Bạn đọc viết: “Hè là gì hở cô?”
“Hè là gì hở cô?” – đó là câu hỏi trăn trở của cậu nhóc lớp 8 mà tôi đang làm gia sư. Theo con từ năm lớp 3 đến bây giờ, cô và trò như người thân, người bạn có thể chuyện trò đủ điều. Và lần đầu tiên tôi nghe cậu bé hỏi một cách ngậm ngùi, chán chường, giễu cợt như thế.
Ảnh minh họa
Chuyện là mấy hôm nay con phải tăng tốc ôn luyện các môn để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi cuối năm sắp diễn ra. Lịch học tăng buổi, buổi học tăng giờ, bài tập nhiều hơn, thời gian nghỉ giữa buổi bị cắt xén… đã khiến con mệt nhoài với chuyện học, chuyện thi. Mà đâu phải chỉ mỗi môn Ngữ văn phải “tăng tốc”, tất cả các môn học đều phải chạy theo guồng quay – học và thi.
“Cố gắng lên con!”, “Thi xong con sẽ thoải mái nghỉ ngơi”, “Hè sắp đến rồi, tha hồ ngủ nghỉ”, “Hè này con sẽ được đi chơi thả ga”… là những câu từ cực kỳ quen thuộc, quen đến nhàm chán mà tôi – một cô giáo dạy kèm nhận tiền học phí từ bố mẹ cháu và cam kết đảm bảo chất lượng – thường xuyên nói với học trò của mình mỗi kỳ thi để động viên con trẻ, động viên chính mình vượt qua áp lực điểm số.
Nói mãi thành quen, dỗ mãi thành nếp, câu từ cứ vậy tuôn ra bên tai cậu học trò đang cắm cúi luyện viết đoạn văn. Và lần đầu tiên con đáp trả cô giáo nhỏ nhẹ mà sâu cay: “Hè là gì hở cô?”.
Hè là gì ư? Là mùa rực nắng hạ tô thắm màu hoa phượng vĩ, mùa ve sầu ngân nga bản hòa ca gọi nắng, mùa lớp học đóng cửa im ỉm, chỉ có sân trường vẫn rộn vang tiếng bọn trẻ hò reo sút bóng…
Hè mà, ngủ muộn thêm một tí, lười dậy sớm hơn một tẹo. Thảnh thơi phụ mẹ nhặt mớ rau, bắc thêm ấm nước, rửa chậu bát bẩn. Nhiều bạn trẻ hồi ấy còn tận dụng hè để làm thêm việc này việc nọ kiếm tiền mua sắm sách vở cho năm học mới, rất ý thức, cực kỳ trách nhiệm…
Video đang HOT
Nhắc đến hè, lũ trẻ con mê tít, tạm buông sách vở, líu ríu gọi nhau đi chơi banh chuyền, đuổi bắt, thả diều suốt ngày. Nguồn năng lượng tích cực được tích lũy, tái tạo vừa đủ để khi tiếng trống trường gõ nhịp sẽ nuối tiếc rời hè, háo hức bước vào ngày khai trường…
Mùa hè của thế hệ 8X chúng tôi đó. Ăm ắp kỷ niệm tuổi thơ. Hồn nhiên đến vô ngần. Nhưng dường như mùa hè ấy giờ hóa thành hồi ức của quá khứ khi tôi ngày càng chứng kiến nhiều hơn cảnh bọn trẻ quanh mình quay cuồng với “học kỳ 3″ trong hè.
Rục rịch thi cử, chưa kịp đón hè thì những tờ giấy quảng cáo các lớp học thêm, lò luyện đã đưa đến tay phụ huynh để chào mời. Học văn hóa, học năng khiếu, luyện thi chuyển cấp… cứ thế đeo mang tâm trí phụ huynh, biến thành lời hối thúc, lời nhắc nhở việc học, học và học.
Thi cử xong các con sẽ được “xả hơi” ư? Chỉ một hai buổi rồi lại quay vào nếp học ôn tập kiến thức toàn bộ chương trình, làm bài tập nâng cao để rồi khi kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu cũng là lúc các con chính thức bước vào chương trình mới, guồng quay mới.
Áp lực học hành trong chín tháng vừa qua chưa kịp vơi, lại tiếp tục đối diện với khối lượng kiến thức mới của việc “học trước chương trình”. Như một cỗ xe hoạt động liên tục không bao giờ ngơi nghỉ, thử hỏi bọn trẻ tìm đâu ra niềm vui trong học tập?
“Hè là gì hở cô?” – Khi con trẻ thốt ra câu hỏi ấy, hẳn là con đã mường tượng được câu trả lời về viễn cảnh mùa hè lại tiếp tục trôi qua trong áp lực học hành của mình. Sang năm lên lớp 9, đứng trước ngưỡng cửa thi tuyển sinh đầu cấp, chắc chắn áp lực học hành của con chỉ có thể ngày càng tăng thêm, làm sao dám mơ đến việc giảm áp lực học thêm.
Vậy là có một đứa trẻ không hề háo hức mong hè đến, bởi định nghĩa nghỉ hè của con là chuyển địa điểm học ở trường sang các lớp học thêm.
Có một đứa trẻ mãi mãi chẳng biết niềm vui ngẩng cổ dưới tán lá tìm bóng ve, mỏi mắt dõi theo cánh diều trên bầu trời lộng gió…
Có một đứa trẻ bị “cầm chân” trong các lớp học hè, mặc cho bên ngoài nắng vẫn rực rỡ, phượng vẫn thắm đỏ, ve vẫn ra rả gọi hè…
Có một đứa trẻ được bố mẹ tặng một “quả bom bọc đường” chỉ biết học, mọi thứ còn lại để bố mẹ lo lắng chu toàn…
Có một đứa trẻ “không bao giờ lớn” bởi không được chú trọng trui rèn về ý thức trách nhiệm, thái độ sống sẻ chia với người thân, kỹ năng tự chăm sóc bản thân…
Và đâu chỉ có riêng cậu học trò của tôi cắc cớ hỏi “Hè là gì hở cô?”…
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Gia sư - cơ hội việc làm cho sinh viên
Ra tết, nhu cầu gia sư khá cao khi học sinh bắt đầu vô học kỳ hai, chuẩn bị cho các kỳ thi lớn vào cuối năm. Trước đây, công việc gia sư thường chủ yếu dành cho sinh viên sư phạm, bách khoa, khoa học - xã hội - nhân văn... nhưng với nhu cầu gia sư tăng lên như hiện nay, nghề gia sư đã trở thành cơ hội việc làm cho sinh viên nhiều trường cao đẳng, đại học.
Sinh viên từ chương trình "Gia sư áo xanh" dạy học trẻ em là con em công nhân Khu Công nghiệp Tân Bình
Làm gia sư là công việc không chiếm nhiều thời gian của sinh viên, ít trùng với lịch học ở trường và giúp tạo một nguồn thu nhập hỗ trợ thêm. Hoàng Long (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính), sau một năm làm gia sư, đã không cần sự hỗ trợ của gia đình. Hiện tại Long đang có 2 lớp gia sư kèm học sinh hai buổi/tuần, thu nhập 1,2 triệu đồng/lớp và làm trợ giảng tại một lớp dạy thêm, thu nhập 150.000 đồng/buổi.
Long chia sẻ thêm: "Lúc đầu tôi nghĩ mình không thích hợp với công việc gia sư vì không học chuyên ngành sư phạm và cũng chưa từng có kinh nghiệm hướng dẫn người khác học. Nhưng sau khi thử sức, tôi thấy khá ổn, mỗi buổi học, tôi chỉ cần giúp các em hiểu thêm và mở rộng kiến thức đã học trên lớp, dò bài và ôn tập, giáo án thì nhà trường đã có riêng nên cũng không cần phải chuẩn bị nhiều".
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM, cho biết: "Hiện nay yêu cầu của phụ huynh đối với việc tuyển gia sư cũng thoáng hơn trước, đa số phụ huynh quan tâm đến chất lượng và ứng xử chứ không yêu cầu phải là sinh viên trường sư phạm hay những trường nổi tiếng. Với công việc làm gia sư, trung tâm hỗ trợ khảo sát về gia đình có nhu cầu tuyển gia sư để đảm bảo an toàn cho các bạn sinh viên, cũng như theo dõi và nhận phản hồi để trao đổi với sinh viên nâng cao chất lượng dạy học". Ngoài ra, trung tâm đang thực hiện chương trình "Gia sư áo xanh" dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là con em công nhân làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp. Chương trình gồm sinh viên các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn TPHCM, đến dạy và ôn tập cho các em miễn phí trong kỳ nghỉ hè.
Quỳnh Hương (sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm TPHCM), làm gia sư cho học sinh tiểu học thông qua sự giới thiệu của trung tâm. Hương chia sẻ, nhờ công việc này mà đã cảm thấy có động lực hơn trong ngành học của mình: "Tôi quyết định thử làm gia sư xem mình có phù hợp với nghề sư phạm không. Tuy cũng có những lúc buồn bực vì trẻ con thường hiếu động không nghe lời nhưng chỉ cần kiên nhẫn là sẽ quen dần. Lâu dần cô trò cũng mến nhau, hiểu nhau hơn nên phụ huynh đề nghị tôi tiếp tục làm gia sư khi em lên cấp hai".
Ngoài Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM, các trung tâm gia sư cũng đang được nhiều phụ huynh và sinh viên tìm đến với chi phí trung gian khoảng từ 30% - 40% học phí. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu gia sư tại các trung tâm cao hơn nên thị trường tuyển gia sư cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn, tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho sinh viên. Với bảng giá hiện nay tại các trung tâm, việc thuê gia sư là sinh viên sẽ chỉ mất phân nửa chi phí so với giáo viên nên rất được phụ huynh ưu tiên lựa chọn. Một cách khác để làm và tuyển gia sư là đăng thông tin lên các trang, hội nhóm gia sư trên mạng xã hội, nhưng cách này không hiệu quả vì thông tin tìm việc của sinh viên thường ít được phụ huynh quan tâm.
Các bậc phụ huynh đang ngày càng đầu tư vào việc học của con mình và nhiều gia đình tìm đến các gia sư là sinh viên. Đây là công việc có thời gian làm linh động, thu nhập ổn định. Ngoài ra, sinh viên còn có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp, hiểu biết thêm những kiến thức mới và có những trải nghiệm quý giá khi đang ngồi trên ghế giảng đường.
LÊ DUY
Theo sggp
Phụ huynh TP Vinh chạy đua với thời gian vì trường đổi thời khóa biểu Bắt đầu từ tuần này, hàng nghìn học sinh khối lớp 1,2 trên địa bàn thành phố Vinh sẽ học theo thời khóa biểu mới. Tuy nhiên, đây lại là một khó khăn cho phụ huynh khi rất khó bố trí giờ để đưa đón học sinh. Khó cho phụ huynh Trước kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương, đồng loạt các trường...