Bạn đọc viết: Con học lớp 1, có gì mà lo?
Trẻ con học lớp 1 trở thành chủ đề tranh luận sôi sục trên nhiều diễn đàn mạng.
Phụ huynh đăng “tút” trên Facebook tìm thầy cô, mọi người mách nhau chỗ này, chỗ kia thầy cô luyện chữ đẹp, là giáo viên giỏi cấp huyện, có kinh nghiệm mười mấy năm đứng lớp 1, học sinh vào tay thầy cô đều viết chữ đẹp như in.
Ảnh minh họa
Thậm chí những cô giáo lớp 1 có tên tuổi, không cần quảng cáo mà phụ huynh ào ào đến đăng ký xin cho con học thêm ngay từ đầu tháng 6, ai chậm chân cô còn không nhận học sinh vì lớp đông quá.
Nỗi lo con vào lớp 1 không bằng bạn bè khiến ông bà, bố mẹ suốt ngày đôn đáo, giục giã các con luyện viết, luyện đọc, luyện làm toán. Ngay từ lớp lớn mầm non, các cô dạy con thuộc lòng bảng chữ cái, bảng số, học ghép âm ghép vần và tập tô chữ, viết chữ trơn trên giấy ô li. Sự chuẩn bị tích cực này không làm vơi bớt nỗi lo con vào lớp 1. Bố mẹ chỉ cảm thấy yên tâm khi gửi con đi học thêm các cô giáo dạy lớp 1 có tiếng tăm, kinh nghiệm.
Cô bạn đồng nghiệp kể chuyện, con bạn đi học thêm tháng 6, tuần 4 buổi, học phí 50 ngàn đồng/buổi học 2 tiếng. Sang tháng 7, con học rút đi tuần 2 buổi. Tôi mượn vở con xem, chữ bé viết sạch sẽ và tương đối đẹp. Bạn kể, con đầu học lớp 1 mới căng, đi học thêm về vẫn chưa được nghỉ, bà sốt sắng kèm cháu học cả buổi tối làm cháu kêu oai oái. Giờ là con thứ hai, bố mẹ có kinh nghiệm nên dễ tính hơn nhiều, không ốp con nhiều, chỉ cần con làm hết bài cô giao về nhà, xấu đẹp gì cũng kệ.
Con học lớp 1, có gì mà lo? Nếu lỡ hỏi như vậy, các phụ huynh sẽ tuôn trào nỗi niềm tâm sự: lo con học đuối, con chán học, bạn bè chê cười, cô giáo trù úm. Ai cũng ám ảnh những chuyện kinh khủng khi con học tiểu học mà báo chí đưa tin: các con bị thầy cô đánh, tát, bắt uống nước giẻ lau, làm bài thi chậm bị cô giám thị vụt tới tấp vào người, nhẹ nhất thì ngày nào cũng nghe cô phản ánh, chê bai con này kia, thật không sao chịu đựng nổi…
Tôi nhớ đến chị hàng xóm gần nhà, khi đứa con đầu học lớp 1, tối nào cũng nghe tiếng chị quát thét, mắng con xối xả và tiếng đứa con chị khóc nức nở. Chị cho con học thêm nhà cô cả ngày chủ nhật, cô kèm mấy tháng mà chữ con vẫn nguệch ngoạc, chị than thở: “Tốn tiền, mất công đưa đón mà chẳng ăn thua, con dốt vẫn hoàn dốt”.
Tôi góp ý với chị, năng lực học của con chỉ đạt ngưỡng ấy, chị chịu khó cùng học với con, đừng mắng con nhiều mà hãy động viên khi con tiến bộ, dù tiến bộ của con rất chậm, làm sao có thể so sánh trông ngang trông dọc con với những đứa trẻ cùng lứa khác. Mấy năm trôi qua, năm nay con trai chị vào lớp 1. Chị xác định tâm lý thoải mái, con biết viết hết các chữ dù chưa đều đẹp, chị giao con viết mỗi tối 1 trang, chữ nào khó có ghép vần thì nửa trang là cho con nghỉ. Con chị tối nào cũng được chạy ra ngoài chơi cùng các bạn, cười đùa, chạy nhảy vui vẻ.
Con vào lớp 1, bố mẹ còn lo con bị phân biệt đối xử. Nhiều phụ huynh to nhỏ với nhau, chuyện con học lớp 1 có lớp VIP, lớp thường, chuyện chạy lớp, chạy cô tồn tại từ nhiều năm nay. Làm sao phụ huynh lại thấp thỏm quá nhiều mối lo không đáng có như vậy? Tôi có 2 con đã qua lớp 1, tôi luôn để con tự vào lớp do nhà trường sắp xếp. Con trai đầu may mắn học cô giáo có kinh nghiệm gần 30 năm dạy lớp 1, nhưng tôi vẫn phải dành thời gian kèm con rất nhiều vì con quá nghịch ngợm.
Con gái út học lớp 1 với cô giáo trẻ măng, mẹ cũng vẫn học với con mỗi tối. Lớp trường công có sĩ số 50 học sinh, một cô giáo đứng lớp dù cô dạy giỏi cỡ nào cũng không đủ sức dạy dỗ tỉ mỉ từng con và bạn nào vào học lớp cô giỏi cũng xuất sắc, cũng đọc thông viết thạo, viết chữ đẹp, làm toán nhanh. Có những bạn học lớp thường nhưng cô chủ nhiệm nhẹ nhàng, luôn khen ngợi động viên các con thì con rất ham học và tiến bộ rõ rệt…
Con học lớp 1, biết bao bỡ ngỡ, rụt rè với trường lớp, thầy cô, bạn bè, sách vở. Bố mẹ nào cũng mong ngóng bông hoa cô khen tặng với hy vọng chớm nở, mong con chăm ngoan, học giỏi. Làm sao quên được gương mặt sung sướng của con khi cầm vở chạy tới khoe với ông bà, bố mẹ điểm cao? Làm sao không rầu rĩ, buồn bã khi con đi học về, bố mẹ giở vở kiểm tra chỉ thấy cô gạch đỏ vở, cô phê bình, nhắc nhở?
Tôi cũng từng mắng chửi, đánh con khi con học lớp 1 mà chữ viết không đẹp, tập đọc ngắc ngứ, toán cộng trừ sai tứ tung. Nhưng càng học cùng con, tôi càng nhận thấy,chỉ cần bố mẹ khen ngợi động viên thì con rất vui thích, giờ học buổi tối nhẹ nhàng mà thú vị. Tôi hào phóng tặng con rất nhiều điểm 9, 10 trong vở luyện tập ở nhà ngày cuối tuần, điểm ảo này khiến con tự tin rằng, nhất định con học tốt và đúng là con học tốt hơn hẳn, ở lớp bạo dạn giơ tay phát biểu.
Chỉ cần bố mẹ không tạo áp lực, tôi tin các con vào lớp 1 sẽ có thật nhiều niềm vui!
Thanh Mai
Video đang HOT
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Chăm chăm cho con học chữ trước là bố mẹ lười!
Là một người mẹ, từng là giáo viên tiểu học, chị Trần Thu Hà nói rằng "Những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi, là những ông bố bà mẹ lười!".
Dạy viết chữ và giải toán cho trẻ: Dễ ợt!
Tranh luận con học chữ trước hay không đến mùa lại lên. Có bài rất "hot" viết rằng vì không cho con học trước nên bố mẹ bị đánh gục, đánh vật, bị ân hận, con thì như con chim bị trúng đạn, rồi điểm kém, rồi tự ti, mặc cảm, suýt lưu ban...
Theo chị Thu Hà - bà mẹ nổi tiếng với những cuốn sách về nuôi dạy con, điều này không hẳn như vậy. Hãy nhìn hàng ngàn bé học trước, không phải tất cả đều đang học rất giỏi, đều có thái độ học tập tốt, đều say mê học...
Từng là một giáo viên tiểu học và cũng là phụ huynh của hai con đã từng học lớp 1, chị Hà nói rằng dạy viết chữ và giải toán cho trẻ con dễ ợt!
Tác giả Trần Thu Hà từng là một giáo viên tiểu học
Những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi, là những ông bố bà mẹ lười!
Vì sao? Vì chữ đã có chữ mẫu, nét nào cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu, bút đi tới đâu tới đâu thì cong, tới đâu thì hất... Có mẫu hết, cứ nhắm mắt mà đi theo, khỏi nghĩ!
Rồi toán lớp 1 cũng đơn giản lắm, cứ 2 2 = 4, cũng khỏi nghĩ!
"Một hiệu trưởng trường tiểu học nói với tôi: "Kinh phí của nhà nước thì thấp, tôi muốn dạy các em kỹ năng sống, dạy làm việc nhóm, dạy làm người... tất cả những thứ tốt đẹp đó đều cần giáo viên giỏi và nhiều chi phí. Chỉ có dạy chữ là rẻ nhất trong các loại dạy!", chị Hà kể.
Nhìn ra thị trường sẽ thấy ngay, để cho con bạn biết viết và thậm chí viết đẹp, biết cộng trừ nhân chia, bạn chỉ cần bỏ ra 200 tới 500 ngàn/tháng cho con đi học thêm vài tháng là con thạo ngay. Nhưng với kỹ năng khác, như tự chăm sóc bản thân, hay rèn tính tự tin chẳng hạn, học phí sẽ tốn gấp cả chục lần!
Nhiều đứa trẻ vật vã, khổ sở với phụ huynh vì học chữ trước
Vậy mà chị thấy quá nhiều cha mẹ kè kè ngồi bên cạnh con hàng đêm từ khi bé mới 4, 5 tuổi để rèn từng nét bút, nhẩm từng con số. Rồi mẹ la con khóc, ông bà quát, cả nhà như có chiến tranh.
Những thứ đó cô giáo lớp 1 chắc chắn sẽ dạy chính xác hơn bạn.
Nhiều cô giáo lớp 1 than phiền rằng thà dạy một bé chưa biết gì hết, còn hơn dạy một bé biết viết rồi, nhưng đã trót quen cách cầm bút, cách trình bày, cách viết không đúng ý cô.
Nguy hiểm của lớp 1 không phải là chữ viết mà là không biết kết nối
Nói về tâm lý lứa tuổi, chị Thu Hà phân tích, đi học là một cuộc cách mạng, là bước ngoặt lớn trong đời bé, đòi hỏi ba mẹ có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện.
"Ở nhà nhất mẹ nhì con", giờ nhà nào cũng chỉ có từ 1 tới 2 con, trong lớp sẽ toàn các vua và nữ hoàng chơi với nhau. Con sẽ phải tương tác với một xã hội mà ở đó không còn có yêu thương vô điều kiện như ở nhà. Đừng thấy con mình đi học về viết đẹp, biết đọc là vội mừng, nhiều bé ra chơi toàn đứng một mình, nhiều bé khóc vì "không có ai chơi với con", "đi học con toàn bị ăn hiếp", "đi học không có vui gì hết"!
Nhiều phụ huynh tự hào vì con biết đọc biết chữ trước nhưng học viết, đọc chữ là việc đơn giản nhất trong những thứ cần cho trẻ trước khi vào lớp 1
Nguy hiểm nhất ở lớp 1, không phải là chưa biết viết, biết đọc, mà là không kết nối được với xung quanh, không biết cách bộc lộ cảm xúc, không biết tương tác, không biết giao tiếp, không biết sống cùng người khác". Mà tất cả những điều này đều cần dày công - không dễ dàng như tập viết chữ, làm toán.
Mục đích học tập cuả lớp 1 là gì? Là con bạn biết đọc và biết viết, hay con ham học tập tìm tòi và sáng tạo? Để ý sẽ thấy, cuối lớp 1 hầu như bé nào cũng biết đọc biết viết. Nhưng có bao nhiêu nhà bố mẹ phải mỗi đêm kè kè bên bàn, la mắng, dùng roi, dùng hình phạt, hoặc dùng các phần thưởng để nhử con học? Sểnh mắt một cái là con viết nhầm, tính sai, quên làm bài tập? Bao nhiêu bé thực sự có động cơ học tập, biết học tập là việc của chính mình, chứ không phải là học cho cha mẹ?
Cô giáo tại Trường tiểu học Hồng Hà, Bình Thạnh, TPHCM hướng dẫn trẻ lớp 1 cách sử dụng nhà vệ sinh ở trường
Cơ chế giáo dục phổ thông của nước mình đặc biệt là giáo viên không được tự ý điều chỉnh lịch giảng dạy! Tức là tuần đầu tiên vào lớp 1, mặc kệ những bạn đã đọc thông viết thạo, hay bạn chưa biết một nét nào, thì lớp 1 của cả nước đều bắt đầu học một bài giống nhau, với thời lượng tương đương nhau. Tuần đầu tiên là cứ học nét cong, nét thẳng, nét hất chán chê, rồi sau đó thì ê a vài chữ cái.
Không học trước chữ nào, hai con từng là học sinh dốt nhất toàn khối 1
Chị Hà đã thử, và đã thấy. Cả Xu và Sim, hai cô con gái của chị hoàn toàn không học trước chữ nào, không học trước ngày nào! Vào lớp 1, cả Xu và Sim đều là học sinh dốt nhất trong toàn khối 1 của trường.
Không học trước nhưng không có nghĩa là chị bỏ mặc con chơi với ti vi suốt 6 năm rồi tới lớp 1 thì quẳng tọt vào lớp cho cô giáo. Chị dạy con những thứ cần thiết để giúp cho việc dạy của cô.
Người mẹ liệt kê: "Tôi dạy con cầm bút bằng cách tập vẽ, tập tô màu. Tôi tập cho con tập trung, trật tự bằng cách cho chơi xếp hình, ghép hình, bằng các trò chơi kéo dài 40 phút, 1 tiếng ở nhà. Tôi tập cho con tự chăm sóc bản thân, tự chải đầu, cột tóc, tự rửa mặt, biết đi vệ sinh. Tôi tập cho con cách thưa gửi, trình bày với cô giáo sao cho hiệu quả".
Tôi nói trước với con từ ở nhà, rằng mới vào lớp 1 con sẽ viết và đọc chậm hơn các bạn đấy. Tôi cũng nói trước với cô lớp 1 như thế. Đừng đợi cô giáo đi tìm mình mắng vốn vì sốc, vì thất vọng. Nhớ hồi đó, cô của Sim thì vui vẻ không ý kiến gì, cô của Xu thì cằn nhằn, cũng giục tôi cho bé đi học thêm. Tôi chỉ nhã nhặn cảm ơn!
Mục đích học tập UNESCO gồm nhiều thứ lắm: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người". Vậy phụ huynh hãy để bài tập viết, tập đọc cho cô giáo lo. Hãy dạy những kỹ năng rất quan trọng khác đang bị nhà trường bỏ trống, như thể thao, nghệ thuật, giao tiếp, cư xử, hiểu và định giá đúng bản thân... Hãy dành thật nhiều năng lượng, thời gian và tiền của bạn để mà bù đắp vào đó.
"Đừng đua chen việc con hàng xóm biết đọc biết viết trước làm gì vì "Khi chúng ta lạc đường, càng tiến tới, chúng ta càng xa đích đến" - Chị Trần Thu Hà.
Sếp ra rả những điều bạn đã biết, bạn còn muốn điên...
Bạn lớn bằng này rồi, bạn đã biết cư xử cho đẹp lòng sếp rồi, mà giờ bắt bạn ngồi họp ngày 8 tiếng, sếp cứ ra rả nói những điều bạn đã biết, bạn còn muốn nổi điên. Huống chi các cô cậu 6 tuổi, quá trình hưng phấn mạnh gấp nhiều lần quá trình ức chế, ở nhà đã đọc ro ro, tính nhoay nhoáy, giờ cứ ngồi đợi cô dạy nét cong nét hất, ngồi vẽ chữ to đùng 4 ly đúng như giáo án của Bộ Giáo dục.
Trẻ vào lớp 1, thứ cần chuẩn bị nhất là tâm lý sẵn sàng và háo hức
Những bạn đã học trước rồi vào lớp thường rất nghịch phá, bướng bỉnh. Và hệ quả lại thường bị cô giáo mắng phạt.
Vậy là, ngay những bước chân đầu tiên tới trường, bắt đầu một hành trình dài và quan trọng suốt đời là học hành, thì toàn thấy bị "hành", chả thấy "học" được cái gì mới mẻ, thú vị và hấp dẫn!
Đường học còn rất dài, còn suốt cả cuộc đời. Hãy để bé đặt bước chân khởi đầu vào lớp 1 bằng cảm xúc của sống trung thực, háo hức với những thử thách mới mẻ, thấy mình tiến bộ mỗi ngày so với bản thân mình hôm qua.
Đừng đẩy bé vào những giờ học cực hình, phải ngồi "khoanh tay mắt nhìn lên bảng nghe cô giáo giảng" những điều cũ kỹ mình đã lén học trước từ năm ngoái.
Hoài Nam
Theo Dân trí
8 cách "chơi mà học" giúp con sớm thuộc bảng chữ cái để tự tin vào lớp 1 Không phải ép con đi học thêm chữ trước khi vào lớp 1, cha mẹ hãy cùng con nhận biết mặt chữ cái theo phương pháp đơn giản này nhé. Để đồng hành cùng con vào lớp 1, bố mẹ không cần phải "nhồi nhét" gì nhiều bởi vẫn có những cách giúp con trang bị kiến thức dưới hình thức vui chơi...