Bạn đọc viết: Đừng đem vật chất mà đo lòng thầy!
Đọc bài viết “Bưu thiếp 20/11 hay phong bì trá hình” cùng những tâm sự trên báo Dân trí, tôi rất đồng cảm với nỗi băn khoăn và trăn trở của tác giả Hà Đông khi nhiều người có cái nhìn lệch lạc về chữ “lễ” trong xã hội hiện đại.
Ảnh minh họa
“Mùa thu hoạch của giáo viên” là cụm từ khá nhạy cảm xuất hiện dạo gần đây mỗi khi đến dịp lễ tết thầy cô. Trong không khí rộn ràng nơi nơi đón chào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi bắt gặp vô vàn những câu từ “nặng mùi tiền” của nhiều người bàn về việc quà cáp cho thầy cô.
Mối quan hệ vốn thiêng liêng của tình nghĩa thầy – trò, giáo viên – phụ huynh lắm lúc bị méo mó đến tội nghiệp. Tôi nghe mấy người bạn của mình xôn xao chuyện “đi quà” cho cô giáo bao nhiêu tờ pô-li-me, băn khoăn nên tặng quà hay cứ thế mà quy đổi thành “thóc” và cả lắm lời răn đe lẫn nhau “không đi chẳng xong chuyện đâu!”… mà buồn vô cùng.
Chẳng trách được dư luận với những ý kiến trái chiều xung quanh lời tranh cãi “ Tấm thiệp và phong bì, thầy cô thích gì hơn?”. Bởi đâu đó vẫn còn những người thầy sa ngã trước đồng tiền và gợi ý quà cáp.
Vậy nhưng, hãy thẳng thắn nhìn nhận một cách công tâm sẽ thấy một số ít người thầy đánh mất cái tâm trong sáng đó chẳng thể “làm rầu nồi canh”. Bởi hơn 1 triệu nhà giáo trên khắp cả nước vẫn đang miệt mài gieo chữ bằng cái tâm sáng trong, mẫu mực của người cầm phấn.
Người thầy dẫu thiếu thốn đủ bề vẫn sẵn sàng chia sẻ miếng cơm, manh áo với trò, góp gạo nuôi trò qua cơn thiếu thốn.
Người thầy dẫu nhọc nhằn, gian lao đến trào nước mắt vẫn vượt đại ngàn gieo chữ tận non cao xa xôi.
Người thầy dẫu bị trò đánh, cắn trong vô thức vẫn kiên nhẫn ngày ngày đến lớp và đỡ nâng những “vầng trăng khuyết” giữa cuộc đời.
Video đang HOT
Và dù cho chẳng trở thành những nhà giáo xuất sắc được tôn vinh trong sự nghiệp trồng người thì đội ngũ giáo viên hôm nay vẫn ngày ngày cần mẫn uốn con chữ, nắn tâm hồn cho lớp lớp thế hệ học sinh.
Ngày tôn vinh nhà giáo cũng là ngày hội lớn của dân tộc. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang hãy bắc cầu kiều, muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, từ ngàn xưa đã như thế. Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc cần được giữ gìn, nối dài qua nhiều thế hệ.
Bởi vậy, mong rằng mỗi phụ huynh hãy dạy con trẻ lòng biết ơn thầy cô để mỗi ngày đến lớp, thầy có thể mỉm cười nhận lời chào hỏi, thưa gửi từ trò! Và ánh mắt vừa kính vừa yêu của trò sẽ làm lòng thầy ấm áp đến vô ngần.
Hãy giảng cho con trẻ về lời tri ân ý nghĩa nhất… Người thầy không mê mâm cao cỗ đầy, chẳng muốn quà cáp đắt tiền hay phong bao, phong bì nặng trĩu đâu!
Một cánh thiệp giản đơn, một bó hoa gói vụng về, một câu chúc chân thật đã đủ đầy và trọn vẹn ý nghĩa thay lời tri ân.
Bởi vậy, xin ai kia đang vội quy kết đội ngũ nhà giáo “Ai mà chẳng thích tiền!”, hãy nghĩ lại! Xin ai kia có ý định mượn đồng tiền để đổi chác điểm số, cậy nhờ thành tích, hãy dừng lại! Và xin ai kia đang khiến đồng tiền chen chân vào mối quan hệ thầy – trò, hãy thay đổi cách nghĩ, cách làm để lòng người bớt nhói đau!
Xin đừng đem vật chất mà đo lòng thầy!
Thùy Mai
Theo Dân trí
Chiếc phong bì và sự "bấu víu" của phụ huynh
Phụ huynh làm "hư" giáo viên bằng việc đi phong bì; tặng quà rồi kỳ vọng, mong chờ đủ thứ từ giáo viên... Thế nhưng, phía sau chiếc phong bì còn là nỗi bất an của phụ huynh vào giáo dục...
Băn khoăn "đi phong bì" hay không
Cậu con trai đầu tiên của hai vợ chồng Vân, ở Thủ Đức, TPHCM vừa được gửi đến trường mầm non vào đầu năm học này. Gần đến ngày 20/11, thấy nhiều người rộn ràng quà cáp cho thầy cô giáo, Vân hỏi han bạn bè, hàng xóm có cần phải "đi" cô giáo bằng tiền không.
(Ảnh minh họa)
Hầu hết mọi người nói với Vân: Nhất định phải đi. Riêng chị Thanh cạnh nhà, có 2 đứa con đang học tiểu học dặn Vân nên cân nhắc, vì đi rồi cô sẽ... quen, sau này không có là nghe khó.
Vân đắn đo mãi, dự định mua ít trái cây làm quà cho cô bị lung lay. Nếu không đi kèm phong bì, Vân thật sự lo con sẽ không được cô quan tâm và chưa dám hình dung đến những điều tệ hơn. Con lại mới đi học, ốm đau miết mà lại chưa quen trường quen lớp. Nhưng nếu đi, lớp có 2 giáo viên, 1 bảo mẫu là một khoản kinh phí không nhỏ, chưa kể như chị Thanh cảnh báo...
Tự nhủ không làm hư mình, hư người, sẽ không đi tiền thay quà. Nhưng đến ngày 20/11, Vân quyết định "rút" quà, thay vào đó bỏ phong bì mỗi cô 500.000 đồng, cô bảo mẫu 200.000 đồng. 1,2 triệu đồng giúp Vân thở phào: "Dù sao đi cũng thấy yên tâm hơn".
Một câu chuyện khác bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khai Minh (quận 1, TPHCM) kể trong buổi giao lưu Nhà giáo Ưu tú TPHCM mới đây để lại rất nhiều suy ngẫm. Khi còn dạy học, khi thấy học sinh có nhiều biểu hiện bất ổn, cô Hạnh mời phụ huynh lên trao đổi, hỏi chuyện... thì bất ngờ người mẹ đưa phong bì cho cô với lời xin lỗi vì đợt 8/3 vừa rồi bận quá không kịp đến thăm hỏi cô.
Ám ảnh không đi phong bì thầy cô thì không yên tâm, sợ con mình bị "đì", không được quan tâm dường như thường trực trong tâm lý của mọi phụ huynh. Lo lắng đó ăn sâu đến nỗi kể cả khi giáo viên muốn hợp tác, hỗ trợ cũng có thể bị hiểu là "diễn" để nhắc khéo, gợi ý.
Sự hoang mang của phụ huynh
Bên cạnh là lời cảm ơn, tri ân thì thẳng thắn nói với nhau rằng, việc phụ huynh đi phong bi cô giáo với những toan tính, kỳ vọng như thể là một sự "mua chuộc" người thầy là điều có thật. Họ cũng dễ dàng bị lên án, phê phán là thiếu tôn sư trọng đạo, coi nhẹ thầy cô, tiếp tay làm "hư" giáo viên...
Vậy nhưng đằng sau chiếc phong bì này là nỗi bất an có thật của mỗi bậc làm cha làm mẹ về giáo dục và họ phải dùng đến phong bì như một phương tiện giúp mình yên tâm hơn khi con đến trường. Và phong bì chỉ là một trong vô số cách thức mà các phụ huynh đang bấu víu để bảo vệ con mình khi họ không thể mong chờ nhiều vào nhà trường, giáo viên như cho con học trường tư, quốc tế, đi du học...
Tình cảm của cô trò được xây dựng bằng sự chân thành và niềm tin (Ảnh mang tính minh họa)
Tại một tọa đàm mới đây ở TPHCM về đời sống nhà giáo, chị Trần Ngân Hà, một phóng viên, một nhà quan sát giáo dục và cũng là một phụ huynh bày tỏ sự dịch chuyển từ nhà trường, từ mỗi giáo viên đối với thay đổi tích cực trong giáo dục rất chậm. Phụ huynh không thể chờ đợi nên chính họ phải tự chuyển động.
Trong cách chuyển động từ phía phụ huynh có con học trường công lập, chị quan sát thấy hai chuyển động rõ rệt nhất là nhiều phụ huynh sẽ tìm cách đưa tiền, hối lộ cho cô giáo, mong chờ vào thầy cô và sự chuyển động khác là sẽ tập trung vào việc dạy dỗ con ở nhà.
Theo chị Hà, hai cách này đều là những bất ổn. Vừa kiếm tiền, vừa lo dạy con, phụ huynh bị áp lực, căng thẳng, stress vô cùng. Còn việc hối lộ thầy cô, mua điểm cho con lại đang tạo ra thành phần xã hội mà chị Hà phải nói là tệ hơn cả việc không đi học.
"Có nhiều sự chuyển động khác trong phụ huynh, rõ nhất là cho con đi du học từ sớm như là "tị nạn giáo dục" khi họ phải tự cứu mình. Nhưng cách gì đi nữa thì họ cũng đang làm những điều này trong tâm thế bế tắc, nếu không muốn nói là tuyệt vọng", chị Ngân Hà nêu quan điểm.
Tiếp nối chia sẻ của chị Hà, anh Trần Anh Khôi, một phụ huynh ở Gò Vấp, TPHCM kể câu chuyện "thật như bịa" về người đồng nghiệp của anh. Xét thấy việc con đi học thêm là không cần thiết và gia đình cũng không tiện đưa đón nên anh không cho con đi học thêm. Nhưng để yên lòng, vợ chồng họ đã làm một động thái là hàng tháng vẫn đăng ký cho con học thêm, đóng tiền cho cô giáo nhưng không đến lớp cả năm trời.
Gửi gắm qua những bì thư làm quà tặng cho giáo viên - đó không chỉ là nỗi lo toan về một khoản tài chính, cũng không hẳn là thiếu tôn sư trọng đạo - đó còn là sự bấu víu trước niềm tin mong manh và yếu ớt.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Ngày 20.11 và những trăn trở của người giáo viên Giáo viên vùng cao mong trẻ đến lớp, giáo viên thị thành mong trẻ được dạy nhiều hơn kỹ năng sống... đó là những trăn trở của người thầy, người cô trong ngay Nhà giáo Viêt Nam 20.11. Trăn trở của những giáo viên vùng cao ngày đêm vận động trẻ đến trường Cô Nguyễn Thị Hoài Thu - Giáo viên mầm non...