Bạn đọc viết: Chạnh lòng tâm sự của cử nhân Sư phạm thất nghiệp, làm trái nghề
Đọc bài “ Nỗi buồn của giáo viên dạy hợp đồng khi hè về” của tác giả Loát Trần, tôi thấy vẫn còn sự an ủi cho những cử nhân Sư phạm vì các em vẫn có việc để làm và hạnh phúc hơn khi những cử nhân này làm đúng công việc mình yêu thích, đó là nghề “gõ đầu trẻ”.
Ảnh minh họa
Họ vẫn còn may mắn hơn muôn vàn những cử nhân Sư phạm khác đang bươn chải kiếm sống ngoài kia và đành “lưu ước mơ” của mình vào ngăn tủ với tấm bằng còn thơm mùi giấy mới, ra trường 5, 7 năm rồi mà vẫn chưa có việc làm ổn định.
Một trong nhiều những cử nhân Sư phạm đó là Thúy Hằng. Tốt nghiệp cử nhân Sư phạm môn Địa lí năm 2013 với bằng loại Giỏi, đi dạy hợp đồng nhiều nơi, với mối quan hệ khá rộng và quen biết khá nhiều, cô gái trẻ tràn đầy nhiệt huyết và niềm đam mê với “phấn trắng bảng đen”. Nhìn em, tôi như nhớ lại một thời mà tôi đã trải qua, cũng yêu đời, yêu nghề như thế.
Tôi biết Hằng qua lời giới thiệu của chồng tôi. Hằng là sinh viên thực tập môn Địa lí do chồng tôi hướng dẫn trong những năm em còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học. Trong thời gian thực tập, Hằng đã rất cố gắng hoàn thành xuất sắc khóa thực tập. Em hy vọng sẽ có việc làm ổn định sau khi rời trường rồi tính đến chuyện lập gia đình sinh con.Với phụ nữ, chỉ cần như vậy là đủ, không cần gì thêm. Em biết tôi là giáo viên nên có ý gặp và trao đổi kinh nghiệm dạy học trong nghề, mặc dù tôi dạy môn Văn.
Còn nhớ, lần đầu tiên gặp em, tôi ngạc nhiên vô cùng với vẻ ngoài già dặn và từng trải, trông em già hơn so với tuổi 22. Qua trò chuyện mới biết em sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, vào Sư phạm để ra trường dễ xin việc, không tốn kém tiền của. Hằng để lại ấn tượng trong tôi với một tâm hồn sôi nổi, trẻ trung , nhiều mơ mộng về một tương lai tươi sáng đang đợi em phía trước.
Mới đây gặp tôi, Hằng tâm sự trong tiếng thở dài: “Bảy năm rồi, em thất nghiệp, em có dạy hợp đồng lai rai vài trường nhưng xa nhà quá, lương cũng chỉ đủ đổ xăng mà thôi, em đành ở nhà phụ ba mẹ trồng trọt và chăn nuôi, kiếm cơm ăn hàng ngày chị ạ. Đầu năm vừa rồi, em vừa xin được một công việc ở nhà nghỉ, dọn dẹp phòng cho khách. Công việc này trái ngược hoàn toàn với đi dạy, tiếp xúc với đủ các hạng người, nhưng phải làm chứ biết làm sao.”
Video đang HOT
Bằng cử nhân Sư phạm vẫn còn thơm tho mùi giấy mới duy chỉ có tâm hồn và nhiệt huyết của cô gái trẻ trở nên cũ kĩ mà thôi. Đáp số nào cho một trong muôn vàn cử nhân Sư phạm đang thất nghiệp ngoài kia?
Còn nhiều nữa những sinh viên Sư phạm gác mộng “gõ đầu trẻ” với nhiều công việc khác nhau như buôn bán lặt vặt ven đường để kiếm sống.
Trên đường đi ngang qua, lòng tôi chùng xuống vì kế sinh nhai bủa vây những cử nhân trẻ tuổi ấy.
Bỏ hàng thuê, làm công việc shipper để tạm sống qua ngày, hay rời quê hương vì miếng cơm manh áo cũng là cách lựa chọn của nhiều cử nhân hiện nay, thậm chí chấp nhận làm phụ thợ nề vào mùa nắng để có thu nhập…
Đáng buồn hơn nữa, cùng khóa Sư phạm với tôi (tốt nghiệp năm 2006), trong khi tôi đã “an phận” với công việc ” người lái đò” ổn định thì một số người bạn của tôi đã, đang thất nghiệp dài dài. Các bạn gái thì lấy chồng rồi sinh con và chờ công việc, các bạn trai thì làm đủ mọi ngành nghề để nuôi thân.
Sư phạm – nghề cao quý trong những nghề cao quý đã – giờ đây đang lấy đi niềm tin, niềm hi vọng của bao tâm hồn tràn đầy nhựa sống và để lại một câu hỏi không lời đáp: Đến bao giờ những cử nhân Sư phạm làm đúng nghề mình đã chọn?
Thanh Thanh
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Nỗi buồn của giáo viên dạy hợp đồng khi hè về
Hôm qua, dì tôi đến chơi và trút bầu tâm sự về nỗi buồn của mình. Dì bảo rằng nghe tin con sắp nghỉ hè mà buồn nẫu ruột. Rồi đây chúng lại phải đôn đáo kiếm việc làm thêm trong mấy tháng hè. Thương con, xót con mà chẳng biết làm gì để giúp con cả.
Ảnh minh họa
Dì tôi có hai em sinh đôi học khá giỏi. Chẳng hiểu sao chúng đều thích Sư phạm. Năm ấy, dì đã từng mừng vui vì con đậu đại học. Cả gia đình đều hân hoan vì các con học hành giỏi giang. Nghĩ tới tương lai của các con dì vô cùng hạnh phúc.
Hai em con nhà dì tôi rất chăm ngoan. Từ bé hai em đã chăm học. Hai em luôn mơ ước được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng. Cả hai chị em đều yêu thích văn chương nên chọn cô giáo dạy Văn. Với lại, gia đình dì tôi cũng khó khăn nên chọn Sư phạm là phù hợp nhất.
Ngày tháng dần trôi. Cả hai em đều nỗ lực phấn đấu với tấm bằng khá khi ra trường. Tưởng rằng rồi đây các em sẽ xin được việc và đi làm cho dì đỡ khổ. Thế nhưng năm ấy Sở Giáo dục không tổ chức thi tuyển công chức. Cạy cục mãi dì mới nhờ người quen xin cho hai em dạy hợp đồng ở một trường cấp 2 cách nhà 10 cây số.
Thực ra lương giáo viên hợp đồng rất thấp. Các em được hưởng theo số tiết. Mỗi tiết thực dạy các em lãnh 40.000 đồng. Ngoài ra các em không được hưởng một chế độ gì, kể cả đóng bảo hiểm. Cứ ba tháng các em kí hợp đồng một lần cho đến hết năm. Như vậy, hàng tháng mỗi em chỉ lãnh chưa đến ba triệu đồng. Số tiền này trừ xăng xe, ăn uống thì cũng chẳng còn bao nhiêu. Tuy nhiên, thấy các em có việc, ai cũng mừng vui và hạnh phúc. Cả nhà cứ động viên các em cố gắng để chờ vào biên chế.
Năm vừa rồi nghe tin Sở tổ chức thi công chức. Các em hồ hởi vui mừng thông báo cho tôi. Cả hai em lên Sở mua hồ sơ với bao niềm vui và hy vọng. Thế nhưng khi nhìn kĩ thì chỉ tiêu tuyển sinh quá ít. Trong khi đó thì hồ sơ lại nộp quá nhiều. Đợt ấy, mặc dù rất cố gắng nhưng cả hai em vẫn trượt.
Lại một năm dạy hợp đồng nữa trôi qua, hai đứa em thì vẫn đang cố gắng và chờ đợi. Dì thì muốn hai đứa đi làm công nhân ở xí nghiệp gần nhà. Mức lương công nhân bây giờ cũng tương đối. Nếu chịu khó tăng ca thì vẫn sống tốt. Ngoài ra chưa kể thưởng tết và được đóng bảo hiểm nữa. Thế nhưng hai đứa thì cứ nấn ná, đắn đo. Chúng bảo học vất vả, cực khổ 4 năm mà đi làm công nhân thì buồn quá. Thôi thì cứ cố chờ đợi vậy.
Dẫu lương thấp nhưng có việc vẫn hơn. Giờ nghỉ hè thì hai đứa đều không có lương. Rồi đây chúng lại tất bật làm thêm đủ thứ việc để nuôi hy vọng. Nào là bán hàng trên mạng. Nào là làm gia sư tại nhà... Nhìn các con lận đận dì chỉ biết xót xa. Rồi đây không biết tương lai các con sẽ như thế nào. Năm tới liệu chúng còn được kí hợp đồng. Rồi chúng còn lập gia đình nữa chứ. Hiện tại, cả hai đứa đều đã có bạn trai. Thế nhưng chúng cứ chần chừ chưa dám nghĩ đến. Chúng rất sợ khi có con sẽ bị cắt hợp đồng. Khổ thế, yêu nghề mà chẳng được tuyển dụng.
Khi tôi gợi ý các em nên xin việc ở các trung tâm thì các em cho biết các trung tâm ở gần chỉ muốn kí hợp đồng với các thầy cô có bề dày thành tích. Họ bảo giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Họ cần các cô dạy ở những trường uy tín cơ.
Sau khi trút hết bầu tâm sự thì dì chào tôi và ra về. Nhìn dáng dì lầm lũi bước đi mà tôi thấy thương quá chừng. Thế nhưng tôi cũng chưa biết làm gì để giúp dì và các em. Tôi chỉ động viên dì và các em cùng cố gắng. Nhất định thần may mắn rồi sẽ mỉm cười với gia đình của dì.
Bản thân là một giáo viên, tôi cứ mãi suy nghĩ về bài toán bất cập nan giải trong ngành Giáo dục. Biết rằng giáo viên đã dôi dư nhưng sao các trường vẫn cứ đào tạo. Năm nào cũng vẫn tuyển sinh. Cuối cùng thì mới làm khổ rất nhiều người như thế này đây.
Loát Trần
Theo Dân trí
Đau lòng chuyện dư 500 giáo viên Mới đây, dư luận lại có những bàn luận nóng về lĩnh vực giáo dục: Huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tuyển ồ ạt dư tới 500 giáo viên. ảnh minh họa Căn nguyên được lý giải là do "quy định mới": Từ năm 2011, việc tuyển giáo viên được giao toàn quyền cho Chủ tịch huyện nên mới xảy ra việc tuyển ồ...