Bạn đọc viết: Đồng phục: Lãng phí và sự sáng tạo
Đầu năm học, bên cạnh nhiều vấn đề đáng quan tâm của giáo dục, chuyện đồng phục lại nổi cộm lên với nhiều quy định khe khắt từ nhà trường.
Ảnh minh họa
Đọc hai bài viết “Bàn về đồng phục học sinh” và “Đồng phục cả bìa đọc sách: Đẹp thì có đẹp…” trên báo Dân trí, tôi hoàn toàn đồng cảm với tâm sự của tác giả. Đồng phục đang tạo ra sự lãng phí và triệt tiêu sự sáng tạo của người học.
Nét đẹp học đường lâu nay của học sinh vẫn là màu áo trắng tinh khôi đi kèm với chiếc quần xanh giản dị. Theo dòng chảy của thời gian, hầu hết các trường học từ mầm non đến đại học bắt đầu chú ý đến việc quy định đồng phục cho học sinh.
Ở địa phương tôi, màu áo đồng phục nổi bật nhất vẫn là xanh lơ gắn kèm logo của từng trường. Các cháu tiểu học thì có đồng phục váy, quần, áo thể dục, áo khoác. Các em cấp ba thường mặc đồng phục áo đoàn thanh niên.
Vào những ngày mặc đồng phục, sắc màu chung ấy hòa làm một nền nã và đẹp mắt vô cùng. Quan trọng hơn, đồng phục còn giúp các cháu học sinh giảm sự phân biệt, khoảng cách giàu nghèo. Đến trường, tất cả các bạn đều như nhau trong cùng bộ đồng phục, học tập trong môi trường giống nhau, nhận sự tôn trọng trong ứng xử như nhau. Chính lý do ấy giúp học đường trở thành môi trường thân thiện, hòa đồng, kết nối.
Tuy nhiên, tôi bắt gặp khá nhiều trường hợp đồng phục làm khó phụ huynh và học sinh. Cháu tôi đang học cấp hai ở một ngôi trường vùng ven thành phố. Mấy năm nay, nhà trường duy trì đồng phục áo trắng có cổ và vai áo viền xanh lơ gắn logo trường. Đồng phục thể dục thì quy định mỗi khối mỗi màu áo.
Mỗi chiếc áo được bán với giá khá rẻ, tầm sáu đến bảy chục ngàn đồng, vừa với túi tiền của phụ huynh vùng nông thôn. Bọn trẻ được giáo dục kỹ nên rất có ý thức bảo quản áo quần nên chiếc áo nào bị chật đều được dành để lại cho em út vào trường nhằm tiết kiệm chi phí.
Thế mà trong năm học này thầy hiệu trưởng vừa chuyển công tác về lại quyết định thay đổi mẫu đồng phục. Áo trắng tinh, không còn viền xanh nữa và thay luôn mẫu logo ở tay áo. Thế là toàn bộ học sinh trong trường đều phải mua đồng phục mới từ 1 – 2 áo và bộ thể dục mới với mẫu logo mới. Lãng phí đến vô cùng!
Một cháu khác của tôi học trường tiểu học có tiếng ở thành phố cũng có chuyện cách đây khoảng hai năm trước, khi hiệu trưởng mới về nhận công tác cũng thay đổi mẫu mã đồng phục buộc phụ huynh phải mua sắm lại từ đầu, còn những chiếc áo đồng phục cũ dẫu còn mới tinh tươm nhưng phải vất xó. Vả lại, giá áo đồng phục còn tăng chóng mặt gây sự bất bình lớn trong phụ huynh.
Video đang HOT
Theo quy định với một thời hạn nhất định, cán bộ quản lý lại được luân chuyển giữa các trường trong cùng phòng giáo dục. Vậy nên, cứ mỗi lần thay đổi hiệu trưởng là trường lại làm một cuộc cải cách về đồng phục ư?
Dẫu giá cả có phải chăng và chất lượng đồng phục tốt đến đâu đi nữa thì khi nhà trường đứng ra bán đồng phục, điều tiếng dị nghị tất nhiên sẽ tồn tại. Những con số hoa hồng mà cơ sở may mặc đưa ra không hề được công khai nhưng chắc chắn nó sẽ đủ sức cám dỗ những ai chưa đủ tài, đủ tâm làm người quán lý giáo dục!
Đồng phục hôm nay đã đi xa hơn chuyện một bộ áo quần chung thống nhất mang màu sắc riêng của từng trường. Đồng phục hôm nay còn yêu cầu giống nhau đến cả cặp sách, giày dép, bút thước, giấy bao vở và… nhãn vở. Điều đó rất phí lý.
Nếu các cháu lớp 1 còn lạ lẫm với chương trình học tập nên cần quy định chung thống nhất thì có thể chấp nhận được. Ở quê tôi, có trường yêu cầu bao vở theo màu giấy, vở chính tả, toán và tăng tiết mỗi loại mỗi màu. Có trường lại quy định theo số thứ tự, vở số 1 là toán, số 2 là chính ta, số 3 là tăng tiết.
Nhưng khi các con bước lên lớp 2, 3, 4… đã quen dần với việc học tập và phân biệt từng môn học thì việc quy định đồng phục vở không còn cần thiết nữa! Học sinh sẽ sáng tạo thế nào khi mà từ cái lớn cho đến nhỏ đều rập khuôn một cách máy móc như thế?
Hãy để cho các con có quyền lựa chọn và quyết định hôm nay nên mang chiếc cặp nào, đi đôi giày nào, bọc vở bằng loại giấy bao gì!
Và hãy để phụ huynh thoát cảnh toát mồ hôi mỗi dịp đầu năm học chạy quanh các cửa hàng sách tìm mua bằng được mẫu bút mực, loại nhãn vở,… theo yêu cầu của cô giáo!
Nguyễn Ngọc
(Thừa Thiên Huế)
Theo Dân trí
Phụ huynh mệt mỏi vì đến bìa bọc sách cũng đồng phục
Nhiều phụ huynh mệt mỏi, rối bời vì giáo viên đưa ra những quy định, nhắc nhở về đồ dùng học tập mang tính "đồng phục", kể cả cái bìa bọc sách...
Hết khổ vì... đồng phục
Háo hức con vào lớp 1 nên chị Nguyễn Ngọc Thanh (tên nhân vật được yêu cầu thay đổi), phụ huynh tại một trường tiểu học ở quận 5, TPHCM đã chủ động sắm sửa, chuẩn bị đồ dùng học tập cho con từ sớm. Đến ngày con nhập học chị lại chạy đôn chạy đáo "sửa lỗi" vì nhiều thứ không đúng với yêu cầu chung của lớp.
Bảng viết của con không giống yêu cầu chị phải mua lại. Khó hiểu nhất là cái bìa bao bọc sách giáo khoa (SGK), chị bọc sẵn cho con bìa bao ni lông trong nhưng cô giáo yêu cầu, mỗi cuốn SGK... bọc bìa bao màu khác nhau. Cuối cùng chị phải gỡ bìa bao ni lông ra, dùng bìa màu mua tại trường theo yêu cầu để bọc lại.
Phụ huynh tìm mua sách và đồ dùng học tập theo yêu cầu từ phía giáo viên, nhà trường
Anh Trần Đức Anh, có hai con học tiểu hoc ở TPHCM kể, mỗi chuyện sắm sửa đồ dùng học tập cho con mà cũng rối rắm vì yêu cầu từ phía nhà trường. Gần như trường nào giáo viên cũng thông báo tỉ mỉ về những thứ chuẩn bị cho con, nhiều phụ huynh mua trước không giống quy định phải sắm vừa tốn công, vừa lãng phí.
"Nhà tôi thay một loạt bìa bao và bút viết của con vì không đúng loại nhà trường đưa ra. Con tôi rất thích bìa bao giấy có hình vẽ nhưng nhà trường yêu cầu bọc bao bóng kiếng. Lạ đời, giờ đi học đến cái bìa bao cũng phải... đồng phục, không hiểu họ muốn gì ở trẻ", anh Anh bức bối.
Theo ông bố này, nhà trường chỉ nên yêu cầu học sinh những đồ dùng bắt buộc, gọn gàng để đáp ứng việc học, không nên đi sâu vào tiết quá như bìa sách màu gì, như thế nào, nhãn vỡ ra sao. Điều này gây ức chế cho phụ huynh, nhà trường vừa mang tiếng, giáo viên thêm việc và còn mất cá tính của học sinh.
Một trong nỗi khổ lớn nhất của phụ huynh là yêu cầu đồng phục về ba lô, cặp sách. Hiện còn không ít trường ở TPHCM còn thực hiện đồng phục ba lô gây áp lực cho học sinh.
Nhiều phụ huynh tại một trường THCS ở Gò Vấp phản ánh, trong tuần đầu tựu trường, giáo viên thông báo với học sinh là sử dụng túi xách đa năng màu nâu hoặc màu đen, có thể vừa đeo hai dây làm ba lô, vừa có dây đeo vai chéo. Thế rồi, phụ huynh nhốn nháo đi tìm mua, dù nhiều người đã mua trước đó nhưng không đúng yêu cầu nên phải mua lại.
Trường học với tay quá dài!
Hiện nay, rất nhiều trường bán đồ dùng học tập ngay tại trường cho phụ huynh. Những yêu cầu về đồ dùng nhà trường đưa ra hầu hết đều có bán tại trường. Dù không bắt buộc học sinh phải mua tại trường nhưng thực tế thì phụ huynh mua không đúng quy định đều phải mua lại, mất công đi tìm bên ngoài nên họ đành mua luôn ở trường cho xong việc.
Việc nhà trường đưa ra yêu cầu riêng gây khó khăn cho phụ huynh trong quá trình chuẩn bị đồ dùng học tập cho con. Rất nhiều gia đình những tháng hè rảnh rang nhưng không dám chuẩn bị gì trước vì chờ đợi quy định của trường, của giáo viên.
Những thông báo về đồ dùng học tập của giáo viên với những yêu cầu, chi tiết cụ thể trở thành áp lực cho phụ huynh
Trước tình trạng khan hiếm sách giáo khoa diễn ra vừa qua tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất ở ở TPHCM, ông Đỗ Thành Lâm, Giám đốc NXB Giáo dục tại TPHCM cho hay, hàng năm, thời điểm tựu trường đều xảy ra tình trạng thiếu SGK. Một trong những lý do là nhiều phụ huynh có tâm lý chờ xem nhà trường, giáo viên hướng dẫn sử dụng những loại nào thì mới đi mua cho chắc ăn. Điều này dẫn đến hiện tượng "sốt" sách vào dịp khai giảng.
Không chỉ sách mà với đồ dùng học tập, ngay cả chiếc tẩy, bìa bao bọc sách phụ huynh cũng mang nặng tâm lý này. Muốn chuẩn bị trước cho con nhưng sắm rồi lại "hỏng", nhiều người đành chờ giáo viên hướng dẫn nên có tình trạng... đi học rồi mới mua đồ dùng học tập.
Đầu năm học, Sở GD-ĐT TPHCM gửi các trường văn bản chỉ đạo nhấn mạnh, trường học không được thay đổi về đồng phục. Nếu có thay đổi thì chỉ được áp dụng với học sinh đầu cấp học. Đồng phục cần tránh cầu kỳ, phức tạp và không được bắt buộc học sinh phải mua đồng phục tại một nơi quy định nào.
Một quản lý ngành Giáo dục chia sẻ, nhiều giáo viên muốn học sinh nề nếp, ngăn nắp, muốn các em đồng phục nên có thể hướng dẫn mang tính giới thiệu nên gây hiểu lầm là bắt buộc dẫn đến áp lực cho phụ huynh. Ông nhấn mạnh, giáo viên không được ra yêu cầu chi tiết về đồ dùng học tập hay gây khó khăn khi các em chưa đủ sách, đồ dùng học tập...
Chuyện đồng phục cả đồ dùng học tập trong nhà trường như tô điểm thêm cho tư duy đồng phục - một căn bệnh trầm kha trong giáo dục. Chúng ta còn dạy học áp đặt, cho ra hàng loạt học sinh giống nhau về suy nghĩ, tính cách.... Và không chỉ đồng phục về nội dung, nhiều trường học, giáo viên còn muốn vạn học sinh như một về cả hình thức, cá tính.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Đồng phục cả bìa bọc sách: Đẹp thì có đẹp... Không phải phổ biến nhưng tại nhiều trường, không chỉ quần áo, cặp sách mà đến bao bìa bọc sách, loại mực, bút, tẩy... cũng đồng phục. Đồng phục có thể lợi cho giáo viên nhưng gây khó dễ cho phụ huynh và đặc biệt, có thể triệt tiêu cá tính, sự sáng tạo của học trò. Đẹp mắt, tiện lợi Có hai...