Bạn đọc viết: Bạn có ép con học chữ trước khi vào lớp 1?
Một người bạn của tôi là giáo viên vừa gọi điện hối hả hỏi: “Con cậu có phải là thế hệ của công nghệ giáo dục?”, “Cháu có học trước khi vào lớp 1 không?”, “Học chữ ở đâu sẽ tốt?”… Sau hàng loạt câu hỏi là tiếng thở than của người mẹ có con gái sắp bước vào lớp 1 với áp lực tâm lý đè nặng.
Ảnh minh họa
Ngưỡng cửa con trẻ bước vào lớp 1 với những bỡ ngỡ buổi ban đầu làm quen việc học bao giờ cũng khiến bố mẹ, ông bà quay tít trong nhiều nỗi lo: Lo trẻ lạ lẫm với việc ngồi hàng giờ để viết chữ làm toán, lo trẻ không vào nề nếp trường lớp, lo trẻ thiếu ý thức trong học tập… Và nỗi lo lớn nhất của nhiều gia đình là trẻ không đuổi kịp với việc học trên lớp, bị bạn bè bỏ xa và trở thành “con vịt lạc đàn”.
Bạn tôi cũng không ngoại lệ. Khi con gái bạn vào lớp 1, tôi nghĩ một giáo viên Ngữ văn cấp hai hoàn toàn có thể giúp con tập tành với việc nhận mặt số, làm toán, ghép chữ, đánh vần… Nhưng bạn lại chọn một giải pháp khác, đó là quay cuồng tìm chỗ gửi con học chữ từ hồi con mới lên 5 tuổi. Và giờ là 3 tháng hè tăng tốc ôn luyện để con vững vàng vào lớp 1.
Biết con gái tôi vừa lên lớp 2, bạn dò hỏi đủ điều những trọng tâm nhất vẫn xoay quanh chuyện tôi có cho con học chữ trước khi vào lớp 1 không. Tôi khẳng định là không hề ép con phải học sớm từ hồi mầm non và chỉ thật sự tập tành học chữ cái, làm toán vào 3 tháng hè trước khi con nhập học.
Tiếc là bạn dường như không tin điều đó. Bạn bảo nhiều người mẹ có kinh nghiệm đã dặn “không cho con học chữ trước sẽ không bao giờ theo kịp việc học trên lớp”. Bạn kể nhiều người còn dọa rằng nếu trẻ không biết chữ vào lớp 1 sẽ làm khổ cô giáo, làm khổ thành tích lớp và sẽ bị quy vào nhóm “trò chậm tiến”, “trò cần phụ đạo thêm”.
Bạn sợ vô cùng cái viễn cảnh mọi người rỉ tai nhau vẽ ra đó nên con bạn đã cắp sách đến lớp học chữ từ sớm. Bây giờ thì cháu đã đánh vẫn rành rọt, làm toán cộng trừ thông thạo. Đó là cả một nỗ lực lớn lao của hai mẹ con suốt hơn một năm qua khi “lịch trình” mỗi ngày dường như kín mít: sáng đưa con đến lớp mầm non, chiều 5 giờ đón con đến lớp học chữ và tối quay lại đón con về nhà.
Nhưng chừng ấy dường như vẫn chưa làm bạn hài lòng. Mới đầu hè bạn đã xôn xao chuyện ôn luyện tăng tốc cho kịp năm học mới. Nhìn đứa trẻ mới 5, 6 tuổi phải gồng mình lên học để bằng bạn bằng bè, học vì nỗi lo mơ hồ của phụ huynh, học vì áp lực dư luận, tôi thấy con trẻ thật đáng thương.
Lớp 1 – ngưỡng cửa đầu đời này không quá kinh khủng như nhiều bố mẹ vẫn nghĩ. Con gái tôi vừa hoàn thành xuất sắc chương trình lớp 1 như bao đứa trẻ sinh năm 2012 khác. Con đã có một năm học vừa đủ áp lực với bài vở vừa hồn nhiên vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Và chỉ có khác là tôi đã không thúc ép con phải học trước chương trình.
Còn nhớ mùa hè năm ngoái, khi bọn trẻ rục rịch chuẩn bị lên lớp 1, tôi cũng đã nhận được vô số lời đề nghị thậm chí là đe nẹt của mọi người xung quanh vì cứ khăng khăng cho con vui chơi thỏa thích suốt năm cuối cùng của mầm non. Đến hè, tôi cũng chỉ dăm ba bữa dạy con ghép vần, làm toán. Nói là “dạy” chứ thật ra tôi chỉ gợi ra vấn đề để bé con nhà tôi tự mày mò đánh vần, làm phép tính.
Hồi đầu vào lớp 1, con còn đánh vần và đọc bì bõm trong khi có nhiều bạn đã đọc vanh vách. Tôi tranh thủ luyện đọc cùng con trên đường chở con đi học, đi chơi. Các bài tập chính tả, luyện từ và câu thì mình bày trò chơi về từ ngữ để hai mẹ con cùng giải. Môn toán con theo kịp các bạn nhưng chữ viết của con hơi xấu, nét chữ hơi run vì tay cầm bút chưa nhiều.
Sau khi thi giữa kỳ 1, nhà trường chọn các bạn có chữ đẹp thi cấp trường. Con không có tên trong danh sách lớp chọn đi thi nhưng chỉ sau một học kỳ, sổ liên lạc cuối kỳ của con đã có dòng chữ nhận xét “Chữ viết đẹp” của cô giáo. Tôi nghĩ đó là sự tiến bộ của con sau một thời gian luyện viết trên lớp, hết vở tập viết lại đến vở chính tả, vở thực hành, vở tăng tiết.
Và tôi tuyệt đối không bao giờ dạy cháu đọc trước bài đọc, viết trước bài chính tả hoặc là bày cho cháu cách giải bài toán, cách đặt lời giải toán. Tất cả đều là kết quả cháu tiếp thu sau bài học ở lớp với sự tập trung nghe cô giáo giảng và chăm chỉ luyện tập.
Vì không học trước bài văn, không biết trước cách giải toán nên mọi kiến thức đều mới mẻ và thu hút cháu. Giáo dục là phải gợi ra sự tò mò, sự hứng thú khám phá. Lời khuyên này tôi đã lặp đi lặp lại cho bạn mình nhiều lần nhưng có vẻ như mọi lời nói của tôi đều bất lực với quyết tâm của một người mẹ muốn “ép chín con”. Tiếc thay!
Còn bạn, bạn có ép con học chữ trước khi vào lớp 1 và cố sức đẩy con đi trên con đường gập ghềnh của chữ nghĩa ngay ngưỡng cửa đầu tiên?
Nguyễn Thùy
Video đang HOT
Theo Dân trí
Lớp học của những đứa trẻ đầu trọc đeo ống ven: Trò cười tươi, cô rơi lệ
Cô Phấn bước vào lớp học là bỏ lại mọi sự trên đời chỉ để vui với tụi nhỏ. Lần đầu khi chứng kiến những đứa trẻ ra đi, cô thật sự bị sốc nhưng dần dần rồi quen.
Cứ thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần, những đứa bé trong bệnh viện Ung Bướu TP.HCM lại đến lớp học rộng chừng 20m2 của cô Đinh Thị Kim Phấn để học viết chữ, đánh vần, đọc sách, làm toán...
Lớp học dành cho các bệnh nhi ung thư trong Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM được thành lập từ chương trình 'Ước mơ của Thúy' đến nay đã tồn tại gần 10 năm. Cô Phấn khi còn là giáo viên trường Tiểu học Đuốc Sống (Q1, TP.HCM) thường tranh thủ qua dạy các em. Bây giờ về hưu, nhiềucông việc khác bộn bề nhưng cô vẫn dành phần lớn sức lực của mình cho những đứa trẻ kém may mắn này.
'Trong khi bạn bè cắp sách đến trường, các em phải chiến đấu với bệnh tật. Việc học dở dang. Các em đến với lớp học để tìm niềm vui như bao bạn bè trang lứa, được biết lớp học, con chữ', cô Phấn nói.
Tại lớp học này, Thạch Thị Phương Thảo là một trong những cô học trò 'lâu năm' nhất lớp. Thảo 7 tuổi, có 4 năm đi học lớp của cô Phấn, hàng ngày tô vẽ từng mẫu chữ cái. Nhiều người bạn đến rồi đi, Thảo vẫn nở nụ cười hồn nhiên, trong sáng và xem lớp học như một phần của tuổi thơ mình.
Cô Đinh Thị Kim Phấn cho biết, 'Lớp học ban đầu chỉ dạy cho những em lớp 1, lớp 2 biết đọc biết viết nhưng nhiều em ở lại điều trị lâu năm, việc học ở trường bị gián đoạn nên cô mở rộng lớp học lên đến lớp 9. Kiến thức dạy các em cũng chỉ chủ yếu cho các em biết đọc, biết viết và tham gia vui chơi trong lớp để quên đi bệnh tật'.
Hiện tại lớp học đã có 8 cô giáo khác hỗ trợ cô Phấn dạy các em nhỏ. Số tình nguyện viên cộng tác thường xuyên với lớp học đã lên đến 40 người.
Cô Phấn chia sẻ, cô bước vào lớp học là bỏ lại mọi sự trên đời chỉ để vui với tụi nhỏ. Lần đầu khi chứng kiến những đứa trẻ ra đi, cô thật sự bị sốc nhưng dần dần rồi quen. 'Không phải mình sỏi đá hay gì nhưng càng ngày mình càng hiểu hơn ý nghĩa cuộc đời, ai cũng từ giã cõi đời, quan trọng là sống như thế nào để trọn vẹn kiếp người thôi', cô Phấn ngậm ngùi.
Cô Phấn tâm sự, cô cũng đã chuẩn bị cho những thế hệ tiếp theo tiếp bước cô khi cô không còn dạy nữa.
Hơn chục em nhỏ đang điều trị ở bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tham gia lớp học.
Cô Đỗ Thị Kim Phấn - giáo viên chủ nhiệm lớp đã dạy cho hàng trăm em nhỏ suốt chục năm qua.
Cô Phấn tận tâm chỉ dạy cho các em nhỏ từng chút một.
Nhiều em nhỏ phải đeo ven truyền máu để đến lớp. Một số bạn phải về sớm vì đến giờ uống thuốc, điều trị.
Dù đến lớp học với tinh thần 'vui là chính' nhưng các em vẫn chăm chỉ học tập. Các em ý thức được từng giây phút quý giá khi đến lớp và chắt chiu nắn nót từng chữ một.
Bé Thạch Thị Phương Thảo, 7 tuổi, quê Trà Vinh vô tư theo dõi các cô chỉ bài. Thảo đã có 4 năm gắn bó với lớp học này từ những ngày điều trị bệnh.
Một em nhỏ ngáp ngủ vô tư khi viết chữ.
Cảnh thường thấy của những bệnh nhi khi đeo kim truyền trong lớp học.
Anh Nguyễn Hoàng Hợp, quê Cà Mau đưa bé Nguyễn Bảo Ngọc lần đầu đến lớp. Anh Hợp vẫn không nghĩ con mình mắc bệnh hiểm nghèo cho đến khi hồ sơ bệnh án nhiều nơi buộc anh phải chấp nhận. Chạy chữa nhiều, cuối cùng anh đưa con điều trị tại bệnh viện Ung Bướu. Anh đưa bé Ngọc đến lớp học để tìm kiếm niềm vui cho con sau những ngày điều trị vất vả, đau đớn.
Những bệnh nhi tham gia lớp học không khác gì đang ở nhà. Nơi được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn.
Thạch Thị Phương Thảo tỏ vẻ dạn dĩ hơn các bạn cùng lớp do có nhiều năm tham gia lớp học và quen với cách sinh hoạt nơi đây. Thảo cho biết em rất vui khi được cùng các thầy cô, anh chị tình nguyện vẽ chữ và ca hát, chơi đùa.
Sau tiết học nghiêm túc là phần hoạt náo của các cô và đội ngũ tình nguyện viên.
Các em nhỏ nhanh chóng bắt chuyện làm quen với nhau khi có những bạn vừa cũ vừa mới tham gia lớp học.
Bên ngoài cửa lớp, nhiều phụ huynh dõi theo con em họ.
Bạn Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên năm 2, trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM cho biết em đã tham gia làm vai trò tình nguyện viên cho lớp học được một năm. Những bài hát, múa là em tự biên để giúp các em nhỏ vui vẻ sau giờ học.
Nụ cười luôn trên môi các em nhỏ.
Sự hồn nhiên, vô tư của các em khi tham gia lớp học để tạm quên đi cái mệt mỏi của những ngày phải điều trị bệnh khiến nhiều người xúc động.
Trong lớp học không ngớt tiếng cười của cô và trò.
Những quyển vở của các em học sinh không còn học nữa. Có những em rời bệnh viện trở về nhà, có những em đã từ giã cõi trần. Trong những quyển vở ấy, có những câu chuyện được cô Phấn cất giữ, chia sẻ lên facebook như một kỷ niệm với từng học trò.
Sau mỗi buổi học các em đều được nhận quà từ các cô.
Các em cẩn thận di chuyển với ống ven truyền dịch.
Theo vietnamnet
Cuộc sống của những đứa trẻ "không bao giờ lớn" Mỗi sáng, từng căn nhà nhỏ xinh ấy lại ngập tràn tiếng gọi của các "mẹ": "Dậy đi nào mấy đứa ơi", "Dậy ăn sáng nào, đánh răng rửa mặt còn đi học", "Đăng ơi, Dung ơi, ... dậy thôi". Xuất phát từ nguyện vọng của ông George Mizo - cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến 4 năm ở Việt Nam, Làng...