Bạn đọc viết: Đề kiểm tra Văn: Lý thuyết xa vời thực tiễn!
Đọc hai bài viết của tác giả Thanh Thanh và Loát Trần trên báo Dân trí, tôi cảm thấy rất đồng tình với trăn trở của các cô giáo xung quanh vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh trong bộ môn Ngữ Văn. Tuy nhiên, tôi lại có những nhìn nhận khá khác biệt với về vấn đề này.
Ảnh minh họa
Không phải đến bây giờ người ta mới bàn về đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, cụ thể là đổi mới cách ra đề. Tôi nhớ cách đây khoảng 6 – 7 năm về trước, chúng tôi đã tham gia nhiều chuyên đề cấp huyện về công tác này. Một trong những điểm mới đáng chú ý là phải xây dựng ma trận đề kiểm tra bên cạnh đề và đáp án trước đây.
Ma trận đề khá là mới mẻ với tất cả giáo viên với sự phân loại rõ ràng về 4 mức độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Thú thật, ma trận đề khá phức tạp nhưng chính nhờ nó mà cách ra đề của giáo viên được trải rộng nhiều kiến thức cùng với những yêu cầu khắt khe về mức độ khó trong từng câu hỏi, bài tập.
Nếu trước đây, giáo viên ra đề một cách chủ quan, tùy ý thích và phụ thuộc dụng ý của từng người thì ma trận đề buộc người thầy phải đặt từng câu hỏi, bài tập vào đúng mức độ tư duy và rải đều các mức độ tư duy theo đúng tỷ lệ đã thống nhất.
Công việc của giáo viên khi ra đề nhiều hơn trước, nhọc nhằn hơn trước. Nhưng tôi nhất trí cao với chủ trương đổi mới cách ra đề kèm ma trận như thế. Vấn đề là giữa lý thuyết và thực tiễn lại cách biệt đến vô vàn.
Chỉ giáo viên cốt cán trong huyện thị mới được cử đi tập huấn với chuyên viên cấp sở, bộ. Còn đội ngũ giáo viên đông đảo tại cơ sở vẫn phải nghe “nói lại”, “trình bày lại” từ những báo cáo viên không chuyên. Vậy nên, có nhiều vấn đề chưa được tỏ tường, có nhiều thắc mắc không lời giải đáp. Và nghịch lý là tất cả giáo viên đều phải chấp nhận cái chưa rõ, điều chưa tỏ đó.
Video đang HOT
Một, hai buổi tập huấn tập trung giáo viên toàn huyện thị chẳng giúp giáo viên thông hiểu và thực hành nhuần nhuyễn nhiệm vụ xây dựng ma trận đề. Nếu không tự nghiên cứu và tự bồi dưỡng, giáo viên sẽ chẳng thâm nhập để phân biệt được sự khác nhau giữa các mức độ tư duy, xác định câu hỏi này thuộc mức độ tư duy nào, và bố trí bảng ma trận đã phù hợp với yêu cầu chưa…
Tôi vẫn còn nhớ như in đợt kiểm tra chuyên môn tại trường cách đây 6 năm trước. Hồi ấy, tổ bộ môn chúng tôi đón hai giáo viên vốn là tổ trưởng chuyên môn của trường bạn về dự giờ, kiểm tra hồ sơ và việc thực hiện quy chế chuyên môn. Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Rồi mọi chuyện rắc rối nảy sinh khi đề kiểm tra của chúng tôi bị “soi”.
Hồi ấy, đề kiểm tra bộ môn Ngữ Văn có 30% trắc nghiệm và 70% tự luận. Một câu hỏi trắc nghiệm chiếm 0,25 điểm được tôi đặt vào bảng ma trận đề ở mức độ nhận biết. Hai giáo viên thanh tra lại không đồng ý và khẳng định câu hỏi ấy thuộc mức độ thông hiểu. Thầy giáo tổ trưởng của tôi lại nhất trí với quan điểm của giáo viên trường mình.
Vậy là một cuộc “khẩu chiến” nhỏ xảy ra giữa giáo viên tại cơ sở và giáo viên thanh tra. Kết quả là mỗi bên đều khư khư giữ lấy quan điểm của mình và đến tận bây giờ câu hỏi ấy vẫn lửng lơ ở hai mức độ tư duy.
Nói thế để thấy rằng bất kỳ cái mới nào cũng cần được phổ biến và cập nhật một cách đầy đủ, thống nhất trong đội ngũ giáo viên. Nếu không, tất cả đều chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”! Và khi giáo viên tự mày mò, “tự biên tự diễn” để thực hành, ứng dụng cái mới, nguy cơ đi “lệch đường ray” rất dễ nảy sinh. Để rồi thiệt thòi nhất vẫn là học sinh của chúng ta phải tự gánh chịu.
Từ đó đến nay, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá học sinh, cụ thể là khâu ra đề lại tiếp tục được cải cách liên miên. Hết thêm vào trắc nghiệm lại bỏ trắc nghiệm. Tiếp theo là xây dựng đề theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Rồi đề kiểm tra phải có thêm bảng mô tả bên cạnh ma trận đề, đề và đáp án.
Cái mới liên tục nảy sinh, đòi hỏi giáo viên phải liên tục vận động. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tiễn bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách xa vời khó lấp đầy khiến hiệu quả đổi mới chưa cao và chưa nhận được sự đồng thuận cao trong đội ngũ giáo viên.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Đề kiểm tra Văn: Chuyện dài để nói
Nhân đọc bài "Đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá môn Văn: Vẫn "bình mới rượu cũ" của tác giả Thanh Thanh đăng trên báo Dân trí mà tôi thấy sao mà đúng với thực tế hiện nay vậy. Phần lớn giáo viên chúng tôi đều có chung suy nghĩ như tác giả. Có nên đổi mới cách ra đề Văn nhiều như hiện nay không?
Ảnh minh họa
Mấy năm gần đây, giáo viên Ngữ văn chúng tôi liên tục được đi tập huấn về đổi mới cách ra đề thi môn Văn theo hướng phát triển năng lực học sinh. Mỗi lần tập huấn, chúng tôi lại được nhồi vào đầu rất nhiều những ưu điểm của cách ra đề mới. Nào là đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng rồi đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh. Chúng tôi cứ như những con rô bốt, nói sao thì làm vậy thôi. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện "đổi mới", tôi chỉ thấy có sự xoay vòng. Hết mới, rồi lại trở về cái cũ của ngày xưa.
Trước đây, đề thi môn Văn là 100% tự luận. Tuy nhiên sau đó khi đổi mới người ta yêu cầu phải có hai phần là trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm khách quan (3 điểm) và tự luận chiếm (7 điểm). Khi kiểm tra trắc nghiệm học sinh chỉ cần khoanh tròn vào đáp án đúng. Kiến thức các phần rất rộng và bao quát. Thế nhưng chỉ vài năm sau thì thì giáo viên đồng loạt đối. Ai cũng cho rằng môn Văn không nên ra đề theo hình thức trắc nghiệm. Lí do khi làm trắc nghiệm không đánh giá đúng thực chất việc học của học sinh. Nhiều em khoanh đại cũng đúng, chưa kể các em hỏi nhau đáp án cũng dễ dàng. Một số giáo viên thì ra đề theo kiểu đánh đố học sinh khiến các em không biết câu nào đúng... Cuối cùng các Phòng Giáo dục đồng loạt thống nhất môn Văn chỉ ra theo hình thức tự luận.
Năm nay chúng tôi lại được Phòng Giáo dục giao cho việc ra đề thi học kì 1. Phòng yêu cầu giáo viên ba môn Văn, Toán, Anh ra đề theo hướng phát triển năng lực học sinh. Mỗi khối sẽ ra một đề. Các trường tập hợp lại rồi bộ phận thẩm định của Phòng sẽ bốc một cách ngẫu nhiên. Và đề ấy sẽ là đề chung cho toàn huyện.
Như vậy để ra được một đề hoàn chỉnh, giáo viên cũng mất rất nhiều thời gian. Đối với đề thi học kì 1, thì mục đích là đánh giá năng lực tổng hợp của học sinh sau khi học xong một học kì. Đó là mức độ nắm vững những tri thức ở các phần nội dung Đọc hiểu, Tiếng việt và Tập làm văn mà các em được học, khả năng các em vận dụng những tri thức ấy vào việc tiếp nhận (đọc hiểu) và tạo lập văn bản (viết). Rồi xây dựng một khâu ma trận đề và hướng dẫn chấm thật chi tiết, cụ thể.
Tuy nhiên việc ra đề Văn năm nào cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong khâu chấm bài. Nếu như các môn khác đáp án thường phải chính xác thì môn Văn khó làm được như vậy. Cách cảm thụ của mỗi em cũng khác nhau. Một sự việc nhưng các em cảm nhận theo nhiều cách. Nếu giáo viên cứ cứng nhắc theo đúng đáp án thì học sinh sẽ rất thiệt thòi.
Tôi còn nhớ năm trước Phòng Giáo dục của tôi đưa ra một đề Văn theo cách tưởng tượng. "Tưởng tưởng mình là cái cây non bị bẻ ngọn. Cây non đã kể lại câu chuyện của nó với em, mong em chia sẻ nỗi buồn. Em hãy kể lại câu chuyện ấy". Thế là khi làm, mỗi em tưởng tượng một kiểu. Nhiều em nói lên những ý tưởng rất hay. Tuy nhiên khi chấm thì nhiều em không đúng như đáp án đưa ra. Vì thế mà điểm số không cao.
Cách ra đề Văn theo hướng phát triển năng lực hiện nay của giáo viên chúng tôi thường là chọn một đoạn văn trong chương trình. Sau đó hỏi tác giả, tác phẩm, rồi nội dung đoạn văn. Bên cạnh đó giáo viên sẽ lồng vào để hỏi phần tiếng Việt cho phù hợp. Cuối cùng sẽ là phần tập làm văn.
Hiện nay giáo viên chúng tôi không không đồng tình với việc đổi mới cách ra đề nhiều như bây giờ. Môn Văn vốn đặc thù khác hẳn các môn học khác. Việc tiếp nhận và cảm thụ văn học của mỗi em sẽ khác nhau. Chúng ta luôn nhớ, môn Văn cái chính vẫn là cảm thụ cái đẹp trong văn và ngôn ngữ để tạo lập ra cái đẹp trong văn bản nói và viết (Tập làm văn). Vì thế đừng so sánh môn này với bất cứ môn học nào khác, đừng thấy môn học khác đổi mới rồi cũng đổi mới theo. Cuối cùng thấy không hiệu quả lại trở về với cái ban đầu. Như vậy khổ cả giáo viên lẫn học sinh.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của tác giả Thanh Thanh: "Cái gì cần thiết thì đổi mới, còn cái gì không cần thiết thì không nên. Hãy để giáo dục làm đúng vai trò dạy chữ, dạy người là phù hợp nhất. Tránh hiện tượng đổi mới mà tung lên như bọt xà phòng rồi nhanh chóng vỡ tan."
Riêng bản thân tôi thì nhận thấy cách ra đề nào cũng có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên tôi thấy đề Văn nên ra theo hướng tự luận là phù hợp nhất. Nó đánh giá được đúng thực chất việc học của học sinh.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Đề Sinh học THPT quốc gia: Phổ điểm sẽ ở 4- 6 vì xuất hiện dạng bài "hiếm gặp" Theo nhận định của nhiều giáo viên đề thi Sinh học THPT quốc gia năm nay rất hay, mức độ phân hóa cao, các câu hỏi trong đề thi có mức độ khó tăng dần và điểm sẽ không cao vì xuất hiện dạng bài "hiếm gặp". Nhìn chung, nếu nhìn vào nội dung đề Sinh 2018 thì có thể nói rằng Bộ...