Bạn đọc viết: Hãy định hướng để con trẻ phản biện!
Tư duy thời đại và triết lý giáo dục biến chuyển theo hướng khuyến khích người học phát huy năng lực cá nhân, khuyến khích học sinh phản biện.
Hòa mình vào xu thế mới, mỗi người thầy buộc phải thay đổi chính mình trước ánh mắt phân vân, cái nhìn hoài nghi, suy nghĩ trăn trở và câu nói chất vấn của trò…
Ảnh minh họa
Đọc bài viết “Học sinh Việt Nam sợ bị hỏi và lười phản biện” của nhà báo Lan Phương cùng trao đổi “Làm thế nào để tăng cường tư duy phản biện cho giới trẻ?” của bạn đọc Thùy Mai, tôi bất chợt nhớ về những thế hệ học trò của mình.
Niềm vui mỗi ngày của người giáo viên đứng lớp có lẽ là những giây phút cô trò hăng say, tập trung khám phá kiến thức mới hay hình thành một kỹ năng. Để có những tiết học sôi động, người thầy phải đầu tư nhiều cho khâu xây dựng kế hoạch dạy học và thiết kế các hoạt động học tập của học sinh.
Tuy nhiên, trang giáo án của thầy cô chẳng bao giờ có thể dự đoán được những tình huống sư phạm xảy ra trong tiết học. Những thắc mắc, phát vấn của học trò không ít lần làm thầy cô phải chững lại vài giây, thậm chí là “đứng hình”.
Mới đây thôi, trong hội giảng cuối năm chào mừng các ngày lễ lớn, chúng tôi đã tham dự một tiết dự giờ môn lịch sử ở lớp 7. Cô giáo say sưa giảng bài, ghi bảng còn giáo viên dự giờ ngồi kín mít hàng ghế cuối lớp. Bỗng nhiên, một cánh tay giơ lên xin được ý kiến dù cô giáo không hề đặt câu hỏi.
Bao nhiêu ánh mắt lúc ấy đều tập trung nhìn về cậu bé lớp phó học tập. Con chững chạc đứng lên, nói rành mạch: “Thưa cô, cô ghi sai năm diễn ra trận đánh”. Cô giáo hơi đỏ mặt, luống cuống lật lại trang sách sử và xin lỗi cả lớp vì thông tin chưa chính xác trên bảng.
Những tiếng xầm xì bắt đầu nổi lên. Mấy học sinh bên cạnh to nhỏ, đại ý là cô giáo đang dạy dự giờ, đừng “vạch lỗi” vậy mà tội cô. Giáo viên dự giờ cạnh tôi cũng có ý không hài lòng bởi có nhiều cách “nhắc khéo” cô chứ không thể “huỵch toẹt” ngay giữa đám đông như thế. Nhìn cậu bé học giỏi, năng động, tự tin đi ngược đám đông ấy, tôi bỗng thấy thương con vô cùng.
Tâm hồn con trẻ trong sáng, ngây thơ lắm. Chẳng như chúng ta, cảm xúc đôi khi bị chai sạn mất rồi. Tư duy của các con nhanh nhạy, sáng tạo lắm, chẳng bị gò bó vào những khuôn khổ vô hình hay hay bị quẩn quanh chuyện cơm áo gạo tiền. Và với tâm hồn, tư duy cùng trí tưởng tượng phong phú, các con phản biện là điều tất nhiên.
Video đang HOT
Trong thực tế, không phải người giáo viên nào cũng sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng cùng học sinh đào sâu kiến thức, giải quyết những thắc mắc, nghi vấn và chấp nhận sự phản biện của con trẻ.
Cách đây hai chục năm về trước, thế hệ 8X chúng tôi đến trường với tâm thế cực kỳ bị động. Chúng tôi học tập, cũng phát biểu xây dựng bài, cũng được mời trình bày ý kiến nhưng dường như mọi hoạt động cá nhân đều được bó khuôn trong quy chuẩn: Thầy cô luôn luôn đúng, học sinh tiếp thu tri thức theo lối truyền thụ một chiều và cực kỳ xa lạ với tư duy phản biện.
Giờ mọi thứ đã khác, tư duy thời đại cùng triết lý giáo dục biến chuyển theo hướng khuyến khích người học phát huy năng lực cá nhân, khuyến khích học sinh tư duy phản biện. Và hòa mình vào xu thế mới, mỗi người thầy buộc phải thay đổi chính mình trước ánh mắt phân vân, cái nhìn hoài nghi, suy nghĩ trăn trở và câu nói chất vấn của trò.
Đầu tiên, chúng ta cần khẳng định: Trò tư duy phản biện là điều đáng mừng. Điều đó có nghĩa là các con đang học tập có sự tập trung chú ý. Chứ không phải người ngồi trong lớp học mà tâm hồn vẩn vơ tận đâu đâu. Mừng vì các con thật sự sáng ý, sáng dạ để có thể tư duy và phản biện. Và mừng vì con trẻ đã mạnh dạn nêu lên suy nghĩ, thắc mắc của mình để thầy cô có cơ hội giải đáp, uốn nắn và định hướng chân – thiện – mĩ.
Một điều chúng ta phải thừa nhận là trong cuộc sống hiện đại này, việc dạy dỗ, uốn nắn con trẻ thật khó. Các thế hệ 8X, 9X trở về trước có vẻ thuần hơn rất nhiều. Sự phản kháng của các con cũng nhẹ nhàng hơn. Còn bây giờ, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cùng sự tiếp thu nhiều luồng thông tin một cách thiếu định hướng khiến tư duy phản biện của các con trở thành một nỗi lo của chúng ta.
Thực trạng học sinh lên mạng xã hội nói xấu thầy cô, nói xấu bố mẹ hay bình luận tiêu cực về các vấn đề đạo lí, nhân cách là điều không hiếm gặp. Sự thiếu hụt kĩ năng sống cùng với sự cổ xúy các đám đông khiến cái “tôi” của con trẻ bỗng lớn hơn và muốn thể hiện mình nhiều hơn. Chẳng suy nghĩ, chẳng đắn đo, các con thoải mái tư duy phản biện và mạng xã hội giúp lan truyền những thông điệp không đẹp đó thật nhanh.
Vấn đề cấp thiết lúc này chính là vai trò định hướng của thầy cô về thái độ phản biện của học sinh. Nếu bọn trẻ phản biện mang tính tích cực theo hướng xây dựng, học hỏi, chúng ta nên động viên, khuyến khích. Nhưng cũng có lúc chúng ta bắt gặp một thái độ phản biện rất tiêu cực theo hướng phủ định, bác bỏ và khăng khăng bảo vệ quan điểm ý kiến của mình.
Điều này không chỉ xảy ra trong học tập mà cả trong cuộc sống. Bố mẹ nhiều lúc bất lực với chính con cái của mình. Từ thảo luận chuyển sang tranh luận rồi tranh cãi gay gắt. Mâu thuẫn đôi khi kết thúc với sự ấm ức của con trẻ và sự tức giận của bố mẹ, thầy cô. Và khoảng cách giữa bố mẹ – con cái, thầy cô – học trò ngày càng xa nhau hơn.
Vì vậy, trước khi khuyến khích trẻ tư duy phản biện, phải chăng chúng ta cần phải định hướng về ý thức, định hướng thái độ, định hướng hành động cho con trẻ? Mọi định hướng đúng đắn đều thể hiện ngay trong nếp nghĩ, nếp sinh hoạt và cách ứng xử của chúng ta với các con.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
GS Hồ Ngọc Đại nói gì về việc tìm triết lý cho giáo dục Việt Nam
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, lâu nay chúng ta không có một triết lý giáo dục nào. Triết lý giáo dục ngày nay là "hợp tác", đó là quan hệ hợp tác giữa thầy - trò, giữa thầy với thầy; giữa trò với trò; nhà trường - xã hội; nhà trường - gia đình; các tổ chức xã hội với nhau.
GS Hồ Ngọc Đại
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, phải có triết lý giáo dục để định hướng cho giáo dục. Như Đảng là có cương lĩnh thì giáo dục phải có triết lý để bền vững được.
GS Hồ Ngọc Đại nêu: "Hôm 5/1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc hổi thảo về triết lý giáo dục. Tôi nghe các bài phát biểu về triết lý giáo dục thì thấy, các ý kiến chưa mang tư duy khoa học, tư duy thời đại mà chỉ xào xáo ra những cái đã có trong quá khứ để dễ nghe hơn, chứ không có gì mới"- GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Cũng theo GS Đại, có ý kiến cho rằng, triết lý giáo dục phải là "hội nhập". Nhưng theo GS Đại, hội nhập là "hỏng" mà phải là "hợp tác". Vì "hợp tác" là anh theo tôi, tôi cũng theo anh và cả hai bên theo nhau.
"Đề cao việc hội nhập là không nên. Trong giáo dục, thời đại mới, cái gì cũng phải hợp tác"- GS Đại quan điểm.
Cũng theo GS Đại, chúng ta cần tìm và có một triết lý giáo dục. Nếu không có triết lý, giáo dục sẽ vận động lung tung. Khi có triết lý, chúng ta có cái chỉ đường. Triết lý là cái có trước, định hình sẵn.
Cũng theo ông, hiện giáo dục Việt Nam vẫn triết lý cũ, nó chỉ đúng trong thời đại của nó chứ hiện tại thì không còn phù hợp nữa. Triết lý hợp tác mới là điều cần thiết, sẽ là nền tảng để thay đổi học trò.
"Xã hội hiện đại là xã hội hợp tác tất cả các cấp độ, từ quốc gia đến cá nhân. Và hợp tác là đến từ 2 phía, tương tác hỗ trợ nhau"- GS Đại nhấn mạnh.
Chương trình phổ thông mới không có gì....mới?
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được thông qua thực chất không có nhiều cái mới. Vì theo GS, chương trình mới vừa được công bố chưa có nhiều thay đổi về tư tưởng lý thuyết và công nghệ thực thi.
"Một giải pháp mới phải có hai cái mới. Một là tư tưởng mới, hai là công nghệ mới. Hai cái này đều chưa có nhiều thay đổi trong chương trình phổ thông mới"- GS Đại nhấn mạnh.
GS Đại cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới có thể gọn hơn chương trình cũ nhưng không có gì mới: "Nó chỉ thu gọn lại hơn so với chương trình cũ"- GS nhấn mạnh.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, công nghệ thực thi của chương trình mới về cơ bản vẫn là thầy giảng, trò ghi nhớ. Trong khi đó, mới phải là thầy không giảng, học trò cũng không cần quá cố gắng.
GS Hồ Ngọc Đại cũng chỉ ra rằng, có một "điểm mới nhất" của chương trình thể hiện trong thiết kế nội dung là việc chương trình sẽ dạy tích hợp.
GS Đại cho rằng, hãy nhìn cái chén uống nước này. Cái chén là cái chén, không thể dùng nó để chặn giấy, để đựng đồ được, chức năng chính của nó là uống nước. Cũng giống như việc tích hợp lịch sử và địa lý.
"Ở trong khoa học luôn có một triết học. Mỗi một cái trong cuộc đời tồn tại một đối tượng, hoàn toàn thuần túy. Phải thuần túy là một, vì thế, tích hợp là không đúng. Tư duy kiểu cũ là sắm một cái để làm được nhiều cái, còn tư duy kiểu hiện đại là cái nào ra cái ấy. Tích hợp là điều đừng nên "chạm" vào. Việc tích hợp môn Sử- môn địa vào với nhau làm sao tích hợp được. Sử phải là sử, địa là địa. Tất nhiên Sử xảy ra ở một địa phương nào đấy. Nhưng tích hợp nhiều môn vào, về khoa học không hợp lý"- GS Hồ Ngọc đại chỉ ra.
Cũng theo GS Đại, hiện vẫn là thế hệ già dạy trẻ nhưng lẽ ra phải căn cứ vào thế hệ trẻ để dạy nó. Hai phạm trù này khác nhau. Phải kết hợp nhuần nhuyễn, lấy cái ổn định lâu dài làm nền tảng để xây dựng triết lý mới trong xã hội hiện đại.
GS Đại cho rằng, thời Khổng Tử đến nay là khoảng 2.000 năm và nền giáo dục mấy nghìn năm ấy ít có sự thay đổi. Nhưng trẻ con và giáo dục ở thế kỷ 21 đã khác và có những cái thế hệ trước không bao giờ có.
"Muốn thay đổi cơ bản và toàn diện về giáo dục thì phải thay đổi cơ bản lý thuyết về giáo dục và công nghệ giáo dục (hay gọi là quá trình thực tiễn)"- GS Hồ Ngọc đại nhấn mạnh.
ĐỖ HỢP
Theo Tiền phong
Cuộc thi Hành trình kinh doanh 2019 sân chơi lý thú cho sinh viên Chung kết cuộc thi Hành trình kinh doanh 2019 đã khép lại với chiến thắng thuộc về ba chàng trai của đội Inception đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân. Chiến thắng thuộc về ba chàng trai của đội Inception đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân Hành trình kinh doanh là cuộc thi giải Case Study thường niên...