hội lên án. Chỉ có điều một bộ phận không nhỏ giáo viên đang dạy thêm ở thành thị thường sử dụng chiêu bài “gợi ý”, o ép và cả “đì” học sinh không đi học thêm. Chính nó mới gây ra bao hiện tượng trái tai gai mắt, tạo luồng dư luận xấu trong xã hội.
Theo quan điểm của tôi, muốn trị dứt nạn dạy thêm, học thêm, trước hết cần “chữa” căn bệnh thành tích, ảo tưởng của phụ huynh. Bao giờ phụ huynh hết mơ mộng viễn vông về thành tích nổi bật của con em cũng như thôi huyễn hoặc về chuyện cô “ép”, thầy “đì” thì mới chấm dứt cuộc đua học thêm.
Trả lại bản chất của dạy thêm, học thêm về đúng với hai chữ “tự nguyện”! Giáo viên không được dạy thêm trực tiếp học sinh đang đứng lớp. Nếu thầy cô nào vi phạm, ngành giáo dục cần mạnh tay xử lý bằng hình thức buộc thôi việc, cho vào đối tượng tinh giản biên chế. Tôi nghĩ nghiêm khắc như thế mới đủ sức răn đe!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Có cần thiết phải ép con thi vào trường điểm?
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng sẽ cho con học đúng tuyến vì thực lực của con không đủ để thi, quan trọng hơn là con không bị áp lực học hành dẫn đến mệt mỏi, sợ học. Sau rất nhiều lần cân nhắc, tôi cũng nhận ra việc cố ép con thi vào những trường chất lượng cao là không cần thiết.
Ảnh minh họa
Mùa hè năm nay, con trai tôi không tỏ ra hào hứng đón đợi như mọi năm. Thay vào đó là những băn khoăn khi chuẩn bị bước vào một môi trường học tập mới bởi năm học cuối cấp tiểu học sắp kết thúc.
Một đứa trẻ lớp 5 có lẽ chưa biết lo lắng nhiều cho việc học tập của mình, bởi thành thật mà nói nhiều khi tôi vẫn phải nhắc con học bài môn này, ôn bài môn kia. Khái niệm tốt nghiệp, ra trường, nhập học trường mới với con còn khá mơ hồ, khiến con nhiều lúc thể hiện sự lo lắng. Đó là khi con hỏi: Mẹ ơi, sang năm con học trường nào? Học lớp 6 có giống như học ở trường cũ nữa không? Các bạn bảo phải thi được điểm cao mới được vào lớp 6, nếu con không thi được thì sao? Học lớp 6 có dễ như tiểu học nữa không?...
Theo con kể thì ở lớp các bạn thường nói chuyện với nhau về việc sang năm sẽ học trường nào. Một số bạn khoe sẽ thi vào trường chuyên, trường điểm là những trường nổi tiếng toàn học sinh giỏi. Có lẽ vì nhận thấy mình không học giỏi bằng các bạn, không đủ tự tin thi đỗ vào những trường chất lượng cao nên con tôi có vẻ buồn.
Trước những thắc mắc của con, tôi đều giải thích cụ thể và dễ hiểu để con không cảm thấy "choáng ngợp" khi rời xa mái trường tiểu học đã gắn bó suốt 5 năm. Song vấn đề học trường nào và chọn "trường điểm" hay "trường làng" là khó giải quyết nhất.
Năm nay ngành giáo dục Hà Nội có sự đổi mới trong phương thức tuyển sinh lớp 6 vào các trường chuyên, chất lượng cao song song với việc duy trì hình thức xét tuyển theo đúng tuyến cho học sinh. Khi một cánh cửa mở ra cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều hy vọng mới xuất hiện. Con được học tập ở những môi trường chất lượng cao, những cái nôi bồi dưỡng học sinh giỏi luôn là nỗi niềm mong mỏi chung của các phụ huynh. Trên địa bàn gia đình tôi sống có tới hai ngôi trường cấp 2 chất lượng cao, lại rất gần nhà nên nói thật tôi rất muốn con được học ở những trường này.
Khi biết một số trường chất lượng cao sẽ tổ chức thi để tuyển sinh học sinh, tôi đã động viên con cố gắng học bài, mua thêm sách vở để con làm bài tập thật nhiều. Lúc đầu con cũng hào hứng và tỏ ra nhiệt tình với việc ôn luyện, làm bài tập nâng cao. Nhưng sau khi mẹ cho làm thử mấy đề thi tuyển sinh vào lớp 6 của các trường điểm thì con tỏ ra đuối sức: "Nhiều bài khó quá, con chưa làm bao giờ nên không biết giải thế nào"; "Ôi, thi vào lớp 6 mà khó thế này thì sao con làm được"...
Bản thân tôi cũng nhận thấy nếu không theo học một khóa ôn luyện bài bản và được giáo viên hướng dẫn thì con sẽ không đủ kiến thức và kỹ năng để xử lý những bài tập nâng cao, hay dạng bài thi đánh giá năng lực tổng hợp mà các trường áp dụng. Bởi mặc dù kết quả học tập trên lớp của con là khá tốt, đều đạt điểm 9, 10 các môn nhưng đó chỉ là kết quả đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đại trà. Bây giờ học sinh tiểu học đạt điểm 9, 10 các môn học là chuyện hết sức bình thường. Ở lớp, con rất ít khi phải làm những bài tập khó, các dạng toán nâng cao.
Một số bạn bè của tôi biết cháu sắp vào lớp 6 cũng hỏi han tình hình thi cử, chọn trường lớp thế nào. Có cô bạn khuyên kiểu gì cũng phải cố cho con vào học trường điểm thì môi trường học mới tốt, học cấp 2 là quan trọng, có học giỏi thì mới thi được vào lớp 10 rồi đại học được. Nếu cảm thấy con học chưa tốt thì tìm lớp học thêm, luyện thi ngay cho kịp...
Tuần trước, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, tôi thấy nhiều phụ huynh cũng trao đổi với nhau về vấn đề này. Ai cũng muốn hỏi con chị, con em định học đúng tuyến hay thi vào trường điểm? Học trường đúng tuyến không biết chất lượng thế nào nhỉ? Muốn thi vào trường điểm thì ôn thi ở đâu?/ Con nhà chị đã đi ôn thi ở đâu chưa?... Có người lại tiếc vì thông báo thi tuyển sinh muộn quá nên không kịp cho con học thêm, ôn thi.
Nói chung vấn đề chọn cho con một ngôi trường cấp 2 như ý để sau này không "ân hận" khiến chúng tôi khá căng thẳng. Song nhiều phụ huynh chia sẻ rằng sẽ cho con học đúng tuyến vì thực lực của con không đủ để thi, quan trọng hơn là con không bị áp lực học hành dẫn đến mệt mỏi, sợ học.
Sau rất nhiều lần cân nhắc, đánh giá sức học của con và tìm hiểu môi trường học tập ở những trường điểm, tôi cũng nhận ra việc cố ép con thi vào những trường chất lượng cao là không cần thiết. Bởi việc thi được vào đã khó nhưng quá trình học tập sẽ còn khó hơn, áp lực hơn rất nhiều. Thay vì nhìn con ngồi thẫn thờ, vất vả tìm cách giải cho xong những bài toán nâng cao, tốt hơn là chúng ta trao cho con sự tự tin, niềm hứng khởi để bước vào môi trường học tập mới. Dù học "trường làng" nhưng nếu con có sự tự tin khi được là chính mình, và được cha mẹ chia sẻ, thấu hiểu thì chắc chắn mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Đỗ Quyên
Theo Dân trí
Điểm 9, điểm 10 ở đâu ra mà nhiều kinh khủng? Học sinh than chương trình nặng quá, nhiều môn, nhiều bài quá, khó nhớ quá, học ngán quá, nhưng sao có nhiều điểm 9, điểm 10 vậy? Học sinh ra về sau khi học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG Cứ đến giữa tháng 5, đâu đâu cũng nghe nói về chuyện "học sinh giỏi",...