Bạn đọc viết: Bâng khuâng nhớ mùa “hoa hạt phấn” đầu tiên
Ngày ngày bên bục giảng, khi nét phấn trắng chạm vào bảng đen, một lớp bụi phấn bung ra, xoay nhẹ trong gió. Tôi thường ngắm những bông “hoa hạt phấn” trắng ngần ấy, môi mỉm cười và lòng bỗng thênh thang đến lạ lùng…
Tháng sáu, cơn nắng hạ phớt sắc vàng hanh hao lên cảnh vật. Ngẩng mặt lên tìm kiếm, một thoáng bâng khuâng bỗng nhen nhóm khi phượng hồng nhú lên thắp lửa rừng rực giữa trời.
Tháng sáu, cổng trường nơi nơi nhộn nhịp đón những cô cậu học sinh rộn rã, háo hức xen lẫn bao lo toan bước vào mùa thi quan trọng nhất cuộc đời. Một mùa thi nữa đã về. Trong số hàng trăm nghìn sĩ tử kia, có bao nhiêu bạn trẻ chọn bục giảng, phấn trắng làm bến đỗ cuộc đời?
Hãy vững lòng với lựa chọn “gõ đầu trẻ” bạn nhé! Bắt đầu hành trình chở ước mơ trên bục giảng, bạn sẽ uống trọn vẹn men say hạnh phúc lâng lâng từ lớp lớp thế hệ học trò. Thỉnh thoảng, hành trình ấy cũng phải chững lại, bởi khó khăn, vấp ngã như chực chờ nuốt chửng lấy những nỗ lực cố gắng của con người.
Nhưng rồi, sau tất cả, niềm hạnh phúc được ngày ngày làm bạn với phấn trắng, bảng đen sẽ lại nồng ấm hơn, thấm đượm hơn. Giờ đây, con thuyền ký ức trong tôi đang trập trùng nỗi nhớ về mùa hoa hạt phấn đầu tiên…
Sinh viên thực tập sư phạm (ảnh minh họa)
Tháng thực tập sư phạm của mười hai năm trước cũng ngập tràn nắng hạ vàng ươm. Đoàn sinh viên năm cuối chúng tôi bắt đầu đợt thực tập ở Trường Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng (Thừa Thiên – Huế). Bao cung bậc cảm xúc hân hoan, háo hức, bối rối, lo âu níu bước chân chúng tôi chậm lại, ngập ngừng hơn.
Đưa tay vuốt lại mái tóc, chỉnh lại tà áo, cố nở nụ cười thân thiện với đàn chim non, lòng nhủ lòng tự tin lên, dũng cảm nào… Vậy nhưng những khuôn mặt non nớt trong trang phục áo dài thước tha bỗng khựng lại, líu ríu đến tội nghiệp mỗi khi hàng trăm cặp mắt học sinh lém lỉnh nhìn chăm chú.
“Dạ thưa cô” – ba tiếng thưa gửi từ “nhất quỷ, nhì ma” ấy vang lên không biết bao nhiêu lần vẫn đủ sức lay động cảm xúc trong tôi. Hạnh phúc xiết bao khi mình là cô giáo, dẫu chỉ là thực tập sinh nhưng lòng ấm áp đến lạ lùng. Được phân công làm “mẹ” của đàn con nhỏ lớp 6/8, tôi nắm chắc bàn tay bước vào “cuộc chiến” chinh phục các em.
Video đang HOT
Cuộc chiến của người “kỹ sư tâm hồn” tất nhiên chẳng hề đơn giản. Tháng ba lại là tháng hoạt động Đoàn, Đội tích cực nhất. Chúng tôi lê la cùng các em suốt ngày luyện tập nghi thức, tập luyện văn nghệ. Rồi sát cánh bên các em mỗi ngày, theo dõi việc học tập ở lớp, uốn nắn các biểu hiện sai quấy, thực hiện tiết sinh hoạt cuối tuần… Bao nhiêu công việc là bấy nhiêu chất keo gắn kết tình thầy nghĩa trò thắm thiết hơn, đậm đà hơn.
Gieo yêu thương sẽ gặt hạnh phúc, tôi may mắn nhận được sự tin yêu, lòng cảm mến từ học trò. Những lời hỏi thăm ân cần, những câu tâm tình lí nhí, những nụ cười hớn hở, những cánh hoa ngày lễ… thắm tô thêm trang viết thực tập sư phạm lung linh. Túi hành trang của “người đưa đò” tương lai bỗng đầy vun những kỷ niệm đẹp nối dài những bước chân háo hức.
(ảnh minh họa)
Thỉnh thoảng lật từng trang lưu bút ngày xưa, đọc lại từng câu viết ngây ngô của một thời hoa mộng, tôi nhớ đến quay quắt từng góc nhỏ kỷ niệm về “đàn con” đầu tiên ấy.
Tôi mường tượng cái dáng cao dong dỏng của cô bé lớp trưởng ngày xưa, nghiêm trang, chỉn chu như “bà cụ non” điều khiển mọi phong trào lớp.
Tôi nhớ giọng nói ngọt lịm của cô bé lớp phó giỏi giang, sau cánh cửa lớp vẫn âu yếm gọi cô giáo nhỏ của mình là “chị gái”.
Tôi nhớ bé Thơ chữ đẹp nhất lớp, bạn Thắng “mập” múa dẻo đến ngạc nhiên, bé Khánh Linh hát hay, Hoàng Ân hiền lành, Hùng nhút nhát, Nghĩa nghịch ngợm, Yến có chất giọng ồ ồ…
Sáu tuần thực tập rạng rỡ niềm vui. Rồi ngày chia tay cô giáo về mái trường lại sư phạm đong đầy nước mắt. Bánh kẹo dọn ra đầy bàn, lũ trẻ bận khóc, cô giáo cũng khóc. Những khuôn mặt ướt nhòe nước mắt, đôi mắt đỏ ửng đến tội nghiệp của ngày ấy cứ đọng lại rưng rưng cả cõi lòng.
Tất cả, tất cả giờ đã thành kỷ niệm, thành hồi ức không thể quên. Giữa bộn bề công việc, kỷ niệm chỉ tạm ngủ yên ở một góc nhỏ trong ký ức và lớp bụi thời gian yêu thương phủ lên đấy “tấm chăn” mỏng manh của yêu thương, trân quý. Và chỉ cần chạm vào một chút sắc hoa tím biếc, một chút nắng hạ đầu mùa, một chút ngập ngừng, bỡ ngỡ của lớp lớp sinh viên kế cận trước cổng trường là nỗi nhớ lại ùa về, da diết, quay quắt…
Ơi mái trường Huỳnh Thúc Kháng mến thương, lòng biết ơn của chúng tôi vẫn mãi vẹn nguyên như ngày nào. Cảm ơn các thầy giáo, cô giáo ngày xưa đã dìu dắt đàn em nhỏ đi hết quãng thời gian thực tập sư phạm với những lời chỉ bảo ân cần bằng tấm lòng của người đi trước.
Ơi mái trường Huỳnh Thúc Kháng yêu thương, những bông “hoa hạt phấn” đầu tiên của chúng tôi đã rơi đầy tự hào. Dẫu trang giáo án còn đỏ thắm dấu mực sửa bài, giờ lên lớp còn vụng về, lóng ngóng nhưng tất cả vẫn là những kinh nghiệm, bài học quý giá theo suốt cuộc đời.
Mười hai năm đã trôi qua, tưởng là dài đến vô cùng mà chỉ như cái chớp mắt của thời gian. Mười hai mùa hoa hạt phấn cũng đã nở. Đôi lúc giật mình nhìn lại, hồi tưởng và tự vấn bản thân rằng đã làm tròn trách nhiệm của một người thầy hết lòng dạy dỗ, yêu thương học sinh chưa và thở phào nhẹ nhõm. May mắn thay, lời hứa ngày xưa trong tâm thức vẫn vẹn nguyên!
Ngày ngày bên bục giảng, khi nét phấn trắng chạm vào bảng đen, một lớp bụi phấn bung ra, xoay nhẹ trong gió. Tôi thường ngắm những bông “hoa hạt phấn” trắng ngần ấy, môi mỉm cười và lòng bỗng thênh thang đến lạ lùng.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Hơn 20 năm tình nguyện gieo chữ miền biên viễn
Gần 24 năm tình nguyện gắn bó với "phấn trắng, bảng đen" nơi vùng sâu biên giới, cô giáo Phạm Thị Tố Vui đã vượt qua biết bao khó khăn, vất vả tình nguyện bám trường, bám lớp, đem con chữ đến với con em đồng bào miền biên viễn. Mới đây, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và trở thành người đầu tiên của tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu cao quý này.
ảnh minh họa
Khắc phục khó khăn bằng đổi mới phương pháp dạy học
Sinh năm 1974 và là người con của quê hương xã Xuân Dục (Mỹ Hào, Hưng Yên), năm 1990, cô Phạm Thị Tố Vui theo gia đình vào định cư vùng biên giới Thạnh Hóa (Long An). Năm 1991, Trường Trung học Sư phạm Đồng Tháp Mười chiêu sinh giáo viên dạy học nơi vùng sâu của tỉnh và cô trúng tuyển vào ngành.
Ra trường năm 1993, cô được phân công về dạy tại Trường tiểu học Tân Hiệp. Năm 1995, cô về công tác tại Trường Tiểu học Thuận Bình - nơi cô từng ấp ủ ước mơ dạy học và tình nguyện gắn bó công tác cho đến nay. Những nơi cô công tác đều là trường vùng sâu biên giới, giáp Campuchia của huyện Thạnh Hóa (Long An).
Cô Phạm Thị Tố Vui cho biết: Cô dạy lớp ghép 2 trình độ. Từ điểm trường nơi cô dạy học khi chưa có đường lộ, phải đi bằng đò cách điểm chính hơn 10 km. Mỗi lần hội họp, sinh hoạt chuyên môn hoặc chở học sinh tham gia phong trào, cô phải đi từ sáng tới chiều tối mới về vì cả ngày mới có 1 chuyến đò duy nhất qua sông. Nơi cô dạy học, đa số HS là con em hộ nghèo nên phụ huynh ít có điều kiện quan tâm đến việc học của con em; phụ huynh thường giao phó cho giáo viên "từ A đến Z".
"Là giáo viên dạy học ở vùng biên giới, tôi và các học trò gặp rất nhiều khó khăn. Đường giao thông chưa thuận lợi, vào mùa nắng thì bụi mù đất đỏ, ngày mưa thì trơn trượt khó đi. Trường học được xây dựng từ năm 1992 đến nay đã xuống cấp, bàn ghế cũ không đúng quy cách, sân chơi bãi tập cho học sinh chưa được xây dựng hoàn thiện. Ở điểm trường lẻ, không có các phòng học chức năng để các em học Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục... nên cũng khó phát huy được năng lực, sở trường, năng khiếu của học sinh" - cô Phạm Thị Tố Vui bộc bạch.
Khắc phục những khó khăn trên, cô Phạm Thị Tố Vui đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, mạnh dạn áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy như: phương pháp bàn tay nặn bột, sơ đồ tư duy, dạy học hợp tác nhóm, khăn trải bàn, dạy học gợi mở, nêu vấn đề... Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thiết kế các bài giảng điện tử làm cho các tiết học trở nên phong phú, học sinh hứng thú, tích cực hơn.
Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, cô còn chủ động đổi mới đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức, xây dựng lớp học thân thiện giữa cô và trò, giữa trò với trò. Mặt khác, chú trọng giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho các em qua việc tích hợp vào các môn học, qua các tiết hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ, qua các câu chuyện kể về Bác, các tấm gương "người tốt việc tốt" để các em học tập, rèn luyện.
Cũng theo cô Phạm Thị Tố Vui, trong bối cảnh ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, thì mỗi giáo viên cần rèn luyện tính kỷ luật cao, tác phong chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp ứng xử, lối sống văn hoá, phẩm chất đạo đức tốt, góp phần thực hiện thiết thực, có hiệu quả phong trào "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Đối với học sinh, hướng cho các em phát huy tính tự giác, ý thức trong việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh; ra - vào lớp đúng giờ, tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với mọi người.
Động lực bám trường, bám lớp
Cô Phạm Thị Tố Vui bộc bạch: Chính những học sinh nghèo, ham học, ngoan ngoãn, luôn chăm chú nghe giảng với những ánh mắt và câu hỏi ngây thơ, hồn nhiên là động lực để cô bám trường, bám lớp cho đến nay. "Ngoài ra, sự quan tâm, giúp đỡ, động viên, của đồng nghiệp, tạo điều kiện về mọi mặt của chính quyền địa phương và các cấp lãnh đạo, sự chất phác, chân thành của người dân nơi đây đã giúp tôi có thêm niềm tin để tiếp tục hành trình gieo chữ nơi biên cương của Tổ quốc" - cô Phạm Thị Tố Vui trải lòng.
Tâm nguyện lớn nhất của cô Phạm Thị Tố Vui là nhà trường được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh được giao lưu, học hỏi ở các trường tiên tiến. Cô cũng mong muốn Nhà nước xây dựng đường giao thông để giáo viên, học sinh và người dân không phải vất vả đi lại trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, cận nghèo để các em yên tâm đến trường; giảm bớt sự thiệt thòi cho giáo viên và học sinh vùng biên giới, đưa chất lượng giáo dục ở biên giới theo kịp các trường ở vùng thuận lợi.
Được biết, cô Phạm Thị Tố Vui còn là "cây viết" sáng kiến kinh nghiệm. Hiện cô có 17 sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, trong đó 11 sáng kiến cấp huyện, 6 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh được xếp loại từ B đến A. Với gần 24 năm trong nghề, cô đã có 17 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Đặc biệt năm 2014, cô được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong dịp 20/11 vừa qua, cô còn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Theo Giaoducthoidai.vn
Nhớ lần đầu tiên đưa con đi thi đại học Trước mỗi kỳ thi quan trọng, tạm gác những lo toan và bộn bề trong cuộc sống, các bậc phụ huynh đã dành thời gian để đưa đón và chờ đợi, cùng con chia sẻ nỗi lo với con em mình. Câu chuyện dưới đây khắc họa thêm tình yêu thương vô bờ bến đó. Một số bậc phu huynh đọc báo để...