Bạn đọc viết: Còn “diễn” và “lọc”, còn bệnh thành tích!
Thông tin một trường tiểu học ở Hải Phòng thông báo với phụ huynh về việc học sinh được “chọn” tập trung theo kế hoạch còn học sinh khác ở nhà đã một lần nữa khơi lên thực trạng đáng báo động trong giáo dục hiện nay: Dự giờ như diễn kịch và bệnh thành tích đã ăn sâu vào gốc rễ!
Ảnh minh họa
Mỗi năm ngành giáo dục tưng bừng tổ chức biết bao hội thi, hội giảng từ cấp trường đến cấp cụm, huyện thị, thành phố… Rồi các đợt dự giờ, thao giảng, thanh tra, dạy chuyên đề, dạy thực nghiệm… cuốn thầy và trò “quay cuồng” hết đợt kiểm tra này đến đợt thi đua khác.
Có thể kể ra hiệu quả từ các phong trào thi đua này, đó là những tiết học được đầu tư công phu hơn, chỉnh chu hơn, không khí dạy học sôi nổi hơn, học sinh được tiếp cận với các phương pháp dạy học mới… Đồng thời, danh hiệu giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi… sẽ là động lực để người thầy tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo.
Vậy nhưng, cách thức tổ chức các hội thi, hội giảng dần dà biến tướng, nặng về đánh giá kết quả, thành tích, danh hiệu, giải thưởng khiến người thầy nảy sinh tư tưởng ganh đua, đối phó, hình thức.
Một lớp học phổ thông với sĩ số 45, 50, 60 em hiện nay ở các thành phố lớn chắc chắn sẽ không thể tham gia đầy đủ số lượng trong các tiết dạy có dự giờ. Các em phải được sàng lọc bớt một phần để có thể bố trí lớp học, tổ chức hoạt động tích cực cũng như sắp xếp chỗ ngồi cho ban giám khảo, giáo viên dự giờ.
Và trong cách sáng lọc ấy, đối tượng học sinh nào sẽ được chọn? Ai dám mạo hiểm chọn học sinh học lực bình thường, hay mất tập trung, phát biểu lí nhí? Muốn tiết dạy thành công, người thầy chắc chắn sẽ chọn những em có năng lực khá giỏi, nhiệt tình phát biểu, tự tin hoạt động. Và từ đây, căn bệnh thành tích manh nha, hiện hữu.
Một tiết dạy thành công chỉ đơn giản là dạy cho học sinh khá giỏi hiểu bài, nắm được vấn đề và thực hành, vận dụng thành thạo kiến thức ư? Năng lực tổ chức hoạt động dạy học của người thầy chỉ thể hiện với đối tượng học sinh tốt về cả kiến thức và ý thức ư? Nếu đúng là như thế thì các hội thi, hội giảng đã đi chệch hoàn toàn mục tiêu cao đẹp ban đầu!
Người thầy có cảm giác gì khi đề nghị học sinh yếu kém ở nhà vì đó là tiết dạy có dự giờ, tiết dạy để thi thố tài năng? Tôi từng biết có khá nhiều thầy cô cảm thấy mình có lỗi với học sinh nhưng “lực bất tòng tâm”. Muốn có thành tích, muốn đạt danh hiệu cao quý, chọn học sinh khá giỏi để dạy sẽ là giải pháp an toàn. Đây chính là thực trạng phổ biến ở nhiều trường, nhiều địa phương mỗi mùa hội thi, hội giảng.
Học sinh bị phân biệt đối xử, các em còn hạn chế về năng lực sẽ thiệt thòi vô cùng khi không được tham gia giờ học với các bạn. Đó sẽ là một nốt lặng buồn bã trong hành trình đến lớp của học trò. Phụ huynh biết được con em mình không được “chọn” để giáo viên tham gia hội thi, hội giảng cũng sẽ cảm thấy tủi thân, nặng lòng và dần dà mất niềm tin vào sự công bằng, thực chất của môi trường học đường.
Video đang HOT
Và chúng ta đừng lầm tưởng học sinh được chọn là vinh dự và sung sướng nhé! Để tạo nên một tiết dạy thi thố thành công, cả thầy lẫn trò đều phải miệt mài dạy mẫu, học thử. Thậm chí có không ít tiết dạy mà học sinh được học trước rồi diễn lại, được “mớm” câu trả lời, được dặn dò kỹ lưỡng lúc nào giơ tay, em nào trả lời câu nào…
Những tiết dạy thành công từ việc “diễn” và “lọc” học sinh như thế sẽ là một lực cản đầy thách thức với cuộc vận động “hai không” của Bộ GD&ĐT: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”!
Nhưng bao giờ còn “diễn” và “lọc” thì căn bệnh thành tích vẫn còn “đất sống”!
Thùy Mai
Theo Dân trí
'Cái tát' vào bệnh thành tích: Sẽ chấn chỉnh lệch lạc trong phong trào thi đua
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc thi đua trong ngành vẫn cần thiết nhưng Bộ sẽ tăng cường rà soát để chấn chỉnh những lệch lạc trong việc tổ chức thi đua ở cơ sở.
Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng mục tiêu giáo dục không phải chỉ "dạy chữ" mà quan trọng hơn là phải "dạy người". Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh (HS) là yêu cầu bắt buộc, vì thế mọi thành viên trong nhà trường đều phải có trách nhiệm. Các phong trào thi đua của tổ chức Đoàn, Hội, Đội cũng hết sức quan trọng, luôn thu hút được đông đảo HS tham gia, qua đó các em được học tập, rèn luyện và trưởng thành. Việc thi đua "dạy tốt, học tốt" trong nhà trường từ xưa đến nay vẫn là động lực và mục tiêu phấn đấu của mỗi giáo viên (GV), HS.
Không có quy định nào đánh giá, xếp loại GV bằng tỷ lệ hs giỏi
Thưa bà, dù phong trào "Nói không với bệnh thành tích trong GD-ĐT" đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng GV và các cơ sở giáo dục vẫn nhiều lần lên tiếng cho rằng quá áp lực bởi các phong trào thi đua. Theo bà, các cuộc thi như vậy có cần thiết?
Hiện nay, toàn ngành giáo dục đang triển khai phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học" với những nội dung và tiêu chí đánh giá thi đua rất cụ thể cho từng tập thể, cá nhân, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS, sinh viên.
Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cụ thể hóa nội dung, tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cấp học, trình độ đào tạo, đảm bảo hiệu quả thiết thực, tránh phô trương hình thức. Việc triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học" sẽ có tác động rất lớn trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã quyết liệt chỉ đạo, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong toàn ngành. Với tính chất và biểu hiện phức tạp của căn bệnh thành tích, đòi hỏi phải kiên trì, có các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc không chỉ ngành giáo dục mà cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Đối với các cuộc thi dành cho GV và HS, Bộ đã chỉ đạo rà soát, tinh giảm từ nhiều năm qua. Yêu cầu các địa phương, đơn vị chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy học của chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực GV và HS; không tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và lấy thành tích của cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia.
"Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người dạy, người học, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về yêu cầu dạy và học thực chất"
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
Thực hiện yêu cầu này, mỗi cuộc thi nếu được tổ chức sẽ bảo đảm đúng là sân chơi dành cho GV, HS có sở trường, hứng thú, hoàn toàn tự nguyện và không có bất kỳ áp lực nào.
Việc đánh giá, xếp loại GV, cơ sở giáo dục có nên căn cứ vào tỷ lệ HS giỏi, đỗ đạt hay nên có những thước đo khác sát sao hơn, hướng tới sự tiến bộ của người học hơn, thưa bà?
Theo quy định của luật Thi đua khen thưởng, Bộ GD-ĐT không quy định tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, công nhận các danh hiệu thi đua và xét khen thưởng cho GV, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của các địa phương. Việc hướng dẫn tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, xét khen thưởng hằng năm cho GV, cơ sở giáo dục của địa phương thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố. Bộ GD-ĐT chỉ quy định việc khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông qua phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học"; khen thưởng chuyên đề; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất.
Việc đánh giá xếp loại GV được thực hiện theo quy định của luật Viên chức, Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ; Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các quy định về chuẩn nghề nghiệp GV, chuẩn hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; quy định về tiêu chuẩn, quy trình công nhận trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông... Các văn bản này thường xuyên được rà soát, sửa đổi để loại bỏ những quy định có thể dẫn đến bệnh thành tích.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đánh giá, xếp loại GV, không có quy định đánh giá, xếp loại GV căn cứ vào tỷ lệ HS giỏi, đỗ đạt để làm thước đo. Các tiêu chuẩn, tiêu chí đều hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS, tạo ra sự tiến bộ của HS trong học tập, rèn luyện, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường, văn hóa nhà trường.
Dự giờ không còn là mục tiêu xếp loại giáo viên
Từ nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chỉ đạo đổi mới tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong trường phổ thông theo hướng tăng cường tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó tăng cường sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động học của HS. Việc dự giờ hiện nay không còn là mục tiêu để đánh giá, xếp loại GV mà tập trung phân tích, rút kinh nghiệm để đổi mới phương pháp dạy học.
Không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với năng lực
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi gì về việc ban hành các quy định, chính sách, hướng dẫn... để giúp công tác thi đua khen thưởng trở nên thực chất và trở về đúng mục tiêu của các phong trào thi đua hơn?
Ngày 28.8.2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 22 về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục. Thông tư đã được xây dựng theo hướng đổi mới: coi trọng khen đột xuất, khen thành tích xuất sắc, khen thưởng qua phong trào thi đua; thành tích đến đâu, khen đến đó. Công khai minh bạch thông tin, thành tích của tập thể, cá nhân trên website, phương tiện thông tin của đơn vị trước khi đề nghị khen thưởng. Chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động (bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý), lấy kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động làm căn cứ chủ yếu để xét thi đua, khen thưởng.
Đổi mới cơ bản việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua sát thực tế, ngắn gọn, bảo đảm tính định lượng, rõ ràng, công khai, có minh chứng, sản phẩm khi đánh giá. Các tiêu chí thi đua tập trung đánh giá sự tiến bộ của chính cá nhân, tập thể so với năm trước. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với năng lực thực tế của mỗi tập thể, cá nhân, không chạy theo thành tích.
Bộ sẽ giám sát việc thực hiện những thay đổi đó như thế nào ở cấp cơ sở?
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người dạy, người học, cha mẹ HS và toàn xã hội về yêu cầu dạy và học thực chất. Cổ vũ, động viên, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học, tạo môi trường lành mạnh và sự đồng thuận trong nhà trường và cả xã hội để phát triển giáo dục.
Chú ý tới việc hướng dẫn tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở không cực đoan, máy móc, tạo áp lực, hình thức trong thực hiện phong trào thi đua. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức và thực hiện thi đua khen thưởng ở các địa phương, đơn vị trường học để kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc trong việc tổ chức các phong trào thi đua.
Theo thanhnien
Bạn đọc viết: Giáo viên giỏi vì chỉ dạy... học sinh giỏi? Nơi nào còn tồn tại kiểu sàng lọc năng lực học sinh để dạy tiết mẫu, tiết chuẩn thì nơi ấy căn bệnh thành tích vẫn mãi là "nan y". Ảnh minh họa "Thứ 4 (9/1) đến thứ 6 (11/1), Sở GD&ĐT tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham...