Bạn đọc viết: Cái roi của người thầy
Chiều qua khi đến giờ đón con ở trường tiểu học, tôi cùng một phụ huynh khá thân thiết đến bên cửa lớp và gặp cô giáo chủ nhiệm của các con. Cô mở lời với người mẹ bên cạnh tôi rằng hôm nay cô có khẽ một roi vào tay của con vì cháu không hợp tác với cô trong giờ tập viết.
Ảnh minh họa
Khi cả lớp đang rèn chữ, cậu bé vẫn cứ loay hoay nói chuyện với bàn trên lẫn bàn dưới và dù cô giáo nhắc nhở nhiều lần, cháu vẫn làm các bạn bên cạnh không tập trung vào bài học. Thế là cô giáo có khẽ một thước kẻ vào tay cháu.
Mẹ cậu bé nghe vậy ngẫm nghĩ hồi lâu và cảm ơn cô giáo đã báo với phụ huynh và nhờ cô uốn nắn tính hiếu động, nghịch ngợm của con. Cô giáo cười bảo: “May quá!”. Cô chia sẻ rằng thật bụng thật dạ muốn rèn các con vào nề nếp nên đôi lúc có nóng tính và đối với một số em quá nghịch, quá lì thì cô thỉnh thoảng cũng có khẽ tay. Nhưng cô vẫn lo nhiều thứ, lo phụ huynh không hiểu lòng cô, không đồng tình với sự nghiêm khắc của cô, và lo nhất là… bị kiện.
Con gái tôi khá ngoan nên chưa bao giờ bị cô giáo khẽ roi, cháu kể các bạn khác cũng từng bị khẽ một roi vào tay. Trong những lần họp phụ huynh đầu năm và giữa năm, cô giáo đã từng chia sẻ về việc mình khẽ roi một số em và ngay lập tức báo với phụ huynh vào buổi chiều lúc đón cháu. Và tôi cũng như nhiều bố mẹ khác vẫn luôn đồng tình với cái roi của cô giáo.
Ngay tại địa phương tôi, hồi đầu năm học, một giáo viên tiểu học đã phải xin lỗi cả học sinh và phụ huynh sau khi bắt trò ngậm bút vì mất trật tự. Nhiều người vội vàng đánh giá, quy chụp cô giáo sử dụng phương pháp sư phạm không có tính giáo dục, mất tính nhân văn. Nhưng dư luận quên mất rằng công tác ổn định nề nếp các lớp tiểu học là cả một nỗ lực lớn của giáo viên.
Tôi là một người mẹ có con vừa vào lớp 1 nên thường mon men theo con trẻ trong những ngày đầu đến lớp. Cách đây hơn nửa tháng, trong khi tôi đang chần chừ bên ngoài cửa lớp, cô giáo chủ nhiệm lớp của con biết tôi cũng là giáo viên nên nhờ tôi trông hộ lớp ít phút vì việc cá nhân. Cô nói nhỏ: “Em vào lớp và sẽ biết các cháu nghịch đến thế nào. Ngày nào chị cũng khô hơi rát cổ…”.
Video đang HOT
Quả đúng như lời cảnh báo của cô giáo, trong khoảng mười phút giữ lớp, tôi chứng kiến sự hiếu động, nghịch ngợm của mấy cô cậu đang tập tành làm học sinh ấy. Các con quay xuống bàn dưới, nhoài người lên bàn trên, kéo áo, giật bút loạn xạ. Mới nhắc nhở các con giữ trật tự được trong tích tắc lại râm ran nói chuyện, chọc phá nhau không dứt.
Tôi thật sự bối rối với việc ổn định nề nếp của bọn trẻ. Các con đang còn ham chơi hơn ham học, thích chạy nhảy chơi đùa hơn ngồi ngay hàng thẳng lối. Và dùng lời nói để uốn nắn các con vào khuôn khổ lại càng khó hơn. Và dẫu chỉ trải nghiệm trong khoảng mười phút, tôi quả thật khâm phục sự kiên nhẫn và lòng bao dung của giáo viên tiểu học khi gò các em vào “khuôn”.
Trong lớp có khá nhiều học sinh hiếu động, nhiều bạn nữ lại nghịch hơn cả bạn nam. Nếu không uốn rèn trẻ vào nề nếp, chắc chắn rằng cô giáo không thể tập trung dạy học trong khi sĩ số lớp đông, chương trình nặng và vô số áp lực bủa vây.
Trong khi đó, đòi hỏi của phụ huynh phải dạy trò nên người, chỉ thị từ cấp trên phải đạt chỉ tiêu này kia… Quả là “trên đe dưới búa” làm đau lòng thầy!
Bởi vậy, cái roi của cô giáo khẽ vào lòng bàn tay trẻ sẽ làm con biết sợ và dần dà điều chỉnh thái độ, hành vi của mình. Cái roi ấy sẽ không làm bất kỳ đứa trẻ nào phải đớn đau quá mức!
Cái roi ấy đôi khi là ánh mắt nghiêm nghị, lời nói nghiêm khắc và cả tấm gương mẫu mực, sáng trong, nhiệt huyết. Và xin nhớ rằng cái uy của thầy đứng trước trò cũng là cái “roi” hữu hiệu trong giáo dục trẻ. Chỉ tiếc là quyền được giáo dục học sinh của nhà giáo đang dần dần mờ nhạt…
Nguyễn Thùy
(Thừa Thiên Huế)
Theo Dân trí
Khi trẻ mầm non bị "ép chín"
Mấy hôm nay, cháu gái tôi không chịu đi học ở trường mầm non. Tôi dỗ dành và động viên mãi thì cháu mới nói lý do không chịu đến lớp là cháu sợ vào giờ học sẽ bị cô giáo mắng vì viết chữ chưa đẹp.
Ảnh minh họa
Buổi sáng mới đây, khi vừa đưa cháu đến lớp, tôi lân la chuyện trò cùng các cô và khéo léo nhắc đến việc cháu mình viết chữ chưa thạo, mong cô giáo uốn nắn thêm. Tôi cũng không ngần ngại ngỏ ý việc các cháu còn nhỏ, chỉ mới là trẻ mầm non có nên cho các cháu học chữ sớm như vậy không.
Ngay lập tức, tôi nhận được cái lắc đầu ngậm ngùi của cô giáo: "Thời thế buộc các cô phải ép cháu học chữ. Tuy yêu cầu từ chương trình đối với các cháu học xong bậc mầm non chỉ cần nắm vững bảng chữ cái và ghép một số vần cơ bản, nhận diện được mặt số và làm vài phép tính đơn giản, nhưng phụ huynh không đồng tình điều đó".
Cô giáo chia sẻ rằng, ngay từ đầu năm học có vài phụ huynh đã đến gặp các cô hỏi han sao trường mình không có giờ cho các cháu luyện viết, luyện đọc. Dù cô giáo có giải thích và phân bua thế nào thì phụ huynh cũng khăng khăng giữ ý định các cháu phải học chữ trước khi vào lớp một, phải đọc thông viết thạo kẻo thua kém bạn bè. Thế là giờ chơi vào cuối buổi chiều của các cháu bị "cắt xén" để soạn bàn, ngồi viết chữ, cô chấm vở và ra bài viết về nhà.
Vừa đưa con rời trường mầm non, khá nhiều bố mẹ lại vội vã chở con đến nhà cô giáo tiểu học có tiếng để tiếp tục học chữ và tối muộn mới đón cháu về. Đó là còn chưa kể đến việc khá một số cháu đã sớm rời trường mầm non trong năm học cuối cùng để chuyển sang lớp học chữ. Rồi một lịch học dài dằng dặc các môn năng khiếu: học vẽ, học nhạc, học đàn, học múa, học tiếng Anh... cuốn bọn trẻ đi trong vòng quay của việc "học, học và học".
Và tôi có cảm giác mình lạc lõng vô cùng với quan niệm của nhiều phụ huynh trong việc dạy dỗ con trẻ hôm nay. Trẻ con phải được vui chơi, khám phá cuộc sống tươi đẹp và gần gũi, gắn kết, vun đắp yêu thương với các thành viên trong gia đình.
Mỗi ngày đến lớp mầm non, con trẻ sẽ học kiến thức vừa đủ rồi rèn các nề nếp, kỹ năng, phẩm chất cần thiết. Và quan trọng là các con phải được vui chơi cùng bạn bè, xây đắp kỷ niệm để có một tuổi thơ đúng nghĩa, trọn vẹn.
Để khi rời vòng tay cô giáo, con vẫn có thể nở nụ cười tươi rói hào hứng kể về chuyện trường lớp, bạn bè, thầy cô chứ không phải là khuôn mặt buồn so vì ngồi suốt buổi viết chữ, rèn chữ và liên tục bị mắng khi không bằng bạn bằng bè.
Như cây non được tưới tắm một cách tự nhiên, con trẻ sẽ trưởng thành một cách khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tâm hồn. Nhưng nhìn vào thực trạng trẻ mầm non đang phải học như hiện nay, tôi nghĩ các con đang bị "ép chín" một cách gượng ép, thô bạo.
Trẻ mới hai tuổi đã bắt đầu học tiếng Anh rồi luyện toán thông minh. Trẻ lớn hơn tí xíu đã bị "khai gian tuổi" để xin vào được lớp năng khiếu ở trung tâm thiếu nhi. Trẻ mới học mầm non đã gồng gánh viết chữ, luyện đọc, làm toán. Trẻ khóc tức tưởi không muốn vào lớp năng khiếu vẫn bị đẩy vào với cái trừng mắt răn đe của bố mẹ...
Đó là bức tranh muôn hình vạn trạng về áp lực của việc học mà con trẻ độ tuổi thèm chơi, mê ngủ hôm nay đang hứng chịu. Chưa tới thời điểm phải học, chưa đủ độ tuổi cũng phải học, chưa đủ năng lực nhận thức cũng học.
Dường như bố mẹ đang bất chấp sở thích, năng khiếu, nguyện vọng của con trẻ như thế nào để rồi chỉ cần nghe ngóng con nhà bên học môn gì hay là đăng ký, dò la con bạn bè học ở đâu tốt là ghi tên... Khi một đứa trẻ bị "ép chín", kỳ vọng của bố mẹ bỗng hóa thành đá tảng nặng nề mà con trẻ phải đeo mang qua ngày, qua tháng, qua năm...
Còn bạn, bạn có đang "ép chín" thiên thần nhỏ của mình không?
Thùy Mai
Theo Dân trí
Choáng váng thư mời ông/bà "Khai sinh không cha" đến họp phụ huynh Một học sinh lớp 7 một trường THCS ở quận 12, TPHCM nhận được giấy mời họp phụ huynh ghi mời Ông/bà: Khai sinh không cha. Gia đình em vừa bức xúc vừa lo lắng sự tổn thương đến con trẻ... Sự việc được phụ huynh ở TPHCM phản ánh, thư mời họp phụ huynh kết thúc học kỳ I của một học...