Bạn đọc viết: Hãy trả lại niềm vui thích học tập cho trẻ
Năm nay, con tôi lên lớp 6. Ngày đầu tiên đi tập trung ở trường mới với bao nhiêu háo hức, đợi chờ. Buổi sáng con dậy thật sớm không cần đặt chuông báo thức hay ai thúc gọi. Đánh răng, rửa mặt, ăn sáng thật nhanh, quần áo chỉnh tề ngồi đợi bố đưa đi, thái độ khác hẳn mọi ngày.
Nhưng thật không may, hôm đó lại trúng đợt mưa bão, đường ngập, xe cộ không đi lại được nên hai bố con đành phải quay về. Thấy con ướt lướt thướt trong mưa, tôi chép miệng: “ Hiếu học quá, mưa bão thế này ai đến tập trung mà đi cho khổ!”. Nói vậy và trong lòng tôi cũng nghĩ đúng như vậy.
Hai ngày sau trời quang mây tạnh, hai bố con lại vội vã đến trường để xem lịch tập trung dịch chuyển vào hôm nào nhưng không thấy thông báo mới. Hóa ra vào cái ngày mưa gió như trút đó vẫn có cả trăm học sinh tề tựu đến trường, vì thế lịch tập trung cũ không cần hủy. Nghe bác bảo vệ kể là các con đến sớm lắm, lúc ấy đường chưa ngập sâu nên vẫn đi được. Tôi thực ngạc nhiên hết sức. Cứ tưởng chỉ mỗi con nhà mình là hăm hở quá mức, ai ngờ tất cả đều vậy và hơn vậy. Thế mới biết tinh thần hiếu học của bọn trẻ. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, bất chấp đường sá đi lại khó khăn, ai cũng háo hức được đến trường.
(Ảnh minh họa: Trung Thi)
Dịp nghỉ hè vừa qua, tôi cũng có cơ hội quan sát một số đứa trẻ đi học thêm, thấy chúng rất vui vẻ, thoải mái mặc dù năm học vừa mới kết thúc chưa được bao lâu. Bố mẹ không cần bắt buộc gì cả, cũng chẳng phải tại thầy cô gây sức ép phải học thêm. Đơn giản chỉ là các bé thấy việc học cũng bình thường như cơm ăn nước uống hàng ngày, cứ đến giờ là tự giác lấy cặp xách đi, đang chơi vui cũng sẵn sàng dừng lại. Có lẽ do lịch học thêm thông thoáng, về nhà vẫn có nhiều thời gian chơi nên chúng mới không cảm thấy áp lực như trong năm.
Thực ra, bản chất của trẻ con là rất thích học, thích khám phá cái mới lạ, vừa với sức của mình. Theo dõi quá trình lớn lên của một đứa trẻ ta sẽ thấy rõ điều này. Ngay từ lúc bé xíu, chúng đã bắt đầu tìm hiểu mọi vật xung quanh bằng cách nghe, nhìn, chạm rồi nếm thử. Đến khi đủ lớn tức là lúc 6 tuổi thì ước muốn tới trường để học tập bằng tuệ giác gần như là một nhu cầu rất tự nhiên mà người lớn không cần tác động nhiều.
Video đang HOT
Ngoài động cơ bên trong đó, trẻ còn chịu sự chi phối của những nhân tố bên ngoài như gia đình, nhà trường, xã hội. Từ khi sinh ra đến lúc lớn lên, đứa trẻ nào chẳng thuộc nằm lòng những câu nói thông thường như “học tốt để cha mẹ vui lòng”, “phải chịu khó ăn học thì mới nên người”, “học không bao giờ là thừa”… Với nền giáo dục khoa bảng của nước ta thì việc học lại càng có sức nặng ghê gớm, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn của con trẻ. Ngay cả với một học sinh lười học ham chơi nhất thì trong sâu thẳm nhận thức, nó vẫn hiểu rằng mình đang đi sai đường.
Thực sự, không cần chứng minh nhiều cũng dễ dàng nhận thấy trẻ đa phần là thích học và mong muốn được tiếp cận với những cơ hội học tập khi có thể.
Vậy điều gì đã khiến một đứa trẻ càng lớn càng rơi vào tình trạng chán nản mệt mỏi với việc học? Khi ánh mắt các em không còn sáng lên sự ham thích khát khao được biết nhiều hơn nữa. Trí não của các em không còn tha thiết với việc giải thích những câu hỏi tại sao, như thế nào để chinh phục tri thức nữa. Và đỉnh điểm cuối cùng là bọn trẻ thấy sợ học, ghét học, coi nó là nhiệm vụ nặng nề, muốn được giải thoát bất cứ lúc nào? Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi ấy chỉ có thể là: bị ép học quá mức, tần suất học, lượng kiến thức phải học vượt quá xa ngưỡng giới hạn mà các em có thể tiếp thu.
Một mùa tựu trường nữa lại đang đến. Nhìn những gương mặt hớn hở, háo hức vào năm học mới của các em hôm nay sẽ thấy thật buồn thật tiếc nếu người lớn khiến chúng bị uể oải, đờ đẫn vào ngày mai. Vì thế, thiết tha, mong mỏi thầy cô và phụ huynh hiểu rằng các em không phải là người máy chỉ biết mỗi học mà thôi, các em cũng không phải là cái ổ cứng trên bàn tính để muốn nhồi bao nhiêu dữ liệu thì nhồi. Hãy tôn trọng ước muốn học tập vừa sức của các em để niềm ham thích học hành thuở ban đầu được nuôi dưỡng dài lâu, mãi mãi.
Hà Đông
Theo Dân trí
BẠN ĐỌC VIẾT: Tại sao phụ huynh chỉ thích lớp chọn?
Chiều qua, cô bạn gái của tôi gọi điện than thở nỗi buồn vì con vừa trượt lớp tiếng Anh thí điểm lớp 6. Bạn đang lo sợ con học lớp đại trà thì sau này không có tương lai. Suốt những ngày hè bạn đã từng mất ăn, mất ngủ vì lo cho con. Giờ bạn chưa biết tính sao với "cô con gái rượu" này.
Ảnh minh họa
Bạn tôi có hai cô con gái rất dễ thương. Cả hai đứa đều chăm ngoan và học giỏi. Chúng tôi thường bảo bạn có phước vì có hai cục vàng. Cô chị năm ngoái đã đậu vào lớp chuyên Anh với số điểm khá cao.
Năm nay cô út bước vào cấp 2 một trường điểm của thành phố. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 6 phụ huynh được thông báo các con sẽ thi tiếng Anh thí điểm trong hè. Để vào được lớp này, các em sẽ trải qua một cuộc thi khảo sát năng lực ngôn ngữ tiếng Anh rất gắt gao. Đây còn được coi là lớp mũi nhọn của khối vì tập hợp tất cả học sinh giỏi vào đó. Vì vậy ngay từ khi nghỉ hè hai vợ chồng bạn đã thay phiên nhau để chở con đi học thêm. Nào là học ở nhà riêng của giáo viên, luyện nghe ở trung tâm. Chưa kể học thêm các môn học khác.
Ngày nào hai vợ chồng bạn cũng nhắc nhở con ráng học bài để thi đậu lớp đó. Cô bé luôn chịu áp lực nặng nề từ ba và mẹ. Có lẽ vì sợ quá nên cháu làm bài không tốt. Kết quả là cháu không vào được lớp tiếng Anh thí điểm của trường. Cháu buộc phải học ở lớp đại trà như bạn bè.
Cũng vì đặt quá nhiều kì vọng vào con nên bạn sốc thật sự. Bạn không ngừng trách con gái lười học nên mới thế. Rồi bạn lại lo lắng cho tương lai của con gái. Rằng học lớp đại trà thì sao mà giỏi được. Các học sinh toàn học dở thì làm gì có ý chí phấn đấu. Gần mực thì đen mà.
Sau khi nghe bạn trút bầu tâm sự, tôi đã khuyên bạn nên bình tĩnh. Trong thi cử thắng thua là chuyện thường. Con không học ở lớp đó cũng chẳng sao. Nhiều em học đại trà vẫn rất giỏi đó thôi. Quan trọng là con phải có ý chí và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập. Giờ con mới chỉ lớp 6 thôi mà. Phía trước của con còn rất nhiều cơ hội. Cứ vui vẻ động viên cháu cố gắng học hành. Việc gì phải cứ phải tạo áp lực cho con rồi tự làm khổ cả mình nữa.
Tâm trạng của bạn tôi có lẽ là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh bây giờ. Họ luôn mong con cái mình được học ở những trường có bề dày thành tích. Ngoài ra chúng phải được nằm trong lớp chọn mới yên tâm. Họ luôn quan điểm lớp chọn toàn học sinh giỏi nên con sẽ cố gắng cạnh tranh mà phấn đấu vươn lên. Nề nếp các lớp này cũng tốt hơn. Chưa kể nhiều phụ huynh cho rằng lớp chọn thì thầy cô giảng dạy đều có chuyên môn vững. Nói chung là học lớp chọn thuận lợi đủ đường. Vì thế mà phụ huynh nào chẳng mong muốn con vào được đó.
Thực ra học ở lớp chọn không phải có tất cả ưu điểm. Nhiều em đã gặp không ít áp lực khi học ở các lớp này. Có em học đuối không theo kịp bị bạn bè chế giễu rất dễ dẫn đến tự kỉ. Rồi chưa kể những học sinh lớp chọn suốt ngày phải học thêm để theo kịp bạn bè. Các em không còn thời gian vui chơi, tham gia các phong trào của lớp, trường. Dường như lúc nào các em cũng phải lo điểm số. Học ở lớp chọn thì không được học dốt. Tôi đã từng chứng kiến một phụ huynh đã xin ban giám hiệu bằng được cho con vào lớp chọn. Thế nhưng chỉ một năm sau thì lại đến trường năn nỉ xin ra vì cháu theo không kịp chương trình. Cuối cùng cháu lại chuyển về lớp cũ.
Bản thân tôi là một giáo viên cũng có con đi học. Thế nhưng chưa bao giờ tôi phải vất vả lo lắng cho con trong các kì thi. Hai đứa con tôi chỉ học trường làng. Mà các trường này vốn không có lớp nguồn. Vì thế các con cũng không phải vất vả thi tuyển. Các con rất vô tư, hồn nhiên. Hàng ngày ngoài giờ học con được tham gia rất nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Nào là học bơi, đá bóng rồi học bắt cá, học làm nông dân... Nhìn các con lúc nào cũng vui vẻ tôi vô cùng hạnh phúc.
Trong học tập, tôi luôn động viên con cố gắng chứ không tạo áp lực cho con. Tôi luôn muốn con học hành đúng với thực lực của mình. Nhiều người thường bảo tôi không biết lo lắng cho tương lai của con. Rằng học trường tốt mới mong học tốt. Thế nhưng tôi vẫn giữ đúng quan điểm của mình. Hai đứa con tôi học trường gần nhà đúng tuyến quy định. Các con không phải chạy xô để học thêm như chúng bạn. Với tôi, con vui vẻ, thoải mái là hạnh phúc lắm rồi.
Một năm học mới lại sắp về. Cuộc chạy đua vào lớp chọn đang diễn ra rất gay go, ác liệt. Nhiều phụ huynh chỉ mong con vào được lớp đó. Họ không yên tâm khi con học lớp đại trà. Vì thế mà mọi áp lực lại đổ dồn lên đầu những đứa trẻ. Các em phải học ngày, học đêm để thi đậu. Khi không đạt ước nguyện, phụ huynh lại chì chiết, mắng nhiếc con không tiếc lời.
Cuối cùng thì cả học sinh lẫn phụ huynh đều khổ vì cuộc đua lớp chọn, lớp nguồn là thế đấy.
Loát Trần
Theo Dân trí
Bối rối trước đề xuất nghỉ học ngày thứ bảy Thông tin đề xuất sửa luật giáo dục và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cần cân nhắc đưa quy định không tổ chức dạy học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Cả học sinh và giáo viên đều mong muốn không học vào thứ bảy -...