Bạn đọc viết: Bài tập về nhà ngày Tết: “Nỗi ám ảnh” của trẻ
Tết đến, đứa trẻ nào cũng háo hức vì được nghỉ học dài ngày. Buổi sáng có thể ngủ nướng thêm một chút, buổi tối có thể thức khuya thêm một chút mà không sợ bị bố mẹ la mắng. Đặc biệt là được chơi nhiều hơn, học ít đi. Thế nhưng niềm mong mỏi, vui sướng ấy thường bị tắt ngóm bởi… bài tập về nhà.
Ảnh minh họa
Vì các thầy cô thường có tâm lý chung là sợ trẻ về nghỉ Tết lâu ngày “rơi vãi” mất kiến thức nên phải giao cho học sinh một ít bài tập để khỏi quên. Còn bố mẹ thì đương nhiên rất ủng hộ điều đó. Trong nhiều buổi họp phụ huynh cuối kì, tôi còn thấy một số cha mẹ đề nghị cô cứ cho nhiều bài tập vào để bọn trẻ bớt lười.
Cái gọi là “ít bài tập” của thầy cô, thông thường học sinh cũng phải bò lăn bò toài mới làm hết. Nhớ năm ngoái con tôi đang học lớp 5, nghỉ Tết cô phát cho 4 tờ A4 dày đặc chi chít những chữ là chữ ở cả hai mặt giấy, trong đó có tới mấy chục bài toán, mấy chục bài tiếng Việt. Tôi là người trực tiếp dạy con học, thông thạo mọi bài tập của con mà còn phải nhăn mặt kêu trời, làm thế này đến bao giờ mới xong. Và tôi tự cho phép con chỉ làm một nửa trong số đó, ra Tết đi học nếu có bị cô mắng cũng không sao.
Trong thâm tâm tôi thì tin chắc là không có cô nào mắng cả và cũng không có đứa trẻ nào lại kiên nhẫn, chịu khó đến mức ngồi làm hết chừng ấy bài trong không khí ngày Tết náo nức, xôn xao. Vậy mà, nghe con kể vừa đi học cô đã kiểm tra xem học sinh có làm hết không và trong lớp cũng có nhiều bạn làm hết lắm.
Ôi chao, tôi nghe mà thấy thương thay cho những bạn nhỏ siêu chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời ấy. Chắc để làm hết chỗ bài tập đó trẻ phải dính chặt lấy cái bàn học cả mấy ngày giáp Tết và sau Tết. Khung cảnh đất trời, con người ra sao trong những ngày đặc biệt ấy, trẻ không có cơ hội được biết. Đáng buồn nhất là trẻ sẽ chẳng còn chút thời gian nào để cùng bố mẹ chuẩn bị, trang hoàng nhà cửa, vào bếp nấu nướng một món ăn nào đó để cảm nhận không khí gia đình tất bật, hối hả mà ấm cúng, vui tươi.
Bài tập về nhà ngày Tết đúng là nỗi ám ảnh của những đứa trẻ khoác trên mình chiếc áo học sinh. Năm nay con tôi học lớp 6, có thêm nhiều môn học hơn tiểu học, tôi đang hình dung ra không biết mấy ngày nữa nghỉ tết, con sẽ có tổng cộng bao nhiêu bài về nhà tất cả. Môn nào thầy cô cũng lo, cũng sốt ruột vì các con nghỉ nhiều nên chắc chắn là bài tập sẽ chồng bài tập, việc học bị dồn đống lại. Với những học sinh cuối cấp, bài về nhà càng nặng nề hơn gấp bội. Nhiều thầy cô còn có chiêu thức vừa tiết học đầu tiên của năm mới đã mừng tuổi học trò bằng 1 bài kiểm tra để xem nghỉ Tết có chịu học hành gì không.
Thật lòng, tôi nghĩ việc học tuy là quan trọng số 1 với học sinh nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải nhồi nhét, tham lam kiến thức đến thế. Nhất là vào một dịp đặc biệt như ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người lớn say sưa với những dự định vui chơi, tiệc tùng cỗ bàn mà lại bắt trẻ ngồi học với lý do khỏi quên kiến thức thì thật bất công và chắc chắn hiệu quả cũng chẳng được là bao.
Theo tôi, học ra học chơi ra chơi thì tốt hơn, khi vào guồng quay học tập có thể ép trẻ gồng hết sức mình nhưng lúc chơi thì cứ để tâm trí chúng được thoải mái nhất có thể. Đầu óc khi được dọn dẹp thông thoáng sẽ tiếp thu kiến thức mới tốt hơn.
Video đang HOT
Ngoài ra, tôi cũng luôn trăn trở với câu hỏi tại sao bài về nhà ngày Tết không phải là điều gì đó mới mẻ, sáng tạo hơn mà năm nào cũng thế, thầy cô nào cũng vậy, chỉ đóng khuôn cứng nhắc trong những kiến thức hàn lâm, những bài tập kinh điển có thể tìm thấy bất cứ lúc nào ở sách vở hoặc trên mạng. Trong khi cả năm chỉ có mấy ngày Tết mà Tết là dịp tốt nhất để học sinh học những điều ngoài sách vở. Ví dụ như tìm hiểu về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền, phong tục thờ cúng tổ tiên, lễ tất niên, lễ giao thừa, phong tục thăm hỏi người thân, làng xóm, bạn bè, ẩm thực ngày Tết… Bài tập về nhà cũng có thể là lập kế hoạch những ngày nghỉ Tết của em sao cho hữu ích nhất hoặc viết bài thu hoạch về những điều em đã làm được trong dịp Tết vừa qua.
Những kiểu bài tập như thế có thể tùy theo từng lứa tuổi học sinh mà giao nhiệm vụ. Chắc chắn học sinh sẽ thấy hứng thú hơn nhiều việc phải ngồi lỳ một chỗ giải những bài toán,viết những câu văn đơn điệu như ngày thường. Và quan trọng nhất là các em có nhiều thời gian để trải nghiệm, cảm nhận vẻ đẹp đặc biệt của ngày Tết cổ truyền, từ đó nuôi dưỡng tình yêu với quê hương, đất nước, dân tộc mình.
Hà Đông
Theo Dân trí
"Hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao bài tập dịp Tết"
"Học sinh bây giờ học quanh năm, học sáng, chiều, tối. Nhiều em học như chạy sô, thậm chí ăn cả trên xe, ăn trong lớp học thêm... Học sinh gần như không có hè, không có Tết. Do đó hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao bài tập cho học sinh dịp Tết."
Trên đây là ý kiến của một giáo viên về việc có nên giao nhiều bài tập cho học sinh dịp Tết hay không.
"Nghỉ tết": Không nên bắt học sinh vùi đầu vào học
Cách đây một thời gian, có bà mẹ đăng ảnh học sinh phải làm đến hơn 40 bài tập Toán, chưa kể bài tập Tiếng Việt. Bức ảnh đã khiến cộng đồng mạng có nhiều tranh cãi trái chiều.
Người cho rằng nên giao bài tập để các em không lơ là việc học. Người bảo, học sinh giờ học quá nhiều, ngày nghỉ, hãy để các em được nghỉ.
Một giáo viên ở Quảng Bình cho biết, đã gọi là nghỉ Tết mà bắt trẻ con vùi đầu vào học thì có công bằng không?
Tết là khoảng thời gian các em vui chơi sum vầy bên người thân, vậy nên không quá gây áp lực bởi việc học.
"Tôi còn nhớ hồi xưa, tôi rất sợ mỗi khi nghĩ lễ bởi giáo viên sợ học sinh chơi dài, quên việc học nên giao nhiều bài tập. Vì thế hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao nhiều bài tập cho học sinh vào ngày tết. Có chăng, chỉ là các bài tập của bài học hôm trước, chuẩn bị sang bài sau như ngày thường. Những gì mình không thích trước đây, nhất định giờ không được áp dụng cho trẻ", giáo viên này nói.
Tết là khoảng thời gian các em vui chơi sum vầy bên người thân, vậy nên không quá gây áp lực bởi việc học. (Ảnh: Minh họa).
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho hay qua một khảo sát nhỏ trên diễn đàn Toán học- với câu hỏi: "Có nên giao nhiều bài tập cho học sinh dịp Tết không"?, khoảng 99% đồng ý không giao bài tập.
"Người lớn đến ngày Tết còn nghỉ thì không có lý do gì lại bắt học sinh làm bài tập dịp Tết.
Thời gian nghỉ Tết của học sinh là không nhiều (như Hà Nội là 10 ngày). Theo quan sát của tôi từ những năm trước, ở nhiều nơi học sinh mất khoảng một ngày để làm bài tập cho một môn, thành ra Tết chỉ để làm bài tập", thầy Tùng nói.
Cũng theo thầy Tùng, một đồng nghiệp kể: Trước Tết, tổ Toán có phân công mỗi giáo viên soạn bài tập một chương để sau Tết nộp, thế rồi qua Tết gặp nhau, chưa ai soạn được bài nào.
Học sinh cũng vậy, các em không còn thời gian để làm bài tập nên nếu giáo viên cứ giao, khả năng cao là các em lại chép của nhau, như thế chả có tác dụng gì.
Người lớn đến ngày Tết còn nghỉ thì không có lý do gì lại bắt học sinh làm bài tập dịp Tết. (Ảnh minh họa)
Ý thức không bắt nguồn từ việc "ép" làm bài tập
Cũng trên diễn đàn Toán học, một số giáo viên cho biết, việc ép học sinh làm nhiều bài tập, không làm tăng ý thức học tập của các em.
Nên chăng, lúc học, thầy cô cần nghiêm túc triệt để, nhưng khi chơi, cũng để các em chơi đúng nghĩa. "Học sinh đã dành 99% cho việc học, còn 1% để nghỉ ngơi, nên để các em nghỉ", giáo viên này nói.
Bà Phạm Thị Cúc Hà, Giám đốc Đào tạo hệ thống giáo dục Justkids cho hay, không nên giao bài tập nhiều cho học sinh dịp Tết bởi các em có thể học được nhiều thứ từ cái tết cổ truyền của dân tộc.
Còn theo thầy Mạnh Tùng, nghỉ tết cũng là khoảng thời gian để các em được thư giãn cơ thể, bồi dưỡng trí lực, tạm quên để ghi nhớ tốt hơn. Sau vài buổi đi học, cùng với sự giúp đỡ của giáo viên, các em sẽ bắt nhịp được ngay.
"Nhiều phụ huynh lo lắng, nếu không giao bài tập Tết thì học sinh sẽ ôm ti vi, máy tính hay dán mắt vào điện thoại cả ngày. Theo quan điểm của tôi, nếu điều đó xảy ra thì lỗi thuộc về phụ huynh.
Người lớn cần hướng dẫn, giao việc cho các em để các em không phải là người ngoài cuộc trong dịp Tết, như thế các em sẽ học được nhiều bài học có giá trị mà có thể ở trường các em không được học", thầy Tùng cho hay.
Theo thầy Tùng, chúng ta cần trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết, để việc chuẩn bị Tết được chu đáo, việc đón Tết được vui vẻ, ấm cúng, bổ ích và an toàn.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: "Thích nhất là Tết không phải học bài" Lũ trẻ nhà tôi đã bắt đầu kì nghỉ Tết kéo dài 10 ngày. Tôi định mỗi ngày sẽ giục con học khoảng 1 tiếng. Các con nhăn nhó: "Mẹ lại bắt học, Tết mà phải học thì chán lắm!". Vậy là tôi quyết định cho các con chơi thỏa thích, sách vở xếp gọn trong ngăn bàn... Lũ trẻ nhà tôi đã...