Bạn đọc viết: Giáo viên lớn tuổi thấy “đuối” trong dạy học hiện đại
Chiều qua, cô họ của tôi (là giáo viên cấp 2) điện thoại tâm sự với tôi rằng cô vừa hoàn thành thủ tục xin nghỉ việc theo Nghị định số 113/2018/NĐ-CP. Đơn cô đã viết và nộp kí duyệt ở trường rồi. Thế nhưng mấy hôm nay tự nhiên lòng cô cảm thấy trống trải vô cùng…
Ảnh minh họa
Cô cảm thấy như mình sắp mất đi một điều gì đó thiêng liêng lắm. Cô còn yêu nghề nhưng lại không kham nổi lượng công việc của giáo viên (GV) hiện nay. Cô thật sự đuối rồi.
Cô tôi là một GV rất tâm huyết với nghề. Cô đã dành hết cả tuổi thanh xuân để cống hiến cho nghề giáo. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng với biết bao niềm vui và nỗi buồn của người làm nghề gõ đầu trẻ. Nhiều năm liền cô đạt GV giỏi huyện, rồi tỉnh. Cô đã từng viết rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục. Các đề tài của cô luôn được ngành phổ biến và áp dụng. Với cô, niềm vui lớn nhất có lẽ là được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho học trò. Bao nhiêu thế hệ học trò của cô đã ra trường. Được nhìn thấy các em trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống là cô vui lắm rồi.
Vậy mà bây giờ cô lại xin về hưu trước tuổi. Tôi thật sự bất ngờ trước quyết định này của cô. Cô đã từng rất vui và hạnh phúc khi làm nghề Sư phạm. Đã bao lần cô tâm sự rằng nghề Sư phạm nghèo nhưng chất chứa niềm vui. Cô vui vì mình chọn đúng ngành. Chưa bao giờ cô hối hận vì mình là cô giáo. Vậy mà có ai ngờ.
Sau một hồi trò chuyện, cô bảo rằng giờ cô cũng có tuổi rồi. Về chuyên môn thì cô không có gì để nói. Kinh nghiệm đứng lớp hơn 30 năm rồi. Cô đã thuộc lòng giáo án từng khối. Chỉ có điều lượng công việc của GV sao ngày càng nhiều. Mà cái gì cũng ứng dụng công nghệ thông tin cả. Cái lợi thì ai cũng thấy rõ. GV không phải cặm cụi viết tay hay cộng điểm cho trò nữa. Tất cả đều có máy tính làm. GV được giải phóng sức lao động rất nhiều.
Thời gian dần trôi, ngành Giáo dục không ngừng đổi mới. Nhất là mấy năm gần đây. Tất cả mọi thứ đều ứng dụng công nghệ thông tin. Tất cả GV phải thường xuyên vào tic-office của nhà trường để biết thông tin. Mọi báo cáo đều gửi qua gmail. GV phải vào trường học kết nối để sinh hoạt chuyên đề rồi thường xuyên đưa bài giảng, giáo án lên đó. Việc mượn, trả đồ dùng dạy học cũng cập nhật toàn bộ trên máy tính. Chưa kể các cuộc thi của ngành đưa xuống như bài giảng e-learning đều phải luân phiên để làm. GV trẻ còn đỡ, chứ GV lớn tuổi như cô thì chỉ có nước đi mướn mới có sản phẩm để nộp. Nhiều lúc buồn mà chẳng biết làm sao.
Sau bao đắn đo, cô quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi. Dẫu còn luyến tiếc với nghề nhưng chẳng biết làm sao. Đi dạy thì lại rất áp lực. Lượng công việc GV hiện nay quá nhiều. Cô thấy mình khó có thể kham nổi. Thôi thì các cô về để lớp trẻ các em cố gắng.
Nhìn cô buồn bã tâm sự mà tôi chẳng biết nói sao. Cuối cùng tôi chỉ biết động viên cô cố gắng vui vẻ vì mình đã cống hiến hết sức cho nghề rồi. Hơn 30 chuyến đò đã cập bến an toàn. Mong cô nghỉ ngơi, sống vui vẻ, an yên bên con cháu.
Video đang HOT
Thực ra, bản thân tôi là GV trẻ mà nhiều lúc còn cảm thấy đuối trong dạy học hiện đại. GV dạy học bây giờ không chỉ giỏi chuyên môn mà cần phải giỏi cả về công nghệ thông tin nữa. Mọi thứ bây giờ đều làm trên máy cả. Thành thử GV lớn tuổi rất sợ. Nếu không hoàn thành sẽ bị nhắc nhở, trừ điểm. Cuối cùng nhiều cô dù tâm huyết với nghề cũng đành xin về hưu trước tuổi.
Chúng tôi, những GV chỉ mong ngành giảm bớt hồ sơ sổ sách và những cuộc thi không cần thiết. Hãy để cho chúng tôi có thời gian tập trung vào chuyên môn. Xin đừng “đổi mới” quá nhiều. Chúng tôi sợ lắm rồi.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Bâng khuâng nhớ mùa "hoa hạt phấn" đầu tiên
Ngày ngày bên bục giảng, khi nét phấn trắng chạm vào bảng đen, một lớp bụi phấn bung ra, xoay nhẹ trong gió. Tôi thường ngắm những bông "hoa hạt phấn" trắng ngần ấy, môi mỉm cười và lòng bỗng thênh thang đến lạ lùng...
Tháng sáu, cơn nắng hạ phớt sắc vàng hanh hao lên cảnh vật. Ngẩng mặt lên tìm kiếm, một thoáng bâng khuâng bỗng nhen nhóm khi phượng hồng nhú lên thắp lửa rừng rực giữa trời.
Tháng sáu, cổng trường nơi nơi nhộn nhịp đón những cô cậu học sinh rộn rã, háo hức xen lẫn bao lo toan bước vào mùa thi quan trọng nhất cuộc đời. Một mùa thi nữa đã về. Trong số hàng trăm nghìn sĩ tử kia, có bao nhiêu bạn trẻ chọn bục giảng, phấn trắng làm bến đỗ cuộc đời?
Hãy vững lòng với lựa chọn "gõ đầu trẻ" bạn nhé! Bắt đầu hành trình chở ước mơ trên bục giảng, bạn sẽ uống trọn vẹn men say hạnh phúc lâng lâng từ lớp lớp thế hệ học trò. Thỉnh thoảng, hành trình ấy cũng phải chững lại, bởi khó khăn, vấp ngã như chực chờ nuốt chửng lấy những nỗ lực cố gắng của con người.
Nhưng rồi, sau tất cả, niềm hạnh phúc được ngày ngày làm bạn với phấn trắng, bảng đen sẽ lại nồng ấm hơn, thấm đượm hơn. Giờ đây, con thuyền ký ức trong tôi đang trập trùng nỗi nhớ về mùa hoa hạt phấn đầu tiên...
Sinh viên thực tập sư phạm (ảnh minh họa)
Tháng thực tập sư phạm của mười hai năm trước cũng ngập tràn nắng hạ vàng ươm. Đoàn sinh viên năm cuối chúng tôi bắt đầu đợt thực tập ở Trường Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng (Thừa Thiên - Huế). Bao cung bậc cảm xúc hân hoan, háo hức, bối rối, lo âu níu bước chân chúng tôi chậm lại, ngập ngừng hơn.
Đưa tay vuốt lại mái tóc, chỉnh lại tà áo, cố nở nụ cười thân thiện với đàn chim non, lòng nhủ lòng tự tin lên, dũng cảm nào... Vậy nhưng những khuôn mặt non nớt trong trang phục áo dài thước tha bỗng khựng lại, líu ríu đến tội nghiệp mỗi khi hàng trăm cặp mắt học sinh lém lỉnh nhìn chăm chú.
"Dạ thưa cô" - ba tiếng thưa gửi từ "nhất quỷ, nhì ma" ấy vang lên không biết bao nhiêu lần vẫn đủ sức lay động cảm xúc trong tôi. Hạnh phúc xiết bao khi mình là cô giáo, dẫu chỉ là thực tập sinh nhưng lòng ấm áp đến lạ lùng. Được phân công làm "mẹ" của đàn con nhỏ lớp 6/8, tôi nắm chắc bàn tay bước vào "cuộc chiến" chinh phục các em.
Cuộc chiến của người "kỹ sư tâm hồn" tất nhiên chẳng hề đơn giản. Tháng ba lại là tháng hoạt động Đoàn, Đội tích cực nhất. Chúng tôi lê la cùng các em suốt ngày luyện tập nghi thức, tập luyện văn nghệ. Rồi sát cánh bên các em mỗi ngày, theo dõi việc học tập ở lớp, uốn nắn các biểu hiện sai quấy, thực hiện tiết sinh hoạt cuối tuần... Bao nhiêu công việc là bấy nhiêu chất keo gắn kết tình thầy nghĩa trò thắm thiết hơn, đậm đà hơn.
Gieo yêu thương sẽ gặt hạnh phúc, tôi may mắn nhận được sự tin yêu, lòng cảm mến từ học trò. Những lời hỏi thăm ân cần, những câu tâm tình lí nhí, những nụ cười hớn hở, những cánh hoa ngày lễ... thắm tô thêm trang viết thực tập sư phạm lung linh. Túi hành trang của "người đưa đò" tương lai bỗng đầy vun những kỷ niệm đẹp nối dài những bước chân háo hức.
(ảnh minh họa)
Thỉnh thoảng lật từng trang lưu bút ngày xưa, đọc lại từng câu viết ngây ngô của một thời hoa mộng, tôi nhớ đến quay quắt từng góc nhỏ kỷ niệm về "đàn con" đầu tiên ấy.
Tôi mường tượng cái dáng cao dong dỏng của cô bé lớp trưởng ngày xưa, nghiêm trang, chỉn chu như "bà cụ non" điều khiển mọi phong trào lớp.
Tôi nhớ giọng nói ngọt lịm của cô bé lớp phó giỏi giang, sau cánh cửa lớp vẫn âu yếm gọi cô giáo nhỏ của mình là "chị gái".
Tôi nhớ bé Thơ chữ đẹp nhất lớp, bạn Thắng "mập" múa dẻo đến ngạc nhiên, bé Khánh Linh hát hay, Hoàng Ân hiền lành, Hùng nhút nhát, Nghĩa nghịch ngợm, Yến có chất giọng ồ ồ...
Sáu tuần thực tập rạng rỡ niềm vui. Rồi ngày chia tay cô giáo về mái trường lại sư phạm đong đầy nước mắt. Bánh kẹo dọn ra đầy bàn, lũ trẻ bận khóc, cô giáo cũng khóc. Những khuôn mặt ướt nhòe nước mắt, đôi mắt đỏ ửng đến tội nghiệp của ngày ấy cứ đọng lại rưng rưng cả cõi lòng.
Tất cả, tất cả giờ đã thành kỷ niệm, thành hồi ức không thể quên. Giữa bộn bề công việc, kỷ niệm chỉ tạm ngủ yên ở một góc nhỏ trong ký ức và lớp bụi thời gian yêu thương phủ lên đấy "tấm chăn" mỏng manh của yêu thương, trân quý. Và chỉ cần chạm vào một chút sắc hoa tím biếc, một chút nắng hạ đầu mùa, một chút ngập ngừng, bỡ ngỡ của lớp lớp sinh viên kế cận trước cổng trường là nỗi nhớ lại ùa về, da diết, quay quắt...
Ơi mái trường Huỳnh Thúc Kháng mến thương, lòng biết ơn của chúng tôi vẫn mãi vẹn nguyên như ngày nào. Cảm ơn các thầy giáo, cô giáo ngày xưa đã dìu dắt đàn em nhỏ đi hết quãng thời gian thực tập sư phạm với những lời chỉ bảo ân cần bằng tấm lòng của người đi trước.
Ơi mái trường Huỳnh Thúc Kháng yêu thương, những bông "hoa hạt phấn" đầu tiên của chúng tôi đã rơi đầy tự hào. Dẫu trang giáo án còn đỏ thắm dấu mực sửa bài, giờ lên lớp còn vụng về, lóng ngóng nhưng tất cả vẫn là những kinh nghiệm, bài học quý giá theo suốt cuộc đời.
Mười hai năm đã trôi qua, tưởng là dài đến vô cùng mà chỉ như cái chớp mắt của thời gian. Mười hai mùa hoa hạt phấn cũng đã nở. Đôi lúc giật mình nhìn lại, hồi tưởng và tự vấn bản thân rằng đã làm tròn trách nhiệm của một người thầy hết lòng dạy dỗ, yêu thương học sinh chưa và thở phào nhẹ nhõm. May mắn thay, lời hứa ngày xưa trong tâm thức vẫn vẹn nguyên!
Ngày ngày bên bục giảng, khi nét phấn trắng chạm vào bảng đen, một lớp bụi phấn bung ra, xoay nhẹ trong gió. Tôi thường ngắm những bông "hoa hạt phấn" trắng ngần ấy, môi mỉm cười và lòng bỗng thênh thang đến lạ lùng.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Nơi tình người nở hoa xuân Một số xã vùng sâu vùng xa của huyện Thạch Thất như Tiến Xuân và Yên Trung dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng các trường học ở đây đều đạt chuẩn quốc gia, môi trường giáo dục hiện đại. Để có được sự phát triển vượt bậc này, ngoài sự quan tâm của lãnh đạo thành phố còn là...