Bạn đọc viết: Con trẻ hờ hững với Tết?
Ngày nay, con trẻ có vẻ rất hờ hững với Tết. Trong mắt chúng, hình như Tết đơn giản chỉ là dịp được nghỉ học, chơi game thoải mái.
Ảnh minh họa
Ngày xưa, Tết là dịp trẻ con mong chờ nhất vì được bố mẹ may cho quần áo mới, được thưởng thức các món ăn ngon hơn mọi ngày, được theo chân người lớn đi chúc tụng khắp nơi. Trong làng, ngoài phố, đâu đâu cũng tíu tít trẻ con tụm năm tụm ba đùa nghịch. Người lớn tất bật bao nhiêu thì trẻ con hớn hở bấy nhiêu.
Nhưng ngày nay, con trẻ có vẻ rất hờ hững với Tết. Trong mắt chúng, hình như Tết đơn giản chỉ là dịp được nghỉ học, chơi game thoải mái.
Gia đình chồng tôi có 10 đứa cháu nội ngoại xấp xỉ tuổi nhau. Ngày thường mỗi đứa một nơi, chỉ những dịp lễ tết mới gặp nhau đầy đủ. Tôi những mong chúng sẽ chơi đùa với nhau để gắn kết tình anh em nhưng đành “bất lực”. Vì mỗi đứa ôm một cái điện thoại, cắm cúi mê mải với thế giới của riêng mình. Con trai tôi bị mẹ cấm dùng điện thoại, không có ai chơi cùng thì ngồi xem ké rồi ấm ức oán trách mẹ cứng nhắc, không hiểu gì về trẻ con thời công nghệ.
Đến chúc Tết các gia đình khác, tôi cũng gặp cảnh tương tự như vậy. Hình như bây giờ ở đâu có trẻ con là ở đó thấy chúng ngồi lỳ bên cái điện thoại. Ai đến chẳng biết, ai về chẳng hay, khi được người lớn mừng tuổi thì chúng mới miễn cưỡng ngẩng mặt lên, nói chiếu lệ một hai câu cảm ơn rồi lại cúi xuống tiếp tục với những trò bắn phá vô bổ trên màn hình. Nhiều lúc cảm giác như việc mừng tuổi đang làm phiền chúng vậy.
Đâu rồi không khí trẻ con hớn hở khi nhà có khách, xúm xít chạy lại nhận tiền lì xì của người lớn, đâu rồi cảnh bọn trẻ nô đùa, chạy nhảy ngoài sân. Cũng xa vắng hẳn tiếng nạt nộ, trách mắng nhẹ nhàng của người lớn với đám trẻ đang bày trò nghịch ngợm ngày Tết. Bởi bây giờ chúng đã có một người trông giữ tuyệt vời là chiếc điện thoại với những trò chơi điện tử. Từ đứa lớn đến đứa bé, đứa chưa biết chữ đến đi học rồi đều chung một sở thích và sở trường là chơi game nhoay nhoáy, chẳng cần ai dạy.
Thật buồn làm sao! Thật ái ngại, lo lắng cho một thế hệ con trẻ thờ ơ với ngày Tết cổ truyền. Rồi sau này lớn lên chúng sẽ có gì để nhớ, để hướng về, duy trì và gìn giữ những cái tết của cha ông?
Video đang HOT
Nhưng trách trẻ một thì trách bố mẹ chúng mười vì họ mới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự vô cảm của trẻ. Nhiều người không hiểu được tác hại của việc chơi game là gì, chúng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm hồn, tình cảm của trẻ như thế nào nên thản nhiên cho con dùng điện thoại thoải mái, thậm chí trao quyền mỗi đứa sở hữu một chiếc.
Thay vì kéo con vào những hoạt động phong phú, hữu ích của ngày Tết như tập lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, vào bếp xem mẹ nấu nướng, nhìn bố bày biện trang hoàng phòng khách thì người lớn lại để chúng chìm đắm với mấy trò linh tinh trong điện thoại.
Thay vì hướng dẫn con nói năng lễ nghĩa khi có người đến chúc Tết thì lại tặc lưỡi cho con đóng cửa phòng ngồi chơi game. Chẳng ai muốn bỏ công sức giảng giải để con hiểu ý nghĩa của ngày Tết là sum họp gia đình, là thành kính biết ơn ông bà tổ tiên, là mọi người được gặp gỡ nhau sau một năm dài bận rộn, xa cách. Cũng chẳng ai bận tâm nói cho chúng biết Tết là thời điểm để chúng ta ước mơ, hi vọng nhiều hơn vào một năm mới tốt lành. Vì muốn được yên thân, muốn được rảnh tay làm những việc khác mà cha mẹ sẵn sàng bỏ quên con cho thế giới ảo.
Hà Đông
Theo Dân trí
Cách dạy con sử dụng lì xì đúng cách
Băn khoăn này luôn khiến nhiều bậc phụ huynh khó khăn lựa chọn khi dạy cho con trẻ trước "món quà" mừng tuổi trong ngày đầu năm mới. Làm sao để trẻ thấy được trách nhiệm và biết cách tiết kiệm trước một khoản tiền "trời cho" dễ dàng như vậy?
Không hỏi con về số lượng tiền lì xì
Theo phong tục Tết truyền thống, mỗi dịp năm mới, trẻ em sẽ được nhận tiền lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành, may mắn. Tuy vậy, hầu như các bé chỉ biết nhận lì xì và thậm chí nhiều bé còn mở ngay ra xem được mừng tuổi nhiều hay ít khiến người mừng rất ngại ngùng.
Vì vậy, bố mẹ nên dạy con cách nhận và sử dụng lì xì cho đúng mực để hiểu được ý nghĩa của phong tục này. Theo TS tâm lý Vũ Thu Hương khuyên các bậc phụ huynh nên dạy con nói cảm ơn khi nhận lì xì, cần có thái độ trân trọng, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết lại người đã mừng tuổi con.
Cần dạy con cách nhận và sử dụng tiền lì xì đúng cách (ảnh minh họa).
Cần để trẻ hiểu rằng, mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới đến trẻ chứ không phải việc đánh giá tiền ít hay tiền nhiều trong mỗi phong bao. Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác tưởng chừng rất đơn giản như đưa hai tay nhận lấy lì xì, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn...
Đặc biệt, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh, trong thời gian vài năm trở lại đây, không khó để bắt gặp cảnh tượng nhiều trẻ vừa nhận được lì xì đã lật tức xé phong bao ngay trước mặt khách như vậy là chưa lễ phép của trẻ. Bậc phụ huynh đừng cổ xúy hay coi nhẹ chuyện đó, cần dạy trẻ đừng vội tò mò mà mở phong bao, hãy đợi đến khi người mừng ra về rồi có thể mở.
Bởi vì, hành động mở phong bao lì xì trước mặt khách chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Đồng tiền mừng cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.
Đồng thời, theo TS Hương khuyên các phụ huynh không nên hỏi về số lượng tiền lì xì con nhận được là nhiều hay ít, khi bố mẹ quá quan tâm đến số tiền trẻ nhận được như vậy, vô tình khiến con trẻ có tư duy coi trọng vật chất, giá trị của đồng tiền, làm mất đi ý nghĩa của việc mừng tuổi năm mới. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên giao kèo cùng con về cách sử dụng số lì xì đó vào đúng mục đích.
Dạy con sử dụng lì xì đúng cách
Ở Việt Nam tuy chưa có khảo sát chính thức nào về số lượng tiền mừng tuổi của trẻ mỗi dịp Tết cổ truyền nhưng nhìn chung, số tiền trẻ nhận ở các thị trấn, thành phố phát triển có thể lên đến tiền vài triệu đồng. Do đó, theo chia sẻ của nhiều chuyên gia và bậc phụ huynh cho rằng dịp trẻ nhận tiền lì xì là cơ hội để bố mẹ dạy con chi tiêu đúng cách, thậm chí có thể hướng dẫn trẻ giữ tiền như một khoản đầu tư.
Thay vì ép buộc con, TS Vũ Thu Hương mong các phụ huynh đừng nói câu "phải đưa cho mẹ" mà hãy khuyên răn, bảo ban và dạy cho bé những bài học nhỏ. Điều đó vừa giúp bé biết cách quản lý những bao lì xì cẩn thận, sử dụng hợp lý, vừa sẽ khiến bố mẹ vui lòng, tự hào thêm về bé.
Chị Huyền Trang (Phú Thọ) chia sẻ, tôi thường giao kèo với con từ trước khi sang đầu năm mới về việc cất giữ tiền lì xì bằng cách mua tặng con "chú heo đất" nhiều màu để tạo ra sự thích thú và hào hứng nuôi lợn đất mỗi ngày.
Năm nào cũng vậy, việc làm đó đã trở thành thói quen giúp con vừa được giữ tiền lì xì cho mình, vừa tạo được một đức tính tiết kiệm ngay từ nhỏ. Không những thế còn tránh được việc, bé bắt chước những anh chị lớn tiêu tiền lì xì không đúng mục đích, hay đòi hỏi bố mẹ mua đồ chơi, hoặc bất cứ thứ gì bé thích bằng tiền lì xì.
Chị Dương Phương Liên (Hà Nội) đưa ra ý kiến hầu hết trẻ đều nghĩ rằng, tiền mua sách vở, đóng học đều là trách nhiệm của cha mẹ, không phải là nhiệm vụ của trẻ. Nên khi cha mẹ khuyên trẻ để dành tiền mua đồ dùng học tập hoặc đóng học phí (nếu nhiều tiền lì xì) trẻ sẽ tỏ ra khó chịu, vì trẻ vẫn luôn cho rằng số tiền đó thuộc về mình.
Tuy nhiên, cha mẹ cần nghiêm khắc, giáo dục trẻ hiểu rằng, tiền lì xì cũng là tiền cha mẹ vất vả kiếm được. Vì trẻ nhận được bao nhiêu, cha mẹ cũng phải mừng lại khách bấy nhiêu. Do đó, nếu trẻ để dành tiền và phục vụ cho nhu cầu học tập thì cha mẹ sẽ thấy vui hơn, nhờ đó, trẻ cũng trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.
Khác với các phụ huynh, anh Trần Văn Thịnh (Thái Bình) luôn cho con cùng bàn bạc với cha mẹ về một kỉ nghỉ sau dịp lễ Tết như một cách tiêu số tiền mừng tuổi con nhận được. Đây không những là cơ hội để cả nhà cùng đi du lịch bên nhau, còn là cách để tôi dạy cho con biết, con cũng cần đóng góp tài chính trong chuyến đi.
Và đây cũng là một cách sử dụng tiền lì xì vào mục đích mang lại chuyến đi vui vẻ cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ học được tính tự lập và sống có trách nhiệm hơn.
Ngoài ra, anh Thịnh cũng dạy con dành một phần để làm từ thiện, bởi đây là lúc phù hợp nhất để dạy về tình thương người và sự hào phóng vì trẻ đang có sẵn khá nhiều tiền vừa được người khác cho thay vì tiêu khiển vào những quả bóng bay, đồ chơi ôtô...
Hà Cường
Theo Dân trí
Tại sao có tục khai bút đầu năm và phải làm gì ngày mồng 1 để cả năm may mắn? Khai bút đầu năm là một phong tục độc đáo và vô cùng có ý nghĩa của người Việt được thực hiện sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới. Tục khai bút đầu xuân hay còn gọi là khai bút đầu năm hay chắp bút đầu năm thường được các học sỹ, học giả xưa thực hiện. Sau...