Bạn đọc viết: Chấp nhận con bị điểm kém, thật khó!
Kì thi học kỳ I của con tôi đã kết thúc. Con báo điểm thi với mẹ với tâm trạng lo lắng: Con chỉ đạt điểm 6 học kì môn tin. Tôi không kìm chế được tức giận và mắng con một thôi một hồi, căn vặn con vì sao điểm kém?
Ảnh minh họa
Con lí nhí trình bày, con làm sai bài tập tự luận, con viết đường dẫn thư mục không đúng. Tôi lật lại đề cương ôn tập, sách bài tập của con và càng bực bội vì bài thi học kì là kiến thức con đã được ôn tập. Con ôn tập qua loa, không đọc kỹ sách vở nên làm bài sai, điểm thi kém. Tôi vừa buồn chán vừa thất vọng về con. Mẹ mắng con lười biếng, bố kết luận con ý thức kém, không tự giác học hành. Bữa cơm tối hôm ấy có mấy món ăn khoái khẩu nhưng con không hào hứng như mọi khi mà ủ rủ ăn nhanh cho xong, bố còn mắng con không biết nhận lỗi, mặt mũi cứ lầm lì khó chịu thật khó ưa…
Tôi nghĩ tới các tình huống xấu nhất khi con bị điểm kém liên tục: Điểm tổng kết học kì của con sẽ trong nhóm bét lớp, con có nguy cơ chuyển xuống lớp thường. Tôi than thở với mấy phụ huynh có con học cùng khối, thăm dò mấy cháu học sinh lớp 7 và biết rõ tổng kết năm học, nếu bạn nào điểm phẩy kém, thành tích không đạt sẽ bị chuyển lớp. Như vậy con vẫn còn học kì II để phấn đấu, tôi cảm thấy đỡ hoang mang. Thật may là tôi chưa vội vàng gọi điện, nhắn tin trao đổi với cô giáo chủ nhiệm lớp con. Con bị điểm kém, con buồn bã xấu hổ, nếu tôi cứ vô tư kể lể hết với phụ huynh và các bạn gần nhà thì con sẽ càng thêm chán nản.
Con thông báo với mẹ, con đạt 8 điểm môn Toán. Ngay lập tức, tôi hỏi con câu hỏi quen thuộc: Bạn ngồi cạnh con mấy điểm, lớp con có nhiều bạn điểm 9, 10 không, có bạn nào điểm kém không? Con làm bài sai chỗ nào? Con nói, con tính nhầm phép cộng trừ đơn giản. Con đứng cách tôi một đoạn với ý chịu trận, thể nào mẹ cũng nổi đóa lên, mắng xối xả vì tội làm mất điểm. Nhưng tôi dịu giọng hướng dẫn con cách học ôn, cách làm bài thi phải chắc chắn cẩn thận từng phép tính, môn học nào cũng phải ôn luyện bài bản mới đạt điểm cao. Bài thi bao giờ cũng là những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, con chỉ lơ là chủ quan không học kỹ là sẽ làm sai, làm ẩu.
Thật vui khi con khoe con đạt điểm 10 môn Vật lý. Đây là môn học khó, con luôn nhăn nhó vì không hiểu lý thuyết, không làm hết bài tập. Tôi cùng con ôn luyện kĩ càng môn học này, tôi giảng cho con lý thuyết, hai mẹ con mày mò tìm hiểu bài tập, tham khảo cách giải trên mạng, tôi ra những ví dụ tương tự để con thực sự hiểu bài. Con đạt điểm 10 ngoài mong đợi. Rõ ràng con nhận thức ổn khi mẹ thực sự dành thời gian kèm cặp, hướng dẫn.
Tôi từng nhiều lần hò hét con việc học, bắt con phải học mỗi tối 2 tiếng. Hễ con thiếu tập trung, hóng chuyện người lớn, trêu đùa em hoặc ngồi lì xem ti vi là mẹ quát mắng. Nếu chỉ hỏi con có bài gì khó không thì con đều trả lời con học hết bài, không có bài gì khó. Tôi kiểm tra, xem bài vở của con mới phát hiện con viết văn còn sai lỗi chính tả, cách trình bày cẩu thả. Với môn tiếng Anh, con học đối phó và quên rất nhiều. Con chưa thực sự say mê bất cứ môn học nào.
Video đang HOT
Học cùng con suốt mấy năm, tôi biết lực học của con không nổi trội, không xuất sắc chỉ “suýt giỏi”. Có lần tôi bắt con ở nhà học suốt buổi chiều, ôn lại mấy môn con bị điểm thi kém. Con học xong, ra đá bóng được 30 phút thì về chạy về nhà, mặt mũi nhợt nhạt, con kêu đau đầu, nôn và bỏ ăn. Chồng tôi nói, con bị trúng gió nhưng tôi nghĩ khác, có lẽ con đau đầu, mệt mỏi vì bị bố mẹ thúc ép học hành, nhắc nhở liên tục chuyện điểm thấp.
Chấp nhận con học hành không bằng bạn bè xung quanh, chấp nhận con bị điểm kém mà không đay nghiến, mắng mỏ thật khó! Bố mẹ nào chẳng mong con giỏi giang, ngoan ngoãn, chăm chỉ. Bố mẹ có mắng chửi, đánh đấm cũng là vì thương con, lo cho tương lai của con. Không lẽ con bị điểm kém thì mình cứ chửi mắng, hắt hủi con? Mình cần con khỏe mạnh, hoạt bát hay cần con vật vã, mệt nhoài với sách vở để đạt điểm 9, 10? Tại sao mình không chấp nhận con với đủ cả ưu điểm và khuyết điểm mà chỉ xoáy sâu vào chuyện con bị điểm kém để chê trách, kết tội con?
Những câu hỏi ấy cứ vẩn vơ trong đầu tôi không dứt. Tôi nghĩ, mình cần đồng hành cùng con, hướng dẫn giảng giải cho con bài khó, con tiếp thu và thi đạt điểm ra sao, mình cũng nên thoải mái đón nhận vì con đã thực sự cố gắng và vui với những tiến bộ nhỏ nhất của con. Bắt ép con học thật nhiều, dọa dẫm con rằng học kém thì ra đời sau này sẽ khốn khó, tôi thấy con rất mệt mỏi, sợ sệt và lo lắng.
Để chấp nhận con không giỏi xuất sắc, con chỉ là một đứa trẻ bình thường và bất cứ lúc nào cũng có thể lĩnh điểm kém, thật sự rất khó! Tôi chỉ có thể lấy lại bình tĩnh khi nghĩ: Bố mẹ cũng giống như số đông phụ huynh với công việc đời thường giản dị thì hãy vui vẻ, thoải mái khi con cũng là đứa trẻ học hành bình thường, không xuất sắc.
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Điểm 5 bài kiểm tra môn Văn và nỗi ám ảnh điểm số
Con trai tôi bị điểm 5 kiểm tra Văn 1 tiết. Đây là điểm kém nhất của con từ đầu năm học. Con đã nói với tôi ngay khi biết điểm với thái độ ăn năn, buồn bã...
Ảnh minh họa
Con trai tôi đang thi các môn học kỳ 1 lớp 6. Tôi cũng sốt ruột lo lắng cả tuần nay, hối thúc con ôn tập. Mọi ngày, con được phân công giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Từ hôm con thông báo lịch thi học kỳ, tôi tranh thủ làm hộ con để con tập trung học và có thời gian nghỉ ngơi. Con vẫn quen giờ đi chơi với các bạn cuối tuần, tôi chỉ cho con chơi nhiều nhất là 1 tiếng. Mẹ gọi con về học, con lầm lì theo về, miệng lẩm bẩm: "Con học xong bài rồi mà mẹ cứ bắt học mãi...".
Tôi rất bực vì con không tự giác, chăm chỉ, cứ sểnh ra là chạy đi chơi. Tôi nhắc lại chuyện con bị điểm kém môn Văn, Vật lý, Tin học, tiếng Anh. Nếu con không cố gắng hết sức đạt điểm cao thi học kỳ thì chắc chắn con chỉ đạt học lực khá.
Nỗi lo con học kém khiến tôi nhắc nhở con liên tục, con chống chế mấy câu lập tức bị mẹ quát mắng. Con bị "mắng kép", mẹ phân tích này kia chuyện học kém thì không có tương lai, bố lôi ra cả đống nhược điểm của con và kết luận con quá kém cỏi. Bố nói: "Con vụng về, ẩu đoảng, không hát hay, không nhảy giỏi, giờ lại lười học, học kém, mai sau chắc chết đói, đi làm thuê cũng không ai nhận".
Tôi thấy con lặng im không lí nhí cãi cố vài câu như mọi lần. Tôi đến bàn con học, thấy con nhìn trống rỗng vào sách vở, tay chùi nước mắt liên tục. Tôi dàn hòa chuyện bố mắng con, động viên con mấy câu và giục con học nhanh rồi đi ngủ.
Sáng hôm sau, tôi bàn với chồng phương án học cùng con và cố gắng kiềm chế nóng giận, bớt mắng chửi con vì chỉ khiến con thấy mình vô dụng. Tôi nghĩ, nếu bố mẹ suốt ngày chê bai con dốt nát đủ đường thì con sẽ càng mặc cảm, tự ti. Một đứa trẻ làm sao đủ tự tin, vui vẻ, hoạt bát khi bố mẹ không bao giờ công nhận con có ưu điểm? Con không giỏi giang ưu tú như bạn A, bạn B nhưng con học tốt môn Toán, thích học môn Văn và sôi nổi với phong trào lớp. Rõ ràng, con đã cố gắng vươn lên, con đạt điểm 9, 10 ở một số môn học. Tôi cảm thấy, mình đang tiết kiệm lời khen dành cho con và đang chê trách con quá nhiều khiến con sợ sệt, lo lắng.
Con trai bị điểm 5 kiểm tra Văn 1 tiết. Đây là điểm kém nhất của con từ đầu năm học. Con đã nói với tôi ngay khi biết điểm với thái độ ăn năn, buồn bã. Con biết không thể giấu điểm kém vì điện thoại bố mẹ đều tải phần mềm PINO thông báo đầy đủ điểm số, thái độ học tập của con ở trường lớp. Tôi hỏi kỹ con về bài kiểm tra, cùng con đọc lại đề bài, xem lại kiến thức trong sách giáo khoa. Tôi hỏi bài mấy bạn học cùng khối với con về cách viết đoạn văn theo yêu cầu để hướng dẫn lại con cách viết. Biết con buồn vì điểm kém, tôi động viên con cố gắng, chăm chỉ học bài, làm đầy đủ bài tập cô giao để gỡ điểm.
Khi kiểm tra vở đề cương con ôn tại nhà các môn học, tôi sửng sốt khi đọc bài văn con viết về một kỉ niệm đáng nhớ. Con không viết về chuyến đi biển vui vẻ của cả nhà, buổi tối đầy màu sắc ở phố đi bộ Hồ Gươm hay bất kì lần đi chơi nào của con với các bạn. Con viết về kỉ niệm điểm 5 môn Văn với những câu từ cảm thán và đầy nỗi buồn: "Hỡi ôi, tôi bị điểm 5 mônVăn, môn học mà tôi luôn tự tin và yêu thích, bạn hỏi bài được mấy điểm, tôi trả lời buồn rầu. Tôi nghĩ suốt dọc đường có nên kể với mẹ không... Mẹ đã an ủi tôi...".
Con tôi thấy mẹ sốt sắng đi hỏi bài bạn, lặng lẽ đọc lại sách vở con học, nhắc đi nhắc lại về điểm 5 đáng ghét để chấn chỉnh con mỗi khi con say sưa xem phim hoạt hình, đọc truyện tranh khiến con nhớ như in chuyện điểm số. Tôi vẫn nghĩ trẻ con vô tư và hay quên, hóa ra con thật sự bị ám ảnh, buồn bã vì chuyện bài vở, điểm số đến mức biến nó thành kỉ niệm đáng nhớ...
Muốn con tiến bộ, tự tin, tôi nghĩ không thể nhắc nhở suông, giục giã lấy lệ. Tôi dành thời gian học cùng con, hướng dẫn con cách học theo sơ đồ giúp con nhớ lâu và hệ thống kiến thức. Đọc sách của con mới thấy kiến thức lớp 6 con phải học khá nhiều từ lý thuyết đến bài tập. Một số bài tập con không biết cách làm, mẹ cũng ấm ớ vì quên hết kiến thức thời đi học. Tôi xem cách giải bài tập trên mạng, đọc lại lý thuyết trong sách giáo khoa và hướng dẫn cho con hiểu. Tôi say sưa giảng giải, lấy thật nhiều ví dụ minh họa, con chăm chú lắng nghe. Tôi không bắt con ôn tối ngày, con vẫn có thời gian đi chơi cùng các bạn, được cùng bố mẹ xem trận bóng yêu thích. Tôi rủ con cùng đi mua cặp sách mới, bút bi, thước kẻ và con háo hức đi cùng.
Con vừa thi xong mấy môn học trong đó có môn Văn. Tôi hỏi đề thi của con, con kể chuyện có đề viết về kỉ niệm đáng nhớ của em. Con kể, con vẫn viết về kỉ niệm điểm 5 môn Văn kiểm tra 1 tiết. Quả thật là điểm số vẫn là nỗi ám ảnh không dứt với một đứa trẻ!
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
2 ngày trước kì thi Đại học, hãy làm những điều này để giữ tinh thần làm bài tốt nhất Ngoài việc trang bị kiến thức, các sĩ tử hãy thực hiện những điều sau để giữ tinh thần làm bài hiệu quả nhất nhé. Chỉ còn 2 ngày nữa là kì thi Đại học sẽ chính thức bắt đầu. Chắc hẳn các sĩ tử đang có chung một tâm trạng lo lắng và hồi hộp. Lúc này, bên cạnh việc trang bị...