Bạn đọc viết: Con học lớp 6, không cho con học thêm liệu có yên tâm?
Con trai tôi đang học lớp 6, có rất nhiều bài vở. Tôi chưa cho con đi học thêm nên con có 2 ngày nghỉ cuối tuần, con dành thời gian tự học ở nhà và tham gia vui chơi cùng các bạn trong khu tập thể. Tôi đắn đo rất nhiều, khi hỏi chuyện mấy anh chị phụ huynh xung quanh, ai cũng cho con đi học thêm ngay từ hè.
Ảnh minh họa
Lên cấp 2, những gia đình có điều kiện và quan tâm sát sao tới con đều đầu tư cho con học thêm cả 3 môn Văn – Toán – tiếng Anh. Tiền học thêm cũng không đắt đỏ, mấy chục ngàn một buổi học, học đủ 3 môn hết khoảng 400-500 ngàn đồng/tháng. Tôi động viên con, kiến thức lớp 6 về cơ bản không khó, con chỉ cần chịu khó ôn luyện ở nhà là ổn.
Tôi từng đi ngang một lớp học thêm, chứng kiến mấy em ngồi bàn cuối, các em không hề để tâm nghe cô giảng bài mà nhìn đăm đăm ra đường. Có lẽ các em đi học theo yêu cầu của bố mẹ, không thích học vì bài nâng cao khó hiểu hoặc mệt mỏi vì cường độ học chính, học thêm quay cuồng. Cứ đi học thêm thì vẫn hơn là ở nhà chơi, học thêm mới có sự cạnh tranh, chạy đua với bạn bè, con học mới khá lên. Ở nhà tự học nào có hay ho gì, biết con học hay chơi, la cà điện tử, cắm đầu vào ti vi, lướt mạng? Lớp học thêm không đơn thuần là bổ sung kiến thức, đó còn là nơi gửi gắm con an toàn nhất trước rất nhiều cạm bẫy vô hình ngoài đường, trong nhà luôn chực nuốt chửng lũ trẻ. Yên tâm nhất là giao con cho thầy cô quản lý!
Tôi không phản đối điều này, chỉ cảm thấy có điều gì chưa công bằng với lũ trẻ. Người lớn đi làm cả tuần, chỉ mong đến ngày nghỉ để xả hơi. Vậy mà lũ trẻ, đang tuổi ăn tuổi lớn, chỉ biết quanh quẩn vòng tròn khép kín học – học và học. Dường như cuộc chạy đua một suất vào trường THPT đã manh nha ngay từ lớp 6, bởi vì học thêm sớm mới có kiến thức nền vững chắc, mới không bỏ sót bất cứ bài vở quan trọng nào. Phụ huynh đã cất công dò hỏi những thầy cô có tiếng để cho con theo học.
Có nhiều phụ huynh thì thầm kể chuyện: Nếu không cho con học thêm cô A, thầy B thì không xong, chắc chắn con bị thầy cô trù dập, để ý. Nhiều người nói, cấp 2 không giống cấp 1 đâu, thầy cô “quyền sinh quyền sát” trong tay, cứ để con lơ tơ mơ như hồi học tiểu học là điểm phẩy be bét lắm. Nếu đi học thêm thì cứ thầy cô dạy con trên lớp mà học, học thêm thầy cô khác là con “lãnh đủ”. Có thầy cô còn hỏi thẳng học trò: Em nghĩ cô thầy dạy không hay bằng người khác đúng không?Học sinh chỉ còn biết im lặng chịu trận, lo lắng, sợ sệt…
Video đang HOT
Tôi cho rằng những mảng tối ấy không phải là tất cả. Có lẽ phụ huynh đang tự trầm trọng hóa vấn đề khi cho con học thêm. Tôi từng hỏi chuyện kỹ càng những em học sinh hơn con tôi 1-2 tuổi về việc đi học thêm. Tôi quan tâm đầu tiên là số lượng các em đi học thêm, lũ trẻ kể, khoảng nửa lớp các bạn đi học. Vậy thì nửa lớp các em không đi học thêm, tôi coi đó là “ngưỡng an toàn”. Rõ ràng có rất nhiều phụ huynh nhìn nhận vấn đề học tập của con thoải mái hơn, không ép trẻ học thêm tối ngày cho bằng bạn bè.
Tôi đã có khoảng thời gian cả tháng đắn đo với việc có nên cho con đi học thêm 3 môn văn – toán – tiếng Anh? Những anh chị vừa thi đỗ đại học năm nay trong khu tập thể tôi ở đều có lịch học thêm xuyên suốt ngay từ lớp 6 và phụ huynh còn cầu kỳ gửi con học thêm toàn thầy cô tên tuổi. Liệu tôi có trở thành một phụ huynh nông cạn, ích kỷ với tiền đồ của con? Ai cũng nói, đầu tư cho giáo dục là đầu tư sinh lời cao nhất, lẽ nào tôi tiếc rẻ mỗi tháng mấy trăm nghìn?
Tham gia một diễn đàn dành cho giáo viên tiểu học, tôi bật cười với câu hỏi từ một phụ huynh: “Tại sao con tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc lớp 8, mà bảo con hướng dẫn em môn tiếng Anh lớp 2, con không làm được. Con nói học để thi, thi xong rồi quên…”. Tôi kể chuyện này với mấy em học sinh lớp 7 cạnh nhà thì các em cười và nói đúng là như vậy. Nếu con tôi học ổn thì kiểm tra, thi học kỳ cơ bản đều nằm trong sách giáo khoa, có cớ gì không làm được bài? Sau khi tìm hiểu tường tận từ phụ huynh và chính các em học sinh xung quanh, một lần nữa tôi lại quyết định không cho con học thêm và tự học tại nhà. Những bài toán,tiếng Anh khó, con tìm hiểu qua mạng, bố mẹ giảng thêm hoặc chờ cô hướng dẫn…
Con tôi không phải là đứa trẻ xuất sắc, lớp 5 con chỉ đạt danh hiệu học sinh vượt trội. Tôi cảm nhận rất rõ năng lực của con, không kỳ vọng con sẽ thi thố học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Tôi chỉ mong con đi học vui vẻ, không áp lực quá mức với điểm số mà học đúng với năng lực của con. Con khoe điểm kiểm tra toán đạt 9, 10. Những môn học khác, điểm kiểm tra của con đạt từ 7 trở lên. Tôi động viên con nên cố gắng mỗi ngày, có ý thức trong lớp học. Tôi tin rằng, một học sinh chăm ngoan luôn được thầy cô ghi nhận, đánh giá công bằng chứ không phải vì con có đi học thêm hay không…
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Đã giảm tải, vì sao học sinh vẫn "căng mình" học thêm?
Theo các chuyên gia, nhà giáo nhận định, học sinh hiện nay vẫn còn bài Toán khó, bài Văn mang tính "đánh đố" mà kiến thức nặng tính hàn lâm. Nhiều kỳ vọng được đặt vào Chương trình Giáo dục phổ thông mới có những phương pháp hiện đại, giảm tải cho học sinh.
Chương trình Giáo dục phổ thông hiện nay được đánh giá là nặng nề gây quá tải cho học sinh. Ảnh minh họa: Q.Anh
Bị cấm vẫn giao bài tập về nhà
Những năm trở lại đây, dù liên tục được giảm tải, song chương trình học của học sinh phổ thông hiện nay vẫn bị đánh giá là khó, buộc cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh vất vả trong chuyện học. Dù thời lượng các môn học đối với học sinh tiểu học được rút gọn hơn trước, nhưng dù đã được học 2 buổi/ngày vẫn chưa đủ thời lượng học, buộc giáo viên phải giao thêm phiếu bài tập, dặn làm thêm trong sách bài tập, tập đọc, luyện viết chữ ở nhà. Mặc dù, theo quy định hoàn toàn cấm, song nhiều giáo viên buộc "xé rào" vì chỉ muốn học sinh của mình theo kịp chương trình, không làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp và nhà trường.
Mới đây, tại một diễn đàn dành cho giáo viên (trên Facebook), một phụ huynh có con học tiểu học tâm sự: "Hàng ngày, con về nhà có quá nhiều bài tập được giao. Ngoài phiếu bài tập Toán, con còn làm thêm bài tập Tiếng Việt, tập chép đoạn văn dài cả hai trang giấy". Chia sẻ này nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh, giáo viên. Rất nhiều lời tư vấn được đưa ra, ngoài lời khuyên nên trao đổi với cô để cô giao ít bài, nhiều ý kiến trong đó có cả giáo viên cho rằng, cô làm thế là tốt cho con, để con học tốt hơn...
Thực tế, có rất nhiều phụ huynh gặp phải tình cảnh nói trên khi con học cả ngày ở trường, tối về vẫn phải "vùi đầu" vào bàn học để học đến 10 giờ đêm mới xong. Chị Nguyễn Thanh Vân (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 2 tâm sự: "Con học cả ngày ở trường, nhưng lớp học đông con khó bắt kịp chương trình. Năm con học lớp 1, học kỳ 1 tôi để con được tự do phát triển "tự nhiên", nhưng kết thúc học kỳ 1, con thuộc nhóm kém nhất lớp, làm toán sai, viết xấu, sai chính tả... Không nỡ để con kém, tôi đã phải dành thời gian kèm cặp con nhiều hơn. Từ đó đến nay, con về nhà luôn phải hoàn thành các phiếu bài tập, tập đọc, luyện viết ở nhà. Cuối tuần, con học thêm nhà cô 2 buổi. Từ đó con mới theo kịp chương trình và ít khi cô nhắc".
Không riêng cấp tiểu học, nhiều phụ huynh có con học phổ thông ở Hà Nội cho hay, không đặt nặng chuyện con học giỏi, nhưng thực tế hiện nay do lớp học đông, học sinh thích chơi hơn học cũng là lý do khiến các giờ học trên lớp chưa thực sự hiệu quả, gây quá tải cho cả học sinh lẫn giáo viên. Bên cạnh chương trình nặng, một thực tế khiến học sinh học nhiều hơn là để phục vụ cho xét tuyển, thi chuyển cấp, nên nhiều học sinh phải học thêm bên ngoài nhà trường.
Chương trình nặng là do... trùng lặp?
Chỉ ra một thực tế các môn học quá tải hiện nay, PGS Mai Sỹ Tuấn - Tổng Chủ biên môn Khoa học tự nhiên (Chương trình Giáo dục phổ thông mới) cho biết, chương trình hiện nay nặng là do sách giáo khoa, chương trình học. Có nhiều phần trùng lặp ở môn này có rồi, nhưng lại có ở môn học khác, ví dụ như xảy ra ở các môn Toán - Vật Lý - Hóa học ở bậc THPT. Ngoài ra, có nhiều bài tập khó, do sách giáo khoa hoặc giáo viên thêm bài tập đòi hỏi học sinh ghi nhớ quá nhiều, chưa chú ý. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra đòi hỏi nhớ quá nhiều, buộc học sinh phải học dẫn đến quá tải.
Để khắc phục, theo PGS Mai Sỹ Tuấn: "Việc giảm tải sẽ thực hiện triệt để ở các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhưng giảm tải sẽ tùy thuộc vào từng môn học. Trước hết, việc giảm tải phải tránh sự trùng lặp, tiếp đến là giảm kiến thức vận dụng quá nhiều, buộc học sinh phải nhớ nhiều... Việc giảm tải là đổi mới phương pháp để học sinh tăng tính suy luận, chứ không phải nhớ nhiều như trước đây, học sinh được tư duy sáng tạo và được học những cái thiết thực, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Các môn học mới sẽ được thực hiện làm sao để không tăng số lượng tiết học so với hiện nay".
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành và còn thấp hơn chương trình các nước tiên tiến. Chương trình mới sẽ có 3 điểm thay đổi cơ bản về phương pháp xây dựng chương trình, cách phát triển, hình thành các năng lực cốt lõi cho học sinh và sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.
"Chương trình sách giáo khoa mới cho phép các em học sinh được lựa chọn theo sở thích năng lực. Cách học, cách đánh giá cũng được đổi mới. Tổ chức các hoạt động giáo dục, thầy cô là người hướng dẫn, được lựa chọn phương pháp riêng theo ý thích. Thậm chí, giáo viên sẽ được lựa chọn một số nội dung học, các hình thức giảng dạy, miễn sao đảm bảo đúng theo các yêu cầu đề ra", GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Theo dự kiến, trong tháng 10 này Bộ GD&ĐT sẽ ban hành khung Chương trình Giáo dục phổ thông mới, trên cơ sở đó sẽ tổ chức biên soạn sách giáo khoa và hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng sách. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên sư phạm, các chương trình đào tạo bồi dưỡng đi kèm và tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên.
Quang Anh
Theo giadinh.net.vn
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở với các chương trình văn bằng hai Học thêm một bằng đại học thứ hai là xu hướng ngày càng được ưa chuộng ở nước ta, bởi không chỉ mở rộng cơ hội nghề nghiệp của người học mà còn có thể thay đổi được bản chất công việc hiện tại. Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM (UEL) đang tuyển sinh văn bằng hai...